Một lá thư tay…!
Tôi đã giữ lá thư này ở trong ví mình suốt 11 năm qua. Khi còn học lớp 11, tôi rất ngỗ nghịch, học kém Tiếng Anh và lười học. Tôi không còn nhớ tôi đã làm gì khiến cô giận tôi. Nhưng lá thư này đến tay tôi vào sáng hôm sau, Lê Na chuyển nó cho tôi và nói: “Cô Vinh gửi cho mi”…
Cô Phạm Trà Vinh – Giáo viên Tiếng Anh trường THPT Hương Sơn.
Cô Phạm Trà Vinh là cô giáo dạy môn Tiếng Anh trong suốt ba năm cấp ba của tôi. Từ ngày đầu chập chững bước chân vào mái trường THPT Hương Sơn ( Hà Tĩnh) tôi đã bị cuốn vào những bài giảng của cô dù tôi học thật kém môn Tiếng Anh. Hình ảnh cô giáo với mái tóc ngang vai, gương mặt phúc hậu, đôi mắt đượm buồn, giọng nói ấm cùng những tiết học thú vị, vui nhiều, buồn nhiều đến tận bây giờ chắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bao thế hệ học trò.
Lớp tôi là lớp chọn, nhiều học sinh giỏi nhưng cũng nhiều học sinh “lắm chiêu” và nghịch. Tôi nhớ có những tiết học cô đã ngừng giảng và im lặng vì lớp quá ồn. Nhưng sau đó, cô đã chạm đến trái tim học trò bởi sự nghiêm khắc xen lẫn thương yêu. Cô đã phân tích để chúng tôi hiểu rằng những kiến thức thu nhận được từ ghế nhà trường sẽ luôn là hành trang vững vàng để bước chân vào đời sau này. Và giờ đây, khi xa mái trường THPT tròn 10 năm tôi mới hiểu hành trang đó chính là sự ngoảnh lại, để thấy cội nguồn của tương lai chính là những lời giảng say sưa và tình cảm ấm nồng mà thầy cô đã vun đắp cho lớp lớp học trò như tôi.
Trong lá thư, cô viết: “Trang thân yêu! Cô đang thấy sự tiến bộ trong em. Có phải cô nhầm không? Hy vọng niềm tin trong cô về em sẽ không bị đánh mất. Đừng làm cô thất vọng, đừng làm cô buồn em nhé. Khi nào cô khẳng định được niềm tin yêu của cô đã đặt đúng chỗ, cô và em sẽ tâm sự thật nhiều”.
Lá thư viết tay cô Trà Vinh gửi tới học trò.
Suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường tôi nhận được khá nhiều lá thư tay, nhưng lá thư đó là lá thư tay duy nhất của thầy cô giáo gửi cho tôi, tôi nhận nó vào năm 2008 và luôn mang theo bên mình như một niềm tin, như một lời căn dặn, như một sự chia sẻ trên suốt chặng đường của mình…
Tôi chỉ nhớ và có lẽ mãi mãi không thể quên ánh mắt cô và tôi “chạm” vào nhau sau khi tôi nhận được lá thư này, khi đi ngang qua dãy hành lang phòng giáo viên, hai cô trò lướt qua nhau, nhưng tôi đã không chào cô như những lần khác, cô không “để yên” như vậy, cô hỏi lại tôi: “Dương Trang, tại sao gặp cô mà lại không chào?”. Tôi vẫn cúi gầm mặt cho đến khi cô đi…
Tôi là một học sinh học cực tệ môn Tiếng Anh. Lúc học đại học, Tiếng Anh vẫn là môn tôi thi đi thi lại nhiều nhất. Nhưng có lẽ quãng thời gian được là học trò của cô, tôi chăm chú học Tiếng Anh nhất, mặc dù mãi đến tận bây giờ tôi vẫn không khá hơn.
Đã 10 năm qua đi, kể từ ngày tôi trở thành cựu học sinh của mái trường THPT Hương Sơn, tôi và cô vẫn chưa gặp lại nhau lần nào. Lời “tâm sự” mà cô hứa với tôi đến nay vẫn chưa được thực hiện… nhưng tôi vẫn giữ “nó” bên mình, như nhắc nhở về ký ức, kỷ niệm của một thời học sinh dại khờ, ngây thơ, nông nổi…
Giờ đây, tôi đã lớn khôn. Đã tự mình bước đi những bước đi chập chững vào đời, mưu sinh với nghề. Còn cô vẫn miệt mài “ở lại”, vẫn chèo lái con thuyền tri thức cập bến tương lai. Hẳn trong số hàng trăm, hàng nghìn học sinh của cô, tôi không phải là một học trò đáng nhớ. Nhưng trong tất cả những người thầy thời học sinh của tôi thì cô là người mà suốt đời tôi chẳng thể nào quên…
Tôi biết, tôi quá nhỏ bé so với cuộc đời rộng lớn này, và càng khiêm nhường trước cô. Song sự kính trọng và lòng biết ơn vẫn dành tặng cô không ngơi nghỉ.
Video đang HOT
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trái tim của bao thế hệ học trò cũ lại văng vẳng tiếng trống trường, lời thầy cô qua mỗi tiết học trong lớp học nơi dãy nhà cấp bốn có ánh điện vàng vọt, cũ kỹ…
Tôi mở ví ra, đọc lại thư của cô. Để nhớ mong, hoài niệm về những tháng năm “mài đũng quần trên ghế nhà trường” và dặn lòng mình luôn cố gắng sống xứng đáng với niềm tin yêu mà cô trao gửi năm nào.
Với học sinh, dù thành bại, dù “to lớn” ngoài đời, dù vùng vẫy biển khơi thì khi trở về mái trường thân yêu, sống lại những giây phút ấm êm của tuổi học sinh, vẫn thấy mình bé nhỏ trước biển kiến thức, tình thương yêu dạt dào, niềm mong mỏi của thầy cô – những “con tằm” rút ruột mình nhả ra những sợi tơ vàng óng có ích cho đời.
Chúng con đã đi qua muôn nẻo đường
Đường rộng rãi, thênh thang, nhiều hy vọng
Chỉ mong thời gian đừng đổi màu mái tóc
Của người vẫn trên bục giảng, Thầy ơi!
Bài viết là lời tri ân gửi đến cô giáo Phạm Trà Vinh, giáo viên môn Tiếng Anh, trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Tác giả: Dương Quỳnh Trang (cựu học sinh lớp A1 trường trường THPT Hương Sơn, khóa 2006 – 2009).
Theo nguoiduatin
Đã ngoài 80, thầy vẫn say mê với giáo dục
Trong ký ức của rất nhiều thế hệ cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Hương Sơn, Hà Tĩnh, hình ảnh thầy giáo dạy Hóa học Trần Trọng Chấm luôn hiện hữu.
Các buổi họp mặt cựu học sinh ở khắp ba miền đất nước, sự hiện diện của thầy, luôn là mong muốn của học trò cũ.
Được gặp lại thầy Trần Trọng Chấm, thần tượng của không ít học trò nối nghiệp giáo, là mong muốn của rất nhiều học trò cũ.
Nhận lời mời của đồng nghiệp ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tôi tham dự chuyên đề "Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến"; bất ngờ nhất, chuyên đề do thầy giáo Trần Trọng Chấm báo cáo.
Thao tác thoăn thoắt, chính xác; âm điệu rõ ràng, dễ nghe, dễ hiểu, kéo mấy chục giáo viên trẻ vào chuyên đề say mê.
Tuyệt đối không ai làm việc riêng, nói chuyện riêng khi "báo cáo viên" trình bày; đó là điều "đặc biệt" tôi thấy ở chuyên đề này.
Nhìn ánh mắt háo hức của những giáo viên trẻ khi quan sát thầy biểu diễn thí nghiệm, tôi biết chuyên đề đã thành công ngoài mong đợi.
Thầy Trần Trọng Chấm, 83 tuổi, đang hướng dẫn giáo viên thực hiện thí nghiệm bằng dụng cụ cải tiến
Cô Thái Thị Tường Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết:
"Tôi là học sinh cũ của thầy, trong một lần ghé thăm; thấy thầy ngồi say mê chế tạo dụng cụ để làm thí nghiệm, tôi vô cùng ngạc nhiên.
Tôi biết, thầy đã về hưu lâu rồi, thế nhưng một số trường Trung học phổ thông, phòng giáo dục, Sở giáo dục mời thầy làm chuyên đề "Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến".
Thầy tuyệt đối không đòi hỏi bất cứ một đồng thù lao nào, hoàn toàn miễn phí.
Tôi mời Thầy về, làm chuyên đề "Thí nghiệm biểu diễn hóa học bằng dụng cụ cải tiến" tại trường; đồng thời mời giáo viên bộ môn Hóa Học huyện Đức Trọng tham dự".
Thầy Trần Trọng Chấm tâm sự "Mình tốt nghiệp Sư phạm, về trường Trung học phổ thông Hương Sơn, Hà Tĩnh dạy; sau đó vào Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai.
Chỉ có một việc mình đam mê, đó là dạy Hóa học. Tâm, trí, mình dành cho dạy Hóa học.
Với môn Hóa Học, chạm vào tâm trí của học trò, không gì hơn là thí nghiệm trực quan.Về hưu, nhiều thời gian, suy ngẫm, mình viết cuốn sách "Tư liệu Hóa học"; nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành; cuốn sách ghi lại tất cả những kinh nghiệm, tư liệu bổ sung của cả đời dạy Hóa học của mình; được đồng nghiệp đón nhận nhiệt tình.
Với bộ thí nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông, còn nhiều bất cập, khó thực hiện, khi đi dạy mình đã phát hiện và cải tiến.
Mình cải tiến, làm ra bộ thí nghiệm này, đơn giản, gọn nhẹ, rẻ tiền, tiện lợi. Giáo viên dạy có thể tự sắp xếp, không cần nhân viên thư viện; giáo viên chỉ cần có tâm huyết, ai cũng làm được.
Chỉ cần "cái hộp nhỏ này", mọi thí nghiệm trong chương trình phổ thông đều làm được, an toàn, thành công.
Mình muốn giới thiệu với đồng nghiệp trẻ, giúp họ cải tiến, tận dụng những vật liệu sẵn có, giảm dạy chay trong dạy Hóa học.
Hạnh phúc hơn, được các giáo viên trẻ đánh giá cao, ứng dụng vào thực tế dạy học".
Trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Trần Trọng Chấm đã gặt hái nhiều thành công; Thầy được nhiều lần công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp, Chiến sĩ thi đua các cấp; được học sinh, phụ huynh công nhận là nhà giáo của nhân dân. Nay Thầy đã về hưu, sống tại Biên Hòa cùng con cháu.
Cách thầy dạy, cách thầy truyền đạt, mang phong cách thời đại 4.0. Hình ảnh người thầy vì sự nghiệp, vì học trò, một tấm gương xúc động cho bất cứ giáo viên nào có mặt. Nói về chuyên đề, cô giáo Hoàng Thị Thắm, chia sẻ "Bất ngờ, quá bất ngờ về đam mê, nhiệt huyết, kiến thức bao la của một người thầy đã ngoài tám mươi.
Kiến thức có thể học bất cứ đâu; hình ảnh người thầy nhiệt huyết, đam mê với nghề còn hơn ngàn lời giáo huấn; thầy truyền đạt hay, hay hơn là đam mê của thầy giáo già đã khơi dậy nhiệt huyết, đam mê trong lòng giáo viên trẻ.
Dự chuyên đề, em thấy mình còn nhỏ bé quá; phải tự rèn, trau dồi chuyên môn, mới không thấy xấu hổ với những tấm gương thầy giáo tuyệt vời thế này".
Trời Đức Trọng hôm nay se lạnh, thế nhưng thật ấm lòng, vẫn có những tấm gương vì học sinh thân yêu như thế.
Chúc thầy Trần Trọng Chấm thật khỏe, truyền nhiệt huyết, đam mê tới thật nhiều, thật nhiều giáo viên Việt Nam.
Cho đi là còn mãi, cho học trò nhiệt huyết, đam mê, còn mãi lòng biết ơn, kính trọng; tài sản vô giá của người thầy.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Lá thư tay của ba mùa thi tốt nghiệp THPT: Ngày mai là của con! Ba thèm... viết một lá thư tay để kể cho con về mùa thi nhiều thắt thỏm lo âu của 2 năm trước. Nếu ai đó hỏi ba, sao không gõ bàn phím, "post" cho nhanh? Ba sẽ trả lời có những thứ cần phút giây trễ nải. Ba đã từng như họ, lo lắng, thắt thỏm khi con có bước ngoặt của...