Mòn mỏi chờ giải quyết vụ án oan sai “cà phê Xin chào ở Hà Nội”
Bà Mai Thị Khánh – nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị vừa tiếp tục có đơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc oan sai, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã kéo dài suốt hơn 12 năm qua mà bà và nhiều người khác là nạn nhân.
Bà Mai Thị Khánh là nhân vật chính mà Dân trí đã phản ánh trong loạt bài viết “Có một vụ cà phê Xin chào kéo dài trên 10 năm ở Hà Nội”đăng tải từ tháng 7/2016. Sau khi báo đăng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản gửi Bộ Công an và UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra, làm rõ sự việc. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
Trong lá đơn vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, bà Mai Thị Khánh cho biết, Công ty cổ phần Hữu Nghị là doanh nghiệp có số vốn 100% tiền của người dân đóng góp mua cổ phần để sản xuất kinh doanh.
Bà Khánh và 4 thành viên Hội đồng quản trị khóa đầu tiên của công ty đã được Đại hội cổ đông hợp pháp bầu ra theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Từ khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty, bà Khánh không có bất cứ vi phạm, không có bản án hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào buộc phải thôi 2 chức vụ này.
Vậy mà ngày 3/11/2005 Công an TP Hà Nội lại ký quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” đối với bà Khánh, rồi tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc, cưỡng chế lấy con dấu và hồ sơ tư cách pháp nhân trong thời gian 5 tháng. Toàn bộ những việc làm này có sự chứng kiến của hai luật sư nổi tiếng ở Hà Nội, cùng nhiều nhà báo đưa về sự việc và nhân dân khu phố gần Khách sạn Hữu Nghị (23 Quán Thanh, Ba Đình, Hà Nội).
Tuy nhiên, quyết định khởi tố và lệnh khám xét của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã không được VKSND TP Hà Nội phê chuẩn. Mặc dù vậy, sau đó Công an TP Hà Nội lại không trao trả tang vật tạm giữ cho bà Mai Thị Khánh, mà lại giao cho bà N.T.B.L – một thành viên khác trong Công ty cổ phần Hữu Nghị.
Bà Mai Thị Khánh trong một phiên toà được báo chí phản ánh năm 2011.
Trong đơn tố giác, bà Khánh nhấn mạnh, sau khi được giao con dấu, bà N.T.B.L đã ký và đóng dấu vào các văn bản để chiếm đoạt 4.789 cổ phần (gần 50% số cổ phần của gia đình bà Khánh) để tăng vốn cho Hội đồng quản trị mới, đủ điều kiện để xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời điểm đó đã có rất nhiều luật sư, các chuyên gia kinh tế, báo chí lên tiếng phản đối chuyện này nhưng UBND TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội vẫn không quan tâm.
Đến năm 2011, lá đơn của 21 người là các cổ đông bị chiếm đoạt tài sản tại công ty mới được Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nghiên cứu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Từ đó đến nay Văn phòng Chính phủ đã có 7 thông báo ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và UBND TP Hà Nội giải quyết nhưng 6 năm trôi qua vẫn không có kết quả gì.
“12 năm qua, chúng tôi đã phải chịu biết bao mất mát và khổ đau vì vụ án này. Nếu họ bán hết tài sản của chúng tôi thì ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả này?”- bà Khánh viết trong đơn gửi Thủ tướng và đề nghị Giám đốc Công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ ngay 2 vụ án oan sai cho bà cách đây 12 năm.
Video đang HOT
Cuối năm 2014, nhờ có đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân giám sát chất vấn nên Chánh án TAND Tối cao khi đó và hiện nay là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã cho giám đốc thẩm 1 vụ án oan của bà Mai Thị Khánh kéo dài 14 năm.
Tháng 12/2014 Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội có bản án số 580/2014/HSPT công nhận “Toà sơ thẩm tuyên Mai Thị Khánh không phạm tội trộm cắp tài sản là có căn cứ”, tuyên huỷ bản án số 01/2012/HSST của TAND TP Hà Nội và đình chỉ vụ án này. Sau đó bà Khánh đã có văn bản gửi TAND TP Hà Nội đề nghị bồi thường số tiền 5 tỷ đồng vì đã bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai 5.028 ngày.
Bà Mai Thị Khánh cho biết, 14 năm qua đã phải trải qua nhiều phiên toà các cấp khác nhau, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố, xét xử oan sai đối với cá nhân bà. “Việc tôi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật đã gây tổn thất nặng nề cả về tinh thần, kinh tế cũng như thiệt hại nghiêm trọng đến vị trí việc làm của tôi – khi đó đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Bí thư chi bộ Công ty cổ phần Hữu Nghị có trụ sở tại 23 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội”- bà Khánh nói.
Nhiều năm nay, gia đình bà Mai Thị Khánh rơi vào cảnh kiệt quệ, phải thuê nhà để ở và mong ngóng sự việc oan sai của mình sớm được giải quyết dứt điểm.
Thế Kha
Theo Dantri
Một người dân yêu cầu TAND TP Hà Nội bồi thường oan sai 5 tỷ đồng
TAND TP Hà Nội vừa tiếp nhận giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị truy tố, xét xử oan sai trên 5.000 ngày của bà Mai Thị Khánh (SN 1949, trú tại phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với tổng số tiền 5 tỷ đồng.
Bà Mai Thị Khánh trong một phiên toà năm 2011 (Ảnh: P.Thảo)
Đây là vụ án "trộm cước viễn thông" nổi tiếng ở Hà Nội đã được Dân trí và các cơ quan báo chí phản ánh suốt một thời gian dài.
Vụ án bắt đầu từ cuối năm 1999 khi Chan Yiu Wah Bosco, quốc tịch Anh, lấy danh nghĩa là đại diện Công ty Trans Pacific (Đài Loan) ký với Công ty cổ phần Hữu Nghị hợp đồng thuê 8 phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị (23 Quán Thánh, Hà Nội) giá 2.000 USD/tháng.
Sau khi tới ở, Bosco đã nhờ Công ty Hữu Nghị ký hợp đồng thuê bao 24 số máy điện thoại đặt tại các phòng cho thuê và đề nghị được lắp một ăngten parabol để nhân viên công ty của Bosco xem bóng đá quốc tế. Ban lãnh đạo Công ty Hữu Nghị do bà Mai Thị Khánh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã đáp ứng các yêu cầu của Bosco vì đây là một khách hàng lớn, mà không hay biết về mục đích thực sự của việc lắp đặt các thiết bị trên.
Đầu năm 2000, Bosco còn sử dụng 6 phòng tại số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Công ty cổ phần Sông Hồng do ông Trần Văn Tiến, cán bộ VKSND thành phố Hải Phòng đứng ra thuê phòng. Ông Tiến cũng mang đến một ăngten parabol mua từ người bán đồng nát về lắp tại tầng thượng của khách sạn.
Với sự giúp đỡ của ông Tiến và một người khách, Bosco đã lắp đặt ăngten parabol cùng một số thiết bị kỹ thuật khác tạo thành một trạm truyền dẫn tín hiệu viễn thông, kết nối với các số điện thoại thuê bao của Bưu điện Hà Nội tại số 4 Trần Hưng Đạo.
Tháng 5/2000, cơ quan chức năng phát hiện 2 trạm thu phát tín hiệu vệ tinh do Bosco lập nhưng Bosco đã nhanh chân chuồn khỏi Việt Nam; chỉ đạo vợ và một "đệ tử" tháo dỡ và cất giấu các thiết bị của trạm thu phát tín hiệu vệ tinh tại số 23 Quán Thánh.
Sau khi Bosco bỏ trốn, cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt cá nhân có liên quan, trong đó có bà Mai Thị Khánh. Bà Khánh bị cho là đồng phạm với Bosco vì đã cho Bosco lắp đặt ăng ten parabol tại khách sạn Hữu Nghị.
Tuy nhiên, từ năm 2002 đến năm 2009 VSKND Tối cao đã đình chỉ điều tra đối với các bị can trong vụ án; riêng bà Mai Thị Khánh vẫn bị truy tố và buộc phải chịu trách nhiệm đối với số tiền cước điện thoại ước tính khoảng 1 triệu USD do Bosco chiếm đoạt.
Trong quá trình 10 năm thụ lý vụ án đến năm 2011, TAND Hà Nội 6 lần trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ chứng cứ buộc tội đối với bà Khánh vì theo tòa, chưa đủ bằng chứng chứng minh bà Khánh là đồng phạm với Bosco. Bà Khánh không biết việc Bosco làm, không thỏa thuận chia chác với Bosco.
Theo đơn vừa gửi tới TAND TP Hà Nội của bà Mai Thị Khánh, ngày 21/3/2001, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bà với tội danh "Trộm cắp tài sản" theo quy định của Bộ luật Hình sự. Sau đó, VKSND Tối cao truy tố về tội "Trộm cắp tài sản". Đến tháng 4/2008, TAND TP Hà Nội có bản án hình sự sơ thẩm số 169/HSST tuyên phạt bà Khánh 12 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản".
Sau khi bà Khánh kháng cáo, ngày 3/12/2008 Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xét xử và có bản án số 901/2008/HSPT tuyên huỷ bản án sơ thẩm số 169/HSST, yêu cầu điều tra lại vì chưa đủ chứng cứ để buộc tội.
Tiếp đó bà Khánh phải ra toà nhiều lần nữa để tham dự các phiên xét xử. Đến ngày 26/12/2014 Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội có bản án số 580/2014/HSPT công nhận "Toà sơ thẩm tuyên Mai Thị Khánh không phạm tội trộm cắp tài sản là có căn cứ", tuyên huỷ bản án số 01/2012/HSST của TAND TP Hà Nội và đình chỉ vụ án này.
"Gần 14 năm và qua nhiều phiên toà các cấp khác nhau, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố, xét xử oan sai đối với tôi về tội "Trộm cắp tài sản". Vì vậy các cơ quan này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi. Việc tôi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật đã gây tổn thất nặng nề cả về tinh thần, kinh tế cũng như thiệt hại nghiêm trọng đến vị trí việc làm của tôi - khi đó đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Bí thư chi bộ Công ty cổ phần Hữu Nghị có trụ sở tại 23 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội"- đơn của bà Mai Thị Khánh nêu rõ.
Theo tính toán, từ khi bị khởi tố bị can ngày 21/3/2001 đến ngày 26/12/2014 khi được Toà phúc thẩm TAND Tối cao tuyên đình chỉ vụ án, bà Mai Thị Khánh đã bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai 5.028 ngày.
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản hướng dẫn, bà Mai Thị Khánh đề nghị TAND TP Hà Nội bồi thường thiệt hại về kinh tế và tổn thất về tinh thần với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Hiện nay vụ việc đang được TAND TP Hà Nội nghiên cứu, giải quyết.
Bà Mai Thị Khánh cũng chính là một trong những nhân vật chính trong loạt bài viết của Dân trí cách đây không lâu: "Có một vụ "cà phê Xin chào" kéo dài hơn 10 năm ở Hà Nội?". Đó là vụ việc tranh chấp, chiếm đoạt cổ đông xảy ra tại Công ty cổ phần Hữu Nghị đã kéo dài trên 10 năm vẫn không được giải quyết dứt điểm mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Công an kiểm tra, điều tra, giải quyết dứt điểm.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội giải quyết sự việc nhưng đến nay chưa rõ kết quả ra sao.
Sau khi Dân trí phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6997/VPCP-V.I ngày 10/9/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần Hữu Nghị trước ngày 30/8.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra phản ánh về việc Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án "Chiếm đoạt con dấu" và báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5024/VPCP-V.I ngày 7/7/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết đơn tố cáo của một số cổ đông của Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội trước ngày 30/9.
Tuy nhiên đến nay, bà Mai Thị Khánh và những người liên quan vẫn đang mòi mỏi chờ đợi kết quả xử lý vụ việc này.
Thế Kha
Theo Dantri
Hà Nội: Yêu cầu điều tra bổ sung vụ cựu cán bộ ngân hàng dâm ô trẻ em Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ cựu cán bộ ngân hàng Cao Mạnh Hùng (quê Thái Bình) dâm ô với trẻ em, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra bổ sung Cao Mạnh Hùng, cựu cán bộ ngân hàng đang bị cáo buộc về...