Một địa phương của Đức áp dụng hạn chế riêng với người chưa tiêm vaccine
Ít nhất một vùng tại Đức đang có kế hoạch áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang đối mặt với làn sóng đại dịch thứ 4.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 5/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo quy định hiện tại của chính phủ Đức, chỉ những người có chứng nhận hoặc đã tiêm vaccine, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã khỏi COVID-19 mới được vào dùng bữa trong nhà hàng, đến bệnh viện, nhà dưỡng lão, tham dự các sự kiện, tiệc tùng hay các hoạt động thể thao trong nhà.
Cơ quan xã hội của bang miền Nam Baden-Wuerttemberg mới đây đề xuất cấm những người trưởng thành chưa tiêm vaccine được vào nhà hàng hay đi xem biểu diễn cùng nhau, đồng thời hạn chế giao tiếp giữa những người này.
Video đang HOT
Phát biểu với truyền thông, ông Thomas Strobl, một lãnh đạo cấp phó của vùng cho biết: “Nếu khu điều trị tích cực bị ảnh hưởng, chúng ta phải hành động. Sẽ không đúng khi bắt tất cả mọi người, kể cả những người đã tiêm vaccine, phải chịu trách nhiệm về việc này. Đó là lý do cần có quy định riêng dành cho người chưa tiêm vaccine”. Truyền thông cho biết giới chức y tế của bang Bavaria lân cận cũng ủng hộ đề xuất này.
Đến nay, khoảng 60% dân số Đức đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Để khuyến khích thêm nhiều người đi tiêm vaccine, chính phủ Đức cho biết sẽ dừng xét nghiệm miễn phí từ ngày 11/10, ngoại trừ đối với trẻ em, phụ nữ có thai và những đối tượng không được khuyến nghị tiêm vaccine.
Trong khi đó, tại vùng lãnh thổ Kosovo, chính quyền cho biết sẽ hoãn khai giảng năm học mới trong 2 tuần, đồng thời áp dụng giới nghiêm ban đêm do số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 30/8, lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 10 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Năm học mới dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa tháng 9, thay vì từ ngày 1/9 như thường lệ.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 theo ngày tại Kosovo mấy ngày gần đây ở mức khoảng 2.000 ca, tăng vọt so với mức vài trăm ca hồi đầu tháng 8. Đáng chú ý, số ca nhiễm ở trẻ em đang tăng lên, đặc biệt là đối tượng trong độ tuổi từ 10-19 và được coi là trung gian khiến virus lan nhanh. Theo quy định, từ ngày 13/9 tới, tất cả nhân viên công ty nhà nước và các tổ chức công đều phải tiêm vaccine, xét nghiệm, hoặc phải nộp xác nhận đã khỏi bệnh. Hiện tại, chính quyền Kosovo cấm mọi hoạt động lễ hội, biểu diễn, đám cưới và các sự kiện liên hoan.
Tính từ đầu dịch đến này, vùng lãnh thổ Kosovo ghi nhận khoảng 140.000 ca nhiễm trong số 1,8 triệu dân, trong khi số ca tử vong là 2.500 ca. Đến nay 25% dân số Kosovo đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Đức chuyển toàn bộ vaccine AstraZeneca cho các nước thứ ba
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức ngày 7/7 đã quyết định từ tháng 8 tới sẽ chuyến giao miễn phí toàn bộ các lô vaccine AstraZeneca mà nước này dự kiến tiếp nhận cho các nước thứ ba.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN
Một thông cáo được đưa ra sau cuộc họp liên ngành của Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình đại dịch và nguồn cung ứng tại Đức cũng như trên thế giới đã được cải thiện, song vẫn hết sức căng thẳng, Chính phủ Đức quyết định cho tới cuối năm 2021 sẽ chuyển giao miễn phí ít nhất 30 triệu liều vaccine AstraZeneca và Johnson&Johnson cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước đang phát triển. Thời điểm cũng như khối lượng chuyển giao sẽ phụ thuộc vào tình hình cung ứng vaccine của Đức. Phần lớn lượng vaccine này (ít nhất 80%) sẽ được phân phối qua cơ chế COVAX của Liên hợp quốc nhằm phân bổ vaccine một cách công bằng.
Ngoài ra, một phần nhỏ (tối đa 20%) vaccine sẽ được Đức trao song phương cho khu vực Tây Balkan (Albania, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia), các nước Đối tác phương Đông của EU (Gzudia, Moldova và Ukraine) và Namibia, thuộc địa trước đây của Đức. Khu vực Tây Balkan dự kiến nhận được 3 triệu liều vaccine của Đức. Từ tháng 8/2021, Chính phủ Đức dự kiến chuyển tất cả các lô vaccine AstraZeneca mà nước này tiếp nhận cho cơ chế COVAX và các nước thứ ba, trong đó số lượng ban đầu chuyển cho COVAX ít nhất là 500.000 liều.
Cho tới nay, các loại vaccine phòng COVID-19 chủ yếu thuộc về những nước giàu. Đã có nhiều tiếng nói chỉ trích các nước giàu làm quá ít giúp các nước nghèo chống dịch bệnh. Tại Đức, hầu hết người dân chỉ thích tiêm vaccine BioNTech/Pfizer do lo ngại phản ứng phụ cũng như hiệu quả kém hơn của các vaccine khác. Tuần trước, Bộ Y tế Đức thông báo những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA, như BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Ít nhất 40 người mất tích, 77 người thiệt mạng do lũ quét ở Thổ Nhĩ Kỳ Theo số liệu cập nhật đến ngày 16/8, có 77 người thiệt mạng và ít nhất 40 người vẫn mất tích ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi lũ quét tràn vào nhiều vùng thuộc Biển Đen trong tuần trước. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích do lũ quét tại Bozkurt, tỉnh Kastamonu, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN...