Một lớp giáo viên vừa phải dạy trực tiếp lẫn trực tuyến là bất khả thi
Phụ huynh cần cho con em mình đến trường, nhất là những học sinh từ lớp 7 trở lên, các em đã được tiêm 2 mũi vaccine nên đã đủ điều kiện để học tập trực tiếp.
Bắt đầu từ ngày 14/2 thì phần lớn học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các tỉnh phía Nam đã trở lại trường học tập trực tiếp. Việc đưa học sinh trở lại trường là một nỗ lực rất lớn của nhiều ban ngành mà đặc biệt là vai trò của từng nhà trường trong việc thuyết phục, vận động phụ huynh học sinh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đã giảm mạnh về số ca nhiễm hằng ngày, nhiều tỉnh mỗi ngày chỉ còn trên dưới 10 ca bệnh. Vì thế, việc cho học sinh từ 12 tuổi trở lên, đã được tiêm ngừa 2 mũi vaccine là điều kiện cần và đủ để các em trở lại trường học tập trực tiếp trong lúc này.
Tuy nhiên, tại các trường học thì vẫn còn hiện tượng một vài em học sinh/ 1 khối lớp chưa đến trường học tập trực tiếp vì phụ huynh chưa đồng ý nên vẫn đăng ký học trực tuyến.
Chính vì thế, nhiều trường học phải vừa triển khai dạy trực tiếp, vừa phải dạy trực tuyến khiến cho một số thầy cô vất vả hơn rất nhiều mà hiệu quả học tập trực tuyến của học trò cũng không được đảm bảo.
Một số phụ huynh ở các tỉnh phía Nam vẫn còn e ngại cho con em mình đến trường. (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh)
Nhiều trường học đang phải vừa dạy trực tiếp, vừa trực tuyến trong một lớp học?
Bắt đầu từ ngày 14/2 thì đa phần các tỉnh phía Nam đã cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học tập trực tiếp sau 20 tuần học sinh phải học tập trực tuyến.
Trước khi cho học sinh trở lại học trực tiếp thì các nhà trường cũng đã có rất nhiều lần lấy ý kiến phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp phải động viên, thuyết phục phụ huynh cho học sinh đến trường.
Thế nhưng, sau những buổi học tập trực tiếp đầu tiên thì các trường học vẫn còn một số học sinh chưa đến trường do phụ huynh không đồng ý – cho dù giáo viên, nhà trường đã gọi điện thuyết phục nhiều lần.
Chính vì thế, các trường học phải có thêm kế hoạch giảng dạy cho những học sinh không tham gia học trực tiếp tại trường vì không thể để học sinh mất bài học hàng ngày. Nhưng, bố trí ai dạy và dạy như thế nào là cả một vấn đề rất lớn.
Vì bố trí giáo viên dạy riêng cho những em chưa tham gia học trực tiếp cũng đồng nghĩa là phải cân đối số tiết theo định mức của giáo viên trong trường. Nếu phát sinh thừa giờ thì lấy kinh phí ở đâu để chi trả cho giáo viên?
Trong khi, mỗi khối lớp chỉ còn một vài em học sinh chưa tham gia học trực tiếp, thậm chí có khối lớp hơn gần 500 học sinh nhưng chỉ còn 1 em học trực tuyến mà thôi. Nếu như những học sinh này là F0 thì không nói làm gì nhưng đằng này các em không phải là F0, không phải là F1…
Trước những khó khăn như vậy, nhiều trường học phải bố trí mỗi khối sẽ có 1 lớp vừa dạy trực tiếp, vừa truyền trực tuyến cho học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Và, tất nhiên là nhà trường phải trang bị thêm máy móc để ghi hình các tiết dạy và bố trí đường truyền trực tuyến theo các link đã được tạo sẵn để học sinh học tập.
Nhưng, mỗi tiết học chỉ có 45 phút nên khi giáo viên vào lớp không có nhiều thời gian cho cả 2 “chiến tuyến”. Trong khi, giáo viên phải thực hiện các thao tác lắp máy, mở email, mở link và phải đảm bảo đường truyền đến học trò của mình nên nhiều khi ảnh hưởng rất nhiều đến lớp học trực tiếp.
Bên cạnh đó, những thầy cô giáo được phân công dạy các lớp học này cũng phải vất vả hơn vì phải vừa phải soạn giáo án PowerPoint để kết hợp truyền cho học sinh học trực tuyến. Hơn nữa, không mấy giáo viên muốn mình đang bị camera ghi hình qua mỗi tiết dạy trên lớp.
Nhưng, điều đáng bàn ở đây là những học sinh không đến trường cũng rất khó để học tập, ghi chép vì khi ghi hình lớp học và truyền qua link cho học trò thì hình ảnh sẽ không rõ phần ghi chép của thầy cô ở trên bảng.
Đặc biệt, mỗi khi học sinh trong lớp trao đổi, thảo luận bài vở hoặc một vài em mà nói chuyện thì mic sẽ hút âm thanh trong lớp học nên phía bên học trực tuyến sẽ khó nghe được lời giảng của thầy cô đang giảng dạy ở lớp học trực tiếp.
Video đang HOT
Vừa dạy trực tiếp, vừa truyền trực tuyến sẽ không khả thi
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đã tạm thời lắng xuống, số ca nhiễm giảm mạnh trong khoảng vài tháng nay. Hơn nữa, chủ trương cho học sinh đến trường học tập trực tiếp không chỉ là kế hoạch của nhà trường mà đó là chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố…
Vẫn biết, sự lo lắng của phụ huynh đối với con em mình khi đến trường là lẽ thường tình vì mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con. Song, trước khi các cơ quan chức năng ở địa phương có chủ trương cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp thì tất nhiên đã nghiên cứu, thăm dò ý kiến rất kỹ lưỡng.
Hơn nữa, hiện nay tất cả đã bình thường trong tình hình mới, người lớn đã đi làm, các cơ quan, các khu công nghiệp đã mở cửa, đường phố đi lại bình thường thì không có lí do gì để trường học không bình thường.
Nhất là học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine đầu đủ thì cần phải đến trường chứ không thể ở nhà học trực tuyến mãi được. Bởi, Bộ và các Sở đã có chủ trương tới đây đến học sinh từ mầm non, tiểu học cũng đến trường học tập trực tiếp thì những em đã tiêm vaccine lẽ nào lại không đến trường.
Thực ra, tâm lý lo lắng, e dè của một bộ phận học sinh không phải là không có lí do khi mà tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến khó lường nhưng cả khối, cả trường đến học trực tiếp mà một vài phụ huynh vẫn chưa dám cho con em mình đến trường thì cũng là một bất cập rất lớn.
Việc dạy và học là kế hoạch chung của các nhà trường. Vì thế, nếu như trước đây cả trường đều thực hiện hình thức dạy và học trực tuyến thì giáo viên sẽ đầu tư cho một hình thức dạy học này mà thôi.
Khi nhà trường đã chuyển sang dạy trực tiếp thì tất nhiên là giáo viên sẽ chuyên tâm cho lớp trực tiếp của mình vì thầy cô phải đầu tư nhiều hơn cho số đông chứ không thể hướng vào một vài em học trực tuyến được.
Nếu như những học sinh mà không may là F0 thì nó lại là lẽ khác, nhà trường sẽ bố trí giáo viên dạy riêng vì đó là trường hợp bất khả kháng còn khi học sinh bình thường mà không đến trường học trực tiếp thì rất khó để nhà trường bố trí riêng giáo viên giảng dạy cho những học sinh này.
Chính vì thế, phụ huynh cần cho con em mình đến trường, nhất là những học sinh từ lớp 7 trở lên, các em đã được tiêm 2 mũi vaccine nên đã đủ điều kiện để trở lại trường học học tập bình thường như tất cả các bạn bè cùng trang lứa với mình.
Đừng tách con em mình ở một môi trường riêng lẻ vì điều này không hẳn là tốt cho học trò mà nó còn tạo ra nhiều áp lực cho thầy cô giáo ở các nhà trường. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đã được kiểm soát khá tốt trong thời gian gần đây thì chẳng có lý do gì mà phụ huynh lại không cho con em mình đến trường học trực tiếp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Người lớn ích kỷ mới muốn con không đến trường; trẻ có thể rối loạn tâm thần nếu ở nhà lâu
Tiến sĩ tâm lý chỉ ra rõ, trong khi người lớn đã quay lại cuộc sống bình thường, thoải mái đi làm, ăn nhậu, trẻ phải ở nhà là vô lý.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 3/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học trong tháng 2, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Một số phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con ở độ tuổi 5 - 11 tuổi (mẫu giáo lớn và tiểu học) nửa mừng, nửa lo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) về việc có nên cho trẻ quay lại trường học tập trực tiếp thời điểm này chưa.
TS. Nguyễn Thị Kim Quý, nhà giáo, nhà nghiên cứu về tâm lý trẻ em và tâm lý giáo dục
Nhốt trẻ ở nhà nhiều, hệ lụy lớn lắm
PV: Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý. Về việc cho trẻ trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt là lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi, nhiều phụ huynh bày tỏ sự ngần ngại về sự an toàn. Một số người cho rằng cứ để trẻ ở nhà học trực tuyến cũng được, quan điểm của bà thế nào?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Tôi ủng hộ việc cho trẻ trở lại trường. Phụ huynh chỉ nghĩ về an toàn thể chất mà không nghĩ đến nhu cầu xã hội, tâm lý của trẻ. Những đứa trẻ trong mùa Covid-19 bị nhốt chặt trong nhà, gần như không được giao lưu trực tiếp với bạn bè.
Giao lưu học hỏi xã hội là cực kỳ quan trọng đối với trẻ em, thông qua đó chúng được học hỏi, được thể hiện quan điểm, được nâng cao nhận thức. Trẻ con phải được tiếp xúc, được chơi, được chạy nhảy với bạn bè cùng trang lứa, nhưng những hoạt động này không có hoặc chỉ thông qua mạng internet nên rất hạn chế.
PV: Có một nghịch lý là, phần lớn phụ huynh đã đi làm lại, giao lưu tiếp xúc thoải mái nhưng lại muốn nhốt con ở nhà cho an toàn?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Đúng vậy. Đó là sự ích kỷ của người lớn. Phụ huynh tưởng thế là thương con nhưng không nghĩ đến việc trẻ suốt ngày ngồi học trên máy tính sẽ chán và mệt mỏi. Nói thật, bản thân chúng tôi là giáo viên ngồi trước màn hình, chủ động dạy học còn thấy chán nữa là trẻ em. Trẻ ngồi học thụ động với cái máy tính rất dễ lơ đễnh.
Nếu người lớn không ở nhà, trẻ sẽ rất cô đơn. Nếu người lớn ngồi ở nhà kè kè bên cạnh, thấy con học không tập trung nhiều khi lại cáu giận, không chịu nổi. Đặc biệt là một số bố mẹ mắc bệnh thành tích, luôn muốn con mình phải giỏi, phải ngoan bằng con bạn bè của mình, kém con nhà người ta là không được.
Những người này nghĩ đến nhu cầu của mình nhiều hơn nhu cầu của con, có thể tức giận và cáu gắt hoặc đánh con vì cho rằng mình đã bỏ việc ở nhà canh con học mà nó không đạt kỳ vọng.
Nhất thiết phải cho trẻ trở lại trường học và ứng phó phù hợp với Covid-19. (Ảnh minh họa)
PV: Liệu đó có phải là một nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành với trẻ em gia tăng trong thời gian có dịch Covid-19?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Bản thân việc không được giao lưu đã tạo ra căng thẳng rất lớn cho trẻ em và cũng gây căng thẳng cho người lớn, khi họ đã bận việc rồi còn phải thu xếp để lo lắng cho trẻ ở nhà nữa. Nhiều người không thể kiềm chế được hung tính, dẫn đến trút cơn giận lên trẻ bằng bạo lực.
Cũng có khi chính trẻ lại chống đối bằng cách mở máy lên rồi ngủ hoặc chơi. Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi rằng họ phát điên vì con ở nhà chẳng học hành gì cả, cả tuần không viết bài, trốn tránh cô giáo.
Sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng cần được chăm sóc
PV: Nói vậy nghĩa là, TS cho rằng nếu cứ nhốt trẻ ở nhà, chúng cũng không thật sự an toàn và khỏe mạnh?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Chúng ta đã nhốt trẻ ở nhà đến giờ là quá lâu. Nỗi âu lo với Covid-19 lan truyền từ người lớn và việc trẻ em không được tiếp xúc xã hội một cách bình thường gây ra hệ lụy rất nguy hiểm với tâm lý, sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ.
Covid-19 đang tạo ra một thế hệ trẻ em có nguy cơ bị trầm cảm, lo âu. Rất nguy hiểm cho trẻ em nếu thế giới xung quanh chúng chỉ toàn là internet.
Việc hạn chế về vận động và giao tiếp trực tiếp mà chủ yếu tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều sẽ khiến học sinh dần bị "thui chột" đi cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống. Những thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển.
PV: Hệ lụy đó có thể trầm trọng đến mức nào, thưa TS?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Nhiều phụ huynh gọi cho tôi và bật khóc khi thấy con họ có dấu hiệu trầm cảm, thu mình lại và mất cách giao tiếp. Ngay cả khi bị đánh mắng, chúng cũng trơ ra không phản ứng.
Đó là những dấu hiệu tâm lý nguy hiểm, một dạng của tâm thần thể nhẹ do bị nhốt ở một không gian nhất định quá lâu mà thiếu tương tác xã hội. Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý trẻ em.
Sức khỏe tâm thần của trẻ cũng cần được chăm sóc không kém gì sức khỏe thể chất, nhẹ thì lo âu, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt, nặng hơn có thể là trầm cảm, rối loạn cảm xúc, phát triển lệch lạc nhân cách.
Trẻ em cũng cần giao lưu xã hội, đặc biệt trong giai đoạn dưới 16 tuổi. (Ảnh minh họa)
Không thể đợi hết dịch mới cho trẻ đi học
PV: TS có nghĩ rằng nên đợi cho hết dịch mới cho trẻ đến trường không?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Để học sinh học trực tuyến kéo dài sẽ không ổn. Nói về chỉ số tâm sinh lý, trẻ em chỉ tập trung được tối đa 30 phút nếu cứ nhìn qua màn hình.
Nếu đợi hết dịch thì không biết đến bao giờ và trẻ con vẫn phải ở nhà, điều đó không ổn một chút nào. Cần phải cho trẻ đến trường để có cơ hội phát triển lành mạnh sức khỏe tâm thần.
PV: Nhưng phụ huynh vẫn lo trẻ sẽ nhiễm bệnh, khi con số ca nhiễm vẫn chưa dừng lại?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Người lớn xung quanh trẻ em - những người có nguy cơ cao - hầu như đã tiêm phòng rồi, nguy cơ trẻ nhiễm ít hơn. Các chuyên gia y tế cũng nói rằng sức đề kháng của trẻ cũng tốt, tỉ lệ mắc Covid-19 cũng như biến chứng nặng thấp hơn rất nhiều so với người lớn.
Hiện nay các nước trên thế giới họ vẫn phải mở cửa và xác định sống chung với Covid-19.
PV: Phụ huynh cũng lo ngại nếu có trẻ nhiễm, dù nhẹ, nhà trường vẫn sẽ đóng cửa, hoặc cho trẻ đi cách ly...
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Nếu trong quá trình đi học, thấy có vấn đề thì khoanh vùng vào. Có thể chỉ khoanh vùng theo lớp chứ không thể nghỉ luôn cả trường được.
Nếu có phong tỏa cũng chỉ cần phong tỏa lớp học, tầng hoặc tòa nhà, sau đó phun khử khuẩn và đưa F0, F1 đi cách ly, sau đó cho các lớp khác đi học lại bình thường.
Chúng ta đã thích ứng với dịch, do đó đừng quá hoang mang khi có ca Covid-19 trong trường học. Việc học trực tiếp vẫn nên duy trì, và nên cùng trẻ đối mặt, thay vì né tránh và chọn cách nhốt chúng ở nhà.
Một số nghiên cứu ở Trung Quốc vào thời gian cao điểm cách ly xã hội cho thấy, trẻ 6 đến 17 tuổi bị trầm cảm với tỷ lệ 45%. Các nghiên cứu khác về học trực tuyến cho thấy trẻ 3 đến 6 tuổi tiếp cận quá nhiều với thiết bị điện tử có các hành vi xung động thái quá; trẻ 6 đến 12 tuổi sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có sức khỏe tâm thần và cảm xúc kém hơn.
Nhiều bác sĩ tâm lý, tâm thần chia sẻ, đợt dịch Covid-19 thường xuyên nghe được những than phiền của phụ huynh về tình trạng con tác phong chậm chạp, mắt lờ đờ, ngủ ít, ăn uống thất thường, dễ la hét cáu kỉnh... Đặc biệt, nhiều trẻ em ở TP Hồ Chí Minh có biểu hiện stress sau sang chấn do bất ngờ đối mặt với biến cố lớn trong đời, như có cha, mẹ, ông bà, người thân mất vì Covid-19.
Nhiều lo ngại về một thế hệ chịu các sang chấn tâm thần lâu dài nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục cản trở trẻ em trở lại trường học cũng được cảnh báo trên toàn thế giới. UNICEF đánh giá trẻ em và phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: "1 8 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ.
Đại dịch đã gây ra những tác động đáng kể, song đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết.".
Bí quyết học tập trực tiếp của các thủ khoa tốt nghiệp Nhiều thủ khoa tốt nghiệp cho rằng sinh viên nên điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt để tham gia học tập hiệu quả và xác định những khó khăn sẽ gặp phải trước khi trở lại trường học. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến 25/1, khoảng 91% số trường thuộc khối đại học, cao đẳng đã có kế hoạch tổ...