Mong lãi suất cho vay hạ hơn và ổn định
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định tiếp tục giảm nhiều loại lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được giảm thêm. Liệu đây đã thực sự là bài thuốc “đủ liều” để hỗ trợ các DN sau đại dịch Covid-19?
Lãi suất cho vay muốn giảm xuống phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố của nền kinh tế vĩ mô. Ảnh: ST
Cần giảm hơn nữa
Từ trong đại dịch, các ngân hàng đều đã tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 1-4%/năm so với mức thông thường để hỗ trợ DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, lãi suất ngân hàng càng có điều kiện hạ hơn khi lãi suất điều hành đã được NHNN chỉ đạo giảm tới 3 lần kể từ tháng 9/2019. Thậm chí, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn chia sẻ, ngân hàng phải cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để nâng quy mô các gói tín dụng hỗ trợ. Hiện trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 5%/năm, lãi vay dài hạn khoảng 9-10%/năm.
Đánh giá cao các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng, bởi mức lãi suất cho vay hiện nay đã giảm hơn một nửa so với cách đây 10 năm, nhưng với cộng đồng DN, như vậy vẫn chưa đủ. Bởi nếu nhìn ra thế giới, trong giai đoạn khôi phục kinh tế hậu Covid-19, nhiều quốc gia còn áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi 0%/năm để kích thích đầu tư, kinh doanh, sản xuất…
Về vấn đề này, ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) chia sẻ, DN phải đấu thầu, chịu sự cạnh tranh để có đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, DN hiện phải vay vốn với lãi suất lên tới 9-10%/năm, chi phí lãi vay khi cộng vào đơn giá các mặt hàng sẽ khiến DN không đủ sức cạnh tranh về giá. Vì vậy, ông An cho rằng, ngành ngân hàng nên lập mặt bằng lãi suất cho vay mới, duy trì ổn định quanh mức 6,5%/năm. Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Taxi Mai Linh cũng đề nghị các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6%/năm trong năm 2020, không quá 9%/năm trong năm 2021.
Mong muốn giảm lãi suất cho vay của DN không phải chỉ đến thời kỳ Covid-19 mới được nêu ra, mà là nguyện vọng xuyên suốt từ năm này qua năm khác. Nhưng thực tế, việc giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa dù trong hoàn cảnh nào cũng không hoàn toàn nằm trong tay ngân hàng, bởi lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố của nền kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá cả hàng hóa… Với các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, luôn phải huy động các nguồn vốn. Trong bối cảnh này, ngân hàng đều gặp khó trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ, nên các ngân hàng đều phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường những khoản vay ưu đãi nhất.
Không phải “muốn là được”?
Hơn nữa, bối cảnh kinh tế hiện nay còn đưa ra một thực tế trái ngược, đó là lãi suất thấp nhưng tín dụng lại tăng trưởng rất thấp, điều này kéo theo sự ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thống kê, tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Nguyên nhân là do cầu tín dụng của DN rất yếu, nhiều DN có dòng tiền trả nợ nhưng không có kế hoạch vay mới, hoặc một nguyên nhân nữa là DN có nhu cầu nhưng lại khó tiếp cận vốn vay.
Video đang HOT
Thế nên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, nhiều DN phản ánh, khi làm thủ tục cho vay, các chuyên viên, nhân viên ngân hàng không hiểu rõ các thủ tục hướng dẫn, hoặc không đọc kỹ hỗ trợ vay vốn của DN nên khi hướng dẫn, phối hợp với các bộ phận khác của hệ thống ngân hàng đã không xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn, hoặc không phê duyệt hồ sơ của DN. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng vay vốn cũng như tiến độ giải ngân của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của DN gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thậm chí, vị này còn cho hay, có hiện tượng DN hoạt động khó khăn 1-2 năm nay, đã vào danh sách có nợ xấu nhưng thời điểm này lại kiến nghị gửi NHNN là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì thế, các ngân hàng đã khẳng định không thể hạ chuẩn vay vốn, để đảm bảo an toàn nguồn vốn cũng như an toàn hoạt động của chính hệ thống.
Những vấn đề trên cho thấy, thiết lập một mặt bằng vay vốn lãi suất thấp hơn là nhu cầu chính đáng của DN. Không những thế, các ngân hàng thương mại cũng có mong muốn này để thúc đẩy tín dụng, tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề “muốn là được” mà phải tính toán trên nhiều bối cảnh thực tế cũng như tác động về lâu về dài. Hơn nữa, lãi suất giảm, nhưng cũng không phải DN “muốn là được” vay, bởi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành ngân hàng. Do đó, điều quan trọng là các DN phải có những phương án kinh doanh khả thi, có kế hoạch và chiến lược đầu tư hiệu quả để việc tiếp cận vốn vay không còn là trở ngại, để ngân hàng có thể “yên tâm” giải ngân, đến lúc đó, hệ thống tín dụng được đảm bảo thì lãi suất cho vay sẽ có thêm dư địa để giảm xuống.
Lãi suất giảm, chờ vốn giá rẻ đổ dồn cuối năm
Lãi suất huy động và cho vay đồng loạt giảm tại nhiều ngân hàng, đó là tin vui với những DN đang cần vay vốn. Tuy nhiên, việc vay nguồn vốn với chi phí rẻ có thể sẽ chặt chẽ hơn.
Đồng loạt giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, đồng thời cũng giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực và ngành kinh tế ưu tiên.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng, đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Tuy nhiên, ngay từ sáng 18/11 và trước đó, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) giảm 0,2 điểm %/năm với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm 0,2 điểm %/năm với hầu hết kỳ hạn từ dưới 1 tháng đến trên 36 tháng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngân hàng Bắc Á (Bac A bank) giảm 0,5 điểm %/năm với lãi suất huy động kỳ hạn 12-36 tháng. Ngân hàng Á châu (ACB) giảm 0,05 điểm %/năm các kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng. Ngân hàng Quân đội (MB Bank) giảm 0,1 điểm %/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Ngân hàng Bảo Việt (Bao Viet bank) giảm 0,05 điểm %/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn 6- 12 tháng;
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) giảm kỳ hạn 24-36 tháng từ 7,75% xuống 7,55%/năm. Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPbank) giảm 0,4 điểm %/năm ở hàng loạt kỳ hạn. Ngân hàng Tiên phong (TPbank) giảm mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm,...
Cùng với đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng cũng đồng loạt giảm. Vietcombank giảm 0,5 điểm %/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng VND của DN trong 2 tháng cuối năm, tính từ ngày 1/11/2019. Ngân hàng Hàng hải (MSB) cũng công bố giảm lãi suất 2 điểm %/năm áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1 điểm %/năm cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện. ACB dành gói vay 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho khách hàng và hướng mạnh nguồn vốn cho vay vào việc tài trợ cho các DN vừa và nhỏ, cá nhân vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một số ngân hàng TMCP khác cho biết đang xem xét sẽ giảm lãi suất cho vay xuống với mức 0,5 điểm % cho kỳ hạn ngắn và cho những DN ưu tiên so với lãi suất hiện nay.
Đây là tin vui với các DN, những khách hàng đang cần vay vốn ngân hàng. Bởi lãi suất giảm sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí, nhất là với những DN thuộc nhóm ưu tiên, DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn, kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cận ngưỡng tín dụng, xét duyệt chặt hơn
Tuy nhiên, nhận định về đợt giảm lãi suất này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ không có nhiều DN được hưởng và cũng chưa thể kéo mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Bên cạnh đó, do nhiều ngân hàng đã cận room tín dụng nên việc cho vay sẽ được xét duyệt chặt hơn.
Chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm.
Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã chạm ngưỡng room tín dụng 2019 và chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Vì vậy, việc cho các DN vay với lãi suất giảm cũng sẽ rất hạn chế.
Một số DN vừa phản ánh việc vay vốn đang chặt chẽ và khó hơn vì nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng. Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng đã gần hết hạn mức được cấp và sẽ không xin nới thêm room, mà đẩy mạnh mảng bán lẻ để tăng lợi nhuận. Vì vậy, sẽ không có nhiều DN được vay vốn tại ngân hàng này từ nay đến cuối năm.
Không những thế, các ngân hàng cũng rất khắt khe trong việc lựa chọn khách hàng để cho vay ưu đãi. Đó phải là những DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đều có những khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp từ 6,5-7%/năm, song rất ít DN được hưởng ưu đãi này.
Để được vay vốn ưu đãi, DN phải có hợp đồng kinh doanh tốt, phải cam kết bán ngoại tệ, chiết khấu bộ chứng từ, cùng những giao dịch quốc tế khác... thông qua ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Vì vậy, vốn ưu đãi không phải không có nhưng thực tế khó tiếp cận.
Mặc dù được ưu đãi nhưng lãi suất cũng chưa hẳn đã thấp. Chẳng hạn, một số ngân hàng đang áp dụng cho DN vay ưu đãi lãi suất 7,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Nhưng mức lãi này chỉ được tính cho 3 tháng đầu, 3 tháng sau là lãi suất thả nổi lên đến 10,5%/năm. Tính bình quân cũng là mức 9%/năm.
Có ngân hàng cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay với lãi suất 3,6%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng. Sau đó lãi suất thả nổi lên tới 10,5%/năm, tính bình quân DN phải vay mức 7%/năm, giống như khoản vay ưu đãi lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng khác.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm. Mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay vẫn trong khoảng từ 4,1%-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3%-7,9%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 6,8%- 9,0%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Mặt bằng lãi suất như vậy vẫn khá cao.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán đang tăng điểm. Chỉ số VN-Index đã tăng 12% trong 10 tháng đầu năm 2019, nhiều mã cổ phiếu tăng giá. Cùng với đó, một loạt DN lớn phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn 10%/năm gây áp lực lên lãi suất huy động nên khó có thể giảm mạnh.
Trần Thủy
Theo vietnamnet.vn
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? SHB đứng đầu về lãi suất tiết kiệm với mức áp dụng 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, kèm điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Mức lãi suất phổ biến với kỳ hạn 12 tháng là 7-7,8%. Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tại kỳ hạn dưới 6 tháng sau quyết định của NHNN. Từ đầu năm, SHB luôn...