Mồng tơi
Rau mồng tơi dễ trồng, chẳng cần phải chăm bón nhiều, thường bám vào bờ rào hoặc xung quanh cọc tre, dù trời mưa hay nắng, vẫn xanh mơn mởn nhất là trong những ngày tiết trời giêng hai ấm áp. Bữa cơm hằng ngày của người dân quê tôi thời gian này có thêm những món ăn giản dị, đơn sơ từ rau mồng tơi.
Theo kinh nghiệm dân gian, mồng tơi không chỉ là thứ rau ăn ngon miệng mà còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh; có công dụng làm mát gan, nhuận tràng, chống lở miệng… Khi nấu cháo cá lóc cho thêm một ít rau mồng tơi sẽ giúp người bệnh giải nhiệt. Rau mồng tơi có thể xào cùng với mực, nấu canh thịt nạc, cua, tôm… để tăng thêm chất dinh dưỡng. Những hôm vào vụ mùa, bận bịu, rau mẹ hái ở ngoài vườn rửa sạch, nước đổ vào nồi, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối trắng, tiêu, bắc xuống thế là thành canh. Đơn giản vậy mà ngon, mọi cảm giác nặng nề, mệt mỏi dường như tan biến.
Canh mồng tơi – Ảnh: Thanh Ly
Không biết từ bao giờ, tôi lại ghiền món canh rau mồng tơi mẹ nấu đến thế, chỉ nhớ từ lúc còn bé tý tẹo tôi đã được thưởng thức món canh rau này. Mẹ tôi là người đàn bà chân lấm tay bùn, tảo tần nuôi anh em tôi lớn khôn bằng những con tôm, con tép ngoài đồng; đĩa rau, chén mắm từ vườn nhà. Mẹ thường chọn những con tôm còn sống búng tưng tưng, làm sạch vỏ, giã nhỏ ướp gia vị. Lá mồng tơi mẹ chọn những lá còn non, loại bỏ lá sâu, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi với dầu ăn, cho tôm vào xào chín, đổ nước đã nấu sôi rồi cho lá mồng tơi vào, nêm gia vị vừa ăn. Đợi đến khi canh sôi trở lại thì tắt bếp. Người nấu phải chú ý, rau còn sống hoặc quá chín đều làm mất hương vị của canh. Cũng như các loại canh rau khác, cho thêm một ít các loại rau thơm như hành, ngò… và không quên rắc một ít tiêu thì bát canh càng thêm hấp dẫn. Những ai lần đầu thưởng thức món canh này sẽ thấy hơi hăng hắc chua chua một chút, nhưng quen rồi dăm ba bữa là thấy… thèm thèm.
Tôi về thăm quê một ngày tháng giêng. Trong nắng xuân yếu ớt, nhìn những gốc mồng tơi xanh mơn mởn đung đưa trong gió mà lòng chợt nhớ những hôm vừa đi học về đến cổng là tôi đã reo lên mừng rỡ khi nghe mùi thơm từ bát canh bay lên từ chái bếp. Thứ mùi thơm nồng nàn dân dã dù có đi đến phương trời nào tôi cũng khó lòng quên…
Theo TNO
Bún đậu mắm tôm - Món ăn giản dị mà hấp dẫn
Trong muôn vàn người tấp nập trên khắp nẻo đường Hà Nội, bóng dáng các bà, các chị gồng gồng, gánh gánh trên vai những gánh bún đậu mắm tôm đậm đà, dân dã... là hình ảnh không thể quên.
Thứ bún đậu mắm tôm dân dã này dễ làm xiêu lòng thực khách bởi hương vị rất đặc trưng. Không giống với các loại bún vỉa hè như bún riêu, bún ốc...phải ăn lúc nóng nghi ngút khói thì mới dậy mùi, vừa miệng. Bún đậu mắm tôm chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngon mắt lắm rồi. Gắp bún và miếng đậu rán vàng rộm, chấm mắm tôm đã được pha chế rồi cho vào miệng, bạn sẽ cảm thấy mùi thơm bùi béo ngậy của miếng đậu rán giòn tan, vị mặn đậm đà khó quên của mắm tôm và chất bột tinh khiết từ bún. Tất cả được trộn lẫn tạo nên hương vị riêng ngon tuyệt của món ăn này.
Người Hà Nội vốn nổi tiếng bởi sự cầu kì, tinh tế trong thưởng thức ẩm thực. Bát bún đậu mắm tôm mộc mạc, giản dị là thế nhưng cũng rất cần sự tâm huyết, say mê của người chế biến. Đậu phụ thường là đậu mơ, loại đậu ngon nổi tiếng được làm ở làng Mai Động, có màu trắng mịn, mềm mại, kích thước nhỏ, khi rán sẽ nhanh phồng cho mùi thơm bùi và béo ngậy. Miếng đậu được chiên trong chảo mỡ sôi, chín đều mọi mặt và nở phồng lên gấp đôi so với kích thước ban đầu, tỏa mùi thơm béo ngậy khiến người ngồi nhìn mà ứa nước miếng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bát mắm tôm. Mắm tôm phải là mắm tôm chắt Thanh Hóa, ánh sắc xanh. Khi vắt chanh và đánh tan, nổi lên vạt bông ánh tím mới là đạt yêu cầu. Pha mắm tôm nhất thiết phải có đường, mì chính, ớt tươi, chanh tươi và đặc biệt không thể thiếu chút dầu rán đậu còn đang sôi trong chảo, tạo một hương vị đặc biệt riêng cho bát nước chấm.
Thoáng chốc thấy bóng một người liêu xiêu gánh bún đậu mắm tôm đầu ngõ, không nhanh miệng gọi mà cố làm nốt việc là đã thấy các chị ở tít đằng xa rồi. Nhưng cũng không quá khó để tìm thấy những gánh hàng bún đậu mắm tôm trên phố phường Hà Nội. Bạn có thể tìm thấy món ăn dân dã này ở đường Vũ Ngọc Phan, ngõ Phất Lộc, đường Nguyễn Quý Đức, ngõ 418 cạnh trường Đại học Văn hóa trên Đê La Thành...đều là những quán ăn ngon.
Bún đậu mắm tôm ăn kèm với rau thơm, đặc biệt là húng láng và kinh giới, vừa thêm vị cho món ăn, vừa để làm ấm bụng bù lại cái lạnh của mắm tôm lại thấy hợp khẩu vị và ngon vô cùng. Ngồi trên vỉa hè, thưởng thức hương vị thơm ngậy của bát bún đậu mắm tôm dân dã, chợt thấy trong người bỗng sảng khoái lạ thường.
Vị bùi bùi, thơm thơm của miếng đậu rán cùng với hương vị đặc trưng của mắm tôm hoà quyện vào nhau làm người ăn nghiền nó. Bình dị là thế mà đủ sức len lỏi vào đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội. Người nghèo ăn vì vị thơm ngon và hợp túi tiền. Người cao sang cũng chuộng vì nó dễ ăn và lạ miệng và cũng bởi nó không có trong thực đơn của các nhà hàng đặc sản. Tưởng là mộc mạc, thanh đạm vậy thôi mà cũng có vị trí rất "đài các", "kiêu sa" bên cạnh vô vàn các loại sơn hào hải vị đắt tiền khác.
Nhiều khi nhớ đến món bún đậu mắm tôm vẫn thấy ứa nước miếng...Đâu cứ phải các món ăn cầu kỳ mới ngon, những món ăn đơn giản như bún đậu mắm tôm lại có sự quyến rũ đến lạ kỳ...
Theo PNO
Xôm Tăm - giản đơn mà hấp dẫn Người Thái quan niệm rằng những món ăn giản dị chính là những món ăn tinh túy nhất bởi cái giản dị chính là sự chắt lọc từ những cái rườm rà và công thức. Vì thế dường như trong Xôm Tăm, những cái thừa, cái không cần thiết đều đã bị đào thải theo thời gian. Xôm Tăm có nguồn gốc ở...