Mong Quốc hội quy định rõ giáo viên môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không
Quy định chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không kiểm soát chất lượng, giáo viên bị rút tiền túi còn nhiều trung tâm lại thu về những món lợi khủng, làm thế để làm gì?
Bỏ ra vài ba triệu lấy về 2 chứng chỉ ngoại ngữ và tin học chỉ để kẹp hồ sơ cho đúng quy định, nhiều giáo viên bức xúc vì tiếc tiền, vì chính mình tiếp tay cho những việc làm gian dối của nhiều trung tâm giảng dạy hiện nay.
Nhiều chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay chỉ nộp tiền xong là có (Ảnh minh họa Vũ Ninh)
Dù biết thế nhưng đa phần các thầy cô vẫn buộc phải làm vì tự mình không thể chống lại những điều đã thành quy định.
Những tờ chứng chỉ hỏa tốc
Hàng ngàn giáo viên có nhu cầu cần chứng chỉ trong khi bản thân họ không biết một từ ngoại ngữ cắn đôi.
Học đoàng hoàng để lấy chứng chỉ một cách chất lượng, giáo viên sẽ chẳng có thời gian. Cái quan trọng là có học hàng năm trời cũng chưa chắc đủ trình độ để thi chứng chỉ.
Trong khi đó, việc có chứng chỉ ngoại ngữ hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy của giáo viên.
Thế là mô hình học chứng chỉ cấp tốc ra đời. Nói là học chứ đến ghi tên và chủ yếu nộp tiền đủ, tham gia làm một bài thi (có tài liệu in sẵn) thế là đỗ.
Giáo viên biết đó là những tờ chứng chỉ “ma”, trung tâm biết đó là sự gian dối, ngành giáo dục cũng biết những chứng chỉ này chất lượng chẳng bao nhiêu…thế nhưng tất cả vẫn đồng lõa chấp nhận với nhau, vẫn yêu cầu phải thế.
Trong khi giáo viên bị rút tiền túi còn nhiều trung tâm lại thu về những món lợi khủng?”Câu hỏi nhiều người thắc mắc: “Quy định chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không kiểm soát chất lượng, làm như thế để làm gì?
Cần quy định rõ môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không?
Giáo viên mà đặc biệt là những giáo viên mẫu giáo, tiểu học (trừ giáo viên dạy ngoại ngữ) họ cần biết ngoại ngữ không?
Việc không biết ngoại ngữ có làm chất lượng giảng dạy của giáo viên đi xuống không?
Phải khẳng định ngay rằng, chắc chắn là không rồi! Vì trong giảng dạy, trong soạn giảng hằng ngày, chẳng bao giờ thầy cô phải vận dụng đến một tí ti gì kiến thức ngoại ngữ.
Cũng vì điều này, khi đi học, nhiều thầy cô chỉ lo học cho chuyên ngành của mình là đủ.
Thế nhưng theo quy định hiện nay, giáo viên phải có cả 2 loại chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Đây chính là quy định không thiết thực và đang làm khổ nhiều thầy cô giáo.
“ Giáo viên tiểu học tới trung học phổ thông được bao nhiêu người thành thạo tiếng Anh mà lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ?Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng:
Yêu cầu này dẫn đến sự đối phó, hình thức khi các giáo viên phải chạy bằng rởm, bằng giả chỉ để đáp ứng yêu cầu”.
Và ông yêu cầu: “Cần phải làm rõ môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không, và nếu như vị trí đó cần phải có ngoại ngữ thì tôi đề nghị phải có chương trình đào tạo chứ không thể để họ đi học ở ngoài theo kiểu giả vờ, giả vịt”.
Video đang HOT
Khi đã làm rõ yêu cầu môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không sẽ không còn tình trạng nhiều nhà giáo phải tất tả vay mượn tiền khắp nơi để đem về những tờ chứng chỉ vô hồn như hiện nay.
Đừng nên quy định những điều không thiết thực để thầy cô phải kêu cứu, đừng yêu cầu những chuyện vượt sức để gây sức ép buộc thầy cô phải tìm mọi cách có được.
Khi giáo viên luôn bị “đòi nợ”, bị hăm dọa nếu không bổ sung đủ chứng chỉ, sẽ chẳng thầy cô nào ổn định được tư tưởng, khi nào cũng sống trong lo sợ bị đào thải bất cứ lúc nào thì làm sao họ có thể yên tâm giảng dạy được?
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Trung tâm tin học, ngoại ngữ hoạt động bát nháo ra sao trước khi bị Bộ tuýt còi
14 trường Đại học, Cao đẳng và hàng loạt trung tâm phải dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Điều này là thỏa đáng và không có gì oan ức cả.
Nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ - tin học bị dừng cấp chứng chỉ là thỏa đáng
Trong danh sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố: 50 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học có nhiều cái tên rất quen mặt trên các chợ mua bán chứng chỉ, thi chứng chỉ bát nháo như Đại học Đông Đô, Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc tế Bắc Hà, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Oxford University (Bắc Ninh), Trung tâm ngoại ngữ và tin học thuộc Trường Trung cấp Future Việt Nam (Bắc Ninh)...
Những kỳ thi bát nháo kiểu này cùng với các gói chống trượt, cam kết đỗ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức...và cổ súy cho tình trạng mua bán bằng cấp, chạy đua bằng cấp.Hầu hết các trung tâm ngoại ngữ - tin học và trường Đại học kể trên đều đã từng bị Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ đích danh tình trạng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học bát nháo theo hình thức 3 không: không cần học, không cần ôn thi, không lo kết quả.
Điều đáng nói những trung tâm và các trường Đại học, Cao đẳng tiếp tay cho tình trạng này lại là những cơ sở giáo dục đáng lẽ phải đặt tính minh bạch và chất lượng lên hàng đầu.
Bên cạnh đó mặc dù đã từng bị báo chí phản ánh qua nhiều năm nhưng một số trung tâm vẫn theo kiểu "mũ ni che tai": bị cấm dừng hoạt động một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Chứng chỉ 3 không đang là cần câu thí sinh tự do (Ảnh: N.D)
Trung tuần tháng 8/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên tại các địa phương về tình trạng một số trung tâm ngoại ngữ, tin học cấp chứng chỉ bát nháo.
Lấy ví dụ trường hợp của chị Kiều thị Hoa, có tham gia một lớp thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Loại chứng chỉ này do Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học trường Trung cấp Future Việt Nam cấp.
Trong chứng chỉ có đóng dấu của Trường Trung cấp Future Việt Nam kèm theo chữ ký của giám đốc trung tâm.
Ngoài ra để tạo sự tin cậy cũng như thu hút thí sinh, trong chứng chỉ có ghi rất rõ: Đạt yêu cầu bài thi ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản tại hội đồng thi - Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học Trường Trung cấp Future Việt Nam (đạt chuẩn theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT).
Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của trường Trung cấp Future Việt Nam (Bắc Ninh) cấp trước khi bị tuýt còi (Ảnh:N.D)
Tuy nhiên căn cứ theo danh sách: 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin của Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT không có tên của Trường Trung cấp Future Việt Nam.
Ngoài ra con dấu của chứng chỉ cũng không phải là dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là dấu của trường Trung cấp Future Việt Nam. Như vậy có thể nói tờ chứng chỉ này chỉ là một tờ giấy lộn.
Bản thân chị Kiều Thị Hoa tâm sự: Khi đem chứng chỉ lên phòng giáo dục và đào tạo huyện nộp thì được trả lại và nói rằng chứng chỉ này không có giá trị.
Bức xúc chị Hoa nói:
"Tôi nghe thông tin trường Trung cấp kia được tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Thậm chí tư vấn viên cũng rất nhiệt tình nói rằng chứng chỉ này có hiệu lực.
Tôi cũng phải đóng một số tiền là 1 triệu đồng để thi. Nhưng khi đem chứng chỉ lên phòng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Oai để đóng thì cán bộ nói rằng chứng chỉ này không có giá trị.
Tôi rất bức xúc vì người ta lừa mình như thế. Số tiền chúng tôi bỏ ra cũng không hề nhỏ".
Tình trạng thi và cấp chứng chỉ bát nháo là ung nhọt của ngành giáo dục cần phải xử lý triệt để (Ảnh:N.D)
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang mạng xã hội của Trường Trung cấp Future Việt Nam vẫn thường xuyên đăng tải thông tin, mời gọi các thí sinh tự do nộp tiền, nộp hồ sơ để thi chứng chỉ.
Các gói chứng chỉ như vậy cam kết: Thời lượng ôn tập ngắn nhất, tài liệu ôn tập chuẩn nhất, chi phí thấp nhất, kết quả đạt cao nhất, hoàn lại lệ phí nếu không đạt yêu cầu.
Điều này chẳng khác nào trường cam kết đỗ và bao đỗ thí sinh với các gói chống trượt.
Ngoài ra nhà trường cũng cam kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ: Chứng chỉ Tin học theo TT03/2014/TT-BTTTT; Chứng chỉ Tiếng Anh trình độ B,C của Bộ Giáo dục; Chứng chỉ Tiếng Anh A2,B1,B2 khung Châu Âu; Chứng chỉ Quốc tế TOEFL, TOEIC, IELTS...
Như vậy có thể thấy danh sách công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 50 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học rất thỏa đáng.
Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên vẫn còn nhiều trung tâm đang hoạt động bát nháo theo kiểu trên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều trung tâm khác.
Siết chặt quản lý việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Mặc dù đã âm ỉ hoạt động trong nhiều năm. Tuy nhiên trong năm 2019, tình trạng buôn bán chứng chỉ, tổ chức các lớp thi chứng chỉ 3 không theo kiểu bát nháo bùng nổ.
Cho nên nhu cầu người cần thi chứng chỉ càng nhiều hơn.Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu của học viên. Đặc biệt trong năm nay tại nhiều tỉnh thành phố tổ chức kỳ thi viên chức.
Nắm bắt tâm lý của thí sinh, nhiều trung tâm đứng ra mở các kỳ thi chứng chỉ bát nháo hòng chuộc lợi.
Theo khảo sát một gói chứng chỉ đã bao đỗ có mức giá từ 800.000 đồng -1.5 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ đặc biệt khi nhân với số thí sinh sẽ ra một lợi nhuận đủ lớn để làm mờ mắt các trung tâm.
Danh sách Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là rất thỏa đáng. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin góp thêm một vài ý.
Thứ nhất: Việc xử lý các trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ tin học là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần phải xử lý các trung tâm trung gian và các đối tượng được gọi là cò chứng chỉ.
Bởi, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ bát nháo cần sự hợp tác của 2 bên: trung tâm cấp chứng chỉ và trung tâm môi giới.
Những trung tâm môi giới này có nhiệm vụ là tuyển thí sinh, hướng dẫn đăng ký và kết hợp với các trung tâm cấp chứng chỉ mở các kỳ thi bát nháo.
Siết chặt quản lý thi và cấp chứng chỉ để trả lại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục (Ảnh:N.D)
Đây là một đối tượng cần phải xử lý để tránh các trường hợp bắt cóc bỏ đĩa. Như lời chia sẻ của 1 cò chứng chỉ: "Vừa rồi trường Đông Đô bị lên báo. Bên em tổ chức sang trường Bắc Hà. Năm trước Bắc Hà bị dừng thì tổ chức ở Đông Đô".
Qua lời chia sẻ này có thể thấy các trung tâm rất ranh ma và biết ứng phó với các quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như tới đây tình trạng thi và cấp chứng chỉ bát nháo vẫn còn tồn tại; trường này bị dừng cấp chứng chỉ sẽ có trường khác lên thay.
Thứ hai: Tại một số trung tâm cấp chứng chỉ do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép và quản lý.
Việc các trường, trung tâm hoạt động bát nháo không thể không có một phần trách nhiệm quản lý của các Sở. Cho nên Bộ cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý của các Sở Giáo dục tỉnh, thành phố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tuýt còi 50 trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ- tin học, dừng cấp chứng chỉ (Ảnh:N.D)
Việc chấn chỉnh và siết chặt việc thi, cấp chứng chỉ là vô cùng cần thiết. Chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng của viên chức nên mới yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Tuy nhiên với sự tiếp tay của một số trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm tin học ngoại ngữ; nhiều thí sinh chẳng có chuyên môn, năng lực vẫn ung dung đi vào bộ máy nhà nước. Điều đó rất tai hại.
Trong thời gian tới rất mong nhận được thông tin và phản hồi của độc giả phản ánh những trung tâm ngoại ngữ, tin học vẫn còn tình trạng trên.
Báo Điện tử giáo dục Việt Nam sẽ quyết phanh phui những trung tâm này để trả loại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục nước nhà.
Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng công bố danh sách những đơn vị phải dừng việc tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
7 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, có 4 trường Đại học, còn lại là 3 trung tâm do Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh quản lý.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công khai 42 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C).
4 trường Đại học, 6 trường Cao đẳng, còn lại là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương quản lý.
Trong đó có tới 11 trung tâm ở các huyện do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang quản lý; 2 trung tâm do Sở Giáo dục tỉnh Bắc Ninh quản lý; 1 trung tâm do Hưng Yên quản lý. Riêng tại tỉnh Thanh Hóa có tới 19 đơn vị bị dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ (gồm 11 trung tâm ở các huyện, 7 trường Cao đẳng nghề).
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Hà Giang: Thi cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT phải do nhu cầu tự nguyện Theo Sở GD&ĐT Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ công chức, viên chức của các các đơn vị đã có chứng chỉ tin học A, B, C nhưng vẫn phải tham gia thi cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản. Không ép cán bộ công chức, viên chức...