Một đề thi Lịch sử đổi mới tư duy đột phá!
Niềm vui làm được bài thi Lịch sử của thí sinh tại TP HCM
GD&TĐ – Ngay khi biết được nội dung đề thi Lịch sử sáng nay, các giáo viên đều chung nhận xét: Đề thi quá hay, tính phân loại rất cao. Để ra được đề thi như thế này, các chuyên gia đã đổi mới tư duy một cách đột phá!
Thầy Nguyễn Ngọc Chí – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa): Đề hay thế này quá yên tâm cho học sinh rồi!
Đề thi môn Lịch sử cũng giống như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, các thí sinh được làm quen từ trước nên xác định được dạng và cấu trúc đề, giúp các em không bị bỡ ngỡ.
Có thể đây là kỳ thi đầu tiên nên ý tưởng ra đề cũng rất mới không khuôn mẫu, không đánh đố thí sinh mà ngược lại tạo điều kiện cho thí sinh làm bài phát huy được tính sáng tạo. Trong đề thi có tất cả các mức độ từ dễ đến khó, đủ để phân loại thí sinh. Phổ điểm trung bình là 6,7 điểm.
Kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12 nhưng yêu cầu kiến thức toàn diện, đòi hỏi học sinh phải thuộc bài, hiểu bài, làm bài tập và rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo. Câu 1 và câu 2 khá dễ. Còn câu 3 và câu 4 có nhiều phần mở rộng, phân tích, liên hệ thực tế…
Đề thi mang tính giáo dục cao đặc biệt có câu liên hệ thực tế thế hệ trẻ hiện nay với các nhân tố làm nên chiến thắng kháng chiến chống Pháp.
Rõ ràng là với đề thi này, học sinh không phải lo lắng về việc môn Lịch sử cần ghi nhớ quá nhiều sự kiện và con số nữa. Đề thi chủ yếu yêu cầu liên hệ thực tế và học sinh chịu khó nghe, chịu khó đọc thời sự, tin tức chắc chắc sẽ làm tốt (Thanh Thủy ghi)
Cô Lê Thị Thanh Lâm – Giáo viên Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội): Đề thi không yêu cầu thí sinh nhớ máy móc
Đề thi hay và có sự phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức. Từ câu II trở đi đã có sự phân hóa và yêu cầu khả năng vận dụng của thí sinh ở mức bình thường.
Video đang HOT
Tuy nhiên câu III và câu IV đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy và vận dụng cao. Để làm được những câu này, thí sinh phải có thực sự hiểu sâu kiến thức bài học và có kỹ năng chọn lọc kiến thức, chọn lọc chi tiết thì mới có thể đạt được điểm cao. Với đề thi năm nay, sẽ rất khó để thí sinh đạt được từ điểm 8 trở lên.
Điểm đáng ghi nhận ở đề thi năm nay đó là, các câu hỏi khá tường minh, rõ nghĩa và không hỏi theo kiểu học vẹt hoặc yêu cầu thí sinh phải nhớ số liệu, mốc thời gian… Chẳng hạn như ở câu II, đề thi đã có sẵn bảng dữ liệu không yêu cầu thí sinh phải nhớ một cách máy móc, từ bảng dữ liệu đó mới có những yêu cầu cho thí sinh. (Sỹ Điền ghi)
Mời quý vị nghe file audio sau:
Cô Hứa Thị Hoa Mai – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An): Đề thi hay để phân loại học sinh khá, giỏi
Đề thi năm nay so với đề thi tốt nghiệp là khá khó và phù hợp hơn với thí sinh thi đại học.
Đối với học sinh thi tốt nghiệp, phải cố gắng để có thể đạt điểm 5. Bởi các em học sinh học lực trung bình, riêng việc học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa là đã khó, yêu cầu các em liên hệ nữa thì quá khả năng. Tuy nhiên, 2 câu hỏi I và II là những câu cho điểm học sinh vì dễ và không yêu cầu cao.
Đối với các em thi khối C, đây là một đề thi hay để phân loại các học sinh khá, giỏi. Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa và đề thi minh họa của Bộ DG&ĐT, nhưng có nhiều câu hỏi mở. đòi hỏi thí phải nắm vững hết kiến thức cơ bản, từ đó khái quát và phân tích lên, đánh giá sự kiện lịch sử, và liên hệ thực tế.
Do vậy, để làm tốt bài thi này, thì chỉ có những học sinh khá giỏi. Với dạng đề thi này, các em học thuộc máy móc, hoặc học tủ, không nắm được cả một tiến trình lịch sử, thì không thể làm tốt được! (Hồ Lài ghi)
Thí sinh trao đổi sau giờ thi
Thầy Giang Trọng Thủy – Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lai Châu: Thí sinh dân tộc có thể làm đủ điểm tốt nghiệp
Đề thi Lịch sử năm nay có sự phân hóa cao. Với đề thi này các em học sinh dân tộc cũng gặp không gặp quá nhiều khó khăn, các em hoàn toàn có thể làm được đủ để đỗ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, để đạt được điểm từ 7 trở lên sẽ không nhiều.
Tôi cũng thấy đề thi năm nay khá hay, có sự phân hóa cao, bám sát theo hướng của đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Nội dung kiến thức bám sát vào chương trình học lớp 12.
Ở câu I và câu II, thí sinh chỉ cần có học lực trung bình là hoàn toàn có thể làm được. Đây là hai câu dễ “ăn” điểm nhất. Các câu tiếp theo có sự phân hóa theo mức tăng dần. Nói là phân hóa cao nhưng các câu hỏi cũng rất tường minh, không đánh đố thí sinh như ở câu IV chẳng hạn.
Ngoài yêu cầu thí sinh phải nắm được kiến thức trong sách giáo khoa, đề thi năm nay cũng yêu cầu thí sinh phải có những hiểu biết xã hội nhất định để vận dụng vào bài làm của mình.
Đề thi cũng mang tính thời sự, những vấn đề mà xã hội đang quan tâm như độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc… (Sỹ Điền ghi)
Mời quý vị nghe file audio sau:
Cô Bùi Thị Phượng – Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Tây Thạnh (TPHCM): Đề thi phát huy khả năng phân tích của học sinh
Tôi rất tâm đắc với đề thi Lịch sử sáng nay. Đề thi có sự đổi mới đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về 2 mục tiêu.
Về nội dung, đề thi trải đều kiến thức môn Lịch sử ở lớp 12.
Nội dung câu hỏi: Với cách ra đề này thì khắc phục được việc “học vẹt” của HS và tạo tư duy logic cho các em trong môn xã hội. Đề thi phát huy được khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức tốt. Đặc biệt nếu những em nào học tốt môn Văn, thì làm đề Sử cũng sẽ có những lợi thế nhất định.
Cấu trúc đề từ dễ đến khó, tạo cho các em khi làm bài sẽ rất thoải mái. Nếu em nào nắm được kiến thức cơ bản, thì hoàn toàn có thể lấy 3 điểm ở câu hỏi Lịch sử thế giới về kinh tế Nhật Bản. Với những em học lực trung bình cũng có thể lấy được điểm 5 ở những câu tiếp theo.
Về phần khó hơn, tức là các em có thể lấy điểm 6-7 và cao hơn nữa đòi hỏi các em không chỉ nắm vững kiến thức mà cần phải có sự vận dụng.
Đề thi theo tôi đáp ứng được tinh thần đổi mới trong giáo dục, đổi mới cho người dạy, cho người học tức là các thầy cô như chúng tôi không chỉ dạy những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa mà cần phải cập nhật thêm cho các em những sự kiện mang tính thời sự. Vận dụng những kiến thức đó một cách phù hợp.
Ngoài ra, theo tôi trong 3 môn xã hội: Văn, Sử, Địa thì môn Sử có phần khó hơn, đây cũng là những căn cứ trong xét tuyển ĐH, CĐ.
Một điểm mà tôi rất tâm đắc đó là khác với đề của các năm trước, đề thi Lịch Sử năm nay có sự đổi mới trong câu hỏi vế 2 của câu IV về chủ quyền quốc gia.
Với môn Lịch Sử, vấn đề chủ quyền quốc gia không là mới, nó là điều hiển nhiên, nhưng với cách ra đề mới về chủ quyền quốc gia, người ra đề đã mang hướng mở, cho các em trình bày, các em nêu những quan điểm của mình về vấn đề này dựa trên các kiến thức của em có. Đó chính là tính mới trong cách ra đề thi môn Lịch sử.
Sau khi kết thúc môn, nhiều HS cũng gọi cho tôi chia sẻ là các em làm bài khá tốt và cũng rất tâm đắc về câu hỏi mở này. Điều đó cho thấy sự thành công trong cách ra đề năm nay của Bộ GD&ĐT. (Phan Nga ghi)
Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Đề thi rất hay, phân hóa cao
Về nội dung kiến thức, đề thi môn Lịch sử nằm trọn vẹn trong chương trình sách giáo khoa 12 hiện hành, xuyên suốt, bao quát nội dung chương trình theo các giai đoạn của lịch sử Việt Nam (1919 – 1930, 1930 – 1945, 1945 -1954, 1954 – 1975).
Đề thi không bắt học sinh phải nhớ và trình bày những sự kiện, kiến thức chi tiết tỉ mỉ, ngày tháng năm cụ thể, mà trên cơ ở những kiến thức cơ bản về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về cách mạng tháng 8, về 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), chống đến quốc Mỹ (1954 – 1975) để yêu cầu thí sinh thể hiện các kỹ năng làm bài: Từ nhận biết kiến thức đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, thông qua các yêu cầu: Trình bày kiến thức, lựa chọn kiến thức, đánh giá nhận xét kiến thức, liên hệ thực tiễn ngày nay…
Đề thi (ở vế thứ 2 của câu IV) đã yêu cầu thí sinh thể hiện kỹ năng vận dụng và vận dụng cao là cơ hội tốt giúp thí sinh thể hiện thái độ và trách nhiệm của thế hệ trẻ của mình như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo.
Đề thi như thế này sẽ khắc phục được thói quen học tủ của thí sinh, buộc thí sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản, xuyên suốt; nhưng đồng thời cũng giúp thí sinh phải biết cập nhật được những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ được tổ chức trong năm 2015, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8/1945 và Quốc khánh 2/9.
Có thể nói, đề thi có tính phân hóa rất cao, vừa đáp ứng được cơ bản cho những thí sinh lựa chọn môn Sử để xét công nhận tốt nghiệp, vừa đánh giá được năng lực học sinh tham gia xét tuyển vào đại học khối C năm học 2015 – 2016. Tôi rất thích đề thi này. (Hiếu Nguyễn ghi)
Theo GD&TĐ