Môn Toán thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Chiến lược làm bài thông minh
Cô Lê Thị Thùy Dương, Giáo viên Toán Hệ thống giáo dục Vinschool, chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp các thí sinh Hà Nội vững tâm với môn thi Toán trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.
Ảnh minh họa/ITN
Tránh sai sót không đáng có
Theo cô Dương, cấu trúc đề thi vào lớp 10 môn Toán Hà Nội năm 2021 không có nhiều khác biệt so với ma trận đề thi vào 10 của các năm học trước. Vì vậy, các thí sinh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình hệ thống kiến thức, kĩ năng làm bài để chinh phục kì thi vào 10 năm nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình ôn tập, thí sinh đã được thầy cô giáo dặn dò khá nhiều về các lỗi sai thường gặp. Các em cần luôn ghi nhớ để tránh những lỗi sai không đáng có này.
Bên cạnh đó, khi nhận đề thi, thí sinh thường sẽ tập trung vào làm bài, giải bài tập ngay, mà không có đánh giá, phân loại đề. Đồng thời, với không ít thí sinh, thời gian thi càng lâu, tâm lý lại càng rối, chính vì thế thường thiếu thời gian khi làm bài. các câu làm sau dễ xảy ra sai sót khi tâm lý không vững vàng.
Vậy nên, khi nhận được đề bài, việc đầu tiên cô Thùy Dương lưu ý là thí sinh hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu để lấy lại tâm thế sẵn sàng. Tiếp theo, đọc kĩ đề bài, phân loại thành các dạng: làm được ngay, cần suy nghĩ thêm, bài tập khó.
Để tránh những sai sót không đáng có, cô Dương cho rằng, trước mỗi bài làm, thí sinh hãy vạch ra cho mình các bước làm đã được thầy cô hướng dẫn, sau đó tiến hành thực hiện từng bước một.
Ví dụ, để giải bài toán bằng cách lập phương trình, thí sinh gạch ra ngoài giấy nháp các bước làm như sau:
Bước 1: Đặt ẩn;
Bước 2: Điều kiện và đơn vị của ẩn;
Bước 3: Liên hệ ẩn với dữ kiện để lập phương trình;
Video đang HOT
Bước 4: Giải phương trình;
Bước 5: So sánh với điều kiện của ẩn và kết luận bài toán.
Trình bày xong bước nào, thí sinh hãy đánh dấu các bước đó lại, để chắc chắn rằng đã hoàn thiện bài toán một cách hoàn hảo nhất.
Chiến lược làm bài 4 bước
Cũng theo cô Lê Thị Thùy Dương, trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần phải xây dựng cho mình một chiến lược làm bài thông minh. Biết sắp xếp thời gian dành cho các bài, nên làm câu nào trước, câu nào sau.
Từ đó, cô Lê Thị Thùy Dương đưa ra tham khảo chiến lược làm bài để thí sinh tham khảo, như sau:
Bước 1 – Khởi động: Hoàn thành những bài có thể làm được ngay với tâm thế cẩn thận. Những bài tập trong vòng này thường là: Bài 1, câu a, b; bài 2 – giải bài toán bằng cách lập phương trình; bài 3a – Giải phương trình hoặc hệ phương trình; bài 4a.
Bước 2 – Tăng tốc: Tập trung vào những bài cần suy nghĩ . Các câu trong vòng này thường là: Bài 1c; bài 3b – tìm điều kiện của tham số; bài 4b.
Bước 3 – Vượt chướng ngại vật:Tập trung vào các bài tập khó, cụ thể là: Bài 4c; bài 5.Những câu này số học sinh có thể hoàn thành chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, nếu không thể làm nó thì thí sinh hãy vui vẻ đến với vòng 4.
Bước 4 – Về đích:Với bước này, thí sinh hãy kiểm tra bài làm của mình 1 đến 2 lần. So sánh đối chiếu với các bước làm, kiểm tra xem mình có thiếu bước làm nào không, có thiếu điều kiện không?
“Cô hy vọng, các con biết kiểm soát tốt thời gian, bài làm của mình. Hoàn thiện từng bài theo cách hoàn hảo nhất và có được điểm số tốt nhất” – cô Thùy Dương gửi lời chúc.
Thi vào 10 Hà Nội: Bốn 'chiến thuật' làm bài thi Toán trong 90 phút
Trước những điều chỉnh của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy Toán của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã chia sẻ cách phân bổ thời gian làm bài thi môn Toán trong thời gian 90 phút.
Theo thầy Tùng, một trong những điều mà các học sinh đặc biệt lưu ý ở năm nay là lịch thi, thời gian làm bài thì ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 có nhiều thay đổi. Cụ thể, thời gian làm bài môn Toán đã rút ngắn từ 120 phút xuống còn 90 phút.
Trong giai đoạn này, các học sinh nên chú ý kế hoạch ôn thi hợp lý, rà soát lại theo các nội dung chính để tìm ra phần mình còn yếu, còn thiếu để "lấp chỗ trống". Các em cũng không nên sa đà vào các dạng toán quá khó, mất thì giờ và tạo căng thẳng không cần thiết. Nếu vẫn còn các khó khăn, các em có thể trao đổi thêm với bạn bè, thầy cô giáo hoặc tham khảo thêm trên internet.
Học sinh cũng cần nắm vững lịch thi, quy chế thi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho những ngày thi sắp tới.
Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy Toán của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội).
Để giúp các học sinh vững tâm và có cách làm bài môn Toán phù hợp và hiệu quả, thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra 4 chiến thuật:
Chiến thuật "Dễ làm khó bỏ"
Tức là ưu tiên những câu dễ làm trước, các câu khó hơn làm sau. Học sinh có 5 phút để đọc đề. Khi đọc đề các em cần đọc kĩ để xác định được các câu hỏi thuộc 3 mức độ:
Mức 1: Các câu dễ, có thể làm ngay mà không cần nháp hoặc chỉ nháp nhẹ nhàng thẳng vào đề để tiết kiệm thời gian.
Mức 2: Các câu trung bình, cần phải nháp. Các câu này sẽ chiếm chủ yếu trong đề nên các thí sinh không được vội vàng, cần làm một cách tuần tự và chắc chắn.
Mức 3: Các câu khó. Khi đọc đề có thể chưa tìm được ngay phương pháp làm bài. Các em cứ đánh dấu vào để xử lý sau cùng.
"Theo kinh nghiệm, thứ tự thường được phân dạng từ dễ đến khó là: Câu a, b của bài rút gọn; Bài toán giải phương trình, hệ phương trình, hàm số; Giải toán bằng cách lập phương trình; Câu a, b của bài hình; Các câu còn lại.
Sau khi đã đánh dấu các mức độ thì học sinh lên chiến lược làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó. Cần tránh sa đà vào câu khó trước, bởi vừa mất thời gian lại có thể gây mất tinh thần", thầy Tùng khuyên.
"Gạch chân từ khóa và kiểm tra"
Theo thầy Tùng, các thí sinh nên chú ý gạch chân từ chìa khóa trong đề và kiểm tra đáp số.
Ngay khi đọc đề bài, các em luôn cầm bút và đánh dấu vào các từ, các ý quan trọng, thậm chí có thể ghi các lưu ý vào bên cạnh (ví dụ như ghi điều kiện xác định, ghi các phương pháp, các ý tưởng,...).
Một trong những lỗi phổ biến của học sinh lớp 9 là lỗi tính toán. Để khắc phục điều này, chúng ta sử dụng kĩ thuật kiểm tra, rà soát liên tục: Kiểm tra mỗi bước biến đổi (làm 2 lần: khai triển rồi thì khai triển lại, chuyển vế xong thì chuyển vế lại,...).
Làm xong một bài thi không nên vội vàng chuyển ngay sang bài khác mà nên dành 1, 2 phút để kiểm tra bài vừa làm: Kiểm tra tính phù hợp của đáp số với các điều kiện, với thực tế nếu có. "Chẳng hạn, khi các em giải một bài toán ra vận tốc xe máy là 300km/h thì cũng vô lý. Với các bài tham số, có thể thay lại kết quả để kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu của đề bài hay không", thầy Tùng lưu ý.
Vì thi tự luận nên theo thầy Tùng, học sinh cũng cần kiểm tra từ ý nhỏ xem có bị thiếu, bị tắt hay không, tránh trường hợp bị trừ những 0.25 điểm đánh tiếc.
"Các em hãy rèn luyện chiến thuật này trong mỗi bài tập mà mình làm hàng ngày để hình thành một thói quen".
Chiến thuật "Tư duy ngược"
Với các bài toán ở mức 2, 3, học sinh có thể chưa tìm được ngay phương pháp giải quyết. Khi đó, phương pháp phân tích, tư duy ngược rất có tác dụng.
Ví dụ: Để chứng minh đẳng thức MH.OM = MC.MD tức là phải chứng minh MH/MD = MC/MO, tức là phải chứng minh hai tam giác MHC, MDO đồng dạng. Từ đó ta đi tìm các dấu hiệu để hai tam giác này đồng dạng (như g.g, c.g.c....).
Một cách tổng quát, chúng ta thường xuất phát từ yêu cầu của bài toán rồi lập luận ngược lại để dẫn đến các yêu cầu quen hơn, dễ xử lí hơn, sau đó trình bài lời giải xuôi.
Chiến thuật "phân bổ thời gian"
Thầy Tùng cho hay, thời gian luôn là yếu tố quan trọng đối với mỗi bài thi. Vì thế, học sinh nhất định phải mang đồng hồ khi đi thi. Nên đeo loại đồng hồ có kim, các em sẽ dễ ước lượng thời gian hơn loại điện tử nhấp nháy.
"Chúng ta phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, độ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: Đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lí,... Dựa vào số điểm số của mỗi câu, chúng ta sẽ biết phân bổ thời gian phù hợp cho câu đó", thầy Tùng phân tích.
Theo thầy Tùng, học sinh cần trành tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác.
Sử dụng chiến thuật "dễ làm khó bỏ" ở trên, chúng ta đã lên được thứ tự làm các bài và học sinh cũng có thể ghi vào đề thời gian cần thiết để làm mỗi bài đó. Làm được như vậy các em sẽ không bị cuống và làm bài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
"Các em cần tận dụng hết thời gian, hãy chiến đấu dù là đến phút 89. Không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ làm bài", thầy Tùng đưa lời khuyên để thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển được đúng nguyện vọng yêu thích.
Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán của Hà Nội 4 năm gần nhất, thí sinh tham khảo để ôn "nước rút" hiệu quả Với đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán tại Hà Nội 4 năm gần nhất, học sinh có thể tham khảo qua, làm thử và so sánh. Chiều 2/6, UBND TP Hà Nội quyết định lùi thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 muộn hơn 2 ngày so với dự kiến để kỳ thi diễn ra vào...