Mỗi năm thiếu khoảng 20.000 cử nhân, kỹ sư lĩnh vực Lâm nghiệp
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp VN cho biết, hiện nay cả nước đang cần mỗi năm khoảng 20.000 cử nhân, kỹ sư thuộc các lĩnh vực của ngành Lâm nghiệp làm việc ở các đơn vị thuộc nhà nước, doanh nghiệp,… sinh viên tốt nghiệp ra chưa đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Vậy, nhu cầu tuyển dụng của ngành học này như thế nào? Sinh viên tốt nghiệp ra trường lương bao nhiêu? Làm thế nào để thí sinh yêu thích và lựa chọn được ngành học lâm nghiệp? Vị thế của ngành trong tương lai ra sao?…. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Văn Chứ Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp VN về vấn đề này.
NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiêu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp
Thiếu nguồn tuyển dụng
Được biết, Trường ĐH Lâm nghiệp là trường đầu ngành của cả nước về lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản và phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên rừng và môi trường… ông cho biết nguồn nhân lực ngành này hiện nay có đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội?
Theo điều tra của Trường ĐH Lâm nghiệp VN, hiện nay cả nước đang cần mỗi năm 20.000 cử nhân, kỹ sư thuộc các lĩnh vực của ngành Lâm nghiệp làm việc ở các đơn vị thuộc nhà nước, doanh nghiệp,…
Riêng các lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng và môi trường mỗi năm cũng cần tuyển dụng 7.000 -10.000 kỹ sư.
Các đơn vị này yêu cầu rất cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp,..
Theo số liệu từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam: Ngành Chế biến gỗ với quy mô khoảng 300.000 lao động hiện nay, thì số kỹ sư chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, còn lại là lao động phổ thông.
Hiện nay, cả nước hiện nay có 6 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Số lượng kỹ sư tốt nghiệp các lĩnh vực trên của các trường này khoảng 7.000 kỹ sư. Riêng Trường ĐHLN mỗi năm có khoảng 2.000 kỹ sư các lĩnh vực này trong tổng số 4.500 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp.
Tôi có thể nói nguồn nhân lực kỹ sư tốt nghiệp hàng năm của Trường ĐHLN thuộc lĩnh vực: lâm nghiệp, chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng và môi trường chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội về mặt số lượng.
Trong những ngành đào tạo của Nhà trường thì ngành nào phát triển theo định hướng nghiên cứu, ngành nào theo định hướng ứng dụng hoặc thực hành để thí sinh biết lựa chọn? Cơ hội việc làm của các ngành này như thế nào trong tương lai, thưa ông?
Những nhóm ngành phát triển theo định hướng nghiên cứu là những ngành truyền thống của Nhà trường, được đào tạo ở cả bậc đại học và sau đại học, có đội ngũ giảng viên chuyên sâu, có trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và đào tạo, như: Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng, Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Công nghệ vật liệu, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Quản lý đất đai, …).
Những nhóm ngành phát triển theo định hướng ứng dụng là những ngành có nhu cầu xã hội lớn như (nhóm ngành cơ khí chế tạo; khối ngành kinh tế quản trị; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Công tác xã hội; Kiến trúc cánh quan; Lâm nghiệp đô thị,….).
Video đang HOT
Những ngành sau được định hướng thực hành: Chăn nuôi, Thú y; Bảo vệ thực vật; Thiết kế nội thất; Thiết kế công nghiệp; Công nghệ sau thu hoạch; Kỹ thuật điện và điện tử;…
Về cơ hội tìm việc làm của sinh viên học các ngành này sau khi tốt nghiệp, chúng tôi xin nói: đây là những lĩnh vực trọng điểm, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. Các lĩnh vực này hầu hết thuộc 3 nội dung cơ bản của cách mạng 4.0 đó là công nghệ sinh học, vật lý và kỹ thuật số.
Trường ĐHLN đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện để tạo ra cử nhân, kỹ sư chất lượng cao và hoàn toàn thích ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại, hội nhập sâu rộng. Vì vậy có thể nói cơ hội tìm việc làm của các tân cử nhân, kỹ sư là rất rộng mở.
Ngành Nông – Lâm – Ngư đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao trong cách mạng CN 4.0
Ngành học có vị thế trong tương lai
Có một thực trạng hiện nay, các thí sinh tỏ ra thờ ơ với các ngành khối nông – lâm – ngư vì cho rằng đây là những ngành không “sang trọng”, khó kiếm việc làm có thu nhập cao, công việc vất vả,… ông nghĩ sao?
Đây là quan điểm không phải chỉ có bây giờ mà có từ những năm trước đây. Từ những năm 1980 đã có câu: nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa. Tôi phải nói rằng nếu còn sự phân cấp cao giữa thành thị, nông thôn, phân cấp các ngành, nghề thì vẫn còn quan niệm này.
Trong giai đoạn đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước, có một quan điểm của đại đa số người lao động thích làm việc “bàn giấy”, làm việc “nhàn hạ”, không đòi hỏi trình độ quá cao và thu nhập cao.
Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới ở giai đoạn mới phát triển cũng có quan niệm như nước ta. Nhưng khi đất nước phát triển, trong giai đoạn tới khi cuộc cách mạng 4.0 đang thúc bách, đất nước ta hội nhập toàn phần, sự kết nối thông tin toàn cầu rất nhanh chóng, đòi hỏi khoa học công nghệ cao với các ngành nói chung và nông – lâm – ngư nghiệp nói riêng ngày càng khắt khe, vị thế các ngành kinh tế sẽ “xích lại” gần nhau hơn.
Ngành Nông – Lâm – Ngư sẽ đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao và đương nhiên vị thế trong xã hội sẽ cao, thu nhập theo đó sẽ cao hơn. Khi đó, chắc chắn rằng lớp trẻ có tri thức, có hoài bão sẽ chọn vào đầu quân đông hơn.
Riêng ngành Lâm nghiệp, ở một đất nước nhiệt đới như Việt nam với tỷ lệ che phủ của rừng chiếm trên 40%, rừng và các sản phẩm từ rừng đã gắn liền với đời sống của người dân, hơn nữa rừng còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sống, vậy tại sao chúng ta lại thờ ơ với các ngành học trong lĩnh vực nông – lâm – ngư và lo sợ khó tìm việc làm với thu nhập ổn định.
Thực tế cho thấy sinh viên của Trường ĐHLN tốt nghiệp ra Trường rất năng động trong công việc, làm ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế như GIZ, WWF, RECOFTC, các tổ chức về bảo tồn,.. Nhiều em đủ điều kiện tiếng Anh đã đi du học.
Theo ông, làm thế nào để thay đổi nhận thức của các thí sinh, làm thế nào tạo ra cho các em lòng yêu nghề, mong muốn gắn bó với ngành lâm nghiệp?
Để thay đổi nhận thức của thí sinh, của xã hội không thể một sớm một chiều mà phải cả một quá trình và phải bằng cả hệ thống chính trị mà cốt yếu nhất là sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chúng ta không chỉ tuyên truyền bằng khẩu hiệu mà phải bằng nhận thức, bằng những điều họ nhìn thấy và đúng như câu: Trăm nghe không bằng một thấy. Nếu thí sinh chỉ nghe thấy những sản phẩm nông – lâm nghiệp có chứa thuốc độc hại, phá rừng, thấy lâm tặc, thấy công nghệ lạc hậu, đào tạo ra lớp kỹ sư, cử nhân yếu về chuyên môn, kỹ năng và đạo đức kém thì chắc chắn họ không vào học các ngành này.
Nhưng nếu thấy rằng những ngành này sẽ có vị thế cao trong tương lai gần, áp dụng công nghệ cao, rất dễ xin việc và thu nhập ổn định, được Nhà nước ưu tiên, đãi ngộ, trong thời gian học đại học học phí thấp, các khoản đãi ngộ cao, dễ hội nhập quốc tế, dễ đi du học nước ngoài, họ nhất định sẽ chọn vào học tại các Trường này.
Để làm thay đổi nhận thức này, chúng ta có nhiều giải pháp từ các giải pháp về chính sách, chiến lược, lộ trình thực hiện đến công tác vận động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức.
Riêng đối với Trường ĐHLN đã giới thiệu đến các thí sinh, những bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa của sự lựa chọn ngành nghề trong tương lai về một môi trường học tập thân thiện, năng động, đội ngũ giảng viên có trình độ cao và đầy nhiệt huyết, cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên xanh, sạch đẹp lý tưởng và đặc biệt Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Nhà trường vừa được công nhận và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo Tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Rừng trong trường ĐH Lâm nghiệp để sinh viên nghiên cứu
T hu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường đạt từ 6-10 triệu đồng/tháng.
Nhà trường có thống kê bao nhiêu % sinh viên ra trường có việc làm? Bao nhiêu % sinh viên làm trái ngành? Mức thu nhập bình quân của cử nhân ngành lâm nghiệp sau khi ra trường?
Theo con số thống kê từ các đợt khảo sát gần đây và đặc biệt Kết quả của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài: 88% sinh viên tốt nghiệp của Trường có việc làm ngay trong năm đầu tiên, trong đó 68% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành (32% có việc làm trái ngành).
Rất nhiều ngành như: Khoa học môi trường, Quảng lý tài nguyên rừng, Kiến trúc cảnh quan, Công nghệ chế biến lâm sản số sinh viên tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm và thu nhập cao trên 10 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường đạt từ 6-10 triệu đồng/tháng. Đây là một con số đáng khích lệ của Trường ĐHLN trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm khá cao đối với tất cả các ngành nghề trong cả nước.
Ông có lời khuyên và chia sẻ gì với thí sinh năm nay khi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐHLN?
Lựa chọn ngành nghề đào tạo là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thành công trong cuộc đời của mỗi con người. Các em nên chọn ngành gì mà mình sẽ có ích cho xã hội, cho gia đình và bản thân sẽ hứng thú và tâm huyết.
Chúng ta không chỉ nghe bằng tai mà hãy nhìn bằng mắt và dùng cảm nhận của tay. Các em hãy bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn và Trường ĐHLN là một điểm đến tuyệt vời cho các em.
Các em có nhiều cơ hội chọn lựa trong số 36 chương trình đào tạo bậc đại học của Trường. Chúng tôi cam đoan sẽ đem đến cho các em một môi trường học tập với chất lượng tốt nhất. Chúc các em thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới!
Xin trân trọng cám ơn ông!
Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam hiện nay có 36 ngành ở bậc đại học, 16 ngành bậc sau đại học (trong đó có nhiều ngành tiên tiến, chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh). Ngày 5.4.2018, Trường vinh dự nhận Giấy chứng nhận và Quyết định công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục với tỷ lệ rất cao 86.9%.
Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đánh giá: Sinh viên Trường ĐHLN tốt nghiệp hàng năm có trên 88% đã tìm được việc làm (trong đó 68% có việc làm đúng nghề sau năm thứ nhất), cử nhân, kỹ sư có tư chất tốt, chuyên môn và kỹ năng đáp ứng với xã hội.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Định kỳ 3 năm giáo viên sẽ được đánh giá theo Chuẩn
Theo dự thảo thông tư về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.
Ảnh minh họa/Minh Phong
Dự thảo có nêu: Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá theo Chuẩn vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo Chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.
Công cụ đánh Chuẩn nghề nghiệp giáo viên bao gồm: Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên tiểu học; Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên THCS, giáo viên THPT và giáo viên các trường trực thuộc Bộ.
Phiếu tự đánh giá của giáo viên phổ thông về mức đạt chuẩn nghề nghiệp; Phiếu khảo sát ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn; Bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp theo Chuẩn; Phiếu đánh giá của Hội đồng đánh giá và Báo cáo tổng kết quả đánh giá theo Chuẩn.
Việc đánh giá giáo viên phổ thông theo Chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Trung thực, toàn diện, khách quan, khoa học, dân chủ và công bằng; phản ánh đúng phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương.
Căn cứ vào kết quả đạt được thông qua các minh chứng phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn được quy định tại Chương II của văn bản này.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai.vn
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất: Tìm việc làm cho học viên Không xem và giao phó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là trách nhiệm của người học, nhiều năm qua Trường Cao đẳng Kỹ nghệ (CĐKN) Dung Quất đã chủ động ký kết hợp tác cung cấp nguồn nhân lực với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà máy... đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận để hỗ trợ...