Mối lo thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ các nước phát triển
Tân cử nhân, thạc sĩ tại các nền giáo dục hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia cũng phải đối mặt vấn đề thất nghiệp do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua (5,4%). Tuy nhiên, sinh viên vừa ra trường chiếm 40% số người không tìm được việc làm, theo The Fiscal Times.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Giáo dục Bậc cao (HESA) cho thấy, ở Anh, tỷ lệ thất nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2015 giảm xuống còn 5,3%, thấp hơn so với tỷ lệ 10,8% của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khoảng 16.730 tân cử nhân, thạc sĩ tại Anh không tìm được việc làm, chiếm 7%, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Trong EU, hơn 30% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc làm công việc không đúng chuyên ngành.
Thất nghiệp là mối lo của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Getty Images.
Ở Australia, chỉ 68% tân cử nhân có công việc ổn định. Đây là tỷ lệ thấp nhất tính từ năm 1982.
Bằng cấp thôi chưa đủ
Bằng cấp là căn cứ để các nhà tuyển dụng đưa ra những đánh giá bước đầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của ứng viên. Theo Anthony Carnevale, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Lao động thuộc Đại học Georgetown, trước đây, người lao động chỉ cần tấm bằng trung học cũng có thể xin được công việc tử tế. Nhưng đối với những người sinh từ năm 1980, bằng cử nhân là yêu cầu tối thiểu để họ có thể tham gia thị trường lao động.
Đây cũng là lý do giới trẻ những nước phát triển như Mỹ, Anh Australia cố gắng giành một suất tại các trường đại học và tích cực tham gia những khóa học cần thiết đối với nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, Ben Miller, nhà phân tích chính sách giáo dục tại Tổ chức New America, cho rằng: “Bạn tốt nghiệp với thành tích khá ổn cùng hàng loạt giấy chứng nhận hoàn thành các khóa học. Bạn cầm chúng đi xin việc nhưng thiếu kinh nghiệm. Bằng cấp thôi chưa đủ để giúp các bạn tìm được công việc ổn định lương cao”.
Theo khảo sát của Đại học Bentley, Mỹ, khoảng 75% nhà tuyển dụng cho rằng, sinh viên vừa tốt nghiệp chưa sẵn sàng làm việc do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng mềm. Đây là quan điểm chung của tất cả các chủ lao động và cũng là vòng tròn bế tắc đối với tân cử nhân, thạc sĩ trên thế giới.
Họ chưa có kinh nghiệm trong khi hầu hết nhà tuyển dụng đều yêu cầu “món” này. Không có việc làm, họ không thể tích lũy kinh nghiệm.
Video đang HOT
Tác giả, nhà kinh tế học người Mỹ Brian Kim, đưa ra 10 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, thiếu kinh nghiệm là lý do chủ yếu. Đây là điểm yếu lớn nhất mà họ phải khắc phục trong thị trường lao động ngày càng mang tính cạnh tranh cao.
Ngoài ra, những người thiếu kỹ năng ngoài chuyên môn cũng có cơ hội tìm việc thấp hơn. Theo ông, kiến thức tin học và lợi thế lớn nhất đối với người lao động. Điều này tương tự việc một ứng viên thông thạo ngoại ngữ luôn chiếm ưu thế khi xin việc tại Việt Nam.
Có thêm kỹ năng khác ngoài chuyên môn là lợi thế lớn khi xin việc. Ảnh: Getty Images.
Một nguyên nhân khác là họ thiếu mối quan hệ. Những lời nhận xét tích cực từ đồng nghiệp khiến các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên cao hơn. Khả năng viết lý lịch và thư ứng tuyển, kỹ năng trả lời phỏng vấn kém cũng khiến những sinh viên mới tốt nghiệp mất cơ hội.
Ngoài ra, họ thiếu sự từng trải nên dễ dàng từ bỏ và lựa chọn một công việc đơn giản, lãng phí quãng thời gian học tập tại đại học cùng những tấm bằng từng nỗ lực để đạt được.
Lời khuyên cho vấn đề thất nghiệp
Thất nghiệp không chỉ là nỗi lo của người lao động. Nó còn kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vì thế, giải quyết vấn đề này luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ.
Trong bài viết được đăng trên tạp chí Fortune, Gloria Larson, Hiệu trưởng Đại học Bentley, và Karen Kaplan, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Hill Holiday, tập đoàn quảng cáo hàng đầu tại Mỹ, đưa ra lời khuyên 5 bước giúp sinh viên sẵn sàng tìm việc sau khi tốt nghiệp.
Các đại học nên kết hợp giảng dạy và thực hành thông qua câu lạc bộ, các chương trình trao đổi sinh viên. Cách tiếp cận kép này giúp sinh viên áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, từng bước chuyển đổi từ sinh viên thành nhân viên.
Trường cần hợp tác doanh nghiệp để cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nó cũng giúp lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn. Doanh nghiệp có sẵn đội ngũ nhân viên mới giàu kiến thức, kinh nghiệm, sẵn sàng làm việc cho họ.
Sinh viên các ngành, kể cả ngành nghệ thuật hay triết học, cần tham gia khóa học kinh doanh. Mục đích chính của sinh viên luôn là kiếm được lợi nhuận lớn nhất từ những gì họ học tại trường. Khóa học kinh doanh mang lại cho họ khởi đầu tốt nhất sau khi tốt nghiệp.
Dan Everett, Trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật tại Đại học Bentley, giải thích: “Ngay cả Shakespeare cũng phải quản lý và bán các tác phẩm của bản thân”.
Tất cả sinh viên nên trải qua quá trình thực tập. Nó không chỉ mang lại kinh nghiệm, ưu thế lớn khi xin việc, mà còn giúp họ nhận ra liệu công việc đó có phù hợp hay không.
Trường học nên cung cấp dịch vụ việc làm, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên từ năm nhất. Nhiều người cho rằng, tìm việc là vấn đề sau khi tốt nghiệp và lãng phí khoảng thời gian 4, 5 năm vào tiệc tùng hay chạy theo kiến thức sách vở. Họ thiếu định hướng nghề nghiệp, các mối quan hệ và hiểu biết về nhà tuyển dụng, những nguyên nhân chính khiến tân cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm.
Những bước trên có thể không giải quyết dứt điểm vấn đề thất nghiệp nhưng chúng giúp sinh viên có được nền tảng tốt nhất. Nền kinh tế mỗi quốc gia và toàn thế giới phụ thuộc lớn vào lực lượng lao động có hàm lượng tri thức cao. Vì thế, tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cần phải chấm dứt để không lãng phí nguồn lực quan trọng này.
Theo Zing
Thạc sĩ, tiến sĩ Mỹ bế tắc vì thất nghiệp
Thị trường việc làm ở Mỹ đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tân cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ vẫn là đối tượng chiếm tỷ lệ thất nghiệp cao, vì thiếu kinh nghiệm.
Năm 2015, khoảng 2,8 triệu tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ gia nhập lực lượng lao động của Mỹ. Đây cũng là năm tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hạ xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, 5,4%, theo The Fiscal Times.
Sinh viên vừa tốt nghiệp sẵn sàng làm việc bán thời gian như phục vụ tại quán rượu chờ tìm việc đúng chuyên ngành. Ảnh: The New York Times.
Tuy nhiên, Anthony Carnevale, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Lao động thuộc Đại học Georgetown, cho biết, sinh viên vừa ra trường chiếm 40% số người không tìm được việc làm.
Tỷ lệ giảm nhưng tình hình chưa ổn định
Tháng 5/2015, 13,8% người trong độ tuổi từ 19 đến 25 thất nghiệp, giảm so với tỷ lệ 14,2% hồi tháng 1. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này ở mức 15,4%. Đây là chuyển biến tích cực nhưng vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước Mỹ.
Nghiên cứu của trung tâm Carnevale thuộc Đại học Georgetown chỉ ra rằng, tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng nhất đối với lao động trong độ tuổi 21 - 25.
Một tân thạc sĩ 25 tuổi yêu cầu giấu tên cho biết, cô đang làm nhân viên phục vụ tại quán rượu trong khi nỗ lực tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành.
"Tìm việc rất khó. Các nhà tuyển dụng không muốn chi thêm tiền để trả cho tấm bằng của người lao động, chưa kể có quá nhiều người bằng cấp cao để họ lựa chọn", cô nói.
Theo Jacqui Martinez, nhân viên phòng tư vấn 31 ở Dallas, sinh viên mới tốt nghiệp không đòi hỏi một công việc tốt, lương cao mà chỉ cần kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì thế, họ thường nhận mức lương thấp.
Tuy nhiên, ngày nay, vấn đề trở nên khó khăn hơn vì sinh viên còn phải kiếm tiền trả nợ. Bên cạnh nguy cơ thất nghiệp, những người thuộc thế hệ sinh từ năm 1980 đến năm 2000 còn phải đối mặt vấn đề học phí cao và nợ sinh viên.
Hiện tại, trung bình mỗi sinh viên gánh khoản nợ 33.000 USD sau khi nhận bằng. Trong khi đó, học phí tại các trường Mỹ không có dấu hiệu giảm. Nợ nhiều khiến họ phải cố gắng tìm công việc lương cao thay vì thỏa hiệp với đồng lương chỉ đủ chi tiêu.
Nhiều người nộp đơn ứng tuyển đến hơn 60 lần mới tìm được một công việc tạm ổn.
Nguyên nhân thất nghiệp
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thất nghiệp là thiếu kinh nghiệm.
Gần 3/4 nhà tuyển dụng phàn nàn rằng, sinh viên vừa tốt nghiệp chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc họ ứng tuyển, dù nó đúng với chuyên ngành họ học. Các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và học giả cũng đưa ra đánh giá tương tự.
62% nhà tuyển dụng khẳng định, họ sẽ không tuyển một người thiếu kinh nghiệm, có thể gây ảnh hưởng hiệu suất của toàn công ty.
Thiếu kỹ năng mềm cũng là vấn đề nghiêm trọng. Theo khảo sát của Trung tâm Giải pháp Lao động thuộc Cao đẳng Cộng đồng St. Louis, hơn 60% nhà tuyển dụng cho rằng, các ứng viên không có kỹ năng giao tiếp và tương tác tốt. Nhiều người khẳng định, phần lớn tân cử nhân, thạc sĩ thiếu khả năng tư duy phê phán, tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và truyền đạt thông tin bằng văn bản.
Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng khiến những người vừa tốt nghiệp khó được các nhà tuyển dụng lựa chọn. Họ còn khó nhận những việc đơn giản, vốn chỉ dành cho người mới vào nghề, vì trong tình trạng thị trường lao động cung nhiều hơn cầu, những người đã có kinh nghiệm cũng sẵn sàng chấp nhận một công việc đơn giản.
Theo Zing
Vì sao bằng cấp cao khó tìm việc? Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi về thực trạng thất nghiệp và những bất cập trong thị trường lao động nước ta hiện nay. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, qua số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015, xét theo chiều người học hàn lâm (học chuyên nghiệp), học càng lên cao...