Mỏi mòn tìm việc, tân cử nhân đi làm công nhân
Ra trường đúng thời điểm kinh tế khó khăn, hầu hết các ngành đều cắt giảm nhân lực, rất nhiều sinh viên mới ra trường đành tạm cất bằng đại học, đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mỏi mòn chờ việc
Tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Lê Thị Nga hào hứng làm cả chục bộ hồ sơ rồi đi “rải” khắp các công ty tuyển dụng. Ban đầu cô tân cử nhân còn “kén cá chọn canh”, chỉ tìm những nơi đúng chuyên ngành để đầu quân.
Nhưng số nơi tuyển rất ít, những hồ sơ đi mà chẳng có hồi âm, những cuộc phỏng vấn chẳng mấy nhiệt tình của nhà tuyển dụng. Sau vài tháng mòn mỏi chờ đợi thì việc gì Nga cũng nộp hồ sơ, miễn là thấy mình có khả năng đáp ứng, nhưng tình hình cũng không hề cải thiện.
Nga cho biết, cùng lớp ĐH với em có 80 bạn đã ra trường, nhưng số người có công việc tạm ổn chỉ chiếm khoảng 10%. Một số bạn đi học lên cao học, còn đa số phải làm đủ việc linh tinh trái sở trường hoặc vẫn đang chờ việc.
Ảnh minh họa
Giống như Nga, Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên trường ĐH Công đoàn cũng đang sốt ruột vì chưa tìm được việc. Tốt nghiệp từ tháng 6/2012, Hạnh đã mang hồ sơ đi khắp nơi, nộp trực tiếp có, qua thư điện tử có, nhưng đều chưa kết quả.
“Ra trường mà không có việc để làm, trong khi vẫn phải chi tiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống nên áp lực tâm lý rất nặng nề. Nhiều khi em ngại chẳng dám ra khỏi phòng trọ vì sợ mọi người nhìn thấy lại hỏi: Chưa đi làm à?” Hạnh buồn rầu nói.
Cùng chung cảnh ngộ, những ngày tháng này đang rất căng thẳng với Ninh, sinh viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Từng là một sinh viên giỏi, luôn dẫn đầu lớp Chăn nuôi thú y nhưng ra trường đúng lúc mọi ngành đều cắt giảm nhân lực nên dù có thành tích học tập rất tốt, Ninh cũng vẫn chưa tìm được nơi để “dụng võ”.
Về quê làm công nhân
Sau vài tháng chờ việc ở Hà Nội, Nga quyết định về quê Vĩnh Phúc, làm công nhân cho một công ty điện tử, chuyên làm màn hình điện thoại.
“Mức lương là hơn 4 triệu đồng một tháng, ăn luôn ở công ty ngày 2 bữa, nhưng em phải làm việc đến 12 giờ đồng hồ mỗi này,” Nga chia sẻ.
Thời gian làm việc của Nga bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Buổi trưa chỉ được nghỉ 1 tiếng để ăn, giờ ăn buổi chiều thậm chí có 30 phút. Không quen ăn nhanh nên hầu như ăn xong, Nga chỉ kịp chạy vào thay đồ rồi lại ra làm tiếp, không được nghỉ ngơi.
Video đang HOT
Giống như Nga, rời giảng đường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô bạn cùng lớp tên Nguyệt cũng về quê Bắc Ninh làm công nhân cho một công ty điện tử chuyên sản xuất tai nghe.
Công việc tuy vất vả nhưng Nguyệt cho biết, em đã quá chán ngán với việc nộp hồ sơ và phỏng vấn, chán ngán với những ngày dài chờ đợi đầy mệt mỏi nên tạm thời, Nguyệt chấp nhận làm công nhân như bao lao động phổ thông bình thường chẳng cần bằng cấp.
Cũng ra trường từ tháng 6/2012, nhưng công việc hiện tại của Trang, tân cử nhân khoa Kinh tế, trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội là công nhân may cho một công ty ở thành phố Thái Bình.
Trang ngậm ngùi nói: “Thời đỗ vào khoa kinh tế, cứ nghĩ ra trường sẽ thuận lợi, nhưng tìm được công việc đúng chuyên ngành bây giờ quá khó. Không thể cứ ăn bám bố mẹ mãi nên em đi làm may như một cách &’chống cháy’.
Còn với Dung, tân cử nhân khoa Kinh tế, trường ĐH Nông nghiệp, công việc “chống cháy” hiện tại là làm nhân viên bán cửa hàng quần áo cho một hiệu nhỏ trên phố Cầu Giấy (Hà Nội). Ra trường với tấm bằng khá, nhưng đi đến đâu cô cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Dung bảo: “Từ giờ đến cuối năm chắc chẳng mấy nơi tuyển nhân lực nữa. Em cố gắng làm ở đây đến Tết. Hy vọng sang năm mới mọi thứ sẽ sáng sủa hơn.”
Theo Tiin
Tờ rơi 'câu tiền' những sinh viên nhẹ dạ
"Đến lúc vào làm rồi em mới biết là mình bị lừa nhưng vẫn phải làm vì tiền nộp vào cũng mất gần 500.000 rồi, phải cố làm để lấy lại số tiền đã bỏ ra". Đó là tâm sự nghẹn ngào của cô gái đứng bán sim tại cổng trường Đại học thương mại.
Những ngày hè này, giới sinh viên rất dễ dàng bị thu hút bởi những dòng thông tin từ những tờ rơi, quảng cáo như: "Tuyển nhân viên phát và bán sản phẩm, làm việc theo ca, mỗi ca 2,5h, lương cho mỗi ca là 80.000 đồng nhận ngay sau khi kết thúc công việc, được hỗ trợ xăng xe, không phải đặt cọc hay thế chấp..."
Tràn lan những cơ hội tìm kiếm việc làm
Khi những tờ rơi, quảng cáo tuyển nhân viên đủ kích cỡ xuất hiện tràn lan trên khắp các tuyến đường của đô thị, từ những bức tường nơi công cộng, cây cột đèn, hộp điện thoại công cộng đến những điểm dừng xe bus, hộp công tơ điện hay cả những thân cây...thì lẽ dĩ nhiên là nó sẽ mở ra nhiều lối đi, nhiều sự lựa chọn cho các bạnsinh viên muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các tờ thông báo như: "tuyển nhân viên, tuyển cộng tác viên, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển nhân viên làm theo ca lương cao...", nhưng đó có thực sự là cơ hội cho các bạn trẻ kiếm tiền, giao lưu, học hỏi, va chạm cuộc sống hay là cơ hội để những nhà môi giới, nhà tuyển dụng kiếm lời từ chính những người xin việc?
Những tờ giấy tuyển nhân viên dán đầy trên bảng quảng cáo tại điểm xe bus Đại học GTVT.
Không có gì khó hiểu khi những công ty tuyển nhân viên đều tuyển sinh viên và ưu tiên hơn cho những bạn sinh năm 1993 - 1994. Lý do không chỉ đơn giản chỉ là vìsinh viên trẻ, năng động, nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo trong công việc mà có lẽ còn bởi vì các em mới chân ướt chân ráo từ những vùng quê lên thành phố đi học, mọi thứ dường như đều rất xa lạ, do đó sẽ dễ bị dụ dỗ.
Nghệ thuật..."Câu tiền"
Nhận được tờ rơi tuyển nhân viên từ một nam thanh niên tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), H và một người bạn cảm thấy hứng thú với những thông tin được nghi trên tờ quảng cáo đó. Hai người gọi điện và tìm tới địa chỉ là tầng 1 của một ngôi nhà nhỏ trên đường Giải Phóng, trong đó có 3 bàn làm việc và 1 chiếc máy vi tính, phía ngoài không có một tấm biển nào ghi tên công ty. Chỉ có 2 người phụ nữ đang ngồi "trực" tại đó. Chị này giới thiệu về công việc: "Công việc của các em tạm thời là đi bán sim, nếu các em làm theo ca thì công ty sẽ trả cho các em 80.000 một ca kéo dài 2,5 tiếng và có hỗ trợ xăng xe là 20.000 cho những bạn có xe máy, và lương thì sẽ được nhận vào giữa tháng. Nếu các em cần tiền gấp thì có thể xin lấy lương vào cuối tuần. Làm công việc này các em không cần phải đặt cọc hay thế chấp bất kỳ cái gì cả".
Tờ rơi tuyển nhân viên với các thông tin hấp dẫn
Vừa nghe xong H có vẻ không vui vì thông tin mà chị này nói đã có một vài thay đổi so với những gì đã ghi trong tờ rơi mà mình nhận được. Nhưng vì nghĩ tới số tiền sẽ kiếm được nên H quyết định đi làm. Rồi chị này rút ra tờ giấy bảo cả hai điền đầy đủ các thông tin vào đó. Khi xong xuôi H mới bất ngờ khi biết mình phải nộp 100.000 cho tờ giấy đó. Rồi lại nghĩ đâm lao rồi phải theo lao, chắc sẽ không mất gì nữa, H đưa 500.000 đồng để trả cho cả 2 đứa rồi bảo người phụ nữ trả lại 300.000 thừa, chị này không đưa luôn mà bảo "cứ từ từ, các em đọc qua tờ giấy này đi đã, đọc xong rồi chị giải thích cho mà hiểu". Mỗi người đóng thêm 150.000 tiền đặt cọc. Cả hai lại ngậm ngùi nhìn nhau mà không biết làm thế nào. Loáng một cái đã bay biến mất 500.000 đồng.
Trong tâm trạng dở khóc dở cười, H lại tự nghĩ trong đầu "Không biết sẽ còn những trò gì tiếp sau đây?".
Người phụ nữ ở "công ty" nói tiếp: "Số tiền 100.000 vừa rồi là mất luôn còn 150.000 này các chị sẽ hoàn trả lại sau khi các em kết thúc hợp đồng. Nếu trong thời gian làm việc các em nghỉ mà không gọi điện xin nghỉ hoặc tự hủy, vi phạm hợp đồng thì sẽ bị trừ dần vào số tiền này". Khi H hỏi: "Nếu trường hợp bọn em không bán được chiếc sim nào thì sao? Có bị trừ vào số tiền được nhận của ca đó không?" thì chị này trả lời "không". Cả hai cảm thấy yên tâm phần nào và nghĩ chỉ cần cố gắng vài buổi là có thể kiếm lại được số tiến đã bỏ ra.
Trong tờ rơi mà H nhận được còn có cả công việc gấp phong bì tại nhà với giá 500 đồng cho 1 sản phẩm nhưng đến khi H có ý xin làm cả công việc thứ 2 thì chị này cho hay rằng "số phong bì có ít, đã có người làm rồi, khi nào có nhiều chị gọi". Lại một hy vọng bị dập tắt, hai người ngao ngán ngồi nhìn nhau.
Tiếp đến, chị này lại ghi tiếp một tờ giấy rồi bảo cả hai tới địa điểm ghi trong đó gặp người tên Huy để nhận việc. Điều đáng chú ý nữa là trên tờ giấy, chị lại ghi lên dòng chữ: "lương 50-80k/1 ca/ 2,5h". H thắc mắc rằng tại sao không đúng với trong thỏa thuận ban đầu thì chị này bảo: "Các em mới làm thì lương chỉ được vậy thôi, sẽ được tăng dần".
Có chút chán nản 2 người cầm tờ giấy trên tay rồi tìm đến địa điểm ghi trên giấy, người tiếp nhận bảo: "Các em bắt đầu đi làm từ ngày mai và các em phải mặc đồng phục của công ty". Vậy là lại phải mua, mỗi người 250.000 cho 2 chiếc áo phông cam không cổ. Vì đã mất một khoản tiền trước đó nên H và bạn cứ ngồi ngẩn ra nhìn nhau. Chị này nói: "Thôi hoàn cảnh các em cũng khó khăn, chị hỗ trợ cho mỗi đứa 30.000, còn 220.000". Vậy là thôi, tiền cứ đội nón ra đi, bây giờ mà bỏ thì số tiền đóng trước đó cũng mất, thôi thì cứ làm xem sao, làm để lấy lại số tiền đã phải bỏ ra.
Nỗi khổ người làm thuê
Được nhận vào làm rồi chưa phải đã yên tâm, buổi làm việc đầu tiên H và bạn theo đúng lời chị quản lý nói, 5 giờ chiều đi từ nhà tới công ty là 6 giờ để bắt đầu làm việc ca tối. Đến nơi 2 người ngồi chơi ngắm cái văn phòng công ty nhỏ tí đến cả tiếng đồng hồ mới được cầm đồ nghề theo nhân viên cũ đi làm.
Trong tờ rơi có ghi ca tối kết thúc vào 8h30, chị quản lý thì bảo kết thúc lúc 9h nhưng đi làm mới biết, gần 10h mới được về, từ chỗ đứng bán sim về tới nhà cũng mất nửa tiếng đồng hồ. Rồi sáng ngày hôm sau lại phải bắt xe bus để mang trả đồ nghề là số sim đã nhận, số tiền bán được và chiếc bàn bày bán sim.
Một đội đứng bán sim tại điểm xe bus Cầu Giấy
Lại nói tới địa điểm bán hàng, trong tờ quảng cáo có ghi rất rõ là "bán tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, khu hội trợ... trên địa bàn Hà Nội, nhân viên được sắp xếp làm gần nơi ở hoặc học", nhưng đến lúc làm mới biết ẩn sâu trong dấu ba chấm phía sau là gì. Đó là vỉa hè nơi gần các trường đại học, các điểm dừng xe bus lớn hay các khu chợ đông sinh viên. T.G - một nhân viên mới được nhận vào làm, cho biết: "Mấy hôm đầu tiên đi bán ở các khu chợ mình phải gửi xe máy với giá 10.000 đồng trong khi đứng mỏi chân cả buổi chẳng bán được cái sim nào mà bù vào tiền gửi xe. Tiền hỗ trợ xăng xe lúc đầu các chị bảo 20.000 cho một ca vậy mà đến lúc lấy chỉ được 15.000 với lý do không bán được hàng, hôm sau nữa còn được có 25.000 cho hai ca".
Tài - sinh viên năm đầu học viện cảnh sát, cũng nhận được tờ rơi và vừa vào làm, bức xúc nói: "Công ty bắt đi bán sim xa thế này, tiền hỗ trợ chẳng đủ đổ xăng, thà em đi chở xe ôm còn hơn".
Thủy đang là sinh viên năm hai của trường cao đẳng công nghiệp Hưng Yên. Đợt hè này Thủy quyết định lên Hà Nội tìm việc làm thêm hè để phụ giúp bố mẹ nhưng thật không may mắn khi em lại trở thành một trong số những nạn nhân của trò quảng cáo lừa bịp tinh xảo này. Thủy nhìn tôi và than thở về cuộc sống cũng như công việc làm thêm mới của mình: "Khổ lắm chị ạ, đi bán sim cả ngày, chịu nắng mưa, đứng mỏi cả chân. Bán được sim thì không sao nhưng nếu không bán được là lại bị trừ vào tiền lương cứng của mình. Có khi chỉ được 20.000 một ca".
Không chỉ có nỗi lo không bán được chiếc sim nào, các bạn còn lo sợ sẽ làm mất sim vì nhiều khi lượng người vào xem đông trong khi chỉ có 2 nhân viên bán hàng, một người thì mải tư vấn, người còn lại cũng không thể quan sát hết các vị khách hàng nên rất dễ bị mất cắp. Loan cho hay: "Hôm vừa rồi mình đi bán sim vừa tư vấn bán được cho khách một cái xong quay lại đã mất 6 chiếc sim rồi, tính ra là hơn 600.000. Nghi ngờ một thanh niên lấy mất, chạy lại hỏi thì người này chối bay. Tiếp tục đi theo quan sát thì người này gọi thêm thanh niên tới. Vậy là sợ, chẳng dám làm gì nữa, chấp nhận nộp tiền phạt thôi".
Những người làm 2 ca một ngày được công ty hỗ trợ bữa ăn trưa với giá 10.000 đồng và mỗi người lại phải bỏ ra 5.000 nữa trừ vào tiền lương để có được một suất cơm bình dân 15.000. Nếu ai không ăn cũng sẽ không được nhận số tiền ăn hỗ trợ đó. Những người ăn thì được đưa hết về một quán cơm đã được bắt mối trước. Ăn xong bữa trưa tất cả lại cùng ngồi nghỉ tại một gác nhỏ của một cửa hàng sim, thẻ, cầm đồ trên đường Vũ Hữu cho tới giờ làm ca chiều. Căn phòng nhỏ chỉ khoảng 20m2 lại không sạch sẽ, chỉ có vài chiếc chiếu trải ngay xuống nền nhà và một cái quạt điện duy nhất trong khi thời tiết mùa hè nắng nóng, hơn nữa có những hôm còn có tới gần 20 nhân viên nghỉ tại đây. Nghỉ ngơi trong gian phòng đó thi thoảng còn bị chủ nhà quát, mắng vì gây ồn ào.
Nơi nghỉ trưa là một căn gác nhỏ, hẹp và không được sạch sẽ
H.Q - sinh viên năm cuối, sau một thời gian làm viêc thì xin nghỉ vì không thể chấp nhận được một công việc bóc lột sức lao động này: "Đáng ra là mình định nghỉ ngay sau khi kí hợp đồng nhưng bị giữ chứng minh nhân dân và phải làm tới 4 ngày mình mới lấy lại được".
Cùng chung cảnh ngộ, Giang cố gắng chờ đợi tới nửa tháng để được nhận lương rồi xin nghỉ nhưng thật đau lòng khi nghe chị quản lý nói rằng: "Em phải làm đủ 26 công chị mới trả lương cho em được. Làm theo ca hay làm cả ngày cũng vậy thôi". Nghe xong Giang quyết định bỏ việc luôn và coi như thời gian đi làm vừa qua là thời gian thử việc không công.
Ngày nào công ty cũng có thêm một vài em sinh viên bị "sa lưới". Quả là những thông tin được ghi trên tờ rơi đã có sức hấp dẫn quá lớn với những người muốn tìm việc làm thêm.
THANH GIANG
Theo Infonet
Cử nhân loại giỏi vẫn thất nghiệp Nhiều cử nhân tốt nghiệp loại giỏi vẫn thất nghiệp vì thiếu kỹ năng làm việc. Thực tế, những gì họ được học trên giảng đường rất xa lạ với nhu cầu tuyển dụng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN), cho hay trung tâm từng nhận được nhiều hồ sơ xin tuyển dụng của...