Món ăn từ vỏ bưởi: chay hay mặn đều khó cưỡng!
Lối giao duyên nồng thắm giữa bì bưởi với khế chua cùng “cơm” đu đủ ta, thành quả là những viên nem ửng hồng, cỡ cái trứng gà ta, tỏa mùi chua ngọt thanh tân tựa như mùi gỏi gà đi bộ vậy. Món này, ăn chay hay mặn đều khó cưỡng!
Đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều, cho múi giòn ráo với hậu vị chua ngọt và rất thơm.
Nhiều món ngon nức tiếng xứ Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) khoái “đu đeo” bì bưởi. Ắt hẳn có lý riêng.
Thời ẩm thực phân tử, thực khách có thể bẻ vụn, nhai bỏm bẻm cả cái bìa menu (thực đơn) với giá nặng gần tạ bưởi da xanh Bến Tre. Nẻo khác, thanh nhã không kém, một trời món ăn độc lạ mượn nguyên liệu vỏ bưởi làm điểm nhấn, giá trung bình cỡ một phần mười tiền mực in ra cái thực đơn sang cả kia. Vậy bạn chọn lối nào?
“Bóc lột” bưởi chuyên sâu
Và nếu chưa tin, bạn hãy thử một lần du ngoạn cù lao bưởi Tân Triều. Bao đời nay, dòng rạch Tân Triều cứ lững lờ trôi (khi vơi, lúc đầy), đẩy mạch nước ngầm dào dạt luân chuyển vào lòng đất “thuộc” – góp phần chăm bón nên những vườn bưởi đường lá cam thêm tốt tươi. Một giống trái cây đặc sản, danh trấn khắp trong lẫn ngoài nước, từ trước 1975.
Lớp vỏ bưởi đường lá cam tuy mỏng hơn “áo” bưởi da xanh, nhưng thơm đặc biệt và ít nhẫn đắng hơn.
Mặc dù các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre vẫn nức tiếng về sản vật bưởi thơm ngon, nhưng tầm khai thác ẩm thực về bưởi vẫn chưa chuyên sâu như ở cù lao này. Có thể, do làn sóng du khách ào tới nơi đây ngày càng rầm rộ, đã thôi thúc dân bản địa với những đầu bếp tâm huyết phải vắt óc tìm tòi ra nhiều món ăn, thức uống mới lạ, thân thiện từ bưởi hơn.
Hay nói cách khác, họ đang chung tay góp phần nâng cao giá trị trái bưởi Biên Hòa, bằng cách đa đạng hóa các sản phẩm ẩm thực.
Chẳng hạn, dĩa “bánh mì bưởi” giòn xốp, hồng hào. Chiếc bánh to cỡ ngón tay cái người lớn, trông tựa như bánh mì que cách điệu. Gặp hàng mới rời chảo (dầu), vừa thổi vừa ăn mới tuyệt làm sao!
Nét khác biệt nằm ở phần “nhưn” (nhân) bánh. Trắng hồng, mềm dẻo, thoạt nhìn, nhiều người cứ ngỡ là bột đậu xanh pha đường. Nhưng không phải! Đó là, phần “cơm” trong lớp vỏ bưởi đường lá cam, được chế biến khá công phu.
Ngon lạ bánh mì nhân vỏ bưởi.
Sau khi người thợ bếp gọt bỏ phần vỏ xanh (vị nhẫn đắng) bên ngoài, lớp trắng xốp bên trong sẽ được mang ngâm nước muối trong vài ba tiếng. Lại vắt – xả ráo, rồi mang ngâm qua nước sạch. Tiếp tục, vắt xả một – hai bận nữa.
Kế nữa, họ sẽ mang xắt nhỏ chúng. Sau đó, đến công đoạn “sên” lửa riu riu với ít đường và muối, đến độ xơ bưởi tan nhừ ra, đặc sánh như một dạng bột “cây nhà lá vườn” đặc biệt.
Lúc này, chảo bột xơ bưởi tỏa mùi thơm nồng the dễ chịu, tương tự làn hương chanh giấy tươi tung tăng khi được vắt nhẹ. Đó là dấu ấn riêng của giống bưởi đường lá cam. Nhờ vậy, khi được phối kết với tinh bột hoặc “thịt thà”, nó sẽ giúp kích thích khẩu vị người ăn và tạo cảm giác lâu ớn ngán.
Video đang HOT
Những dịp cao điểm (lễ lớn, tết…) một số hàng quán ở đây phải dùng cả bì bưởi khô mới đáp ứng đủ.
Trở lại với đám… bầu bạn bánh mì bưởi đương “thổn thức” đợi chờ. Chấm kèm với chút sốt tương ớt ngon là hài hòa nhất, theo người viết. Dường như, dư vị ngọt bùi xen chút phảng phất hương tinh dầu bưởi nơi bánh, càng mượt mà hơn khi sánh đôi cùng tí nồng cay của tương ớt xịn.
Cho nên, món đầu tiên mà một số người bạn của tôi thường gọi, khi ghé ăn ở quán Làng Bưởi Năm Huệ là dĩa bánh mì que đang kể. Có người ghiền đậm, không quên gọi thêm vài phần nữa mang về thưởng thức tiếp.
Và những “cuộc tình” tay ba… nóng hổi
Thú vị hơn, vật thực trời Nam cũng có phần hao hao giống cá tính dân Nam bộ ở chỗ: hễ hợp “gu” thì mới “chịu chơi”. Lại chơi rất hết mình!
Ví như, lối giao duyên nồng thắm kiểu như… cuộc tình tay ba, giữa bì bưởi với khế chua cùng “cơm” đu đủ ta vậy. Thành quả là những viên nem ửng hồng, cỡ cái trứng gà ta, tỏa mùi chua ngọt thanh tân tựa như mùi gỏi gà đi bộ vậy. Món này, ăn chay hay mặn đều khó cưỡng!
Cô Huỳnh Thị Lệ Trinh, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, có truyền thống 2 đời làm nem bì bưởi, chia sẻ rằng món khai vị hấp dẫn đó, nếu thiếu nước cốt trái khế chua là không thể “dậy” mùi nem được.
Bên cạnh đó, phần “tinh bột” đặc biệt chứa nhiều chất xơ hòa tan từ vỏ bưởi (lúc được sên nhừ và nêm ít đường với màu gấc) sẽ đóng vai trò nhạc trưởng. Nó xúc tác, dung hòa, góp phần điều phối hương vị thanh thoát giữa những sợi đu đủ ta (giàu nhạc điệu) với chất chua ê răng của khế.
Đun lửa vừa, đến độ nhất định, phần trắng xốp của vỏ bưởi sẽ tan ra trông tựa bột.
Thử trầm lắng và mở góc nhìn sâu rộng hơn. Có phải, những viên nem vỏ bưởi bình dị ấy, không chỉ góp phần giúp kích thích khẩu vị, trợ tiêu mà còn nổi rõ mối quan hệ tương hỗ của những vật thực trong cùng sinh cảnh?
Xin đưa thêm một ví dụ khác, nhằm làm rõ hơn mối quan hệ cộng sinh của những vật thực “sống chung” một nồi. Vẫn, lấy vỏ bưởi làm cầu nối và dòng nước Tân Triều (khi đỏ hồng lúc xanh nhạt) thong thả trôi làm mốc dưỡng sinh.
Đuổi mỡ chạy… “xanh mặt”
Bạn từng ăn món ếch sông nấu cà ri cùng vỏ bưởi chưa? Món này, do người viết gợi ý cho chị Hà, bếp trưởng chỗ Làng Bưởi Năm Huệ thực hiện.
Muỗng nước cà ri sánh vàng, béo ngọt vừa phải và chờn vờn hương bưởi nồng thơm. Với lại, nó chứa hậu vị đắng nhẹ. Tuy nhiên, khi vừa trôi tuột qua khỏi vòm họng người ăn, thức nước bổ dưỡng ấy lại trỗi lên chút ngọt bùi thanh tao, kéo theo cơn thèm ăn ập tới, nhanh như gió lốc.
Nhờ, được gia vào vài ba chung rượu bưởi với nhúm lá bưởi non xắt nhuyễn nên tinh dầu bưởi lan tỏa thật dễ chịu, khi hâm nóng.
Dễ ghiền!, món cà ri ếch đồng nấu cùng bì bưởi.
Còn miếng bì bưởi ngọt dẻo, bùi bùi nửa giống với “thịt” trái sa kê nửa giống củ khoai lang thật lạ miệng. Nếu được xắt vuông, dày cỡ một lóng tay người lớn – cắn ngập răng sẽ càng thống khoái hơn.
Riêng bắp đùi ếch đồng thì chắc ngọt miễn bàn rồi. Có điều, do bị soi bắt quanh năm, nên họ hàng ếch sông ở đây không kịp lớn. Con lớn nhất, chưa bằng nửa cổ tay người trưởng thành. Nhưng có còn… hơn không!
Và phải công nhận, món thơm đang đề cập khá giàu đạm, dễ ớn ngán khi nhâm nhi đường dài. Cũng may, có dĩa rau lá cách xanh mướt, cũng “định cư” ngay ven sông này, nhanh nhảu cứu bồ.
Và lá cách, góp phần kiềm hãm độ ớn ngấy của các thực phẩm giàu đạm.
Chính mùi vị hăng đắng nhẹ trong lá cách, đã giúp cơ thể dung nạp thuận lợi hơn những thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa kể. Nhất là, “chị” nước cốt dừa vốn ưa “thay lòng đổi dạ” đã không còn… đỏng đảnh nữa mà trở nên dịu dàng và không dám trở chứng gây ợ hơi – mau ớn ngán cho người ăn như thường lệ.
Đong đưa cùng mấy chung rượu yến sào hoặc bầu rượu bưởi càng bay bổng, thú vị hơn.
Rõ ràng bộ ba rau – gia vị (bì bưởi, lá cách, nước cốt dừa) đã tạo nên một thế cân bằng động, vừa gây bất ngờ thú vị vừa “đồng thanh đồng thủ” phò tá “soái ca” đùi ếch hết mình. Như đã nói, chúng dường như thấu hiểu, ểm trợ nhau “mút mùa Lệ Thủy” mà.
Miếng “ruột” vỏ bưởi vừa deo dẻo vừa ngọt bùi khá giống “cơm” trái sa kê.
Và được biết, chất xơ hòa tan (pectin) trong vỏ bưởi còn là vị thuốc quý, giúp: hệ tiêu hóa tăng hấp thu dưỡng chất lại giảm béo… (1).
Thử hỏi, vừa được ăn ngon vừa không sợ nở eo với bao món ngon “đeo” bì bưởi thì mão vua, dẫu hào nhoáng đến mấy cũng “kể số” gì?!
Công đoạn gọt bỏ lớp ngoài trên vỏ bưởi, ở đây vẫn còn làm thủ công.
Theo Nguoidothi
Báo nước ngoài đi tìm hàng bánh mì ngon nhất TP.HCM
Tờ báo nổi tiếng Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP), đã đến TP.HCM để tìm hiểu về bánh mì và cách các đầu bếp "thiên biến vạn hóa" đủ loại nhân giữa hai miếng bánh.
Bài viết được lược dịch lại từ "In Search Of Ho Chi Minh City's Best Banh Mi - How Sandwich Is Being Reinvented By Vietnamese Chefs" đăng trên SCMP.
Tôi tìm đến một quán bar nhỏ ở TP.HCM để dùng thử loại cocktail có tên Bánh Mi. Màu xanh của thứ đồ uống này không đến từ bạc hà mà là dưa chuột, kèm theo chút ớt rắc lên và rượu gin. Hương vị của Bánh Mi khiến tôi uống xong cả tiếng rồi mà vẫn thấy nóng nóng trên môi.
Ý tưởng về thứ đồ uống dựa trên bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam nghe có vẻ thật kỳ quặc. Tuy nhiên, tại TP.HCM, nơi bánh mì dẫn đầu cuộc đua của những món đồ ăn nhanh, đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Đồ uống lấy cảm hứng từ bánh mì không phải chuyện kỳ cục ở TP.HCM.
"Bánh mì mang những đặc trưng của từng vùng miền", Peter Cuong Franklin, ông chủ nhà hàng nổi tiếng với món bánh mì 100 USD chia sẻ. (Vâng, bạn không nhầm đâu. 100 USD cho một chiếc bánh mì).
"Phiên bản Hà Nội mang nhiều nét tương đồng với Quảng Đông (Trung Quốc) khi chỉ có bánh mì và thịt", anh nói tiếp. "Bánh mì Hội An thì nhỏ hơn do nơi này khi xưa cực kỳ nghèo. Vậy nên, cái gì ở Hội An cũng ít hơn chút. Bánh mì truyền thống Sài Gòn thường được ăn với thịt nguội. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cho thêm đủ các thứ có thể vào trong. Vì thế, bạn thường thấy bánh mì Sài Gòn rất bự".
Nguồn gốc của bánh mì được kể lại bằng nhiều câu chuyện khác nhau. Theo một số thông tin uy tín, món ăn này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 17, khi các nhà truyền giáo Pháp đầu tiên đặt chân tới đây. Họ mang theo bánh mì baguette mà người Việt Nam xưa gọi là "bánh tây". Ngặt nỗi, món bánh này không phổ biến lắm do lúa mì không phát triển tốt với điều kiện tự nhiên Việt Nam. Vì thế, nếu muốn làm bánh mì, người ta phải dùng bột mì nhập khẩu.
Điều này dẫn đến việc chi phí bị đội lên cao và chỉ có một bộ phận khá giả mới mua được. Những người Việt có tiền khi ấy ăn bánh mì với vài lát thịt lợn, pate, phô mai và bơ lạnh.
Sau này, người dân bắt đầu thay bơ bằng sốt mayonnaise và thêm nhiều ớt, rau, bớt thịt. Lúa mì cũng dễ nhập khẩu hơn và món bánh này dần trở thành một loại đồ ăn đường phố phổ biến, gọi là bánh mì (bánh lúa mì).
"Mọi người thường nghĩ những món truyền thống thì không thể thay đổi", Cuong Franklin nói. "Tôi đã ăn nhiều quán đường phố và thấy đủ loại bánh mì khác nhau. Suy nghĩ món này phải ăn theo cách này chỉ ngăn chặn sự phát triển của chúng".
Bánh mì không có một quy chuẩn nhất định về nhân bên trong.
Cuong Franklin chia sẻ gia đình mình từng khá thiếu thốn trong quá khứ nên anh chỉ được ăn loại bánh mì cơ bản nhất, tức là có bánh, bơ thực vật và đường. "Ngày nay, mọi người thường ăn bánh mì với thịt nguội và pate, kèm lẫn những nguyên liệu đậm chất Việt Nam như thảo mộc, rau mùi, dưa chuột, dưa chua và ớt", anh nói.
Theo thời gian, các đầu bếp lại nghĩ ra thêm nhiều kiểu bánh mì hơn. Tuy nhiên, dù biến tấu thế nào, sự hấp dẫn của bánh mì vẫn không hề thay đổi.
Bánh mì chính là món ăn nhẹ bình dân được tạo nên từ hai thế giới Đông-Tây. Cuong cũng dành thời gian để nói về món bánh mì 100 USDtừng gây sốt của nhà hàng. "Đó là một ý tưởng điên rồ khi bán món gì đó chi phí khá nhỏ với mức giá cao hơn rất nhiều. Mặt khác, chiếc bánh đó phần nào thay đổi nhận thức của mọi người về những gì món ăn này làm được.
Người dân tò mò về bánh mì 100 USD. Họ muốn biết chúng tôi đã sử dụng nhân gì trong đó. Cửa hàng đã bán được nhiều hơn số dự kiến và tạo nên một cuộc tranh luận về ẩm thực".
Chiếc bánh mì có giá 100 USD từng gây sốt ở TP.HCM.
Theo Cuong, họ bán bánh mì giá 100 USD bởi thay vì pate, cửa hàng sử dụng gan ngỗng, sốt mayonnaise đặc biệt và trứng cá muối Việt Nam. Thật đáng tiếc, tôi đã không được thử món này tại thời điểm ấy. Nhà hàng của Cuong Franklin đã tạm nghỉ. Thay vào đó, anh ấy dẫn tôi đến ăn một cửa hàng yêu thích được điều hành bởi một người phụ nữ, bán bánh mì nhân cá thay vì thịt lợn với giá 5 HKD (khoảng 15.000 đồng).
"Ai dám nói bánh mì của cô ấy không chuẩn chỉ vì thay thịt lợn bằng cá?", Cuong nhắc lại quan điểm của mình.
Hầu như, mọi con phố tôi đi bộ qua đều có hàng bánh mì. Các chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ từng gặp nhiều khó khăn vì những người bán rong trên đường phố. Một số khách sạn cũng có bánh mì đặc sản của mình với thịt lợn, thịt bò được nhập khẩu hay thậm chí là vịt quay Bắc Kinh. Trên đường phố, bánh mì thường được bán kèm thịt lợn nhưng đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp bánh làm từ thịt bò hoặc thịt viên.
Một người địa phương chỉ tôi đến bánh mì My, cửa hàng nhỏ đối diện Nhà thờ Đức Bà. Tôi chi 90.000 đồng cho chiếc bánh mì thịt to bự và đó thực sự là trải nghiệm quá tuyệt. Vỏ bên ngoài giòn còn nhân bên trong đầy đặn, thơm ngon.
Tuy nhiên, món bánh mì ở đường Lê Thị Riêng cũng khiến tôi mê mệt. Cửa hàng bánh mì Huỳnh Hoa có hẳn một lượng người hâm mộ khổng lồ gồm những food blogger, người nước ngoài, khách du lịch và cả dân địa phương. Họ không phải một nhà hàng hay quầy thức ăn đường phố mà giống như một căn bếp nhỏ có đội ngũ hùng hậu, sản xuất theo dây chuyền bài bản để phục vụ nhu cầu của mọi người.
Theo Zing
Bánh mì Việt Nam và 8 phiên bản nổi tiếng thế giới Bánh mì với nhiều phiên bản khác nhau đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực toàn cầu. Tại Việt Nam, món ăn này còn được xem như "quốc ẩm đường phố". Bánh mì là đặc sản đường phố bất cứ du khách nào cũng muốn thử khi đến Việt Nam. Phần nhân bánh không có công thức...