Một buổi đi học, một buổi ra đồng, vẫn đỗ hai trường ĐH
Sau mỗi buổi học, Tới ăn vội bát cơm rồi xắn quần ra đồng phụ cha mẹ làm cỏ, giậm lúa… Suốt 12 năm học, cậu học trò con nhà nông ấy luôn là học sinh giỏi. Đặc biệt trong kỳ truyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, Tới đỗ cả hai trường ĐH.
Nhiều ngày nay, từ đầu làng cuối xóm, người dân ấp 5 (xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ai nấy đều tấm tắc khen cậu học trò Phan Lâm Tới vượt khó học giỏi. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Tới đỗ Trường ĐH Y Cần Thơ với tổng điểm 27,5 điểm và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ngành Điện tử truyền thông với 23,5 điểm.
Tự học là chính
Đến trường THPT Đốc Binh Kiều (huyện Cai Lậy) hỏi thăm về cậu học trò nghèo, học giỏi Phan Lâm Tới, thầy cô, bạn bè luôn dành cho Tới nhiều tình cảm quí mến, lẫn cảm phục tính chăm học và lòng hiếu thảo của em.
Cô Nguyễn Mỹ Phương – giáo viên Trường Tứ Kiệt (gần nhà em Tới) cho biết: “Gia đình em Tới thuộc hộ cận nghèo, gia đình chỉ có 2,3 công đất trồng lúa nhưng có đến 5 miệng ăn nên cuộc sống quanh năm luôn thiếu trước hụt sau. Bởi thế, mỗi khi đi học về, Tới ăn vội mấy bát cơm là xắn quần lội ra ruộng phụ cha mẹ ngay. Nhưng đáng khâm phục là trong suốt 12 năm học, Tới chẳng bao giờ đăng ký học thêm, nhưng luôn là học sinh giỏi”.
Một buổi đi học, một buổi ra đồng nhưng Tới luôn là học sinh giỏi. Kỳ truyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, Tới đỗ cả hai trường ĐH.
Từ nhỏ, Tới ý thức được tầm quan trọng của việc học, em không bao giờ để ba mẹ phải thúc giục, phiền lòng về học tập. 12 năm liền, Tới đều là học sinh giỏi, luôn đứng nhất, nhì khối. Ngoài ra, em còn giành được giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2011- 2012, em đạt được giải Nhì trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, giải Khuyến khích học sinh giỏi Máy tính cấp tỉnh.
Chị Võ Thị Hãnh bùi ngùi cho biết: “Con người ta đi học về là nghỉ ngơi hoặc đi học thêm còn thằng Tới, từ lớp 1 đến ngày nó tốt nghiệp THPT chẳng biết đến lớp học thêm là gì. Đã vậy, sau mỗi buổi học, trong khi các bạn của nó được vui chơi, giải trí, thư giãn thì Tới lại đi nhổ cỏ, cấy lúa với vợ chồng tui. Mặc dù vợ chồng tui luôn nhắc bảo cháu nó dành thời gian cho việc học, nhưng nó vẫn ra đồng!”.
Nói về bí quyết học tập, em Tới cho biết, ở trên lớp phải cố gắng nghe thầy cô giảng bài, sau đó về nhà dành chút thời gian ôn lại nội dung bài vừa học để khắc sâu kiến thức. Ngoài ra phải vận dụng lí thuyết đã học để làm bài tập thật nhiều để nhớ bài sâu và chắc hơn. Nếu bạn nào có điều kiện, mua thêm sách vở tham khảo, làm giàu thêm kiến thức.
Được biết, trong suốt 3 năm học THPT, Tới dành tiền ăn sáng để mua nhiều loại sách tham khảo để đọc thêm, bài nào không hiểu, Tới tranh thủ giờ giải lao mạnh dạn đến nhờ thầy cô giải đáp hộ. Thương cậu học trò nghèo, thông minh lại chăm học nên thầy cô ở Trường THPT Đốc Binh Kiều hết lòng giúp em khi có thắc mắc.
Video đang HOT
Nhờ tính siêng năng và sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô nên trong kì thi tuyển sinh đại học 2012 – 2013, Tới đã đỗ điểm cao cả 2 Trường ĐH Y Cần Thơ và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Được biết, Tới là thí sinh đứng hạng 3 trong số 9 thí sinh có điểm thi cao (từ 27- 29 điểm) của tỉnh Tiền Giang.
Gian nan bước đường phía trước
Quanh năm cha mẹ Tới “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mỗi năm làm được 2 vụ lúa, sau khi trừ chi phí xăng dầu, phân bón, số tiền còn lại chỉ đủ mua gạo. Đó là chưa kể đến lúc bị lũ lụt, sâu rầy làm thất trắng phải mang nợ, không đủ để trang trải chi phí trong gia đình.
Thi đỗ tốt nghiệp THPT xong, thấy gia đình khó khăn Tới không dám xin tiền ba mẹ đăng kí luyện thi. Tới lên kế hoạch ôn thi tại trường và tranh thủ “đón đường” các bạn ôn tập tại các trung tâm luyện thi, mượn các bài giải của, photo ra để mang về nhà “nghiên cứu”, tự rút kinh nghiệm cho bản thân qua mỗi bài tập.
Chính nhờ phương pháp “tự học là chính” trong suốt 12 năm học, cộng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè nên những nỗ lực của em đã được đền bù xứng đáng.
Do gia đình khó khăn, ba mẹ Tới chưa kiếm đủ số tiền làm hồ sơ nhập học cho Tới.
Cầm giấy báo trúng tuyển của con trên tay, anh Phan Văn Thương – cha em Tới không khỏi lo lắng: “Ông bà nội của cháu già yếu, đau ốm liên miên, nhà lại ít đất nên nghĩ đến số tiền bạc triệu cho mỗi học kỳ cháu Tới, vợ chồng tui chẳng biết liệu thế nào. Chỉ cầu trời cho vợ chồng tui mạnh khỏe, dù có làm ngày, làm đêm vợ chồng tui cũng phải cho nó ăn học đến cùng!”.
Riêng Tới chia sẻ: “Từ lâu em rất muốn trở thành một bác sĩ để có cơ hội chữa bệnh cho bà con nghèo ở địa phương, vì thế em đã chọn trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Nhưng vấn đề em lo nhất hiện nay là cha mẹ em chưa có tiền đóng học phí. Nếu cha mẹ lo được việc này thì ước mơ trở thành bác sĩ của em mới có cơ hội trở thành hiện thực. Sau khi nhập học ổn định, em sẽ kiếm việc làm thêm, kiếm tiền đi học, giảm bớt gánh nặng cho ba mẹ”.
Nhìn gương mặt cương nghị, thông minh của em Tới, chúng tôi tin rằng với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, cậu học sinh nghèo Phan Lâm Tới sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường học tập.
Nguyễn Hành – Diệu Hiếu
Theo dân trí
Học sinh đến trường từ "xã ốc đảo"
Các trường THPT nơi có học sinh Minh Châu theo học đều dành cho các em sự ưu ái đặc biệt về giờ giấc. Trường nào cũng vậy, dù buổi học đã bắt đầu nhưng mỗi khi có một nhóm học sinh hớt ha hớt hải đạp xe đến xưởng với bác bảo vệ, cháu là học sinh Minh Châu, ngay tức khắc cánh cổng sẽ được mở.
Từ năm học 2012 - 2013, Tính, nhà ở xóm 1, xã Minh Châu trở thành học sinh lớp 10A5 trường THPT Quảng Oai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Nhà Tính cách bến phà chừng 3 km nên, để kịp lên chuyến phà rời bến lúc 6 giờ sáng, em phải dậy từ trước đó một tiếng.
Tính kể: "Hằng ngày khoảng hơn một trăm bạn xã Minh Châu được lên bờ học ở các trường THPT. Người ta phải xếp chỗ thật khéo mới chở hết bằng ấy bạn với bằng ấy chiếc xe đạp. Bạn nào lỡ chuyến phà đó có nghĩa là vào lớp muộn một tiết".
Bình thường những lúc phà rảnh, mỗi chuyến qua sông chỉ mất khoảng 20 phút. Nhưng những chuyến phà rời bến Minh Châu lúc 6 giờ sáng thường tốn gấp đôi thời gian.
Học sinh xã Minh Châu trên phà đến trường. Ảnh: Q.H
Kể từ lúc Huyền, bạn học cùng với Tính, có mặt ở bến sông Minh Châu đến khi đặt chân được lên đất Chu Minh (xã bên kia sông), tổng cộng hết 48 phút. Thời gian còn lại đủ để cho học sinh Minh Châu đạp xe đến trường kịp vào tiết đầu tiên lúc 7 giờ 15 phút.
Cũng có hôm các bạn không gặp may. Thứ sáu tuần trước, đúng lúc phà chuẩn bị rời bến thì mưa ào ào. Hơn trăm học sinh đứng đội mưa trên phà cả tiếng đồng hồ chờ mưa ngớt, sóng lặng.
Mùa đông, đường đến trường của học sinh Minh Châu mới thật sự gian nan. Nhiều buổi sáng, mặt sông dày đặc sương khiến phà không thể rời bến.
"Có một lần phà vẫn sang sông khi sương chưa tan hẳn. Ra đến giữa sông sương dày đặc trở lại. Phà đi lạc xuống tận bến Vĩnh Thịnh - thị xã Sơn Tây. Chúng cháu phải đạp xe hơn chục cây số ngược trở lại trường. Mệt đứt hơi", Điều, học sinh trường THPT Quảng Oai khoá 2009 - 2012, kể.
Những người thầy lần lượt bỏ Minh Châu
Học sinh bé hơn (từ cấp THCS trở xuống) thì không phải qua phà mà học ngay trên đảo. Ngay tại Minh Châu có tới ba trường cho ba cấp: mầm non, tiểu học, THCS. Quy mô mỗi trường từ 300 đến 600 học sinh.
Nhưng "Kể từ khi làm cán bộ quản lý nhà trường (năm 2004) đến nay, tôi đã chứng kiến sự ra đi của khoảng hơn 20 giáo viên. Họ cứ về trường công tác một thời gian, tối thiểu là ba năm, thì xin luân chuyển", thầy Kiều Đức Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Châu, cho biết.
Bản thân thầy Quang cũng là người ở một xã trên bờ, về dạy học ở Minh Châu từ năm 1992.
Ban đầu thầy Quang nghĩ đến đây khoảng dăm năm. Khi được bổ nhiệm làm quản lý lại khó đi. Ngày mưa cũng như ngày nắng, thầy lại ra bến đợi phà để sang đảo Minh Châu với tâm trạng mong mỏi hết nhiệm kỳ hiệu trưởng để được luân chuyển.
Thầy Đỗ Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Châu, lạc quan hơn dẫu thầy cũng là người ở một xã trên bờ.
"Có thầy bảo, khi sang đến Minh Châu thì thấy phấn trắng, bảng đen, cuộc đời đen. Nhưng trên thực tế cũng có những thầy cô được thấy cuộc đời hồng khi về đây công tác. Ví dụ như cô Nguyễn Thị Bích Ngọc dạy địa ra trường năm 2010 là về Minh Châu. Một năm sau cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Mới đây cô được kết nạp Đảng. Hoặc cô Ngân dạy vật lý cũng về cùng đợt với cô Ngọc giờ đã thành dâu ở Minh Châu, vừa mới nghỉ sinh em bé", thầy Luyện dí dỏm.
Chồng cô Ngân cũng là một giáo viên trong trường - thầy Hoạt dạy toán. Trước khi cô Ngân về, trường không có giáo viên vật lý. Thầy Hoạt vừa phải dạy toán vừa dạy chéo môn lý.
Các giáo viên trong trường trêu thầy Hoạt lập công lớn với học sinh Minh Châu vì từ nay trở đi các em không bao giờ phải học lý của thầy toán!
Tuy nhiên những ngả rẽ bất ngờ dù lạc quan đến mấy vẫn không đủ sức níu kéo các thầy cô ở lại với học sinh Minh Châu khi tương lai về một cây cầu cho xã đảo này vẫn hết sức mờ mịt. Vì vậy trong số 25 giáo viên trường THCS Minh Châu có đến 11 thầy cô chỉ làm hợp đồng.
Có lúc trường THCS Minh Châu thiếu giáo viên đến mức một thầy dạy toán thì dạy luôn cả hoá cả lý. Có thầy như thầy Thanh dạy hợp đồng ở Minh Châu đến nay 13 năm.
Ngoài một buổi dạy trên lớp, thầy tăng thu nhập bằng cách làm ruộng, chăn nuôi. "Giáo viên hợp đồng lương chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng chúng tôi rất biết ơn các thầy cô hợp đồng. Nhờ họ mà trẻ Minh Châu không bị thất học", thầy Luyện nói.
Theo tiền phong
Cậu bé 8 năm đi học bằng tay Lương Văn Mậu (14 tuổi, học sinh lớp 8A, trường THCS Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) bị dị tật bẩm sinh, hằng ngày em phải đến trường trên đôi tay của mình. Lương Văn Mậu. Tình cờ, tôi gặp Mậu trên cầu treo của xã Lượng Minh. Em đang đi học về bằng đôi tay thay cho đôi chân teo tóp....