Một mô hình sáng tạo dễ áp dụng vào giảng dạy
Thầy Hoàng bên mô hình sửa chữa lắp ráp máy tính của mình. Ảnh: Đinh Yến
Với niềm đam mê sáng tạo, thầy giáo Đoàn Trần Hoàng (Khoa Công nghệ thông tin nghiệp vụ-Trường CĐ Nghề Gia Lai) đã chế tạo thành công mô hình sửa chữa lắp ráp máy tính. Mô hình này được mang đi dự thi tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây và đạt giải nhì.
Theo thầy giáo Đoàn Trần Hoàng, mô hình đã khắc phục được một số hạn chế của các thiết bị giảng dạy cùng loại hiện có. Trên thực tế, mô hình đã được Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa vào giảng dạy ở các trường nghề nhưng để áp dụng vào việc giảng dạy cho học sinh ở tỉnh ta thì không phù hợp. Bởi phần lớn học sinh đang theo học ngành công nghệ thông tin là người dân tộc thiểu số.
Vì thế, để cho các em dễ học dễ hiểu và dễ áp dụng vào thực tiễn thì từ những mô hình, thiết bị có sẵn thầy Hoàng đã cải tiến lại cho phù hợp để phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Hơn nữa, từ thực tế giảng dạy, cộng với tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp, thầy Hoàng đã sáng tạo ra mô hình sửa chữa lắp ráp máy tính. Mô hình không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực trong giảng dạy mà còn rất dễ áp dụng vào thực tiễn.
Tại Hi giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015 có 232 giáo viên đến từ 158 cơ sở dạy nghề của 56 tỉnh, thành trên cả nước tham gia trình giảng ở 41 nghề. “Tại hội giảng, tôi cùng với 6 học sinh (tương đương với số sinh viên theo quy định của hội giảng) đã thuyết trình những mô đun cộng với các bài giảng thực hành của từng mô đun.
Bằng hình ảnh trực quan qua mô hình, giáo viên dễ giảng dạy còn học sinh cũng dễ dàng tiếp thu những kiến thức cơ bản, gần như thành thạo để thao tác trên các thiết bị thật. Nhờ thế, sau khi kết thúc bài giảng, Ban giám khảo đã đánh giá rất cao và chấm điểm đạt xuất sắc cho mô hình của tôi”-thầy Đoàn Trần Hoàng cho biết.
Nói về lợi ích mà mô hình mang lại, thầy Hoàng cho biết: Mô hình này giúp cho người học trực quan khi thực hành kỹ năng các mô đun nghề: kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính (giáo vụ trực quan cho học sinh); nâng cao hiệu quả học tập trong việc dò mạch điện, đo kiểm tra nguội và nóng; thực hành rèn luyện kỹ năng nghề. Đồng thời, giúp cho các em rèn luyện thái độ cẩn thận, chính xác, tính an toàn trong việc sử dụng các thiết bị.
Không những thế mô hình còn dễ áp dụng vào thực tiễn. “Sau khóa học, học sinh nắm bắt được tất cả các loại thiết bị, chỉ cần khi khởi động máy là biết máy bị sự cố phần nào và xử lý. Việc lắp đặt mạch điện, tháo lắp và sửa chữa thiết bị cũng rất tiện lợi.
Thay vì phải “chắp vá” các thiết bị với nhau, bây giờ thầy và trò có hẳn hệ thống thực hành tiện lợi và sát với thực tiễn. Sinh viên có cảm giác như thật khi đấu xong các linh kiện, hay sửa chữa thiết bị trên mô hình. Bây giờ, tiết học hứng thú hơn nhiều, hiệu quả giảng dạy cũng tốt hơn”-thầy Hoàng cho biết.
“Cây sáng kiến” là biệt danh mà đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai dành cho thầy giáo Đoàn Trần Hoàng. Còn khi chúng tôi hỏi, thầy chỉ cười nói: “Nhờ yêu thích ngành công nghệ thông tin, nên ở mọi lúc mọi nơi tôi hay mày mò, sửa chữa thiết bị làm riết rồi thành quen”.
Thầy Trần Văn Kiệm-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai nhận xét: “Đoàn Trần Hoàng là giáo viên có năng lực, học ngành điện tử viễn thông, am hiểu về máy tính, nên phần lớn thiết bị của khoa đều giao cho thầy thực hiện. Hơn nữa, bất cứ đề tài, sáng kiến cải tiến nào, thầy Hoàng cũng tìm tòi, sắp xếp hợp lý, hiệu quả cao, tiết giảm được chi phí, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà trường”.
Theo GD&TĐ