Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi
Nếu như năm ngoái mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi thì năm nay chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
Tối 23/2, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều quy chế thi THPT quốc gia 2016. Năm nay, quy chế thi dự kiến có nhiều sửa đổi so với 2015.
Mỗi tỉnh có 1 hoặc 2 cụm thi
Theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố có 2 cụm thi. Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), do trường ĐH chủ trì. Cụm thi cho thí sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD&ĐT chủ trì.
Tùy tình hình cụ thể, địa phương có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả 2 đối tượng thí sinh dự thi.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Bổ sung quy định thành viên của Hội đồng thi
Dự thảo bổ sung quy định thành viên của Hội đồng thi không được mang các thiết bị thu, phát thông tin trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cho biết, tổ chấm quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm; thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
Chấm thi xong các môn, Chủ tịch Hội đồng thi duyệt kết quả, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT (Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục) để lưu giữ và đối chiếu.
Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ (theo mẫu thống nhất), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở GD&ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Theo quy định cũ, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đó, 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng 1 và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét nguyện vọng bổ sung.
Phúc khảo
Với bài phúc khảo, trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên, thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với những bài thi có điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.
Trong khi đó, theo quy định cũ, trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp.
Được cộng điểm nghề xét tốt nghiệp
Theo dự thảo, học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên và học viên giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT có Giấy chứng nhận nghề do sở GD&ĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành giáo dục cấp, được cộng điểm khuyến khích căn cứ xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề. Loại giỏi cộng 2 điểm; khá cộng 1,5 điểm; trung bình cộng 1 điểm.
Theo Zing
Cùng lớp, cùng trường, cùng... phòng thi?
Còn rất nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện cũng như hiệu quả đối với những thay đổi trong phương án thi và tuyển sinh 2016.
Theo phương án thi THPT quốc gia 2016 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức 2 loại cụm thi gồm cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì, cụm thi thứ hai dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD&ĐT chủ trì. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Thí sinh được tư vấn về tuyển sinh trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2016. Ảnh: Người Lao Động.
Cân nhắc mở rộng cụm thi
Với phương án này, ước tính số lượng cụm thi sẽ tăng đáng kể so với năm trước (năm 2015 có 99 cụm gồm 38 cụm do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm do các sở GD-ĐT chủ trì). Năm 2016, riêng số cụm do các trường ĐH chủ trì có ít nhất là 64. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có thể có nhiều cụm thi hơn các địa phương khác.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sự điều chỉnh quan trọng nói trên giúp thí sinh thuận tiện hơn khi đi lại, không phải di chuyển tới tỉnh lân cận như năm 2015.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra lo lắng. Một chuyên gia của ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích phương án này sẽ làm tăng xác suất thí sinh học cùng trường, cùng lớp ngồi thi cùng phòng ở các địa phương. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới kỷ luật trường thi, vì vậy cần cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ những điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.
Với các địa phương không có trường ĐH đủ sức tổ chức kỳ thi có quy mô lớn, Bộ GD&ĐT cần điều động một trường ĐH có kinh nghiệm đến chủ trì cụm thi.
Theo phân tích của một chuyên gia tuyển sinh, việc mỗi tỉnh đều tổ chức cụm thi riêng sẽ khiến các địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về việc tăng cường cơ sở vật chất, phòng thi, đội ngũ cán bộ coi thi.
Nếu không triển khai, bổ sung tốt những điều kiện cần thiết này thì rất khó có được một kỳ thi nghiêm túc. Không loại trừ khả năng vì áp lực mà địa phương nới lỏng việc coi thi khiến kết quả thi không chính xác, gây khó cho các trường ĐH, CĐ khi xét tuyển.
Lo nghẽn mạng
Năm nay, Bộ GD&ĐT không yêu cầu thí sinh phải đến các trường ĐH để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển mà thực hiện nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc qua internet. Thí sinh không có đường truyền internet có thể gửi phiếu đăng ký xét tuyển qua bưu điện và cũng không cần phải gửi hồ sơ xét tuyển như năm 2015.
Để khắc phục những hạn chế có thể xảy ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị một số biện pháp kỹ thuật. Một phần mềm đã được thiết kế để giúp thí sinh, với một đường truyền internet, có thể đăng ký xét tuyển tại nhà cùng một mã số đăng ký xét tuyển riêng.
Ngoài ra, năm nay, thay vì chỉ có 8 điểm công bố điểm thi như năm 2015, tất cả cụm thi đều thực hiện công bố kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh thi ở cụm nào sẽ tra cứu điểm thi ở cụm đó nên sẽ tránh được tình trạng nghẽn mạng.
Tuy nhiên, việc công bố kết quả thi khiến không ít chuyên gia băn khoăn. Thầy Trần Văn Tuấn - giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - phân tích Sở GD&ĐT được công bố kết quả thi thì khó có thể lường trước được tình trạng nghẽn mạng vì sẽ có chục ngàn thí sinh ở cụm thi địa phương phải vào mạng internet của sở cùng một lúc, cùng một ngày.
Còn nếu là đơn vị chủ trì cụm thi do các trường ĐH, CĐ được phép công bố kết quả thì liệu các trường đã được trang bị đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác xét tuyển?
Ảo sẽ rất lớn
Một giảng viên của ĐH Ngoại thương Hà Nội cho hay, việc thí sinh được đăng ký vào 2-3 trường trong mỗi đợt xét tuyển cũng tạo nên băn khoăn về tình trạng "trúng tuyển ảo".
Để chống ảo, các trường dự kiến sẽ gọi lượng trúng tuyển dôi ra, thậm chí là vượt chỉ tiêu. Nếu như điều này không gây nhiều khó khăn cho các trường nhóm trên thì lại khiến các trường nhóm dưới phải thực hiện thêm các đợt xét bổ sung.
Theo Yến Anh/Người Lao Động
Tuyển sinh 2016: Bộ GD&ĐT điều chỉnh đối tượng ưu tiên Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Theo đó, có nhiều điểm thí sinh cần chú ý. Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách ưu...