Một chỉ báo đáng chú ý đang tăng mạnh tại nhiều nhà băng
Lãi dự thu tăng mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 6 tháng ở mức thấp nhất trong 7 năm đặt ra câu hỏi lên quan đến chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh của nhà băng.
Ảnh minh họa.
Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 6 tháng qua, nhiều nhà băng đã buộc phải thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí; dù vậy, lợi nhuận của phần lớn thành viên đều ghi nhận giảm tốc, thậm chí, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý khác, nợ xấu nội bảng đang có xu hướng tăng mạnh trở lại trong khi số lãi dự thu của không ít nhà băng tiếp tục tăng cao.
Thống kê của BizLIVE từ số liệu BCTC quý II/2020 của 21 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, tổng nợ xấu của 21 ngân hàng ở mức hơn 98,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 20,9% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 11,9% so với đầu năm, lên mức 53,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng nợ xấu.
Nợ xấu tăng nhanh trong khi tốc độ mở rộng của tổng dư nợ bị chậm lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tăng khá mạnh trong nửa đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng từ 1,53% hồi đầu năm lên 1,93% kết thúc tháng 6/2020. Trong đó, có tới 17/21 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Con số nợ xấu thực tế có thể lớn hơn nữa, nhất là với những thành viên chưa tất toán xong phần bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như nhiều khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 mà NHNN ban hành hồi đầu năm.
Mặt khác, việc lãi, phí dự thu của nhiều thành viên tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm cũng là một điểm đáng lưu ý.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng.
Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh so với tăng trưởng tín dụng, và đặc biệt là “cô đặc” lâu dài, thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như độ an toàn hệ thống.
Video đang HOT
Thực tế, trong giai đoạn đầu tái cơ cấu các NHTM Việt Nam 2011-2015, vấn đề lãi dự thu tăng cao và có tính bắc cầu với nợ xấu, yêu cầu thoái dần cũng đã từng được đặt ra như một bước để lành mạnh hơn bảng cân đối tại một số thành viên.
Hoặc trong đề án tái cơ cấu của một số trường hợp, thoái lãi dự thu cũng có cơ chế giãn lộ trình thoái nhất định…
Khảo sát của BizLIVE tại 21 ngân hàng cho thấy, tổng lãi, phí dự thu đến cuối tháng 6/2020 ở mức gần 172,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Trong đó, có tới 11/21 nhà băng trong nhóm khảo sát ghi nhận khoản mục này tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, có thành viên ghi nhận lãi, phí dự thu tăng vọt tới hơn 40% chỉ trong 6 tháng qua.
Mặt khác, lãi, phí dự thu tăng khá mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 6 tháng ở mức thấp nhất trong 7 năm qua (3,26%) cũng đặt ra câu hỏi lên quan đến chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh của nhà băng.
Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, các TCTD chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro, tức là nợ nhóm 1.
Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì TCTD phải hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán, hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán.
Dù vậy, nhiều thành viên vẫn không thực hiện chuyển nhóm nợ đối với những khoản thu quá hạn, không thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, từ đó, làm tăng lãi ảo, đồng thời, con số nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác, cụ thể trên BCTC.
Mặt khác, do cơ chế phân loại nợ thời gian qua có những điều chỉnh mang tính trọng yếu, ví dụ như cơ cấu lại khoản nợ nhưng không phải chuyển nhóm…
Như trên, quy mô các khoản lãi dự thu của hệ thống ngân hàng khá lớn, có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trước tác động của dịch Covid-19 trong kỳ báo cáo vừa qua, tiềm ẩn yếu tố rủi ro.
Trước đây, Thống đốc NHNN đã từng có văn bản yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.
Covid-19 tái bùng phát vẽ lại bản kế hoạch lợi nhuận ngân hàng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà băng phải tính lại kế hoạch lợi nhuận 2020 của mình.
Lợi nhuận giảm rõ nét từ quý II/2020
Kể từ khi dịch bệnh xảy ra trong quý I/2020, các ngân hàng phải nhanh chóng bắt tay đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng để kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng. Theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng chưa được thu lãi dự thu trong quá trình tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020.
Đây là nguyên nhân chính khiến báo cáo của các ngân hàng quý II/2020 không còn sáng sủa. Tại ACB, lãi trước và sau thuế quý II giảm 1% xuống 1.895 tỷ đồng và 1.522 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 17% (đạt 4.352 tỷ đồng), nhưng lãi trước và sau thuế cũng chỉ tăng 5% và 6% so với cùng kỳ 2019, ghi nhận lần lượt 3.820 tỷ đồng và 3.059 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của ACB - thời điểm đánh giá được tác động của đợt dịch trong tháng 4, đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 khoảng 7.636 tỷ đồng, điều chỉnh giảm so với dự kiến đưa ra đầu năm nay ở con số 8.700 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận trước và sau thuế quý II/2020 của Eximbank giảm đến 77% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn lần lượt hơn 94 tỷ dồng và 74 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Eximbank cùng giảm khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã thực hiện được 42% kế hoạch 1.318 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận này đã được Eximbank điều chỉnh giảm 40% so với chỉ tiêu dự kiến đưa ra đầu năm nay.
Cũng trong 6 tháng tháng đầu năm nay, Eximbank tái cơ cấu khoảng 6.000 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch (chiếm 6% trên tổng dư nợ của Eximbank), tác động làm giảm 150 tỷ đồng lợi nhuận do Ngân hàng chưa thu được lãi dự thu.
Tại BAC A BANK, lợi nhuận trước thuế quý II/2020 đạt 175 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019 do chi phí dự phòng tăng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của nhà băng này tăng tới 45,6%, lên mức 166 tỷ đồng, khiến BAC A BANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm khá mạnh với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 19%.
Lợi nhuận Kienlongbank, Nam A Bank cũng khó giữ đà tăng trong quý II/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến nguồn thu lãi thuần và thu ngoài lãi giảm.
Sacombank cho biết, đến nay đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng.
Ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 7 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, vượt 5% so với tiến độ và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm.
Kế hoạch lợi nhuận 2020 của Sacombank cũng đã được điều chỉnh giảm 20% so với năm 2019, chỉ ở mức 2.573 tỷ đồng trước thuế.
Nợ xấu tăng, bức tranh lợi nhuận xám màu
Báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng đều giảm theo kịch bản đã được dự báo trước tác động của dịch bệnh. Dù vậy, các ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện tích cực hơn từ sau tháng 9/2020 khi kết thúc tái cơ cấu, giãn nợ theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Thế nhưng, việc Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới và bùng phát trở lại tại Việt Nam đã tác động kép lên hoạt động của ngành ngân hàng, nên bức tranh lợi nhuận được cho là sẽ xám màu hơn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục làm cho tín dụng tăng trưởng chậm lại và cả năm khả năng sẽ chỉ đạt khoảng 10%.
Chính điều này sẽ tác động lên hoạt động của các ngân hàng, bởi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn từ lãi thuần, trong khi nguồn thu ngoài lãi của các nhà băng đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do dịch bệnh.
Trong khi đó, nợ xấu tại nhiều ngân hàng bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh. Tại Sacombank, tín dụng tăng trưởng âm 2,79%, song nợ xấu nội bảng tính đến hết 30/6/2020 là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.
Tương tự, nợ xấu của Kienlongbank đã tăng tới 5,5 lần, lên mức 2.249 tỷ đồng, tập trung tại nợ có khả năng mất vốn với hơn 2.145 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này nâng từ 1,02% lên 6,59%.
Tuy nhiên, theo giải trình của Kienlongbank, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Sacombank (được phân loại theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước - NHNN). Từ đầu năm nay, Kienlongbank liên tục hạ giá rao bán số cổ phiếu này, nhưng chưa thành công.
Tổng nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2020 tăng 20% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%.
SHB, VietinBank cùng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng 54 điểm cơ bản lên 2,45% và 1,7%. Tại MB, con số này là 174%, với 1.614 tỷ đồng.
Tại Eximbank, nợ có khả năng mất vốn tăng 98% sau nửa đầu năm, trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng đến 140%.
Tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.
Nợ xấu tăng, kéo theo chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh nửa đầu năm nay. Đơn cử, ACB phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II/2020 lên gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, dự phòng tăng mạnh gấp 5,5 lần cùng kỳ lên 532 tỷ đồng, nên lợi nhuận chỉ tăng 6%.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 2/2020 của Eximbank giảm mạnh do phải trích hơn 155 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Eximbank cũng trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhận định được đưa ra từ TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Thông tư 01 giúp một số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng.
Nhưng chính điều này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. TS. Hiếu cho rằng, nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại, bởi Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính quý II/2020.
Các ngân hàng nên thận trọng và có dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại. Vì thế, hiện không ít nhà băng đang cân nhắc và chỉnh tiếp chỉ tiêu lợi nhuận 2020.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Văn bản nêu rõ, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu, trong nước cũng đang ứng phó với tình hình dịch tái phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương... Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tập trung giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Đáng lưu ý, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động; giảm lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Tiền đồng đang dư thừa trong nhà băng Các ngân hàng đang vay mượn nhau với giá lãi suất rất rẻ, lợi suất trái phiếu giảm mạnh, tín dụng thấp là những tín hiệu cho thấy tiền đồng đang tràn ngập trong hệ thống ngân hàng. Trong báo cáo phát hành sáng nay 13-8, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, lãi suất liên ngân hàng gần như không đổi...