Môn Lịch sử: Thí sinh cười tươi rói
Chiều nay, với môn Lịch sử, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài làm và ra về trước khi hết giờ tới 30 phút.
Hà Nội: Kết thúc buổi thi chiều nay (3/6), nhiều thí sinh Hà Nội thở phào khi vượt qua môn thi Lịch sử. Không giống như những môn thi trước, thí sinh ít tự tin hơn khi khẳng định mình đạt điểm cao môn này. Nhiều thí sinh cho biết mình làm được bài, nhưng cũng có thí sinh chỉ mong đạt 5 điểm.
Niềm vui sau khi hoàn thành môn Lịch sử
Trịnh Đức Hoàng, học sinh trường THPT Hoàng Diệu là một trong những em làm bài thi sử khá tốt. Hoàng cho biết, không chỉ em mà hầu hết các bạn của em đều dành cho môn sử nhiều thời gian ôn luyện nhất nên khi làm bài em khá tự tin và hoàn thành bài thi trước giờ.
Nhận xét về đề thi Lịch sử năm nay, thầy Đặng Thanh Toán – Giảng viên trường ĐHSP Hà Nội, giáo viên trường chuyên ĐHSP Hà Nội cho rằng, đề không có hạn chế, ra vào kiến thức cơ bản, trọng tâm, phù hợp với trình độ học sinh và có nâng cao và phân hóa khá giỏi. Với thời gian làm bài trong 90 phút thì dung lượng kiến thức đề là phù hợp, không dài. Thang điểm dành cho lịch sử Việt Nam 7 điểm, lịch sử thế giới 3 điểm cũng là phù hợp.
Nguyễn Thị Mỹ Duyên, học sinh trường THPT Trần Phú cho rằng, đề thi không khó, bám sát chương trình sách giáo khoa, nhưng hơi dài.
Cũng cho rằng đề thi hơi dài, thí sinh Bảo Đạt (trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội) dự kiến được khoảng 7 điểm. Em tâm sự: Câu 1 do được ôn luyện nhiều lần nên em cũng hoàn thành được hết các ý. Câu 2 khi bàn về hiệp định Pari nhưng mới đầu em lại viết nhầm sang hiệp định Giơ Ne Vơ. Câu 3 em chỉ làm được một nửa nhờ vận dụng các kiến thức xã hội đã học được qua sách báo tivi.
Sau khi kết thúc bài thi, em Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh Trường THPT Trần Quang Khải với khuôn mặt niềm nở khoe với mẹ: Con đã học kĩ “bài Hiệp định Pari”, còn bài ” Cách mạng Tháng Tám” thì cũng đọc trong SGK rồi, chắc sẽ được điểm cao thôi.
Phụ huynh Hà Nội đối mặt với cái nắng chói chang trước cổng trường
Lâm Đồng: Nhiều thí sinh nộp bài về sớm
Chiều nay, với môn Lịch sử, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài làm và ra về trước khi hết giờ tới 30 phút.
Khác với môn Địa lý vào buổi sáng cùng ngày, các thí sinh tại Lâm Đồng phải làm bài đến những giây phút cuối cùng mới hoàn thành bài thi thì trong môn Lịch sử chiều nay, rất nhiều thí sinh tại các hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Tây Sơn, Nguyễn Du …TP Đà Lạt đã nộp bài ra về trong khi còn tới gần 30 phút nữa mới hết thời gian làm bài.
Thí sinh Đào Thị Hồng, hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt bước ra khỏi cổng trường với một nụ cười rạng rỡ. Hồng khoe với mẹ là làm bài rất tốt, đây là môn thi làm em hài lòng nhất trong 4 môn thi tốt nghiệp vừa qua.
Trong khi đó, theo em Ngô Văn Đạt, hội đồng thi Trường THPT Thăng Long, cả 3 câu hỏi môn Lịch sử đều nằm trong nội dung các em đã được ôn tập nên không quá khó khăn để hoàn thành bài làm trước khi thời gian kết thúc. Đạt quả quyết bài thi của mình sẽ được 8 điểm.
Theo quan sát của phóng viên, tâm trạng các thí sinh sau khi hoàn thành bài thi Lịch sử chiều nay tại Lâm Đồng đều rất tự tin, phấn chấn. Đây là động lực để các em vững tin bước vào môn thi Tóa học và Ngoại ngữ ngày mai.
Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết kết thúc môn Lịch sử chiều nay, Lâm Đồng không có thí sinh nào bỏ thi, không phát hiện được trường hợp nào vi phạm quy chế thi.
Huế: Thí sinh thở phào với môn lịch sử
Trước giờ bước vào phòng thi môn lịch sử chiều hôm nay rất nhiều phụ huynh và thí sinh tỏ ra khá lo lắng. Tuy nhiên, kết thúc thời gian làm bài thi, ghi nhận tại Trường Cao đẳng Sư phạm Huế và Trường Tiểu học Quang Trung, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng khá phấn khởi vì hoàn thành khá tốt bài làm. Phần nhiều thí sinh nhận xét đề thi lịch sử năm nay không quá khó và khá căn bản.
Thí sinh xem lại bài thi với nụ cười tươi rói
Thí sinh Hà Châu, lớp 12/7 Trường THPT Quốc Học Huế, phấn chấn: “Theo em đề thi lịch sử năm nay khá dễ tuy cấu trúc đề thi có phần dàn trải. Quan trọng nhất là những cột mốc gắn liền với sự kiện không quá khó nhớ. Riêng em nhẩm tính có thể bài thi em ít nhất sẽ đạt 7-8 điểm trở lên”.
Bên cạnh những thí sinh hoàn thành tốt bài thi, thì đâu đó vẫn còn không ít thí sinh chọn lựa phương pháp học tủ. Nhưng vì học tủ nên không ít thí sinh bị “tủ đè” khi không làm tốt được phần thi của mình.
Sóc Trăng: Môn Lịch Sử, nhiều thí sinh “trật tủ”
Theo ghi nhận của PV, sau khi nhận đề thi, nhiều TS đã lắc đầu vì “trật tủ”. Kết quả, nhiều TS làm bài không đạt 50-60% theo yêu cầu.
Video đang HOT
Thầy Mai Văn Vân, Phó Chủ tịch hội đồng thi THPT Đoàn Văn Tố (huyện Cù Lao Dung-Sóc Trăng) cho biết: “Buổi sáng thi môn Địa lý, nhiều TS than đề dài, khó. Riêng đề thi môn Lịch Sử, nhiều em cho biết không quá khó nhưng cũng khiến nhiều em bất ngờ”.
Nhiều em thẫn thờ vì “trật tủ”
Còn tại Hội đồng thi trường THPT An Ninh (huyện Mỹ Tú), TS Nguyễn Ngọc Thuận (học sinh Giỏi của trường này) cho biết: “Đề thi thật bất ngờ đối với em và các bạn trong phòng thi vì nhiều bạn không làm bài tốt như mong muốn. Riêng em cao lắm cũng chỉ đạt từ 7 điểm”.
Lý giải vì sao mình không làm tốt bài thi, nhiều TS ở Mỹ Tú cho biết: tâm lý các em luôn chọn sự kiện trong năm để đoán đề nên nhiều TS tập trung học về phong trào Đồng Khởi và một số chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ nên khi thấy câu về cách mạng tháng Tám và Hiệp định Paris thì nhiều em…ngồi cắn bút.
Hết ngày thi thứ 2, ở tỉnh Sóc Trăng không có TS nào vi phạm qui chế thi. Ở hệ giáo dục phổ thông không có TS nào vắng, còn hệ Giáo dục thường xuyên ngày thứ 2 này vắng thêm 4 TS cho cả hai buổi thi.
Lào Cai: Buổi chiều hôm nay với môn thi Lịch sử, trước khi vào phòng thi các thí sinh đều có vẻ rất căng thẳng bởi đây là một môn thi cần có sự học thuộc và nhớ nhiều mốc lịch sử.
Sau 90 phút làm bài, các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng phần lớn là đều không hài lòng cho lắm với bài thi của mình.
Em Thào Seo Chớ thí sinh thi hệ bổ túc THPT cho biết: Môn sử hôm nay em làm kém quá, bởi vì hôm nay thi cả hai môn Địa và Sử đều có phần phải học thuộc, môn Địa còn dựa vào Atlat được, còn môn Sử thì em nghĩ mình nhầm rất nhiều, các môn thi ngày mai em sẽ phải cố gắng nhiều hơn để gỡ lại điểm.
Mặc dù thuộc những môn được đánh giá là khó nhớ nhưng tại các hội đồng thi của huyện Bắc Hà các thí sinh vẫn nghiêm túc trong thời gian dự thi, không có thí sinh vi phạm quy chế.
Vậy là ngày thi thứ hai tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cho một kỳ thi công bằng.
Đắk Nông: Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi môn Lịch sử không khó, chủ yếu là câu hỏi trình bày nhưng do lượng kiến thức khá nhiều nên một số thí sinh không nắm hết và chưa hoàn thành được bài thi của mình.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong ngày thi thứ 2, toàn tỉnh có 19 thí sinh bỏ thi, trong đó có 12 thí sinh hệ bổ túc và 7 thí sinh hệ phổ thông. Cũng qua hai ngày thi ghi nhận không có thí sinh, giáo viên và cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế.
Niềm vui khi hoàn thành tốt bài thi môn Lịch sử
Ngày mai, 4-6, ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, các thí sinh tiếp tục thi hai môn: môn Toán vào buổi sáng và môn Anh văn hoặc môn Vật lý thay thế môn Anh văn vào buổi chiều.
Quảng Nam : Thí sinh bỏ thi tăng
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, qua hai ngày thi tốt nghiệp số lượng thí sinh tại Quảng Nam bỏ thi tăng lên nhiều, đến chiều ngày 3-6 kết thúc môn Sử, số lượng thí sinh THPT đăng ký dự thi là 20.655, nhưng có 22.611 thí sinh dự thi, 44 thí sinh bỏ thi, đạt 99,79% khối GDTX có 865 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng có 810 thí sinh chính thức có mặt dự thi, có 15 thí sinh bỏ thi, đạt 93,64%.
Đà Nẵng: TS phải tận dụng tối đa thời gian mới có thể hoàn thành hết bài thi môn Sử
TS Trần Diệp Phương (hệ GDTX, HĐT trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà) cho biết: “Đề thi môn Sử không khó, chủ yếu yêu cầu thí sinh tái hiện lại kiến thức. Tuy nhiên, các bạn nếu muốn làm tốt bài thi thì phải tận dụng hết thời gian làm bài vì nội dung dài”. Đây cũng là nhận xét của nhiều TS hệ GDTH tại HĐT này.
Một TS cho biết: “Với đề thi như thế thí sinh chỉ đủ thời gian để làm bài, nếu không ôn bài thật kỹ, chỉ trông chờ vào phao thi hoặc trao đổi bài thì rất khó để hoàn thành bài thi ở mức độ trung bình”.
Lực lương công an bảo vệ phân luồng giao thông để tránh ùn tắc tại HĐT trường THCS Lê Độ (Đà Nẵng) vào giờ TS tan trường thi
Theo ghi nhận của PV, các TS vẫn có tâm lý chuẩn bị tài liệu “phòng thân”. Thế nhưng, sau cuối ngày thi hai môn thi Địa lý và Lịch sử, rất nhiều thí sinh ở các HĐT đều “than” rằng giấu tài liệu vào người chỉ thêm hồi hộp chứ không thể sử dụng được vì giám thị coi thi rất nghiêm, “không rục rịch chi được hết trơn” – một TS hệ GDTX ở HĐT trường THPT Trần Phú cho biết.
Ở buổi thi môn Lịch Sử, Đà Nẵng có thêm 01 TS (ở HĐT trường THCS Lương Thế Vinh) bị ốm không thể dự thi được. Ngoài ra, có 02 TS ở hệ GDTX không dự thi ở 3 môn thi trước nhưng đến môn thi thứ 4 thì lại đến trường thi làm bài.
Cho đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có trường hợp giám thị, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Kon Tum: Một TS không được dự thi vì đến trễ
Ở buổi thi môn Sử, Kon Tum có thêm một TS ở HĐT trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ngọc Hồi) vắng thi do đến muộn giờ so với quy định, nâng tổng số TS vắng thi của hệ GDTH lên 6 em. Ngoài ra, có 01 TS ở hệ GDTX vắng thi ở 3 môn thi trước đó dù không thuộc diện bảo lưu nhưng đến môn thi Lịch sử lại tham gia dự thi. Kon Tum không có trường hợp giám thị, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Quảng Bình: Đến nay, cả tỉnh có 18 thí sinh vắng thi đều là học sinh hệ GDTH (trong đó, có 2 thí sinh bị tai nạn giao thông trước ngày thi, 5 thí sinh bị ốm, 11 thí sinh bỏ thi không có lý do) tổng số thí sinh hệ GDTH đạt 99,85% (11.736 thí sinh dự thi/11754 thí sinh đăng ký), GDTX dự thi đạt 100% (456 thí sinh).
Thí sinh Quảng Bình
Quảng Trị: Kết thúc ngày thi thứ hai, toàn tỉnh không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Đội ngũ cán bộ coi thi đã thực hiện đúng chức trách của mình, bước đầu bảo đảm kỳ thi an toàn và nghiêm túc.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 16 thí sinh vắng thi, trong đó, hệ GDTH có 13 TS (5 trường hợp bị ốm, 4 trường hợp không có lý do, 1 thí sinh được miễn thi và 2 trường hợp chết trước lúc thi) và hệ GDTX có 3 TS vắng thi (1 trường hợp được miễn thi, 1 trường hợp bị ốm, 1 trường hợp vắng không lý do). Tỉ lệ thí sinh hệ GDTH tham dự kỳ thi đạt 99.87% (9674 TS), GDTX đạt 98,27% (967 TS).
Gia Lai: Ông Đào Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, kết thúc ngày thi thứ hai, tình hình thi tại 552 phòng thi của 37 hội đồng thi trong toàn tỉnh diễn ra tốt đẹp, không có một trường hợp thí sinh hay giám thị nào vi phạm quy chế thi.
Trong buổi thi môn Lịch sử chiều nay, có thêm 2 thí sinh hệ GDTX vắng thi không có lý do tại HĐT trường Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) và 101 thí sinh bảo lưu điểm thi. Sau hai ngày, số lượng thí sinh vắng thi toàn tỉnh là 43 trường hợp: 24 thí sinh hệ GDTH, 19 thí sinh hệ GDTX.
Thí sinh Gia Lai rời trường thi
Trong hai ngày thi qua, UBND các huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, con hộ nghèo. Trong đó, các huyện như: Chư Sê, Krông Pa, Kông Chro, Chư Prông, Chư Păh hỗ trợ cho mỗi thí sinh là 400.000 đồng. Đặc biệt, có Hội khuyến học huyện Chư Sê hỗ trợ thêm 100.000 đồng cho mỗi thí sinh. Chính quyền các địa phương cũng tiến hành tạo điều kiện ăn ở, nước uống cho cán bộ, giáo viên đến làm công tác thi.
TP.HCM: Chỉ duy nhất một thí sinh vi phạm quy chế thi
Ngày thi thứ hai TP.HCM ghi nhận duy nhất một trường hợp vi phạm vì mang tài liệu vào phòng thi tại hội đồng thi THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú) của một thí sinh hệ GDTX của Q.Tân Bình.
Tất cả 109 hội đồng thi không xảy ra bất cứ vấn đề gì, công tác đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông, cắt cúp điện tại các hội đồng thi được triển khai rất tốt. Ngày thi thứ hai, TP.HCM có 74 trường hợp thí sinh vắng ở bậc phổ thông, 233 với hệ GDTX (phần lớn là có bảo lưu).
Bà Rịa-Vũng Tàu: Không có trường hợp vi phạm, tỉ lệ vắng thấp
Kết thúc ngày thi thứ hai, toàn tỉnh không ghi nhận bất cứ trường hợp đáng tiếc nào liên quan đến thí sinh xảy ra. Công tác tổ chức thi, đảm bảo an ninh trường thi được thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ. Năm nay, do thực hiện quy chế thi, công tác quản lý kỳ thi một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn nên mọi hoạt động hỗ trợ, phối kết hợp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong hai ngày thi được đánh giá rất cao.
Ninh Thuận: Số học sinh có kết quả bảo lưu cao
Khác với những năm trước, năm nay tỉ lệ dự thi cả hai hệ của tỉnh Ninh Thuận là rất cao. Ông Lương Hồng Sơn, phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Hai ngày thi đã qua, toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp vắng thi của khối phổ thông, 20 trường hợp của hệ GDTX. Tỉ lệ dự thi ngày đầu tiên của tỉnh đạt 99,82%(khối phổ thông).
Tuy nhiên, trong ngày thi thí hai, số học sinh bảo lưu môn Sử lại cao hơn ngày đầu tiên (140) khi nhảy vọt lên tới 190 em.
Bình Thuận: Học sinh đảo Phú Quý được chăm lo
314 học sinh của huyện đảo Phú Quý đã hoàn thành hai ngày thi đầu tiên của mình tốt đẹp khi không có em nào vi phạm quy chế thi.
Hai ngày thi trôi qua, Bình Thuận cũng không ghi nhận trường hợp giám thị, thí sinh nào vi phạm quy chế thi, 100% hội đồng thi đảm bảo được việc điện, nước, công tác hỗ trợ, phục vụ học sinh thi trong điều kiện tốt nhất.
Bình Định: Đề thi Lịch sử bám sát chương trình và khá dễ
Trong buổi thi môn Lịch sử chiều nay tại, tại 50 hội đồng thi trên địa bàn tỉnh Bình Định có thêm 1 thí sinh THPT dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Bình Dương bỏ thi do bị đau phải đưa đi cấp cứu, nâng tổng số thí sinh bỏ thi ở Bình Định lên 22 thí sinh, gồm 18 thí sinh THPT và 4 thí sinh GDTX. Số thí sinh trung học phổ thông có mặt dự thi là 22.242 và số thí sinh hệ giáo dục thường xuyên có mặt dự thi là 465 thí sinh.
Học sinh bị đau được y tế chăm sóc ở Trường THPT số 2 Phù Mỹ
Ngày hôm nay thi 2 môn học bài là Lịch sử, Địa lý nhưng kết thúc giờ thi, tại nhiều điểm thi ở các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn đều không có tình trạng thí sinh ném phao thi ra sân trường như các năm trước.
Về đề thi môn lịch sử, Thí sinh Bùi Văn Phúc, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thị xã An Nhơn và thí sinh Trịnh Văn Phương cũng như nhiều thì sinh khác đều có chung nhận xét là đề thi môn Lịch sử tiếp tục ra bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông, đề hay, vừa sức nên đa số thí sinh đều làm được bài, khá phấn khởi kết thúc ngày thi thứ 2.
Nhóm PV (Giáo dục & Thời đại)
Thi tốt nghiệp THPT 2012: Đề thi Ngữ văn gây tranh cãi
Đánh giá đề thi môn Văn năm nay, nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
Đề thi môn văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội". Nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
Như phần lớn thí sinh, các học sinh Trường THPT dân lập Thành Nhân vui mừng với đề thi văn năm nay, nhưng các thầy cô giáo cho rằng đề không hay - Ảnh: Như Hùng
Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nói: "Đề thi môn văn năm nay vừa sức với thí sinh nhưng nhiều người trong nghề gọi đó là "con đường thân quen chúng ta đã đi bao đời nay". Cách ra đề như thế này, theo tôi, sẽ khó có tác động tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông".
Có chút tiếc nuối!
Tỏ ra bức xúc với đề thi môn văn, một giáo viên ở Q.Tân Bình, TP.HCM, kể: sau khi kết thúc giờ thi môn văn, tổ văn ở trường cô đã ngồi họp với nhau và rút ra kết luận: "Đề thi cứ lặp lại theo kiểu này, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu sự tìm tòi, đổi mới của giáo viên. Cứ như thế này giáo viên chỉ cần đọc cho học sinh chép và bắt các em làm những con vẹt là được điểm cao".
Cô Ngô Lan Anh, giáo viên văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), nhận xét đề văn năm nay quay về truyền thống. Nếu năm trước, nhiều giáo viên văn thấy thích thú với hướng ra đề mở đầy sáng tạo của đề văn thì năm nay có chút tiếc nuối.
Thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên văn Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn - đánh giá đề thi môn văn năm nay không có gì đột phá, thậm chí quay về lối ra đề truyền thống như trước đây với các tác phẩm kinh điển, các yêu cầu quen thuộc. Điểm ghi nhận của đề thi năm nay đó là câu giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải nắm tinh thần của tác phẩm chứ không lý thuyết suông như trước đây. Các câu còn lại, cả nội dung và yêu cầu đề đều không mới. Câu nghị luận xã hội tưởng như mở nhưng không mở. Với dạng đề này, giáo viên chỉ cần dạy một đề mẫu là học sinh có thể làm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang - khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng học sinh của ta đã quen thi gì học nấy, nên nếu đề thi chỉ yêu cầu thuộc văn mẫu, học vẹt thì học trò cũng chỉ học như thế mà thôi. Thế thì có bắt họ phê phán thói dối trá thì họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá mà thôi!
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành phần thi môn văn tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Phần dễ nhất trong đề thi
Cụ thể hơn, TS Giang phân tích: đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay vẫn theo quy cách ra đề mọi năm: đề có ba phần, phần 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa, phần 2 nghị luận xã hội, phần 3 nghị luận văn học. Trong khuôn khổ chật hẹp và cũ kỹ ấy, nhóm ra đề đã cố gắng có sáng tạo, ra đề sát chương trình khiến học sinh dễ làm bài, vừa kiểm tra được phần nào trình độ học sinh vừa cố gắng thoát ra khỏi khuôn sáo, hướng thí sinh đến những vấn đề xã hội và đạo đức.
Đánh giá việc ra đề về vấn đề "thói dối trá" trong câu 2 thật sự có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời cũng báo động một vấn nạn của đất nước ta hiện nay và đánh động lương tri xã hội, tuy nhiên TS Giang cũng cho rằng những câu về văn học vẫn theo lối mòn từ mấy chục năm nay mà những người dạy văn đọc lên vừa thấy chán chường vừa thấy xấu hổ với người quen và học trò vì ra một đề bài thuộc loại "văn mẫu". Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 2 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương, thế nhưng thực chất cả hai câu đều là những câu học thuộc bài.
Trong khi đó, nhiều thí sinh lại cảm thấy hào hứng với câu nghị luận trong đề thi văn. Thanh Hà, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nói phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề "thói dối trá" là phần dễ nhất trong đề thi. "Nội dung trong câu hỏi này rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày và em rất dễ tìm dẫn chứng nên em làm rất nhanh" - Hà phấn khởi cho biết.
Bạn Hà Anh, học sinh Trường THPT Trưng Vương, cũng đồng ý rằng câu nghị luận là câu dễ làm nhất. Theo Hà Anh, nội dung này đã được thầy cô luyện nhiều lần nên khi thấy đề như vậy cứ theo đó mà làm.
Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết cảm thấy khá thú vị với câu 2 vì được trình bày quan điểm riêng của bản thân mình. Hiếu nói: "Tôi viết trong bài làm của mình rằng nguyên nhân của thói dối trá chính là việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ đang bị xem nhẹ, giới trẻ bị ảnh hưởng bởi những thông tin không lành mạnh đang được đăng tải tràn lan trên mạng Internet".
Theo Giáo dục Việt Nam
Nữ sinh đầu tiên của tộc người Đan Lai dự thi tốt nghiệp THPT Trong lịch sử của tộc người có tục ngủ ngồi, La Thị Hoài là thí sinh đầu tiên dự thi tốt nghiệp THPT 2012. Với ý chí và nghị lực phi thường, em La thị Hoài (SN 1994, trú ở bản Cọ Phạt, Khe Khặng-xã Môn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã nhiều năm làm "thủ lĩnh" đưa học sinh Đan Lai...