Một huyện 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh
Toàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có 18 trường tiểu học nhưng hiện chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy Tiếng Anh.
18 trường tiểu học, 2.609 học sinh lớp 3 nhưng chỉ có 1 cô giáo Tiếng Anh
Chia sẻ với VietNamNet, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), cho hay vấn đề bức thiết mà ngành giáo dục địa phương đang phải đối mặt đó là việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy Tiếng Anh.
Từ năm học 2022-2023, cả nước thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến lớp 3, bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết Tiếng Anh/tuần. Năm học này, toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh đang học lớp 3 với 76 lớp. Do đó, theo tính toán, với 4 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc cần 10.640 tiết Tiếng Anh/năm học. Ở các khối lớp còn lại đây là môn tự chọn, nếu chưa có điều kiện có thể chưa học.
Trong khi đó, huyện chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh – tình cảnh mà ông Thư cho là “rối ren nhất của tỉnh Hà Giang”.
“Các huyện khác dù có thể cũng khó khăn nhưng còn có khoảng vài giáo viên” – vị trưởng phòng nói
Một giờ học Tiếng Anh của học sinh lớp 3 tại huyện Mèo Vạc với sự hỗ trợ việc dạy trực tuyến bởi thiếu hụt giáo viên.
Theo ông Thư, nguyên nhân việc thiếu hụt giáo viên Tiếng Anh là do trước đây, môn này ở tiểu học chỉ là tự chọn. Từ vài năm nay, khi có chủ trương môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 ở Chương trình phổ thông mới, công tác chuẩn bị giáo viên cũng được triển khai nhưng vì nhiều lý do mà giáo viên Tiếng Anh vẫn thiếu hụt.
Các lý do như ông Thư cho biết, thứ nhất là thực hiện việc tinh giản biên chế nên dẫn đến thiếu giáo viên nói chung. Thứ hai, cách đây mấy năm, huyện cũng có tuyển được một số nhưng lại phân cho cấp THCS bởi lúc đó môn Tiếng Anh ở bậc học này là bắt buộc. Huyện cũng có chương trình cử giáo viên đi học văn bằng 2, thế nhưng bởi môn này khá đặc thù nên không phải ai cũng học được.
“Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang và là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước. Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên dù chúng tôi muốn tuyển người nhưng cũng khó.
Trước đây, huyện có 2 giáo viên dạy khối tiểu học nhưng họ chuyển công tác về vùng xuôi vào các năm 2020, 2021. Giáo viên Tiếng Anh duy nhất của khối tiểu học hiện công tác trên địa bàn huyện là cô giáo trẻ sinh năm 1995, người Hà Giang. Cô giáo này dạy cho Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc và hỗ trợ cho một số trường lân cận. Chúng tôi cũng mới tuyển được cô giáo này năm 2021. Trước đây, cô từng dạy hợp đồng ở địa bàn khoảng 2 năm”.
Video đang HOT
Còn số lượng giáo viên Tiếng Anh ở cấp THCS của huyện này dù khá hơn, song cũng chưa đáp ứng nhu cầu.
“Cấp THCS có 18 trường và hiện có 25 giáo viên dạy Tiếng Anh. Số này thực ra cũng chưa đủ theo quy định, song tạm thời còn có thể khắc phục được”.
Nhờ miền xuôi hỗ trợ miền ngược
Ông Thư cho hay, vấn đề giáo viên Tiếng Anh tạo áp lực cho ngành giáo dục huyện. Ngay từ đầu năm, huyện Mèo Vạc đã phải xây dựng phương án dạy học kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp để làm giải pháp tạm thời, trong bối cảnh thiếu hụt quá nhiều giáo viên như vậy.
Và mới đây, huyện được Trường Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ cho 20 giáo viên dạy trực tuyến cho học sinh khối lớp 3.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc đã đề nghị Trường Marie Curie hỗ trợ dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại sẽ do các thầy cô huyện Mèo Vạc phụ trách. “Với 1 tiết này, chúng tôi điều động tăng cường giáo viên cấp THCS xuống dạy hỗ trợ cho tiểu học, chia theo từng xã”.
Theo tính toán, với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc là 7.980 tiết/năm học. Kinh phí mà Trường Marie Curie bỏ ra trả lương giáo viên cho việc hỗ trợ này là 160.000 đồng/tiết; như vậy với 7.980 tiết sẽ cần 1,276 tỉ đồng.
Sau khi được trường bạn hỗ trợ, UBND huyện Mèo Vạc đã gấp rút đầu tư trang thiết bị cần thiết để đảm bảo việc dạy học trực tuyến diễn ra hiệu quả, chất lượng nhất.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), nhận định huyện Mèo Vạc đã rất linh hoạt khi tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng. Ông Tài cũng cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đã có các biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, như: điều động, biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi sang vùng khó, từ trường này sang trường khác…
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022- 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061.
Trong đó, Yên Bái hiện có 132 giáo viên, còn thiếu 148 giáo viên; Tây Ninh có 250 giáo viên, thiếu 105 giáo viên; Lai Châu có 76, thiếu 164 giáo viên; Bình Phước có 189, thiếu 204 giáo viên; Hà Giang có 138, thiếu gần 300 giáo viên….
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, việc tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương khó khăn do không có biên chế để tuyển dụng; có biên chế nhưng không tuyển được giáo viên do giáo viên không đủ điều kiện về trình độ đào tạo hoặc không có cơ chế thu hút giáo viên.
Nhận diện khó khăn, trở ngại dạy Tiếng Anh, Tin học ở cấp Tiểu học
Nhiều địa phương gặp khó về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên khi triển khai dạy môn Tiếng Anh và Tin học.
Dạy học tin học tại Trường Tiểu học Định Sơn (Cẩm Giàng, Hải Dương). Ảnh: Đức Trí
Dạy học trong bối cảnh đó cần quan tâm, khắc phục ra sao? TS Thái Văn Tài (ảnh nhỏ), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại.
Nỗ lực song hành thách thức
- Ông đánh giá như thế nào về dạy học và công tác chuẩn bị điều kiện triển khai môn Tin học tại các địa phương trước khi trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 năm học 2022 - 2023?
- Dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục tin học ở các địa phương đã diễn ra khá tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện theo Công văn số 3539 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn tổ chức dạy học môn Tin học và hoạt động giáo dục tin học cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020 ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành. Tiếp đến năm 2021, Bộ ban hành Công văn 371 về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy học tiểu học từ năm học 2022 - 2023 gửi UBND các tỉnh, TP để triển khai theo thẩm quyền quy định.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, các địa phương đã có nhiều giải pháp và đạt được kết quả nhất định. Theo thống kê, năm học 2020 - 2021, cả nước có 66,2% trường tổ chức dạy tin học cho học sinh cấp tiểu học. Trong đó lớp 3 là 65,94%, lớp 4 có 68%, lớp 5 với 66,99% được học môn Tin học tự chọn.
Cùng đó các địa phương cũng tổ chức tốt dạy học môn Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo quy định trong chương trình; có giải pháp phù hợp tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục tin học cho học sinh tiểu học nhằm giúp trò lớp 1, lớp 2 được làm quen với tin học, đáp ứng sở thích, nhu cầu và phát hiện, bồi dưỡng phát triển năng lực tin học, tư duy khoa học máy tính, nuôi dưỡng đam mê khám phá khoa học, công nghệ. Địa phương có tỷ lệ học sinh lớp 1, 2 được tham gia hoạt động giáo dục tin học cao như TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Vĩnh Long, Bình Dương...
Có thể thấy, các địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo lộ trình, từng bước đảm bảo số lượng phòng máy tính phù hợp với quy mô nhà trường. Nhà trường cũng tiến hành dự báo, xây dựng và thực hiện kế hoạch để học sinh các điểm trường đều được học tin học theo Chương trình GDPT 2018 với thời lượng 35 tiết/lớp/năm học từ năm học 2022 - 2023; tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, được tập huấn bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT đã triển khai và từng bước được chuẩn hóa...
- Dù đã chuẩn bị tích cực, song các địa phương vẫn gặp nhiều trở ngại trong dạy học. Những khó khăn được nhận diện là gì, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, việc dạy và học môn Tin học ở một số địa phương còn gặp khó khăn khi chưa đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học nên tỷ lệ học sinh được học tin học còn thấp, chất lượng dạy học hạn chế cần khắc phục. Về cơ sở vật chất - thiết bị dạy học ở nhiều trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học còn thiếu và phần lớn đã cũ, lạc hậu, không đồng bộ. Để đủ phòng máy thực hiện Chương trình GDPT 2018 (tính tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung hàng nghìn phòng học.
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
100% học sinh lớp 3 được học tin học bắt buộc
- Trong điều kiện triển khai môn Tin học bắt buộc còn hạn chế ở nhiều địa phương, ông có lưu ý gì trong việc thực hiện để đảm bảo chuẩn đầu ra cho học sinh lớp 3 ngay năm đầu triển khai?
- Việc đưa Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2022 - 2023 là thực hiện Luật Giáo dục 2019 và để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đây là môn học quan trọng để học sinh có kiến thức, kỹ năng, năng lực làm công cụ học tập các môn học khác. Song kiến thức môn Tin học chỉ ở mức độ làm quen ban đầu và điều kiện triển khai môn học này có đặc trưng riêng về giáo viên, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học... Các địa phương ở vùng khác nhau điều kiện đảm bảo chưa đồng nhất, có nơi đang còn rất khó khăn, nhưng có nơi đã sẵn sàng.
Do thực hiện đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục nên trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn phải đảm bảo tổ chức cho học sinh học tập linh hoạt theo hướng dẫn tại Công văn số 816 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học với các nhóm giải pháp cụ thể. Nơi nào thiếu giáo viên cần thực hiện nhóm giải pháp như tăng cường sử dụng giáo viên dạy liên trường; giáo viên THCS xuống dạy học sinh tiểu học...
Mặt khác, chương trình cũng quy định linh hoạt trong quá trình triển khai, không nhất thiết các trường phải đồng nhất từ đầu năm học mà có thể để cuối năm học miễn sao dạy đủ cho học sinh số tiết theo yêu cầu và đạt kiến thức cần đạt. Như vậy, việc bố trí thời khóa biểu, kế hoạch dạy học phụ thuộc vào điều kiện giáo viên có thể thực hiện linh hoạt ở thời điểm khác nhau.
Địa phương nào thực hiện các giải pháp nói trên nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ giáo viên thì có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học để nối các điểm cầu, có trợ giảng điểm cầu hỗ trợ bài giảng cho học sinh... Về phòng Tin học đang gặp khó khăn ở một số nơi, song môn Tin học lớp 3 không phải tiết nào cũng cần thực hành, trong 35 tiết học/năm có tiết không cần sử dụng phòng máy. Do đó, giáo viên cần nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, lên kế hoạch... để tiết học nào bắt buộc có phòng máy thì tham mưu với chính quyền địa phương trang bị kịp thời.
Trong điều kiện chưa kịp bổ sung máy có thể vận dụng các giải pháp như: Tham mưu cho chính quyền địa phương trưng dụng, sử dụng các phòng học máy của trường học lân cận ở các cấp học khác nhau, miễn sao có phòng máy để học sinh học tập. Hoặc linh hoạt tạo ra ngân hàng máy tính để luân phiên sử dụng trong các trường với nhau...
Bên cạnh linh hoạt trong quá trình triển khai phù hợp thực tế, địa phương cần có giải pháp quản lý chất lượng; giao nhiệm vụ rõ ràng cho giáo viên chủ nhiệm, dạy điểm cầu, phụ trách điểm cầu, hỗ trợ trợ giảng. Khi sử dụng kho bài giảng khác nhau cần tăng cường văn bản hướng dẫn để xác định rõ trách nhiệm. Quá trình thực hiện các giải pháp cần có giải pháp quản lý bổ sung để kiểm soát tốt nhất chất lượng dạy học môn Tin học đảm bảo chất lượng chương trình...
Các giải pháp tổng thể này sẽ giúp các địa phương, nhà trường thực hiện mục tiêu đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, 100% học sinh lớp 3 được học môn Tin học bắt buộc từ năm học 2022 - 2023.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT đã đồng hành cùng địa phương khi xây dựng kho bài giảng điện tử (trong đó có môn Tin học) đưa lên Cổng thông tin của Bộ để hướng dẫn học sinh tự học, giới thiệu cho thầy cô tham khảo, bổ sung vào quá trình tổ chức dạy học. Kho bài giảng được các chuyên gia, giáo viên nghiên cứu chương trình, tổ chức bài giảng đảm bảo cho tất cả SGK khác nhau chứ không riêng bộ nào.
Tiếng Anh, Tin học được đưa vào là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, vì sao đã bắt các em học sinh từ lớp 3 đã phải học tin học. Câu trả lời của Bộ GD&ĐT không chỉ đảm bảo công bằng cho học sinh vùng khó khăn, việc bắt buộc này còn mang lại lợi ích chung cho học sinh ở các vùng miền khác là sẽ được học...