“Mong cha mẹ đừng..sờ vào bài của trẻ”
Để trẻ được chủ động xây dựng và thể hiện ý tưởng trong mỗi sản phẩm của mình là cách để phát triển cá tính hữu hiệu nhất, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng thấu hiểu điều này.
Những lợi ích cho trẻ nhỏ
Mới đây, kể chuyện đi học ở Mỹ của 2 đứa con, anh Nguyễn Danh Lam, một hoạ sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nói:
“Suốt từ khi con biết cầm cây viết chì đến giờ, mình tuyệt đối không bao giờ dạy nó vẽ, kể cả cách pha màu. Ngược lại, mình chỉ mong sao… học được cách vẽ của nó, nhưng… thua”.
Trẻ chủ động chuẩn bị nguyên vật liệu và hình thành ý tưởng
Lê Đăng Ninh, CEO của xưởng nghệ thuật Tí Toáy – một cơ sở dạy vẽ có tiếng cho trẻ em ở Hà Nội – khá hào hứng với việc ngộ ra rằng: Lắng nghe, tôn trọng mọi ý tưởng và quyết định của trẻ sẽ giúp trẻ đạt tới những lợi ích không ngờ.
Chính vì vậy, mặc dù các lớp học đang suôn sẻ, đầu năm 2018, cơ sở đào tạo này đã quyết định triển khai mô hình lớp học chủ động Proactive Classroom.
Với mô hình này, trọng tâm từ giáo viên sang học sinh, người học phải chủ động tất cả việc học tập của mình từ việc: chuẩn bị học liệu – chọn lựa cách thể hiện – phát triển ý tưởng và hoàn thành tác phẩm mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên.
Giáo viên ở mô hình cũ chuyển đổi vai trò từ người giảng dạy – thị phạm – hướng dẫn thực hành trở thành người hướng dẫn, một người đồng hành cùng học sinh trong quá trình học tập. Trong giờ lên lớp, người hướng dẫn sẽ mô tả về nội dung buổi học sau đó đặt ngược lại các câu hỏi cùng với gợi ý để người học tự chủ động và quyết định việc thực hành của mình mà không áp đặt cách làm hay ý tưởng cho học sinh. Điều này bắt buộc người học phải tư duy và tự thực hành theo ý hiểu của mình.
Lớp học từ chỗ học sinh ở dưới – giáo viên ở trên thì bây giờ có kiểu tương tác là 1-1 và 1-6; tức là một người hướng dẫn làm việc với một người học, và một người hướng dẫn kiểm soát 6 học sinh.
Lê Đăng Ninh cho biết, động lực và cảm hứng để thay đổi đó là những bất cập trong mô hình giảng dạy cũ mà xưởng đang vận hành.
Lâu nay, học sinh sẽ đến lớp và chờ giáo viên giảng bài, sau đó giáo viên thị phạm làm mẫu, tiếp theo là quá trình thực hành của trẻ. Ở bất cứ công đoạn nào, người học cũng đều phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi giáo viên, dẫn đến năng lực về sáng tạo của trẻ em bị hạn chế ít nhiều. Những tác phẩm và ý tưởng của học sinh khi học ở mô hình cũ thường có những nét giống nhau cả về màu sắc lẫn cách thể hiện.
Đó là chưa kể đến hiện tượng học sinh không chủ động làm bài mà phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên; ảnh hưởng lẫn nhau, trẻ có nguy cơ không hình thành được tính cá nhân, sự chủ động. Trong khi đó, tính cá nhân hoá và cá tính hoá là hai yếu tố then chốt của giáo dục nghệ thuật nói chung.
“Lớp học chủ động” được tham khảo từ mô hình học tập Micro School từ học viện Khan Lab School, một nhà giáo dục người Mỹ.
Trong thực tế ở Việt Nam, một số nhà giáo dục đã làm điều này trước đấy từ nhiều năm về trước ở các nhà trường phổ thông. Đó là sự “tổ chức lớp học” cho trẻ ở những mô hình như trường thực nghiệm, trường học mới…ở những môn học khác nhau với các thế hệ học trò “cá tính” đã trưởng thành.
Những trở ngại từ…người lớn
Video đang HOT
Dù chỉ là xưởng vẽ ngoài hệ thống trường lớp chính quy, nhưng chuyển sang cách tiếp cận giáo dục mới, Tí Toáy cũng gặp không ít thách thức.
Thách thức lớn nhất là cần thời gian thay đổi và đòi hỏi sự thấu hiểu từ cả gia đình lẫn môi trường giáo dục.
Thứ hai đó là sự xung đột giữa mô hình học tập truyền thống ở nhà trường và mô hình học tập chủ động dẫn đến việc thời gian đầu người học bị bối rối trong cách tiếp cận.
Thứ ba là quan điểm giáo dục của đại đa số phụ huynh vẫn chưa thực sự cởi mở và trao quyền cho trẻ được tự lập mà vẫn muốn can thiệp vào quá trình học tập của con.
Thứ tư, việc thay đổi hành vi giảng dạy từ việc được lập trình sẵn theo giáo trình, nay phải trở thành một người đồng hành với học sinh và đặt các câu hỏi ngược lại cho học sinh, khuyến khích trẻ tư duy và thực hành là không hề dễ dàng với giáo viên.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình học tập lớp học chủ động, xưởng đã phân loại khá rõ đối tượng học sinh và phụ huynh: Hoặc là tiếp tục với cách học an toàn của mô hình cũ, hoặc là cùng thay đổi cách làm mới.
Quyết định thay đổi sau nhiều chật vật đã mang lại kết quả khả quan: Sau 9 tháng, tại 4 cơ sở đào tạo, số lượng học sinh tăng hơn 10% so với cùng kì năm trước. Điều quan trọng hơn cả là không khí và năng lượng trong lớp học thay đổi rõ rệt.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu của sự thay đổi. Để thay đổi hành vi học tập của trẻ em và quan điểm giáo dục của phụ huynh, còn rất nhiều điều chỉnh và thay đổi trong tương lai để hoàn thiện mô hình lớp học chủ động này” – anh Ninh cho biết.
Quỳnh Phương
Theo vietnamnet
Chọn phương pháp tiếp cận tiếng Anh cho trẻ theo độ tuổi
Trẻ 0-3 tuổi chưa có khả năng suy luận khái niệm trừu tượng nên cần học thông qua những thứ có thể nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm.
20 năm dạy tiếng Anh, hiện phụ trách khoa Tiếng Anh của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cô giáo Phạm Hạnh chia sẻ 8 nguyên tắc cha mẹ cần nhớ nếu muốn giúp con học tiếng Anh từ sớm. Các nguyên tắc sẽ được đăng lần lượt.
Nguyên tắc 2: Lựa chọn học liệu và phương pháp tiếp cận phù hợp
Bạn có thể bắt đầu dạy con bằng cách "tắm" ngôn ngữ. Tuy nhiên, để dạy trẻ phát triển một ngôn ngữ thật sự, phụ huynh cần kết hợp cả việc học tự nhiên qua việc "tắm" ngôn ngữ và cho trẻ học thông qua các hoạt động có chủ đích. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải lựa chọn học liệu kỹ càng, lựa chọn phương pháp tiếp cận phong phú và phù hợp.
Phù hợp nên được hiểu là phù hợp trình độ và độ tuổi. Phong phú nghĩa là với cùng một chủ đề, bạn hãy giới thiệu cho trẻ bằng nhiều hình thức để ngôn ngữ được lặp đi lặp lại mà không gây nhàm chán. Việc lựa cách tiếp cận tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ của trẻ, chủ đề cũng như quỹ thời gian của từng cha mẹ. Dưới đây là gợi ý về 10 hình thức học tiếng Anh.
1. Học qua đồ vật thật, hoạt động, hành động thật
Phương pháp này phù hợp cho trẻ 0-6 tuổi, nhất là 0-3 tuổi, vì lúc này mọi khái niệm với trẻ đều mới, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Trẻ cũng chưa có khả năng suy luận những khái niệm trừu tượng nên rất cần mọi thứ thật để nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm và cảm nhận bằng mọi giác quan.
Ví dụ, nếu dạy con về các loại quả, mình sẽ lôi trong tủ lạnh ra cho chúng xem và chơi các loại quả đó. Mình cho con ăn quả, mô tả màu sắc, mùi vị của loại quả đó. Mình dẫn con đi chợ hoặc siêu thị, chỉ cho con các loại quả và gọi tên chúng.
2. Học qua thẻ chữ, tranh ảnh, đồ chơi học liệu
Thẻ chữ, tranh ảnh, đồ chơi học liệu đặc biệt phù hợp cho trẻ 0-6 tuổi và trẻ lớn hơn. Hai phương pháp phổ thông trong giáo dục sớm là Glenn Doman và Montessori sử dụng cách học này. Phụ huynh có thể tìm hiểu chi tiết để áp dụng cho việc dạy tiếng Anh hay tiếng Việt. Nếu kết hợp với học qua đồ vật thật, hành động thật, bạn sẽ giúp con phát huy tốt nhất.
Một điều cần lưu ý là trẻ 0-3 tuổi thì chỉ áp dụng học chữ theo kiểu chụp hình, trẻ từ 4 tuổi trở lên mới áp dụng học kiểu phonics.
Trẻ sẽ rất hứng thú nếu vừa học vừa chơi. Ảnh: Momni
3. Học qua bài hát
Đây là phương pháp tuyệt vời cho bất kỳ lứa tuổi nào. "Tắm" ngôn ngữ cũng nên sử dụng các bài hát vì âm nhạc dễ đi vào lòng người và giúp trẻ dễ thuộc lời hơn. Các bài hát cho trẻ nhỏ có thể tìm thấy vô vàn trên Youtube từ nhà cung cấp như supersimplesong, chuchuTV, hooplazkidz, dreamenglish...
Khi "tắm" ngôn ngữ giai đoạn đầu, trẻ nên bắt đầu từ các bài hát đơn giản phổ thông. Search "nursery rhymn for kids" hay "kids songs" trên Youtube, bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả. Tiếp theo, bạn có thể cho trẻ nghe bài hát theo chủ đề để nâng cao vốn từ vựng. Bạn chỉ cần search "animal songs", "counting songs" hay theo tên các nhà cung cấp ở trên.
4. Học qua các trò chơi
Cách này thường phù hợp cho trẻ ở mọi lứa tuổi, thậm chí cho cả mẹ và bố cháu nữa. Thông qua trò chơi, cả gia đình vừa được học vừa có những giây phút thư giãn vui vẻ bên nhau.
Với trẻ 0-6 tuổi, mình muốn nhấn mạnh các trò chơi vận động mà trong đó bố mẹ có thể thỏa sức sáng tạo để vận dụng vào việc giúp con ghi nhớ từ mới. Ví dụ, khi mình dạy chữ cho bé 3 tuổi, hai mẹ con hay chơi trò ném bóng đúng thẻ chữ, nhảy lò cò hay chạy thi lấy thẻ chữ, chơi trò giấu và tìm thẻ chữ, chơi ghép thẻ chữ và đồ vật... Nói chung, bạn phải rất linh hoạt và sáng tạo tùy theo sở thích và cảm hứng của trẻ.
Với trẻ lớn tuổi hơn, phụ huynh có thể tìm thấy rất nhiều trò chơi như hangman, board game, scrabble... Một số trò mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp chơi vào cuối tuần nếu bố mẹ có thời gian rảnh. Nếu nhà có hai trẻ gần tuổi nhau thì bố trí cho các bé chơi cùng là tốt nhất.
5. Học qua đóng kịch
Phương pháp này phù hợp với trẻ 3-4 tuổi trở lên, giúp trẻ thực hành ngôn ngữ thông qua tình huống giả thực, rất gần với thực tế. Trẻ có thể đóng kịch với bố mẹ hoặc với con vật, đồ chơi yêu thích; cũng có thể đóng giả các con vật, đồ chơi yêu thích.
Trò chơi đóng kịch rất tốt nếu kết hợp đọc sách. Chẳng hạn, khi mình đọc sách với con, sau mỗi một hoặc hai trang mình lại cùng con hình dung hoàn cảnh câu truyện và tập kịch cùng nhau. Cứ tập thế cho đến khi hết quyển truyện, hai mẹ con sẽ phối cảnh từ đầu đến cuối và được một vở kịch hoàn chỉnh. Thông qua hoạt động này, con chịu khó đọc chữ to (read aloud), luyện phát âm và luyện đọc diễn cảm tốt hơn rất nhiều.
6. Học qua đọc sách, truyện
Cách này có lẽ được nhiều bố mẹ thường xuyên áp dụng cho con. Mình chỉ lưu ý một điều là bố mẹ cần chọn sách phù hợp với trình độ để con có thể tự hiểu được truyện thông qua hình vẽ và ngữ cảnh. Điều này giúp con duy trì sự hứng thú khi đọc sách truyện và tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh.
Sách tiếng Anh trên thị trường hiện rất phong phú. Bạn nào bé thì bắt đầu bằng từ và các kiểu truyện chữ lớn, một câu mỗi trang rồi tăng lên 2-4 dòng mỗi trang. Với các bạn lớn hơn, bố mẹ nên chọn loại graded reading, đã phân chia thành các cấp độ từ thấp đến cao cho con đọc. Thông thường, mình thấy với một trang khổ A5, nếu là truyện tranh thì chỉ nên có tối đa 1-3 từ mới, còn với loại sách truyện nhiều chữ hơn thì chỉ nên có tối đa 3-5 từ mới.
7. Học qua các phần mềm
Với thời đại công nghệ hiện nay, việc sử dụng phần mềm sẽ hỗ trợ bố mẹ rất nhiều, giúp con tiếp cận với giọng của người bản ngữ ngay tại nhà. Điều này đặc biệt quan trọng với những bố mẹ không giỏi hay không tự tin về tiếng Anh của mình, đồng thời tiết kiệm thời gian.
Hiện tại, bé thứ hai nhà mình (hơn 1 tuổi) sử dụng phần mềm Monkey Junior để học. Bé đầu chủ yếu được mẹ dạy trực tiếp và sử dụng một vài app đọc truyện. Với các app về story time, truyện đọc đến đâu chữ nhảy lên đến đó, khi con chạm vào hình ảnh động thì còn có phần hội thoại thú vị. App story time có nhiều truyện free, có truyện mất tiền 1-2 USD.
Ngoài ra, mình thấy các phần mềm như Raz kids cũng rất bổ ích cho luyện nghe và đọc.
8. Học qua bút chấm đọc
Cái hay của sử dụng bút chấm đọc là con không phải nhìn màn hình nhiều như các loại phần mềm mà lại vẫn được nghe người bản ngữ nói trực tiếp. Bên cạnh đó, phương tiện này còn khơi gợi cho con lòng yêu đọc sách. Thị trường bán nhiều loại, phụ huynh nên lưu ý đến các loại sách kèm theo, tham khảo các chức năng và mức giá. Bút chấm đọc phù hợp với các bạn 2-3 tuổi trở lên có khả năng cầm chắc và nhìn được cỡ chữ nhỏ.
9. Học qua xem Youtube, TV, video, phim
Học qua xem Youtube là cách học tuyệt vời. Chỉ cần bố mẹ định hướng được là muốn cho con học gì thì mình tin bạn có thể tìm được kênh Youtube phục vụ tốt nhu cầu đó.
Nếu để vừa nâng cao tiếng Anh và giải trí thì mình nghĩ Disney Channel là kênh rất hay. Tuy nhiên, hiện kênh đã có phụ đề tiếng Việt nên các con xem sẽ bị phụ thuộc hơn. Tầm 20h trở đi (theo giờ Việt Nam), Disney Channel chiếu các phim kinh điển như Cinderella, Brave, Alice in the wonderland, Sleeping beauty, Beauty and the beast, Frozen... với phối cảnh tuyệt đẹp, âm giọng diễn viên chuẩn, rõ nét, rất phù hợp cho con nghe hiểu. Bố mẹ cũng có thể mua đĩa phim kinh điển về cho con xem, cố gắng chọn loại không có lồng tiếng Việt.
Mình phản đối cho con xem kênh Cartoon Network để học tiếng Anh vì hoạt hình chủ yếu là hình ảnh động, rất ít tiếng và tiếng thường bị bóp méo, cường điệu hóa hoặc quá nhanh. Không chỉ thế, nhiều phim chứa cách hành xử bạo lực hoặc không chuẩn mực nên không tốt cho trẻ.
Theo quan điểm của mình, xem phim có mục tiêu giải trí nhiều hơn học, vì thế chỉ nên cho con xem vào cuối tuần hoặc lúc rảnh.
10. Học qua làm thí nghiệm khoa học
Với trẻ ở độ tuổi 5-10, khám phá khoa học là niềm đam mê vô tận. Nếu search trên Youtube cụm từ "science experiment for kids", bố mẹ sẽ tìm được rất nhiều video hữu ích. Ở nhà mình, khi có thời gian, con được bố mẹ hướng dẫn làm thí nghiệm khoa học theo quyển "501 science experiments", phù hợp cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Nhiều khái niệm từ vũ trụ đến vật lý, hóa học đều được giới thiệu một cách rất đơn giản, dễ hiểu. Nguyên liệu sử dụng để làm thí nghiệm cũng có thể được tìm thấy trong ngôi nhà của mình.
Phạm Hạnh
Theo Vnexpress
Bài 1: Xóa độc quyền sách giáo khoa LTS: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại. Học sinh vất vả tìm sách giáo khoa phù hợp khi mỗi môn có quá nhiều sách. Ảnh: Hoàng Hùng Trong đó, chương trình theo hướng...