Món ăn như cán chổi, tên ‘lạ’, bọc gọn trong rơm rạ ở đất võ Bình Định
Ẩn sâu bên trong lớp rơm khô cuộn chặt như cán chổi là phần thịt hồng được bao bọc bởi những chiếc lá ổi già có hương vị đậm đà, xen lẫn chút chua lên men, dậy mùi thơm của riềng, thính,…
Ở mảnh đất Bình Định, ngoài những đặc sản hấp dẫn được nhiều người biết đến như bún chả cá Quy Nhơn, bánh hỏi Diêu Trì, nem chợ Huyện, bánh ít lá gai, gié bò Tây Sơn,… còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng. Đó chính là tré.
Với người Bình Định, tré là một trong những món ngon lâu đời góp phần làm phong phú nền ẩm thực đất võ (Ảnh: MyMy Nguyen)
Tùy khẩu vị, thói quen và phong tục ở từng địa phương mà món tré lại được chế biến theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, ở Huế, người ta thường làm tré với chút thịt bò được rim mắm đường và gừng. Còn tại Bình Định, tré được chế biến từ phần thịt đầu lợn đã luộc chín, thái nhỏ với thịt ba chỉ chiên. Sau đó đem trộn đều nguyên liệu với các gia vị như hạt tiêu, riềng, hạt mè, bột nêm, muối, thính, tỏi.
Chị Thanh Thủy – chủ một cửa hàng chuyên phục vụ đặc sản địa phương tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, tuy làm từ các nguyên liệu dân dã, dễ tìm kiếm nhưng món tré đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công.
Mỗi dịp cuối tuần hoặc lễ Tết, cả gia đình 4 thành viên của chị phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn mới đủ số lượng tré phục vụ thực khách trong và ngoài tỉnh. Ngày cao điểm, trung bình nhà chị bán hết 1.200 – 1.500 chiếc. “Tré làm xong phải chờ 2-3 ngày ủ lên men mới ăn được nên khách thường đặt trước mới có hàng. Nhất là sau Tết, nhu cầu khách mua tré tăng cao vì đây là món ngon giải ngấy hiệu quả”, chị Thủy nói.
Không chỉ là đặc sản “trứ danh” được thực khách yêu thích, tré từ lâu đã trở thành món ngon gia truyền thường xuất hiện trong những dịp lễ, Tết quan trọng của người dân nơi đây (Ảnh: Tré trộn Bình Định – Rơm vàng)
Để làm tré đảm bảo chất lượng, người phụ nữ có hơn 10 năm kinh nghiệm thường đi chợ từ sáng sớm, chọn loại thịt lợn sạch, còn tươi. Thịt, tai lợn và da được cạo bỏ hết lông, rửa với nước muối và chanh để khử mùi cũng như làm trắng, sau đó luộc chín tới.
Riêng phần thịt ba chỉ được đem chiên vàng đều. Có thể cho thêm giấm khi luộc giúp thịt trắng và thơm hơn. Chú ý thời gian luộc vừa đủ để tai và da lợn giữ được độ giòn, không bị chín nhũn.
Khi thịt chín thì đem vớt ra, ngâm vào chậu nước lạnh để các nguyên liệu đảm bảo giòn dai. Nhờ thế mà quá trình ủ lên men chất lượng hơn, tré khi ăn sẽ không bị kết dính.
Thái các phần thịt, tai lợn thành những lát mỏng, còn lớp bì đem cán mỏng, thái sợi dài và nhỏ vừa ăn. Sau đó, trộn đều các nguyên liệu trên với nhiều gia vị như tỏi, mì chính, đường, nước mắm, muối, thính gạo, hạt mè (vừng) rang,… theo tỉ lệ thích hợp. Ngoài ra còn có riềng thái sợi chỉ được tuyển chọn từ những củ riềng không quá già hoặc quá non, giúp món ăn có hương vị đặc trưng, khó hòa lẫn.
Video đang HOT
Tré được làm từ các nguyên liệu dân dã nhưng đòi hỏi quy trình chế biến kỳ công (Ảnh: Mồi Đây Rồi)
Thoạt nhìn, tré giống như cán chổi vì được bọc rơm, ủ lên men vài ngày (Ảnh: Ba Duy tré)
Chờ các nguyên liệu ngấm đều gia vị, người ta bắt đầu gói tré trong lá ổi hơi già. Công đoạn này cũng đòi hỏi sự khéo léo, giúp món ăn có mùi thơm hấp dẫn, đồng thời giảm bớt độ ngấy của thịt lợn khi thưởng thức.
Người ta đặt hỗn hợp tré vào giữa lớp lá ổi già rồi bó chặt lại bằng rơm khô bên ngoài, giúp món ăn được bảo quản tốt hơn và nhanh lên men. Rơm cũng được tuyển chọn kĩ từ thân lúa, chỉ giữ lại những sợi suôn óng để tăng tính thẩm mỹ.
Khâu gói tré cũng được coi là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Tré được gói trong lá ổi, bọc thêm lớp nilon hoặc lá chuối. Sau đó lấy nắm rơm, cột chặt một đầu, đầu còn lại để rơm xòe ra rồi đặt gói tré vào giữa. Tré được phủ kín bởi rơm, sau đó cuộn chặt bằng dây, thoạt nhìn vẻ ngoài giống như cán chổi.
Tré Bình Định có thể thưởng thức ngay hoặc vắt thêm chanh, ớt tùy sở thích ăn chua, cay của thực khách (Ảnh: @nguyenthulam2804)
Tré có vị đậm đà, béo ngậy của thịt, xen lẫn vị chua lên men cùng mùi thơm của lá ổi, thính, vừng rang (Ảnh: Bà Đầm Market)
Tré được ủ khoảng 2-3 ngày là lên men, lúc đó có thể thưởng thức. Khi ăn, người ta tháo lớp rơm bên ngoài, bóc lớp lá ra rồi bỏ tré lên đĩa, dùng thìa hoặc đũa đánh tơi các miếng thịt lên.
Để tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn, người địa phương thường thưởng thức tré với bánh đa, cuốn cùng các loại rau sống (rau thơm, dưa chuột, đu đủ bào mỏng, chuối chát…) rồi chấm mắm chua ngọt hoặc tương ớt.
Theo người dân Bình Định, tré là món ăn hội tụ đầy đủ ngũ vị giữa triết lý âm dương ngũ hành: chua, cay, mặn, ngọt, và vị chát nhẹ của lá ổi. Tré ngon nhất khi được gói ủ thật kỹ bằng nhiều lớp, chờ 2-3 ngày cho các nguyên liệu chín bằng quá trình lên men.
Gắp một miếng tré, đặt vào bánh tráng, cuốn với rau sống rồi chấm nước mắm chua ngọt, đủ khiến thực khách mê mẩn món ăn này ngay từ lần đầu tiên. Món tré nổi tiếng ở Bình Định không chỉ thích hợp để thưởng thức trong dịp Tết mà còn được người địa phương ưa chuộng, làm món nhậu, ăn vặt hoặc khai vị nhẹ nhàng.
Đối với người dân đất võ Bình Định, tré như món ăn “hương đồng gió nội” vì được chế biến từ các nguyên liệu thân thuộc của quê hương (Ảnh: Tré bà Quại)
Anh Nguyễn Thành Đạt (sống ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Một vài lần vào Bình Định công tác, tôi có dịp được thưởng thức món tré nổi tiếng của người địa phương và dần yêu thích hương vị của đặc sản này. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đặt mua online từ người quen, vừa nhâm nhi trong gia đình, vừa để chiêu đãi khách quý. Mỗi bó tré nặng khoảng 300g, giá 50.000 đồng/chiếc, thích hợp làm món ăn giải ngấy sau Tết”.
Tùy từng nơi mà tré được làm và bó theo các mức độ khác nhau, dao động từ 300 – 500g với giá khoảng 45.000 – 90.000 đồng/chiếc. Người Bình Định thường bán tré theo các bó 4-5 chiếc. Tới vùng đất võ, du khách có thể dễ dàng tìm và mua đặc sản tré nổi tiếng tại các quán ăn, nhà hàng hay một số khu chợ ở trung tâm thành phố Quy Nhơn.
"Đã thèm" với 4 món ngon trứ danh đất võ Bình Định
Bánh xèo tôm nhảy, cháo lòng bánh hỏi , bún chả cá hay bánh cuốn đều là những món ăn ngon nức danh tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) mà du khách không nên bỏ qua khi tới đây.
Cháo lòng bánh hỏi
Cháo lòng bánh hỏi là một món ăn sáng dân dã với người dân không chỉ tại thành phố Quy Nhơn mà nhiều huyện xung quanh thuộc tỉnh Bình Định.
Khác với món cháo lòng tại các địa phương khác, người dân Bình Định thường để lòng và cháo riêng. Tô cháo cũng nhỏ hơn những nơi khác, hạt gạo to, bát cháo nhiều nước hơn, có kèm theo cả hành khô và tiêu dậy vị cay.
Một mâm bánh hỏi cháo lòng điển hình sẽ có một đĩa lòng, đĩa bánh hỏi, bát cháo, đĩa rau sống, nước mắm chấm và bánh tráng.
Bánh hỏi ở Quy Nhơn cũng có phần khác biệt với độ mỏng vừa phải, hơi dai và ăn thơm mùi gạo. Nước mắm thường là mắm nguyên chất, không pha chế gì ngoài cho thêm ớt tươi. Bạn có thể tìm thấy các hàng bánh hỏi cháo lòng ở rất nhiều nơi trong thành phố Quy Nhơn với mức giá dao động từ 20.000-25.000 đồng.
Bún chả cá
Bún chả cá là món ăn đặc trưng của nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, mỗi nơi bún chả cá sẽ mang một phong vị khác nhau và bún chả cá Quy Nhơn cũng không phải ngoại lệ.
Chả cá nơi đây được chế biến từ phần thịt của những con cá tươi như cá thu, cá thửng, cá mối, cá rựa, cá chuồn, trộn với gia vị còn nước dùng thì được ninh từ xương cá, khi ăn có kèm theo rau xanh, hành, thì là, rau bắp chuối, rau muống chẻ.
Bên cạnh bún chả cá, bánh canh chả cá cũng là món ăn nổi tiếng tại thành phố Quy Nhơn. Các quán bún/bánh canh chả cá có thể được tìm thấy nhiều trên đường Nguyễn Huệ, nổi tiếng phải kể đến bún chả cá Phượng Tèo, Ngọc Liên, Thu, Quê Hương với mức giá dao động từ 20.000-30.000 đồng.
Bánh xèo tôm nhảy
Nhắc đến đặc sản Quy Nhơn, người ta không thể không nhắc tới món bánh xèo tôm nhảy trứ danh. Bánh xèo có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng bánh xèo tôm nhảy thì chỉ có ở Quy Nhơn mới ngon đến vậy.
Cứ chiều đến, con đường Diên Hồng tại thành phố Quy Nhơn lại tập nấp khách du lịch và dân địa phương tới các quán bánh xèo. Nhiều người tự hỏi bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn có gì mà hút khách đến vậy.
Điểm khác biệt trong món bánh xèo tôm nhảy ở Quy Nhơn xuất phát từ chính những nguyên liệu. Bột gạo làm bánh được làm từ gạo ngon của mùa cũ, bột gạo nở vừa rồi đem ngâm với muối qua đêm, sáng hôm sau được người chế biến xay sớm, tôm to đều, còn tươi, khi đổ bánh nhảy tanh tách nên nó mới có tên "bánh xèo tôm nhảy".
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo cũng đa dạng: Xoài xanh, dưa chuột, rau cải, dứa và đặc biệt là cải mầm - thứ rau ăn kèm ít thấy ở những loại bánh xèo khác. Ngoài bánh xèo tôm còn có bánh xèo thịt bò cho du khách lựa chọn. Bánh xèo tôm nhảy bán nhiều ở Quy Nhơn, nổi tiếng nhất phải kể tới bánh xèo Gia Vỹ trên đường Diên Hồng.
Bánh cuốn xứ Nẫu
Bánh cuốn xứ Nẫu còn có một tên gọi khá đặc biệt "hai sống một chín". Sở dĩ được gọi như vậy vì chiếc bánh được tạo ra từ hai miếng bánh tráng sống nhúng nước kèm với một miếng bánh tráng nướng giòn rụm bên trong. Ngoài ra còn có trứng vịt, chả ram, đậu hủ chiên, rau sống,...kèm theo đóc không thể thiếu một chén nước chấm ngon.
Nói chung bánh cuốn là sự hòa quyện của rất nhiu nguyên liệu gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường ngày của người Bình Định.
Chiếc bánh cuốn là tổng hòa của những nguyên liệu dân dã, tươi ngon, cách chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực. Không nhỏ nhắn, xinh xinh như bánh cuốn ở những vùng khác, bánh cuốn xứ Nẫu to bằng bắp tay, ăn một cuốn là đủ no căn dạ.
Cũng giống như tấm lòng thật thà chân chất của người dân ở đây. Mộc mạc nhưng tinh tế, giản dị nhưng đậm đà khó phai!
Quán có tuổi đời lâu nhất ở Tây Sơn là quán bánh cuốn Năm Mận, 81 Quang Trung, thị trấn Phú Phong với giá 15.000 đồng/cuốn bình thường.
Lạ miệng với cơm hến Đặc sản Huế ở Đà Nẵng Đà Nẵng được coi là "thiên đường ẩm thực" không chỉ có các món ăn mang đặc trưng vùng miền mà còn có những món ăn từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có món cơm hến kiểu Huế. Nếu bạn đã từng thưởng thức món cơm hến Huế chắc hẳn sẽ mãi không quên được hương vị. Khi đi du lịch...