Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành
Em bé bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau bảng làm chúng ta đau xót quá, nhưng còn một chi tiết đau xót không kém chính là cô giáo không hề ý thức về hành động của mình cho tới khi bị phát giác và lên án.
Sau khi bị phát giác việc bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, cô giáo Hương đã bị buộc thôi việc – Ảnh: TIẾN THẮNG
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ Online ngày 5-4, ông Đặng Tăng Thông, trưởng phòng Giáo dục & đào tạo huyện An Dương, Hải Phòng cho biết bản thân cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương không hề tự ý thức trước hành vi dạy trẻ sai trái của mình, chỉ đến khi bị “phát giác” thì mới nhận ra lỗi lầm và đến tận nhà học sinh xin lỗi.
Cho người khác uống nước từ giẻ lau bảng mà không thấy áy náy lỗi lầm gì trong một thời gian dài, thật sự không biết giải thích sự việc này bằng cách nào ngoài câu hỏi: đây có phải là biểu hiện rối loạn tâm sinh lý, không phân biệt được thiện ác đúng sai?
Trước đó, chúng ta có cô giáo Châu ở trường Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM nhiều tháng liền không giảng bài, không giao tiếp bằng tiếng nói với học trò, cảm thấy cho HS chép bài đầy đủ là đủ, không hiểu “chiến tranh lạnh” có khi lạnh lẽo tàn nhẫn không thua gì quát tháo, trách mắng, không hiểu cách mình hành xử làm HS hoang mang, u uẩn khi tới lớp.
Cho tới khi bị xem xét kỷ luật, cô giáo mới hứa sẽ giảng hòa với HS. Đó chẳng phải là một dạng “không biết mình sai” tương tự “vụ án” giẻ lau sao?
Tôi nhớ năm mình học cấp hai được phân công làm lớp trưởng, cô giáo mới chuyển về trường đã gọi tôi đứng dậy vì để lớp ồn ào và mắng “lũ HS lớp này là lũ đầu trâu mặt ngựa”.
“Kỷ niệm” đó vô tình đã đi theo tôi suốt đời và tôi không chắc cô có nhận ra cô đã “ban tặng” cho những đứa trẻ như chúng tôi “món quà” gì không, và bao nhiêu đứa trong lớp tôi có ngày sẽ dùng chính cụm từ đó cho người thân quanh mình, là điều có thể xảy ra
Video đang HOT
Thông thường con người nếu biết mình sẽ sai, sẽ nhận hậu quả thì sẽ thấy sợ không làm (trừ những người quá máu lạnh bất chấp luật pháp).
Còn người hành động mà cho đến khi cộng đồng thét lên sai rồi mới biết mình sai thì đáng lo quá không?
Nếu quả vậy thì đang diễn ra sự rối loạn về nhận thức khái niệm dẫn đến rối loạn hành vi nghiêm trọng trong một môi trường đầy nhạy cảm như trường học và gia đình: Làm việc xấu mà không biết mình xấu. Bạo hành người khác mà không biết bạo hành. Bạo hành là những gì cũng không phân biệt được để tránh.
Sự mơ hồ khái niệm về bạo hành này đã ăn sâu trong môi trường giáo dục, gia đình và theo đường con người lan tràn ra ngoài gây ảnh hưởng lên toàn xã hội, khiến tỉ lệ bạo hành tại Việt Nam tăng lên mà trẻ em, phụ nữ, người nghèo… là những nạn nhân trực tiếp.
Gần 70% trẻ em VN bị bạo hành là cảnh báo của UNICEF. Con số lớn là thế nhưng chúng ta hành động vẫn còn quá mơ hồ. Xử lý từng vụ việc cụ thể, lắm khi còn xử lý trí trá, cho qua thì không nhờ vậy mà bạo hành giảm bớt. Có ngày chúng ta vẫn cứ khóc vì xót thương.
Các thầy cô giáo phải thực sự được học, học thật nhiều, học mãi mãi về khái niệm bạo hành và những giải pháp cần tránh nó.
Tổ chức y tế thế giới nói rất rõ rằng bạo hành không chỉ là cái chết, thương tích và tàn tật, nó còn là những thứ dẫn đến đến stress làm suy yếu sự phát triển của não và làm hỏng hệ thần kinh và hệ miễn dịch làm chậm phát triển, ảnh hưởng hiệu quả học tập của học sinh nghèo, ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần, các nỗ lực tự tử…
Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành, nhưng một ánh mắt cũng có thể là yêu thương khuyến khích. Người lớn chọn ánh mắt thế nào cũng cần phải học, và khi chúng ta chọn ánh mắt nào thì đứa trẻ sẽ lưu lại ánh mắt đó đến mai sau.
Chúng ta cũng thường nói thôi hỏng hết cả thế hệ rồi không còn hy vọng. Không hẳn là như thế.
Chỉ khi trẻ được đối xử tử tế, ít tổn thương thì những thế hệ đi ra khỏi học đường mới gieo vào xã hội những mầm yêu thương, tử tế lớn dần, rồi từ đó mới có một xã hội nhiều dần những điều tử tế. Chúng ta cũng phải tin vào điều đó.
Giáo trình về bạo hành và cách chống bạo hành cho thầy cô giáo, tại sao không? Nhưng thực ra đó chỉ là một cách nói khác. Thầy giáo hay cha mẹ chúng ta học về bạo hành, cũng chính là học bài bản về giáo dục yêu thương.
Yêu thương cũng phải có cách cụ thể, chứ không phải nói chung chung sáo rỗng là thành yêu thương thực sự. Cần những hành động khẩn cấp từ Bộ Giáo dục – Đào tạo cho thực trạng bạo hành học sinh.
TRƯƠNG BẢO CHÂU
Theo tuoitre.vn
Yêu cầu xử nghiêm cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Phòng Giáo dục huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết sẽ kỷ luật trước toàn trường, chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.
Trường tiểu học An Đồng - nơi học sinh lớp 3A5 bị giáo viên chủ nhiệm phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - chủ nhiệm lớp 3A5 Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị phản ánh đã có hình thức phạt một học sinh nói chuyện riêng trong lớp bằng hình thức bắt phải uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng.
Ngày 5-4, ông Đặng Tăng Thông - trưởng Phòng giáo dục & đào tạo huyện An Dương, cho biết liên quan đến việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương (Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương) phạt học sinh nói chuyện trong lớp bằng hình thức vắt nước giẻ lau bảng để học sinh uống, phòng giáo dục đã được trường báo cáo vụ việc và có hình thức xử lý kỷ luật giáo viên.
Theo đó, giáo viên Hương sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động và cảnh cáo trước toàn trường.
Ông Phạm Khắc Thảo (60 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng), cho biết cháu gái ông là Ph.Ph.A, học sinh lớp 3A5, do cô Nguyễn Thị Minh Hương làm chủ nhiệm.
"Mấy tuần trước, cháu bị cô giáo phạt bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng do nói chuyện trong lớp. Về nhà, cháu sợ hãi không dám kể với gia đình. Chỉ đến chiều 3-4 có một bạn học của cháu kể chuyện này cho vợ tôi thì gia đình mới biết và phản ảnh lại với nhà trường" - ông Thảo cho hay.
Bà Trần Thị Ngọc Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học An Đồng, cho biết chiều 3-4, sau khi nhận được thông tin về việc này, tôi đã gọi ngay cho cô Minh Hương, yêu cầu cô cùng chi hội lớp đến gia đình xin lỗi ông bà và cháu Ph.A. (cháu Ph.A. ở với ông bà nội, bố mẹ đi làm ăn xa).
Ngày 4-4, ban giám hiệu nhà trường đã họp, quyết định tạm dừng việc đứng lớp của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, chuyển giao lớp cho người khác đứng lớp. Được biết, cô Hương là giáo viên mới ra trường, mới về hợp đồng làm giáo viên tại Trường Tiểu học An Đồng.
Về vụ việc này, sáng 5-4, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản gửi Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm hành vi vi phạm nghiêm trọng này.
TIẾN THẮNG
Theo tuoitre.vn
Cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng Nhận được phản ánh từ gia đình học sinh, Hiệu trưởng trường học đã yêu cầu cô giáo kiểm điểm và đang xem xét kỷ luật. Ngay 5/4, ông Lê Anh Quân, Chu tich UBND huyên An Dương (Hai Phong), cho biết huyện đang xem xét kỷ luật cô Nguyên Thi Minh Hương, giao viên chu nhiêm lơp 3A5, Trương Tiêu hoc An...