Mong ước năm mới của những thủ khoa ‘kép’
Trần Hữu Chí, Ngọc Thảo hay Hồng Nhung đều mong muốn học tập tốt, tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa trong năm mới con rắn.
Nhân dịp đầu năm mới, các thủ khoa “kép” nổi bật trong năm 2012 chia sẻ những mong ước, dự định của mình trong năm 2013.
Thủ khoa trường Y và Kiến trúc
Kỳ thi đại học năm 2012, vừa đỗ thủ khoa khoa Y, ĐHQG TPH.CM với 29 điểm, vừa là 1 trong 3 sinh viên đồng thủ khoa khối V, ĐH Kiến trúc TP.HCM với 25 điểm, Trần Hữu Chí, cậu học trò ở ngôi trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định) quyết định chọn khoa Y, ĐHQG TP.HCM.
Đầu năm mới, thủ khoa “kép” Trần Hữu Chí tâm sự: “Em cũng như bao bạn sinh viên từ miền quê ra phố để học đều rất bỡ ngỡ, lạ lẫm, cảm giác lo lắng luôn thường trực bởi phải tìm chỗ ăn, chỗ ở rồi sao tìm được người bạn hợp với mình đến việc học tập. Bởi ngành y không phải là dễ học”.
Chàng thủ khoa “kép” Trần Hữu Chí (giữa) về đón Tết cùng gia đình sau một học kỳ sống xa nhà.
Nói về con trai, ông Trần Hữu Chỉnh – bố em Chí tâm sự: “Dù học Y sẽ vất vả nhưng gia đình luôn cố gắng cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chí chọn ngành Y, tôi tin đó là sự lựa chọn đúng đắn. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con học đạt kết quả cao”
Khi được hỏi dự định trong năm mới sắp tới, Chí cười khiêm tốn trả lời: “Dự định thì nhiều lắm nhưng em chưa dám nghĩ tới vì đó chỉ là những mơ ước ở tương lai. Việc trước mắt, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công ơn của cha mẹ thầy cô và bàn bè những người luôn cho em những tình cảm quý báu”.
Vũ Hồng Nhung – cô bạn quê Nam Định 3 lần đỗ thủ khoa tâm sự về những gì mình đã hoàn thành trong năm 2012 vừa qua và những kế hoạch cho năm mới
“Sau khi ra trường (Hồng Nhung đỗ thủ khoa tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn với điểm học tập toàn khóa 8,71/10), Hồng Nhung được nhận vào dạy tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và hiện tại đã được nhận chính thức là giáo viên của trường.
Được dạy tại một ngôi trường nổi tiếng như trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với cô giáo trẻ như Hồng Nhung là một điều may mắn nhưng cũng không ít những thử thách, Hồng Nhung chia sẻ: “Vì là trường chuyên nên các em học sinh cũng sẽ có lực học khá hơn, bắt buộc cô giáo phải trau dồi kiến thức sâu để truyền đạt lại, hơn nữa Nhung lại mới ra trường nên cũng còn nhiều điều phải học tập các thầy cô giáo đi trước và tự học để đáp ứng tốt nhất chuyên môn tại trường”.
Video đang HOT
Thủ khoa Vũ Hồng Nhung.
Một niềm vui nữa đến với cô giáo trẻ đó là vừa qua Hồng Nhung chính thức nhận giải ba Tài năng khoa học trẻ của Bộ GD-ĐT. Mặc dù đây là giải thưởng dành cho sinh viên nhưng đến thời điểm hiện tại khi đã là một cô giáo trẻ, Nhung mới có quyết định nhận giải nên cô vui lắm.
Chia sẻ về những dự định trong năm mới, Nhung bật mí: “Năm mới, điều đầu tiên Nhung mong muốn đó là gia đình mình được khỏe mạnh, mọi người sống vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Tiếp nữa, Nhung sẽ cố gắng phấn đầu hơn nữa để trau dồi kiến thức cho bản thân mình đáp ứng tốt nhất công việc đang làm”.
Thủ khoa Thảo Ngọc
Từ quê hương Vĩnh Phúc, Nguyễn Thảo Ngọc (cựu lớp 12A trường THPT chuyên Ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, thủ khoa khối D1 của ĐH Ngoại thương Hà Nội vàthủ khoa khối A1 Học viện Ngoại giao) cho biết: “Năm vừa qua là một năm thành công đối với bản thân em”.
“Năm học lớp 12 vừa qua, giống như các bạn học sinh cuối cấp khác, em dành hầu hết thời gian cho việc học tập. Thời điểm biết kết quả các kì thi (kì thi tốt nghiệp, 2 đợt thi đại học) dành hầu hết thời gian cho công việc chính là những kỷ niệm vui và đáng nhớ nhất. Ngoài ra, cuối năm 2012 vừa qua, em đã có một trải nghiệm rất thú vị trong chuyến đi thăm và làm tình nguyện ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Qua chuyến đi, em đã hiểu thêm về cuộc sống con người ở một vùng đất nước. Chuyến đi đã để lại trong em rất nhiều cảm xúc khó quên”.
Được biết, những ngày Tết Quý Tỵ vừa qua, Thảo Ngọc dành nhiều thời gian bên gia đình và người thân. Ngoài ra, cô thủ khoa “kép” đã cùng bạn bè đi thăm các thầy cô giáo”
“Sau một năm vất vả, đây chính là lúc em cảm thấy vui và hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, em nhận thấy đây mới là thành công bước đầu, còn rất nhiều những thử thách, chông gai phía trước. Trong những năm sắp tới em sẽ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Mong rằng các kì học tới em sẽ đạt được kết quả học tập tốt” – Thảo Ngọc tâm sự biết.
Thảo Ngọc xinh tươi đón xuân.
Thủ khoa ĐH Ngoại Thương
Là thủ khoa đầu vào khối D1, trường ĐH Ngoại thương với số điểm 27,5, Nguyễn Thị Thùy Dung còn giành luôn vị trí nhất khi ra trường với số điểm tích lũy tín là 3,72/4.
Theo học lớp chất lượng cao – cử nhân kinh tế giảng dạy bằng tiếng Anh của khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường ĐH Ngoại thương, hiện tại Thùy Dung là trợ lý giám đốc của tập đoàn Đại Việt.
Chia sẻ về công việc hiện tại, Dung cho biết: “Em chọn công việc này vì em yêu thích và cũng nhận thấy kiến thức và kỹ năng của mình phù hợp với yêu cầu công việc. Niềm yêu thích và sự hài lòng với công việc luôn là nguồn động lực thúc đẩy em cố gắng phấn đấu hơn nữa trong tương lai để hoàn thiện bản thân, hết mình với công việc, không phụ lòng mong mỏi của gia đình và cống hiến cho xã hội”.
Thủ khoa “kép” Nguyễn Thị Thùy Dung.
Cô thủ khoa “kép” ĐH Ngoại thương cho biết: “Trong năm mới, Dung dự định tập trung thời gian, công sức vào phát triển sự nghiệp, tham gia xây dựng một số chương trình hứa hẹn sẽ mang tính ứng dụng cao và có hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, em cũng muốn gửi lời chúc năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, thành công đến mọi người. Đặc biệt, chúc các bạn trẻ khởi nghiệp thành công và thắng lợi!”.
Con đường đi đến thành công còn chông gai và vất vả nhưng chúng ta luôn tin rằng những sinh viên năng lực chịu khó học tập, có ước mơ hoài bão sẽ gặt hái được những thành công xứng đáng.
Theo Dân Trí
Học sinh cần bản lĩnh "nói không" với cám dỗ
"Nhiều bạn học giỏi nhưng đau đáu nuôi mục đích học tập là để có cơ hội đi du học rồi làm việc ở nước ngoài chứ không muốn trở về xây dựng đất nước. Học giỏi nhưng chúng ta cần bản lĩnh để giữ chất xám cho đất nước".
Đó là chia sẻ của bạn Hà Văn Sang, học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Du, gương mặt "HS 3 tích cực" TPHCM tại tọa đàm xây dựng hình mẫu HS trong giai đoạn mới diễn ra trong khuôn khổ ngày hội tuyên dương "HS 3 tích cực" TPHCM năm 2012.
HS này cho rằng, một trong những nhiệm vụ của HS là học giỏi nhưng nhiều bạn bỏ quên mục tiêu góp sức mình để xây dựng đất nước. "Mẫu hình HS Việt Nam là phải góp sức hướng về đất nước, làm đẹp cho đất nước".
Bên cạnh 3 tiêu chí cần thiết như học tập tốt; rèn luyện đạo đức, lối sống; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhiều tranh luận cho rằng HS ngày nay cần phải có bản lĩnh, lý tưởng sống vì cuộc sống bây giờ có nhiều cám dỗ.
Bạn Võ Thanh Ngọc, Trường THPT Thủ Đức cho rằng HS ngày nay phải có bản lĩnh hòa nhập mà không hòa tan.
Bạn Võ Thanh Ngọc, Trường THPT Thủ Đức cho hay một bộ phận đang chạy theo xu thế từ bên ngoài thâm nhập vào làm mai một văn hóa, truyền thống của dân tộc. Thế nên, mẫu hình HS giai đoạn mới đòi hỏi thế hệ trẻ phải có bản lĩnh để hòa nhập mà không bị hòa tan.
Bạn Huỳnh Minh Quang, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bày tỏ, tuy thế hệ HS bây giờ không phải sống trong thời chiến nhưng mẫu hình HS giai đoạn giao lưu văn hóa, kinh tế cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
"Không chỉ học giỏi mà phải là học tập một cách tích cực, đạo đức không chỉ là ngoan ngoãn vâng lời mà phải có bản lĩnh. Ngoài ra, HS tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội, vì cộng động và đòi hỏi cả khả năng giao tiếp", Minh Quang cho hay.
Tuy nhiên, điều làm HS này trăn trở là các bạn trẻ Việt Nam đang rất thiếu định hướng để thực sự phát triển được thế mạnh, tố chất của bản thân. Ví dụ như trong việc chọn nghề nghiệp, nhiều người thi vào các trường do bố mẹ áp đặt hoặc chọn theo bạn bè, theo nghề hot chứ không xác định được mình thích gì và mình có thể làm gì.
"Học sinh 3 tích cực" TPHCM tìm hiểu về yêu cầu hình mẫu HS ngày nay.
Tiếp ý kiến này, bạn Nguyễn Quỳnh Mai, Trường THPT Phú Nhuận bày tỏ hầu hết các bạn HS đều biết nhiệm vụ học giỏi nhưng hiện nay họ còn rất bị động trong việc học.
"Nhiều HS luôn than phiền chương trình, cách dạy bây giờ nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Thế tại sao chúng ta không biết cách tự tạo cho mình những phương pháp học chủ động hơn, tự mình tìm cơ hội thực hành từ lý thuyết đã có?", Quỳnh Mai đặt ra vấn đề.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Chơn Trung (bí danh Sáu Quang), nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM chia sẻ nhiều câu chuyện về hình mẫu học trò trong thời chiến với những gương điển hình như anh Trần Văn Ơn, chị Trần Bội Cơ...
"Bây giờ không còn chiến tranh, nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước nhưng chúng ta cũng không được quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đối với học trò, nhiệm vụ học tập, mở mang kiến thức, tu dưỡng đạo đức ở bất kỳ giai đoạn, thời kỳ nào cũng là yêu cầu hàng đầu. Bởi đó chính là yếu tố để xây dựng cũng như bảo vệ Tổ quốc", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cho rằng, nếu chúng ta chỉ dựa vào bên ngoài ngoài thấy các em ham hố cái này cái nọ rồi đánh giá học trò tha hóa, sống không lý tưởng là không chính xác. Điều này có nhưng chỉ xuất hiện ở một phận nhỏ còn đại bộ phận thế hệ trẻ vẫn luôn cháy bỏng cống hiến, xây dựng Tổ quốc.
Và để lòng yêu nước này được phát huy, đồng tình với ý kiến các em HS, đại diện thế hệ học trò thời kỳ trước cho rằng chúng ta cần trang bị cho các em bản lĩnh để các em tránh được mọi cám dỗ trong tất cả các hoàn cảnh.
Hoài Nam
Theo dân trí
Những thủ khoa "kép" đặc biệt năm 2012 Đỗ đầu một kỳ thi đã là điều đặc biệt. Vậy mà có những bạn học sinh, sinh viên không chỉ một lần duy nhất trở thành thủ khoa. Cùng Dân trí điểm lại những thủ khoa "kép" đặc biệt của năm 2012. Cậu học trò mồ côi 2 lần đỗ thủ khoa Đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh...