Môn Sử vẫn lép vế, môn Vật lý ‘đắt hàng’
Thống kê sơ bộ từ các trường THPT về tình hình đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia năm 2016 cho thấy, môn Sử tiếp tục bị “xa lánh” với rất ít thí sinh chọn thi môn này.
Trong khi đó, phần lớn học sinh chọn môn Vật lý là môn tự chọn.
Hôm nay, 30/4, là ngày cuối cùng để thí sinh ĐKDT THPT quốc gia năm 2016, nhưng hôm qua 29/4 hầu hết các trường THPT trên cả nước đã hoàn tất việc cho học sinh đăng ký môn thi.
Thí sinh đến nộp hồ sơ ở Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM chiều 29/4.
Hà Nội: hầu hết chọn thi 5 môn
Ông Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – cho biết, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi nhiều lần. Lúc đầu chỉ để thăm dò và đợt đăng ký chính thức vào cuối tháng 4/2016.
Giữa các lần, học sinh đã có những điều chỉnh khác nhau. Phần lớn học sinh chỉ đăng ký năm môn, bao gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn. Trong đó nguyện vọng của học sinh thường thay đổi khi phân vân giữa các cặp môn như Vật lý – Hóa học hoặc Vật lý – Địa lý. Riêng môn Lịch sử, so với lần thăm dò trước, kết quả đăng ký chính thức có giảm đi.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), hiện trường vẫn đang rà soát lần cuối trước khi chốt việc đăng ký vì lo học sinh vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên qua thăm dò, phần đông học sinh chỉ đăng ký 5-6 môn thi.
“Mặt bằng năng lực của học sinh trường tôi ở mức cao nên các em có định hướng rõ từ khi bắt đầu học lớp 10. Vì thế thay vì đăng ký nhiều môn thi để trông chờ may rủi, các em chỉ đăng ký những môn phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp và năng lực của mình” – bà Thúy Anh cho biết.
Có đến 80% trong số 152 học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ĐKDT môn tự chọn là Địa lý. Tiếp đến là số lượng đăng ký môn Vật lý, Hóa học.
“Chỉ có khoảng 10 học sinh đăng ký môn Lịch sử, môn Sinh còn ít hơn, chỉ có vài em” – thầy Tùng Lâm cho biết.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Quốc Bình – hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), trong số 628 học sinh lớp 12 của trường có 325 em chọn môn Vật lý, 269 em chọn Địa lý. Môn Lịch sử chỉ có 18 học sinh ĐKDT.
Các em có thiên hướng xét tuyển ĐH, CĐ khối A, A1 thường chọn môn Vật lý, Hóa học là môn tự chọn, còn các em có thiên hướng xét tuyển khối D chọn môn Địa lý là môn tự chọn. Đáng chú ý, bà Phương Anh – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) – cho biết, toàn trường không có học sinh nào đăng ký thi Lịch sử.
TP HCM: không chọn Sử, Địa vì… quy chế
Theo ông Nguyễn Hùng Khương – phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), trong số 567 học sinh khối 12 của trường có đến 433 em đăng ký thi môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Kế đó là 251 em đăng ký thi môn Hóa, 103 em đăng ký thi môn Sinh, chỉ 10 học sinh đăng ký thi môn Địa và 5 học sinh đăng ký thi môn Sử.
Tình hình trên cũng diễn ra tương tự ở các trường THPT trên địa bàn TP HCM, mặc dù ở một số trường số học sinh đăng ký thi Sử, Địa có phần nhỉnh hơn nhưng vẫn quá ít so với số lượng học sinh đăng ký thi Lý, Hóa. Như Trường THPT Ngô Thời Nhiệm có 6 lớp 12, 4 lớp đăng ký thi Vật lý, hai lớp đăng ký thi Địa và một lớp đăng ký thi Sử.
Đại diện ban giám hiệu trường này cho biết: “Số lượng học sinh chọn thi môn Sử, Địa ở trường chúng tôi nhiều hơn một số trường khác vì hầu hết số học sinh này là con em cán bộ ngành công an. Các em dự xét tuyển vào ngành Công an nên mới đăng ký thi Sử, Địa”.
Giải thích về “bức tranh” đăng ký môn thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12, hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng ở TP HCM nhận định: “Các em không chọn sử, địa mà chọn Lý, Hóa là do quy chế thi cử của Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, Sử, Địa phải làm bài thi tự luận trong thời gian 180 phút – rất nặng nề. Trong khi đó Lý, Hóa làm bài thi trắc nghiệm chỉ trong 90 phút – khá nhẹ nhàng và dễ lấy điểm hơn.
Thứ hai, các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào ĐH đa số là Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ. Rất ít tổ hợp có Sử, Địa. Học sinh chọn lý vì có thể dùng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH khối A và khối A1. Thế nên dù nhà trường có ép đến mấy thì học sinh vẫn bỏ bê Văn, Sử, Địa”.
Cần Thơ: tiếp tục kiểm tra năng lực học sinh
Chiều 29/4, ông Võ Minh Lợi, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thí sinh ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia 2016 là 7.608, trong đó có 4.512 thí sinh ĐKDT cụm 1 (thí sinh dự thi xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ) và 3.096 thí sinh dự thi cụm 2 (thí sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THPT).
Theo đó, số thí sinh ĐKDT cụm 1 nhiều nhất là trường THPT Châu Văn Liêm với 549 thí sinh, thấp nhất là trường phổ thông Việt Mỹ với 6 thí sinh.
Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, môn Lịch sử vẫn là môn thí sinh ĐKDT thấp nhất ở các trường. Cụ thể, các trường THPT Thốt Nốt, Trung An, Hà Huy Giáp, Phan Văn Trị, Thái Bình Dương chỉ có 2-3 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử.
Ngoài ra, các môn có ĐKDT thấp tiếp theo là sinh học với 809 thí sinh đăng ký cụm 1 và 380 thí sinh cụm 2, môn tiếng Pháp có 45 thí sinh (trong đó có 7 thí sinh thuộc cụm 2), tiếp đến là môn hóa học có 1.913 thí sinh đăng ký (trong đó 290 thí sinh thuộc cụm 2)…
Thầy Nguyễn Văn Bắc, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), cho biết tổng số học sinh của trường là 391 thí sinh nhưng chỉ có 6 thí sinh ĐKDT môn Lịch sử, giảm 16 thí sinh so với năm rồi, còn môn địa lý có gần 200 học sinh ĐKDT.
Cũng theo thầy Bắc, trường đã tổ chức ôn tập từ ngày 18/4, sau hai tuần nhà trường sẽ kiểm tra lại năng lực học sinh một lần nữa để tiếp tục bồi dưỡng cho những học sinh yếu, kém.
Quân nhân nhà giàn DK1 dự thi
Theo ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM, tính đến cuối ngày 29/4 đã có khoảng 8.000 thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại cơ quan này, giảm 50% so với cùng thời điểm năm 2015.
“Số thí sinh tự do nộp hồ sơ ĐKDT tại đơn vị ĐKDT của chúng tôi giảm mạnh có thể do thí sinh chạy về các cụm thi ở các tỉnh. Khoảng 80% thí sinh đăng ký thi 3-4 môn và chỉ có hai trường hợp đăng ký tám môn thi. Chúng tôi sẽ nhận hồ sơ ĐKDT đến hết 17h ngày 30/4″ – ông Cường cho biết.
Đáng chú ý, trong số thí sinh ĐKDT tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM có một thí sinh tên L.T. là quân nhân đang công tác ở nhà giàn DK1, Vùng 2 hải quân đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển vào ĐH.
Thí sinh này thường trú tại quận 4, TP HCM, nhập ngũ tháng 9/2014, sau một năm tốt nghiệp THPT. Kỳ thi năm nay, thí sinh này ĐKDT tại cụm thi do ĐH Sư phạm TP HCM chủ trì với ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Cũng theo ông Cường, thí sinh L.T. tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào Học viện Hải quân và một trường sư phạm.
Khi làm hồ sơ ĐKDT, L.T. không biết nhà giàn DK1 thuộc khu vực ưu tiên nào nên phần khai khu vực ưu tiên trên hồ sơ phải bỏ trống.
Sau đó, L.T. được cán bộ tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM hỗ trợ và hỏi ý kiến Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT xác định cho thí sinh này thuộc khu vực 1 (được cộng 1,5 điểm) và thuộc đối tượng 03 (được cộng 2 điểm ưu tiên).
Nhóm phóng viên giáo dục/Tuổi Trẻ
Bí quyết đạt điểm 10 môn Vật lý của nam sinh trường Cảnh sát
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chỉ có một thí sinh đạt điểm 10 môn Vật lý là Hồ Quang Truyền (Tiền Giang). Truyền hiện là sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Chỉ còn 4 tháng nữa để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Nếu nỗ lực, học sinh có thể tăng tối đa khoảng 2 điểm trong một môn thi.
Vật lý là môn học mình yêu thích nên luôn cố gắng nắm chắc các phần lý thuyết ngay ở lớp khi thầy cô giảng bài. Về bài tập, mình cố gắng nhớ công thức và áp dụng cho từng bài đơn giản, sau đó làm thêm nhiều bài tập khó.
Trong khoảng 3 tháng đầu, học sinh nên tập trung phần bài tập. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải nắm chắc lý thuyết mới hỗ trợ tốt nhất cho bài tập. Tháng cuối cùng, học sinh cần tổng hợp lại kiến thức đã học và chú ý đến lý thuyết, đặc biệt là hai tuần cuối. Thí sinh cần hiểu rõ không phải học thuộc lòng lý thuyết mà cố gắng hiểu bản chất vấn đề sẽ nhớ lâu hơn.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Mối quan hệ giữa bài tập và lý thuyết trong đề Vật lý rất gắn bó. Phần bài tập lúc nào cũng khó hơn và cần thời gian, trong khi lý thuyết dễ hơn. Tuy nhiên, nhiều bạn thấy dễ lại chủ quan, dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc. Vì vậy, các bạn nên làm phần lý thuyết trong đề thi trước.
Khi ôn tập Vật lý, mình dành thời gian chủ yếu để rèn luyện kỹ năng làm bài bằng cách rèn dạng đề, tích lũy kinh nghiệm. Với một đề thi đổi mới như hiện nay, thí sinh sẽ cần nhiều kỹ năng để làm bài mới kịp thời gian. Điều đó đòi hỏi cần đọc nhanh, không bỏ sót dữ kiện. Vì thế, các bạn nên rèn độ chính xác trong lúc làm bài, kỹ năng xử lý dữ liệu (độ nhạy) và thái độ luôn bình tĩnh.
Ví dụ, khi vào phòng thi, mình dành 15 phút đầu để đọc nhanh đề Vật lý, phân chia câu dễ và khó. Các câu dễ, mình đã biết đáp án và ghi nhớ trong đầu, chưa vội điền vào bài thi. Khi làm bài, mình sẽ đọc kỹ một lần nữa và điền vào câu trả lời đúng. Còn về phần bài tập khó hơn, mình làm sau cùng.
Tuy nhiên, việc đọc đề nhanh và lướt qua các câu hỏi lý thuyết, đặc biệt là không đọc kỹ yêu cầu của đề bài, dễ dẫn đến đáp án sai. Vì vậy, ngay cả câu dễ, bạn cũng nên dành thời gian xem lại.
Để đạt điểm 10 môn thi Vật lý cần nhiều yếu tố, từ kỹ năng làm bài tập, lý thuyết đến tâm lý bản thân. Tất cả được tích lũy bằng thái độ chăm chỉ nghiêm túc trong học tập.
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu là sự may mắn, ví dụ đã có những câu hỏi chúng ta từng làm hay một bài tập mới nhưng đã đi đúng hướng giải.
Hồ Quang Truyền (sinh năm 1997) là sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân, cựu học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến TP HCM. Các môn xét tuyển khối A của Quang Truyền trong năm 2015 lần lượt là (Toán: 7,5; Vật lý: 10; Hóa học: 9,5).
Theo Zing
Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK lịch sử Nhận định của một số nhà khoa học cho rằng, môn Lịch sử càng ngày càng ít được chú trọng, học sinh cảm thấy không có tác dụng với các em. Những tiết học Lịch sử tẻ ngắt, không tạo được cảm hứng cho học sinh - là tình trạng dạy và học môn học này ở Việt Nam. Trí tuệ con người...