Một cô gái bị oan được tòa bồi thường 400 triệu đồng
Một cô gái bị hình sự hóa vi phạm hành chính đã được cơ quan làm oan bồi thường…
Chiều 5.10, Nguyễn Ngọc Mỹ Linh, người bị oan trong vụ án mà TAND quận Tân Bình (TP.HCM) có trách nhiệm bồi thường oan, cho biết vào ngày 24.9 vừa qua, cô đã cùng luật sư Lê Văn Bình (người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho cô) đến tòa này nhận 400 triệu đồng.
“Em hy vọng sẽ lo được cho mẹ và con”
Buổi giao nhận tiền giữa hai bên đã diễn ra trong phòng làm việc của Chánh án TAND quận Tân Bình, có mặt Chánh án Nguyễn Văn Trí và Phó chánh án Ngô Đức Thụ. Sau khi nhận tiền, Linh đã ký giấy nhận tiền và ký giấy rút đơn yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại do bị oan.
Linh kể sau khi nhận được tiền tòa bồi thường, cô đã trích ra 260 triệu đồng để mua một mảnh đất ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), trên đất có một căn phòng nhỏ như căn phòng trọ của công nhân. Số tiền còn lại cô dự định mở một tiệm cà phê nho nhỏ cho khách tới uống cà phê, coi đá banh để kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống cho cả nhà.
Tâm sự với chúng tôi, Linh kể: “Hiện nay em đang đi phục vụ bàn quán nhậu từ 18h đến 23h mỗi ngày. Em vẫn đang kiếm thêm việc làm ban ngày để lo chi phí cuộc sống chứ thu nhập từ công việc kia khiến gia đình em cứ thiếu trước hụt sau. Nhờ trời thương nên sức khỏe của mẹ em và con em đã tốt hơn rồi. Có điều sức khỏe của em nay lại yếu hơn trước chị ạ. Em bị tùm lum bệnh hết chị ạ, như suyễn, tim mạch, hạ đường huyết, thiếu máu não…”.
Linh nói cô cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về trường hợp của cô. Cô cũng xin chân thành cám ơn bạn đọc của báo đã chuyển tiền hỗ trợ cho mẹ con cô vượt qua lúc khó khăn ngặt nghèo. “Ai cũng có lúc sai lầm, cũng có lúc cuộc đời bi quan, khó khăn nhưng em hy vọng em sẽ vượt qua được tất cả để lo được cho mẹ và con em những điều tốt đẹp” – Linh rơm rớm nước mắt.
Luật sư Trần Ngọc Nữ đang hướng dẫn Nguyễn Ngọc Mỹ Linh (phải) thủ tục yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan.
“Nhờ VKSND TP.HCM công tâm…”
Video đang HOT
Chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Nguyễn Văn Trí (Chánh án TAND TP.HCM) xác nhận Mỹ Linh đã rút đơn yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại do bị oan. Còn về số tiền 400 triệu đồng tòa trả cho Linh thì ông Trí chỉ cho biết: “Chuyện đó cô ấy đã nhận rồi, nhà báo cứ hỏi cô ấy”.
Theo hồ sơ, tháng 1.2013, Linh cùng bạn bè tụ tập ở một khách sạn trên đường Phan Huy Ích (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM). Công an quận phối hợp cùng công an phường đến kiểm tra, mang đi một gói có chứa chất ma túy. Sau đó Linh bị khởi tố, truy tố về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tháng 5.2013, TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm đã phạt Linh 2 năm 6 tháng tù về tội danh trên. Sau đó Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị, cho rằng việc tòa sơ thẩm kết án Linh là không đúng quy định của pháp luật. Xử phúc thẩm, TAND TP cũng đồng quan điểm với VKS TP là “các chất ma túy mà Linh tàng trữ đều dưới mức để xử lý hình sự”. Tuy nhiên, thay vì tuyên bố luôn rằng Linh không phạm tội, tòa phúc thẩm lại tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ hình sự hóa vi phạm hành chính này, tháng 6.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, VKSND quận Tân Bình thống nhất đình chỉ đối với Linh với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội”. Tuy nhiên, VKSND TP đã yêu cầu cấp dưới hủy bỏ quyết định đình chỉ không đúng này, thay vào đó phải đình chỉ vì hành vi của Linh không cấu thành tội phạm. Tháng 8.2017, Linh đã chính thức được các cơ quan tố tụng xác định bị oan.
Linh đã mang con nhỏ cùng mẹ già đến báo cảm ơn vì đã phản ánh về vụ án oan của cô, kiên trì đồng hành cùng cô và gia đình, đồng thời cho biết cô rất cảm kích vì sự công tâm của VKSND TP.HCM. Sau đó cô đã được hai luật sư Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) và Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) trợ giúp pháp lý miễn phí, hướng dẫn làm thủ tục đòi bồi thường oan.
Cơ duyên gặp gỡ từ một tin nhắn
Trước đây, một buổi sáng tháng 8.2013, luật sư Trịnh Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Người Nghèo) đưa chúng tôi xem tin nhắn từ một số máy lạ. Tin nhắn này có nội dung: “Vụ Nguyễn Ngọc Mỹ Linh tàng trữ trái phép chất ma túy mà TAND TP.HCM vừa hủy án sơ thẩm là một vụ án oan. Mong luật sư giúp đỡ…”.
Chúng tôi nhiều lần gọi vào số máy ấy thì tín hiệu đều báo không liên lạc được. Tuy nhiên, sự tò mò về vụ án này đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu tới cùng và đến nay vụ án đã kết thúc với kết quả tốt đẹp như trên.
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Bị 'ngâm án' 5 năm, doanh nhân gửi thư cầu cứu Thủ tướng
Ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc vừa viết thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ vì cho rằng bị oan sai trong vụ án chìm ca nô Cần Giờ.
Ông Vũ Văn Đảo, một trong 2 bị can vụ chìm cano Cần Giờ - Ảnh: GDVN
Ông Đảo cho rằng, vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP. HCM đã xảy ra cách đây hơn 5 năm và kéo dài cho đến hiện nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
5 năm qua, ông Đảo đã nhiều lần kêu oan, đưa ra nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh mình không phạm tội "Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn" nhưng cơ quan tố tụng vẫn quy buộc ông trách nhiệm hình sự. "Nguyên tắc suy đoán vô tội" theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng bị cơ quan tố tụng bỏ qua".
"Là Bí thư chi bộ đảng với gần 40 đảng viên, là người sáng lập và điều hành một số doanh nghiệp với cả ngàn lao động, hàng năm đóng góp cho ngân sách hàng chục tỉ đồng nhưng tôi lại đang bị các cơ quan tố tụng TP.HCM 'hành' suốt 5 năm qua", ông Đảo viết.
Theo đó, suốt 5 năm qua, ông Đảo bị cấm xuất cảnh nên nhiều hợp đồng với các đối tác nước ngoài bị ảnh hưởng.
Ông Đảo cho biết, vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra vào đầu tháng 8.2013 được xác định rất rõ ràng là không phải do chất lượng phương tiện mà do chở quá người và gặp thời tiết xấu. Người điều khiển phương tiện đã mất, cơ quan tố tụng lại khởi tố ông Vũ Văn Đảo - là giám đốc doanh nghiệp sản xuất ra phương tiện.
Ca nô gây tai nạn BP12-04-02 do Công ty Việt Séc bán và bàn giao cho biên phòng. Ca nô cũng đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm cho phép đưa vào sử dụng từ tháng 7.2013.
Ông Đảo không phải là chủ phương tiện, không phải là người điều khiển phương tiện đã gây tai nạn và cũng không phải là người đăng kiểm phương tiện nhưng cơ quan tố tụng lại khởi tố vì cho rằng ông đã đưa công nghệ tiên tiến từ Châu Âu vào Việt Nam để sản xuất ra tàu thuyền khi chưa được cơ quan đăng kiểm cho phép.
Thư viết, một vụ án tai nạn giao thông, luật cho thời hạn điều tra có 4 tháng, Cơ quan điều tra đã xin gia hạn đến 2 lần, Viện kiểm sát đã chấp thuận gia hạn và kết thúc vụ án trước ngày 4.9.2014.
Trong khi đó, Khoản 6 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự (LTTHS) 2003 quy định: "Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra." Tuy nhiên, Công an TP.HCM lại ban hành Bản kết luận điều tra trái pháp luật vào ngày 12.9.2014 (ban hành khi đã hết thời hạn điều tra).
Khi cơ quan công an đề nghị truy tố, VKS thống nhất quan điểm, nhưng Tòa án Nhân dân TP.HCM đã phải 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu xác định mối quan hệ nhân quả, hậu quả của vụ án. Tòa án yêu cầu làm rõ, phương tiện chở quá người, gặp thời tiết xấu... liên quan gì đến việc Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn?.
Sau 3 năm tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ trưng cầu giám định tàu gây tai nạn, khi kết quả giám định cũng đã rõ nguyên nhân không phải do chất lượng phương tiện, thay vì đình chỉ vụ án thì Cơ quan điều tra Công an TP.HCM lại ra Kết luận điều tra bổ sung đề nghị Viện kiểm sát truy tố. Hồ sơ vụ án hiện đã được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM.
Liên quan vụ án này, Văn phòng Chính phủ đã 6 lần có ý kiến chỉ đạo gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương, chính quyền và các cơ quan tố tụng TP.HCM yêu cầu giải quyết dứt điểm nhưng chưa có kết quả.
Được biết, nhiều chuyên gia, luật sư, tổ chức đã phân tích những điểm bất hợp lý trong vụ án ca nô Cần Giờ và kiến nghị cơ quan liên quan đình chỉ vụ án để tránh làm oan sai cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã nhiều lần kiến nghị về vụ án này. Theo ông Quế, nhiều ý kiến cho rằng vụ án đã kéo dài 5 năm, cơ quan điều tra làm như vậy là "treo án", tiếp tục gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đảo và ông Quyết, cùng hàng trăm công nhân tại công ty Việt Séc.
"Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, có sai thì sửa nhằm tránh hậu quả nghiêm trọng khác, với tư cách luật sư và chuyên gia pháp luật hình sự, tôi đề nghị VKSND TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án để lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân TP.HCM nói riêng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng", ông Quế nhấn mạnh.
Lam Thanh
Theo motthegioi
Ông Vũ Văn Đảo, một trong 2 bị can vụ chìm cano Cần Giờ - Ảnh: GDVN
Bé gái 11 tuổi tố bị hàng xóm dâm ô nhiều lần Hà chia sẻ, Minh đã nhiều lần sờ soạng bé rồi đe dọa nên nạn nhân không dám kể với ai. Ngày 8/9, bà Lộc (55 tuổi, ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ đã nhiều lần làm đơn trình báo việc con gái bà bị dâm ô nhưng đến nay chưa có kết quả. Trong đơn gửi cơ...