Mới có 10% thẻ ngân hàng được chuyển từ thẻ từ sang chip
Lãnh đạo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, tiến độ phát hành thẻ ngân hàng từ tháng 5/2019 chưa đạt như mong muốn, mới đạt khoảng 10% lượng thẻ chuyển sang thẻ chip.
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho biết, các ngân hàng đang tích cực triển khai áp dụng thẻ ATM theo chuẩn thẻ chip nội địa VCCS, tuân theo tiêu chuẩn quốc tế EMV theo tiến độ Ngân hàng Nhà nước đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa đạt mong muốn.
Cụ thể, tiến độ về thay thế thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) thì đang đảm bảo lộ trình, nhưng tiến độ phát hành thẻ chưa như mong muốn.
“Tiến độ phát hành thẻ còn phụ thuộc bản thân chủ thẻ, việc thông tin truyền thông của ngân hàng đến chủ thẻ. Vì vậy, tiến độ phát hành thẻ từ tháng 5 đến nay chưa đạt như mong muốn, hiện nay mới đạt khoảng 10% lượng thẻ chuyển sang thẻ chip.
Do vậy, cần sự cố gắng nỗ lực của các ngân hàng trong năm 2020, vì lộ trình của Ngân hàng Nhà nước là đến cuối 2021 các ngân hàng phải thay toàn bộ thẻ từ bằng thẻ chip” – ông Đào Minh Tuấn nói.
Tiến độ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip còn hạn chế
Riêng đối với Vietcombank, ông Đào Minh Tuấn khẳng định chắc chắn tiến độ sẽ đảm bảo theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
“Tức là đến cuối 2020 toàn bộ hệ thống máy ATM và máy POS sẽ đảm bảo chấp nhận thẻ chip theo chuẩn VCCS; đến hết 2021 sẽ phát hành và cố gắng thay thế toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip.
Ở đây tôi muốn nói là đảm bảo đủ lượng thẻ cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn. Nhưng việc thay thế, còn phụ thuộc vào chủ thẻ, còn phía ngân hàng sẽ phát hành đủ khi khách hàng có nhu cầu” – ông Đào Minh Tuấn cho biết.
Video đang HOT
Lãnh đạo Hội Thẻ ngân hàng cũng thông tin, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cho biết toàn bộ việc thay đổi thẻ từ sang thẻ chip cho chủ thẻ là miễn phí.
Trong 2 năm tới, sự phát triển của nền tảng chip và những tiện ích, dịch vụ gia tăng được tích hợp trên thẻ chip thì việc thay thế chuẩn VCCS sẽ là nền tảng để giúp ngân hàng gia tăng nhiều dịch vụ khác, nhiều tiện ích xã hội khác như y tế, giáo dục trên thẻ chip ngân hàng.
Thẻ chip nội địa được 7 ngân hàng đầu tiên của Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt ngày 28/5/2019.
Theo lộ trình của NHNN đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc.
Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS) vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội.
Hiện nay, Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM, trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo anninhthudo.vn
Siết thẻ tín dụng, thông điệp mạnh tay từ Ngân hàng Nhà nước
Trước sự bùng nổ của thẻ tín dụng và thẻ ATM, Ngân hàng Nhà nước mới đây liên tục có những điều chỉnh nhằm siết lại hoạt động trong lĩnh vực này nhằm hạn chế tình trạng gian lận thẻ đang có chiều hướng gia tăng.
Cấm sử dụng thẻ ra nước ngoài mua bán ngoại tệ
Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước đang trình Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Trong đó, dự thảo bổ sung nhiều quy định theo hướng siết hoạt động của thẻ ATM và thẻ tín dụng bao gồm cả thẻ do ngân hàng và công ty tài chính phát hành.
Đáng lưu ý, một trong những nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung là cấm sử dụng thẻ để thanh toán ra nước ngoài cho các giao dịch kinh doanh, mua bán ngoại tệ, chứng khoán trên sàn thương mại điện tử nước ngoài; sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng thời, cấm thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ.
Không được chuyển khoản vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thẻ ATM, thẻ tín dụng.
Chẳng hạn, dự thảo quy định lại phạm vi sử dụng của thẻ tín dụng và thẻ trả trước vô danh. Thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ.
Chủ thẻ tín dụng sẽ không được chuyển khoản vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước, trừ trường hợp chuyển khoản vào tài khoản, thẻ trả trước của đơn vị chấp nhận thẻ với mục đích trả tiền hàng hóa, dịch vụ.
Tương tự, thẻ trả trước vô danh chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại thiết bị chấp nhận thẻ ở Việt Nam và không được sử dụng để giao dịch trên Internet, thiết bị di động. Đồng thời, chủ thẻ trả trước vô danh cũng không được rút tiền mặt tại ATM.
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải đảm bảo hoạt động kinh doanh của đơn vị chấp nhận thẻ trước khi ký kết hợp đồng.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại rủi ro lần đầu và định kỳ với đơn vị chấp nhận thẻ phù hợp với đặc điểm ngành, nghề kinh doanh.
Chặn việc rút tiền, mua bán "khống" từ thẻ tín dụng
Trước đó, đầu tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 6410/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế, NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, yêu cầu tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.
Theo đó, NHNN yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán phải rà soát lại nội dung hợp đồng với những điểm chấp nhận thẻ là các cửa hàng, nhà phân phối,... sửa đổi hợp đồng đã ký. Đặc biệt, kiểm tra toàn bộ quy trình nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Về nguyên tắc, thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán hoặc rút tiền tại máy ATM
Đối với thẻ tín dụng, phải có quy định rõ về phạm vi sử dụng thẻ tín dụng theo quy định, như: thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; rút tiền mặt tại POS được lắp đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ thẻ triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn (từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán), không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định.
Những quy định trên của NHNN nhằm kiểm soát hiện tượng các ngân hàng thương mại chuyển tiền từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân, không đúng với quy định hiện hành.
Gần đây còn xuất hiện tình trạng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Cụ thể, một số công ty có hợp đồng hợp tác với ngân hàng để áp dụng kênh thanh toán thẻ Visa hoặc POS vào việc chấp nhận thanh toán các giao dịch mua bán hàng hóa. Những công ty này sẽ giúp chủ thẻ rút toàn bộ hạn mức tín dụng được cấp bằng tiền mặt để dùng vào mục đích khác thay vì mua sắm hàng hóa qua thẻ.
Về bản chất, đây là hình thức giao dịch khống vì máy POS chỉ có chức năng thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ. Do lãi suất rút tiền mặt trên thẻ tín dụng thấp hơn vay ngân hàng nên nhiều người đã sử dụng cách này để rút tiền mặt.
Chẳng hạn, nhiều chủ thẻ tín dụng được nhân viên của một số ngân hàng tư vấn cho vay tiêu dùng với lãi suất 1,69%/tháng (20,28%/năm). Các chủ thẻ tín dụng chỉ cần đề nghị ngân hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại các ngân hàng khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng. Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng.
Trong khi đó, nếu như rút tiền tại các điểm giao dịch ngân hàng, khách hàng phải chịu mức phí cao lên đến 4%. Chưa kể, do núp bóng dưới hình thức thanh toán mua hàng nên chủ thẻ lại được ngân hàng miễn lãi 45 ngày, còn nếu rút tiền mặt tại ATM ngân hàng sẽ tính lãi ngay. Do vậy nhiều người đã rút tiền theo hình thức lách luật này.
Ng. Hà
Theo Vietnamnet.vn
Cô gái may mắn tìm được ví tiền nhờ CSGT Chiều 27/10, một chiến sĩ cảnh sát của Đội CSGT số 14 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nhặt được một chiếc ví khi đang làm nhiệm vụ. Nhận được thông tin người mất đăng trên mạng xã hội, chiến sĩ này đã chủ động liên lạc với người đánh mất để trả lại. Vào khoảng 16h5' ngày 27/10, chị Đỗ...