Môn Lịch sử cấp phổ thông “nói không” với… tích hợp
GiadinhNet – Cuối cùng, các nhà khoa học và Bộ GD&ĐT “ngồi lại” với nhau, thống nhất để thay đổi chương trình sách giáo khoa, cải tiến nội dung môn Lịch sử nhằm đưa môn học này hấp dẫn hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, môn Lịch sử cần đưa vào môn thi bắt buộc tại kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia.
Môn Lịch sử sẽ không còn bị tích hợp mất tên gọi như Dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra hồi tháng 8. Ảnh: TL
Đổi mới cách dạy, thay vì tích hợp
Sau khi Quốc hội quyết định giữ môn Lịch sử trong các cấp học phổ thông, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cũng vừa tổ chức Hội nghị về vị trí môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Qua thảo luận, Bộ GD&ĐT và Hội khoa học Lịch sử đưa ra một số điểm thống nhất, trong đó có việc không tích hợp môn Lịch sử ở bậc THPT.
Không đồng tình với việc tích hợp, cắt giảm nội dung của môn Lịch sử nhất là ở bậc THPT, GS Sử học Vũ Dương Ninh (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần xác định rõ yêu cầu học Sử của từng cấp để đưa vào chương trình giảng dạy những vấn đề cơ bản, phù hợp tâm, sinh lý của từng lứa tuổi học sinh. Trên cơ sở đó, việc đổi mới dạy và học môn này là hết sức cần thiết. Môn học Lịch sử hiện nay đối với học sinh phổ thông quá nặng nề, ôm đồm và có phần “tham lam”. Cần chọn lọc một số sự kiện gây được hứng thú với các em, trong đó có việc bảo vệ Tổ quốc và những bài học bổ ích trong quá khứ.
“Cần thay đổi bộ sách giáo khoa Lịch sử dựa trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu môn học, chọn lọc các sự kiện để nâng cao nhận thức của học sinh về kiến thức lịch sử, nâng cao lòng yêu nước. Nội dung kiến thức cần nhẹ nhàng và trình bày gọn gàng hơn, có hình ảnh, sơ đồ, đi thực tế để tăng tính hấp dẫn cho học sinh. Theo tôi, Lịch sử phải là môn thi độc lập và bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia tới”, GS Vũ Dương Ninh chia sẻ thêm.
TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) thì nhìn nhận vấn đề ở góc độ người dạy. “Giáo viên nên bỏ cách giảng dạy “ru ngủ” đối với học sinh như hiện nay. Giáo viên Lịch sử hãy vận dụng sách tham khảo, làm bài tập thực hành thú vị để thu hút học sinh. Ví dụ, thay vì giảng bằng lời về nhà Nguyễn, hãy yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa, sách tham khảo và xây dựng sơ đồ gia phả dòng họ, xem có bao nhiêu chúa Nguyễn và vua Nguyễn… Hãy cho học sinh được học môn Lịch sử với tâm lý thoải mái nhất, chính các em say mê và hứng thú học hơn, thậm chí “đòi” được học nhiều hơn”, TS Vũ Thu Hương nói.
Môn Lịch sử sẽ độc lập ở cấp THPT
Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có một số điểm thống nhất căn bản: Thứ nhất, ở bậc tiểu học, Lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số ngành khoa học khác, thông qua các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh. Ở bậc THCS có thể giữ thành môn độc lập hoặc gộp vào môn Địa lý có những phần tích hợp chung có liên quan. Ở bậc THPT, Lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc, không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Lịch sử để thi đại học sẽ học lịch sử nâng cao; đây là môn học độc lập. Học sinh không thi đại học sẽ học bắt buộc môn Sử, Địa với kiến thức cơ bản.
Là người giáo viên dạy môn Lịch sử hơn 20 năm nay, cũng như nhiều đêm mất ngủ suốt mấy tháng qua vì Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thầy Trần Trung Hiếu – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tỏ ra vui mừng trước việc Quốc hội đã ra quyết định giữ môn Lịch sử ở chương trình phổ thông. Thầy Hiếu tâm sự: “Những đóng góp của các nhà khoa học, các giáo sư Sử học hàng đầu Việt Nam đã cho thấy, đã đến lúc cần phải thay đổi lại về các bài học Lịch sử ở các cấp phổ thông. Bộ GD&ĐT phải làm lại cấu trúc và nội dung chương trình tổng thể, sau đó mới nghĩ đến chuyện biên soạn sách giáo khoa, đào tạo và đào tạo lại giáo viên”.
Việc Bộ GD&ĐT cũng đã “tiếp thu” ý kiến, thống nhất về một số phương án để xây dựng môn Lịch sử trong tương lai đó là những tín hiệu tích cực cho môn học Lịch sử, cũng như rất nhiều giáo viên dạy môn học này có dịp thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần bàn thêm về đặt tên riêng môn là Lịch sử, Địa lí là một phương án hoặc có thể gọi là môn Sử – Địa nhưng có nội dung lịch sử, địa lí riêng và phần chung.
Như vậy, sau hơn 3 tháng công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử cơ bản cũng đã được hình thành ở các cấp học phổ thông, đặc biệt là ở bậc THPT. Tuy nhiên, môn Lịch sử sẽ ra sao trong chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới sẽ tiếp tục được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng trong những “Dự thảo” tiếp theo.
Theo giadinhnet