Môn Ngữ văn đang có rất nhiều lợi thế, sao chất lượng lại chưa đạt được kỳ vọng?
Hàng ngàn điểm liệt môn Ngữ văn trong một kỳ thi chỉ nằm ở kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông đã đủ để những người có trách nhiệm suy ngẫm, trăn trở!
Dù chúng tôi không có được số liệu thống kê chính xác nhưng nhìn vào các trường đại học, các cơ quan nhà nước thì có thể tin rằng số lượng người có học hàm, học vị ở chuyên ngành Ngữ văn hiện nay đang chiếm ưu thế so với các ngành học khác.
Môn Ngữ văn cũng là môn cơ bản được chú trọng giảng dạy trong các trường phổ thông và đây cũng là môn có nhiều tiết học nhất trong năm.
Đặc biệt, môn Ngữ văn cũng là 1 trong 3 môn thi bắt buộc trong 2 kỳ thi quan trọng của giáo dục phổ thông là thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông quốc gia.
Vậy nhưng, nhìn vào kết quả thi tuyển sinh 10, thi trung học phổ thông quốc gia thì chúng ta không khỏi không lo lắng về môn học này. Phải chăng chúng ta đang thiếu một vị “thuyền trưởng” để chèo lái cho môn học này đi lên?
Chất lượng thực của môn Ngữ văn đang là nỗi lo lắng cho nhiều người – (Ảnh minh họa: Cổng Thông tin Bộ Giáo dục)
Những năm qua, ngành giáo dục mãi loay hoay đổi mới về dạy và học, đổi mới công tác kiểm tra, thi cử môn Ngữ văn. Tập huấn nhiều, đổi mới nhiều, đầu tư nhiều vậy mà môn Ngữ văn vẫn giậm chân tại chỗ nếu không nói là chất lượng thực có phần đi xuống.
Cứ nhìn vào những đề thi Ngữ văn mấy năm gần đây chúng ta sẽ thấy rất rõ tình trạng chưa thoát khỏi “vòng kim cô an toàn” của người ra đề. Đề Văn vẫn cũ xì, nhàm chán và thiếu đi tính sáng tạo, có rất ít đất để những học sinh yêu thích môn học này thể hiện khả năng của mình.
Hình thức ra đề thi thì đổi đi, đổi lại, đổi hoài mà…không mới. Lúc thì tự luận, lúc thì tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan, nay lại quay về tự luận. Nội dung đề thi thì vẫn vậy, người ra đề không dám bước qua những lối mòn đã định hình nhiều năm trời.
Chính vì vậy, điểm môn Văn trong các kỳ thi tuyển sinh 10 của các địa phương nhìn chung rất thấp. Điều này thể hiện rõ nhất qua kỳ thi tuyển sinh 10 bởi đây được xem là kỳ thi đánh giá chính xác nhất đối với môn Ngữ văn hiện nay.
Video đang HOT
Ngay trong kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay thì tỉnh Khánh Hòa có tới 66,4 % thí sinh đạt điểm dưới trung bình; Bình Phước có tới 43,5% dưới trung bình; An Giang có 7.045/ 22.442 thí sinh có điểm Văn dưới trung bình…
Các tỉnh khác, điểm môn Ngữ văn cũng tương đối thấp, thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm một tỉ lệ khá cao.
Rõ ràng, môn Ngữ văn hiện nay đang có nhiều lợi thế nhưng chất lượng giảng dạy thấp, thấp đến mức khó có thể chấp nhận được!Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, dù đây là môn tự luận duy nhất được các Sở chủ trì chấm thi nhưng môn Ngữ văn cũng đã có tới 27,84% thí sinh có điểm dưới trung bình và có tới 1265 thí sinh bị điểm liệt.
Những lợi thế của môn Văn
Hiện nay, gần như mỗi tỉnh có ít nhất một khoa sư phạm đào tạo chuyên ngành Ngữ văn trong các trường đại học, cao đẳng. Ngoài các trường sư phạm thì còn có nhiều trường khoa học xã hội nhân văn, đại học khoa học, viện khoa học xã hội, viện ngôn ngữ…
Những khoa Ngữ văn ở các trường đại học lớn có hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ Ngữ văn. Nhiều trường lớn còn có nhiều người được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Phải nói rằng đội ngũ chuyên gia ngành Ngữ văn hiện nay rất hùng hậu mà các ngành học khác khó có thể sánh bằng.
Ngoài ra, môn Ngữ văn còn có nhiều lợi thế là sách đọc hiện nay có một số lượng rất lớn là những tác phẩm văn học viết cho mọi lứa tuổi. Ngay từ nhỏ thì học sinh được tiếp cận những câu chuyện, những câu ca dao, tục ngữ, thơ ca…
Điều đặc biệt hơn nữa là cả nước hiện có nhiều tờ báo, tạp chí chuyên ngành về văn học, ngôn ngữ. Mỗi tỉnh có ít nhất một tạp chí Văn học nghệ thuật xuất bản hàng tháng, một số huyện cũng có tạp chí văn học…
Chính vì thế, đội ngũ giáo viên Ngữ văn có rất nhiều người đang là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật. Vậy nhưng, chất lượng giảng dạy môn Ngữ văn tại sao vẫn thấp?
Phải chăng chúng ta đang thiếu một “tư lệnh” môn Ngữ văn?
Muốn môn Ngữ văn duy trì được sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển thì có lẽ ngành giáo dục của chúng ta cần phải có một Chủ tịch Hội đồng Bộ môn Ngữ văn xứng tầm.
Người đó phải là có uy tín trong ngành và cũng phải có mối quan hệ đặc biệt với Hội Nhà văn để đủ khả năng cầm trịch để chèo lái bộ môn phát triển.
Song hành với hội đồng bộ môn của Bộ Giáo dục thì mỗi tỉnh cũng cần thiết có một vị làm trưởng hội đồng bộ môn Ngữ văn am hiểu được đặc trưng của môn học này.Thế nhưng, thực tế những thay đổi môn Ngữ văn trong những năm qua vẫn phát triển manh mún và không có tính hệ thống.
Nếu vị này thực sự là người yêu thích môn Ngữ văn, yêu văn chương thì mới có thể tập trung tâm huyết cho môn học mà mình phụ trách.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế không có nhiều người như vậy. Đa phần vị trí này ở các tỉnh là những hiệu trường các trường phổ thông được đưa về.
Chính vì bổ nhiệm vị trí này là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nên đa phần những người này có nhiều năm không dạy lớp (trước đây lãnh đạo nhà trường không dạy) nên khi lên chỉ đạo hội đồng bộ môn thường máy móc, bảo thủ và áp đặt trong chỉ đạo.
Nhất là việc chỉ đạo chuyên môn cấp trung học cơ sở thường không sát thực tế. Mỗi năm làm vài đề kiểm tra, đề thi nhưng thường sai sót như chúng ta vẫn thấy thường xuyên trên các mặt báo sau mỗi mùa thi.
Tư tưởng “bốc” cán bộ quản lý nhà trường lên làm người chỉ đạo chuyên môn đã trở thành một thói quen của nhiều địa phương hiện nay.
Vì thế, giáo viên dạy dù có hay như thế nào, dù có muốn đổi mới như thế nào đi chăng nữa nhưng không thể vượt qua ngưỡng hướng dẫn chỉ đạo của hội đồng bộ môn mà mình đang dạy.
Trong khi đó, những đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn của môn Ngữ văn hiện nay rất nhiều nhưng cũng rất rối rắm và có những chuyên đề làm mất đi đặc trưng của môn Văn.
Môn Ngữ văn sẽ đi về đâu khi mà nhiều học sinh không có thói quen đọc sách, không biết cảm nhận tác phẩm văn học, học sinh thờ ơ, lãnh đạm với ngôn ngữ dân tộc mình?
Hàng ngàn điểm liệt môn Ngữ văn trong một kỳ thi chỉ nằm ở kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông đã đủ để những người có trách nhiệm suy ngẫm, trăn trở!
THANH AN
Theo giaoduc.net
Thi THPT quốc gia 2019: Hà Nội đứng đầu về điểm liệt môn Ngữ văn
Trong số 1.265 bài thi bị điểm liệt môn Ngữ văn, Hà Nội có đến 104 bài, chiếm hơn 8%.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, cả nước có tới 1.265 bài thi bị điểm liệt. Điều đáng nói, năm nay môn Ngữ văn có số bài thi bị điểm liệt cao nhất trong số các môn thi. Đứng đầu danh sách bị điểm liệt nhiều nhất là Hà Nội với 104 bài thi (chiếm 8,2% cả nước).
Xếp sau đó là các tỉnh như Sơn La (91 bài thi điểm liệt (90 bài thi điểm liệt), Quảng Ngãi, Đắk Lắk (83 bài điểm liệt); Đồng Nai (81 bài thi điểm liệt); Gia Lai (76 bài thi điểm liệt)...
Theo quy chế thi THPT quốc gia, những thí sinh có bài thi bị điểm liệt đều bị trượt tốt nghiệp. Năm nay, có thí sinh là học sinh Trường THPT chuyên nhưng cũng trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt ở một môn thi không chuyên.
Năm nay, tổng số bài thi Ngữ văn của cả nước là 867.937. Đây là môn duy nhất không có điểm 10. Điểm Ngữ văn cao nhất là 9,5 với 17 thí sinh đạt được mức này.
Trung bình môn Ngữ văn của cả nước là 5,49 và 31 tỉnh, thành có mức trung bình cao hơn mặt bằng chung. Trong đó, Hà Nam đứng đầu với 6,31 điểm. Cần Thơ đạt 6,27 điểm. Nam Định đứng thứ 3 với 6,04 điểm.
So sánh với điểm trung bình môn Ngữ văn năm 2018, năm nay điểm trung bình thấp hơn (năm2018 điểm trung bình Ngữ văn 5,54) và điểm cao nhất của năm trước là 9,75 và có tới 7 thí sinh đạt được mức điểm này.
Theo ngaynay
Con bị điểm liệt môn văn, tôi hết sức đau lòng, trăn trở Để môn ngữ văn sống lại thời hoàng kim thì người giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn thích thú với tiết học dự án tích hợp liên môn Thống kê của Bộ GD&ĐT khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 thì môn ngữ văn dẫn đầu số thí sinh bị điểm...