Môn thi đạt “kỷ lục” chất lượng yếu kém
Trước hết, là môn có điểm bình quân thấp nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT nhiều năm gần đây; là môn thi có điểm bình quân thấp nhất của khối C nói riêng và tất cả các môn thi tuyển sinh ĐH nói chung; là môn thi mà số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất, bị điểm 0 và 0,5 với tỉ lệ cao nhất. Điểm bình quân môn sử trong kỳ thi ĐH 2006 là 1,90, năm 2007 là 2,09, năm 2008 có khá hơn nhưng cũng chỉ 2,39.
Trong số 107.000 bài thi khối C trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2007 được thống kê, chỉ có 9,23% bài thi có điểm trên 5, trong khi có đến 21,3% bài thi bị 0 điểm hoặc 0,5 điểm.
Đó là số liệu mà TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đưa ra qua thống kê kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trong 3 năm từ 2006-2008. Còn năm 2009, theo thông tin từ ban tuyển sinh các trường đại học, môn sử tiếp tục “đội sổ” và là môn có điểm thi thấp nhất trong ba môn khối C. Điểm bình quân chỉ trên dưới 2 điểm, số bài co điểm từ 0,25 – 2 điểm nhiều vô kể. Đơn cử số bài thi trên điểm trung bình của ĐH Văn hóa TP.HCM chỉ 3,7%, ĐH Đà Lạt 4%, ĐH Sư phạm Đà Nẵng 5%, ĐH Quy Nhơn 9,8%…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Không khó để chỉ ra nguyên nhân của thực trạng bi quan đó. Ngoài số ít học sinh có năng khiếu, có sở thích thi ĐH khối C, phần lớn học sinh có học lực khá, giỏi không chọn khối C vì học khối này, ít có cơ hội nghề nghiệp và triển vọng tương lai, nếu không muốn nói là sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng phần lớn thí sinh thi khối C đều có học lực yếu, không thể thi các khối A, B, D nên mới lựa chọn khối C vì nghĩ rằng khối này chỉ cần học thuộc lòng là có điểm, hoặc hi vọng ăn may nhờ… trúng tủ. Vậy nên, không muốn vơ đũa cả nắm nhưng từ lô-gíc của thực tế trên cho thấy, các ngành tuyển sinh khối C thật sự là phao cứu hộ cho nhiều thí sinh, là nơi hội tụ các thí sinh kém.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều năm nay môn Lịch sử bị xem là “môn phụ” không chỉ trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh mà ngay cả giáo viên. Mà đã coi là “môn phụ” thì chỉ học cho có, qua loa đại khái. Tôi đã từng được nghe một giáo viên dạy môn tự nhiên khẳng định rằng: ” môn Lịch sử thì có gì để tư duy?”. Đáng buồn hơn nữa là không chỉ giáo viên dạy môn tự nhiên mà ngay cả chính không ít giáo viên dạy môn Sử cũng coi môn của mình là “môn phụ” nên ít có sự đầu tư và không yêu cầu gì nhiều đối với học sinh, thành ra chất lượng càng ngày càng tuột dốc.
Video đang HOT
Đã thế, hầu hết các bạn học sinh thi khối C nhưng lại không đầu tư cho khối C mà phần lớn thời gian dành cho việc đi học thêm các môn Toán, Lí, Hóa, Tiếng Anh. Chỉ sau khi thi tốt nghiệp, khoảng thời gian hơn một tháng các em mới tập trung “cày” các môn Văn, Sử, Địa. Như thế học làm sao kịp và làm sao có hiệu quả? Vậy nên điểm thi đại học khối C, nhất là môn Sử, thấp cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa trong vài năm trở lại đây đề thi đại học khối C đã có nhiều thay đổi, yêu cầu học sinh phải biết phân tích, tổng hợp, khái quát mới làm được. Tất cả thí sinh thi đỗ đại học khối C những năm gần đây đều là những người có tố chất, biết tư duy và có sự đầu tư đúng hướng. Trước sự thay đổi đó cách dạy và học môn Lịch sử không có sự thay đổi tương ứng để theo kịp, thích nghi mà phần lớn vẫn duy trì cách dạy và học như cũ là “thầy đọc trò chép và… học vẹt”. Chính cách dạy và học đó làm thui chột mất khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo của học sinh, khiến học sinh không thể làm được những bài đòi hỏi sự phân tích, khái quát, tổng hợp…
Ngoài ra, việc phân phối chương trình quá nặng, muốn nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào môn Lịch sử cũng góp phần làm cho học sinh rất mệt mỏi, không còn thời gian để đào sâu suy nghĩ, mất đi kỹ năng phân tích, khái quát, tổng hợp của học sinh. Bởi lẽ muốn có kỹ năng phân tích, khái quát, tổng hợp thì phải được rèn luyện nhiều, nhưng suốt cả một học kỳ học sinh chỉ được làm nhiều nhất là 5 bài kiểm tra thì làm sao có thể rèn luyện được những kỹ năng đó? Bản thân người viết bài này cũng là một giáo viên dạy môn Lịch sử. Tôi rất muốn rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt, phân tích, lập luận, tổng hợp, đánh giá… nhưng thời gian đâu?
Vào lớp là lo dạy cho hết khối lượng kiến thức, đúng theo phân phối chương trình của Bộ. Trong khi khối lượng kiến thức thì rất nhiều, không dám bỏ bớt vì nếu bỏ bớt học trò sẽ thi không đạt do cách kiểm tra đánh giá, cách thi tốt nghiệp hiện nay đang bám sát sách giáo khoa, (còn đề thi đại học lại yêu cầu học sinh phân tích, khái quát, tổng hợp mới làm bài được). Chỉ riêng việc cung cấp hết kiến thức trong sách giáo khoa đã hết thời gian. Ai cũng biết muốn rèn những kỹ năng trên cần phải được thực hành nhiều, nhưng thầy trò chúng tôi lấy đâu ra thời gian để thực hành?
Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho việc dạy và học Sử ở phổ thông không được thầy và trò quan tâm đầu tư đúng mức, bởi khi trò không hào hứng học thì thầy cũng chẳng thể dạy nhiệt tình. Rốt cuộc chất lượng môn Lịch sử càng ngày càng đi xuống.
Ai cũng biết môn Lịch sử rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống hào hùng của dân tộc. từ đó phấn đấu học tập rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Thế nhưng nhìn kết quả điểm thi đại học môn Lịch sử nhiều năm nay thì không thể không buồn và lo lắng.
Thiết nghĩ đã đến lúc xem việc cải thiện và nâng cao chất lương môn Lịch sử không chỉ là trách nhiệm của giáo viên dạy môn Lịch sử hay của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chừng nào chúng ta chưa coi trọng vai trò của môn Lịch sử trong việc giáo dục học sinh, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước là thiết yếu như bữa ăn sáng hằng ngày thì đừng mong cải thiện và nâng cao chất lượng môn học này!
7 yếu tố cần thiết giúp học tốt môn Lịch sử
Điểm trung bình thi Đại học môn Lịch Sử năm 2007 chỉ đạt 2,09/10, còn năm 2008 số điểm chênh lệch so với năm trước không đáng kể. Vậy để có kết quả cao môn Lịch sử chúng ta cần chú ý những gì?
1. Niềm đam mê là yếu tố rất cần thiết khi bạn muốn học tốt môn Lịch sử. Bạn hãy quan niệm, học Lịch sử không phải để thi đại học mà học nó để yêu cuộc sống, tìm hiểu các kiến thức quy luật trong quá khứ ...
2. Nếu bạn mới bắt đầu học Lịch sử thì không nên tìm đọc sách cao siêu, mà nên chú ý lắng nghe thầy cô giảng dạy trên lớp và học theo sách giáo khoa, vì kiến thức đó sẽ làm nền tảng cơ bản cho kiến thức Lịch sử của bạn. Và nguyên nhân thứ hai là vì hiện nay các sách Lịch sử có rất nhiều ý kiến khác nhau về các sự kiện lịch sử, cho nên nghe lời thầy cô giúp bạn tìm được một hướng đi đúng.
3. Khi ban học khá môn Lịch sử rồi bạn có thể tìm đọc các loại sách như: Lịch sử Việt Nam đại cương (3 tập), Lịch sử thế giới đại cương (3 tập), Những sự kiện Việt Nam - Thể giới (NXB Quân đội Việt Nam), Những bài thi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia Lịch sử... Những cuốn sách này giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất đối với môn Lịch sử.
4. Bạn nên chăm chỉ viết bài, đôi khi bạn có thể tự tìm đề để viết rồi đưa cho thầy cô sửa giúp, sau đó viết lại nhuần nhuyễn. Cách này giúp tăng khả năng trình bày, diễn đạt của bạn và tạo nên kỹ năng ứng phó tốt với mọi loại đề.
5. Khi viết bài nhớ lập dàn ý chi tiết, ghi rõ các mục I, II, a, b... Nhớ giữ lại các dàn ý đó nhé, vì nó sẽ làm đề cương ôn tập rất tốt cho bạn đấy!
6. Trong bài viết nên hạn chế đưa ý kiến bình luận của giáo sư này, giáo sư kia vì nó sẽ làm "loãng" bài của bạn. Bạn có thể mạnh dạn đưa ý kiến phát biểu của mình (tất nhiên ý kiến đó theo định hướng của Đảng và Nhà nước). Ý kiến đó dù đúng, dù sai người chấm bài cũng sẽ rất hoan nghênh ý kiến của bạn.
7. Ba điều quan trọng trong khi làm bài thi là: chữ sạch đẹp, viết nhanh, và phân chia thời gian làm bài hợp lý.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Khi ôn tập môn lịch sử phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
1. "Như thế nào?" (trình bày, nêu khái quát, tóm tắt, chứng minh, so sánh)
2. "Tại sao?" (giải thích)
3. "Phân tích" (vừa trình bày, vừa giải thích, so sánh, nhận xét/đánh giá, phê phán)
Những kỹ năng để làm bài thi môn lịch sử đạt kết quả tốt nhất:
1. Kỹ năng phân tích đề: Trước hết phải hiểu đúng mỗi câu hỏi trong đề thi, chú ý từng từ trong câu hỏi. Một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là thừa. Đọc kỹ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi: trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá...
2. Phân bố thời gian cho hợp lý. Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.
3. Kỹ năng viết bài: hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy "mở bài", đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về "mở bài". Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.