Môn Tự nhiên và Xã hội sẽ dạy học sinh phòng tránh thiên tai
So với hiện hành, chương trình Tự nhiên và Xã hội mới tinh giản một số nội dung khó và đưa vào bài học thiết thực với học sinh.
Môn Tự nhiên và Xã hội sẽ dạy học sinh cách phòng tránh thiên tai. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Tự nhiên và Xã hội là môn học bắt buộc, có trong chương trình lớp 1-3. Môn học có vai trò quan trọng giúp học sinh học môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở lớp 4-5. Qua việc học Tự nhiên và Xã hội, học sinh sẽ có nền tảng kiến thức ban đầu để học tập các môn về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở cấp cao hơn.
Nội dung chương trình môn Tự nhiên và Xã hội bao gồm 6 chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề sẽ thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội, trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống. Chương trình hướng tới giáo dục học sinh các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.
Video đang HOT
Thay đổi lớn nhất của chương trình Tự nhiên và Xã hội mới, so với chương trình hiện hành, là tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ đẩy chúng lên cấp THCS. Nội dung về đơn vị hành chính, hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp… ở tỉnh thành sẽ không còn xuất hiện. Kiến thức trong chủ đề Trái đất và bầu trời cũng được giảm đi.
“Chương trình đồng thời cập nhật, đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh như: tìm hiểu về lễ hội, về di tích văn hóa lịch sử và cảnh đẹp ở địa phương; một số thiên tai thường gặp và cách phòng tránh; cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại”, tóm tắt dự thảo chương trình môn Tự nhiên và Xã hội nêu.
Theo VNE
Không nên ép trẻ học trước chương trình lớp 1
Cứ vào dịp hè, những gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 lại băn khoăn trước việc có nên cho trẻ học trước chương trình.
Giờ học của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình). Ảnh: Hà Thu
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ra Chỉ thị 2325/CT-BGDĐT trong đó nêu rõ: Không được dạy chữ trước cho trẻ, nhưng thực tế hiện nay, gia đình nào có con chuẩn bị vào lớp 1 đều cho con đi học trước chương trình. "Không cho con học trước, gia đình không yên tâm. Mỗi lớp học có sĩ số khoảng 40 - 50 học sinh, thời gian giảng dạy của giáo viên có hạn, không cho con học, tôi sợ con sẽ không theo kịp các bạn" - một phụ huynh ở phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ. Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Tiến Lợi ở quận Thanh Xuân băn khoăn: "Ở trường con trai tôi chuẩn bị theo học, mỗi lớp có khoảng 55 học sinh. Lớp học đông như vậy, giáo viên khó có thể cầm tay chỉ chữ cho tất cả các con. Theo tôi vẫn rất cần cho trẻ làm quen con số và chữ cái".
Đây cũng là nỗi niềm của các giáo viên dạy lớp 1. Nhiều giáo viên cho rằng, sĩ số lớp đông, nếu trẻ không được làm quen mặt chữ, nét chữ trước sẽ bỡ ngỡ, giáo viên không thể kiểm tra, uốn nắn từng học sinh. Một giáo viên dạy bậc tiểu học cho biết, chỉ những ai trực tiếp đứng lớp, dạy lớp 1 mới thấu hiểu nỗi khổ khi đầu năm học các em hoàn toàn chưa biết đọc, biết viết. Cũng chung cảm nhận, một giáo viên tiểu học chia sẻ trên mạng xã hội: "Bản thân tôi đang dạy lớp 1, tôi thấy những học sinh đã được chuẩn bị, làm quen trước (thuộc chữ cái, số) sẽ học rất nhanh, giáo viên cũng đỡ vất vả hơn. Giáo viên có thời gian bao quát lớp, cháu nào tiếp thu chậm, giáo viên sẽ có thời gian giúp đỡ, uốn nắn để các cháu tiến bộ, không tự ti với các bạn".
Có thể thấy rất nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên nhận định, cho con học trước khi vào lớp 1 sẽ phù hợp hơn là để khi vào trường mới học. Bởi, theo lý giải của các phụ huynh cũng như một số giáo viên trực tiếp đứng lớp, chương trình, kiến thức lớp 1 hiện nay khó và nặng hơn rất nhiều so với trước đây.
Ngay cả những chuyên gia giáo dục cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phản đối việc cho trẻ học trước. "Nếu cả sáu năm đầu đời, trẻ chú tâm quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người chung quanh thì sẽ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt. Khi trẻ không biết chữ trước, các em có khả năng quan sát một cách tinh tế hơn ở những chi tiết nhỏ mà với các bạn biết chữ sẽ ỷ lại, không để ý" - TS Hương phân tích.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phần lớn mọi người cho rằng con mình phải học giỏi, phải có điểm số cao thì mới "thành danh", cho nên gò ép con cái chạy theo điểm số từ lớp 1. Theo ông, không phải cứ ép thì con mới học được. Có rất nhiều trẻ thích học chữ, nhưng lại sợ con số và các phép tính, ngược lại có những trẻ thích những con số, nhưng lại uể oải mỗi khi luyện chữ. Điều đó cho thấy, trẻ con có khả năng khác nhau, buộc các phụ huynh phải thường xuyên để ý. "Không nên ép trẻ học, nhưng nếu trẻ có nhu cầu thì cũng không nên hãm trẻ không được học. Quan trọng nhất là phụ huynh không nên cố nhồi nhét, ép trẻ học sớm nếu con không hứng thú. Ngược lại khi trẻ có nhu cầu thì cũng không nên ngăn cản. Không nên coi tất cả mọi đứa trẻ đều như nhau. Một bộ phận trẻ nhỏ thích thú với việc học từ sớm mà bị kìm hãm thì cũng không tốt".
Khẳng định chương trình lớp 1 do Bộ GD-ĐT ban hành không hề tạo nên sức ép, ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, phụ huynh thường có tâm lý lo lắng, kỳ vọng nhiều vào con, khiến việc cho trẻ đi học trước thành một hiệu ứng xã hội, nhất là ở những đô thị lớn. "Bên cạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức của mỗi giáo viên, phụ huynh cũng phải hiểu và tin vào chương trình giáo dục; hiểu đúng quá trình nhận thức, quá trình phát triển của trẻ để không ép con mình đi học sớm. Việc thực hiện phải đồng bộ từ hai phía mới mang lại hiệu quả" - ông Thành khẳng định.
Theo nhandan.com.vn
Giờ học của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình). Ảnh: Hà Thu