Mỗi chương trình một kiểu
Mỗi trường có nhiều chương trình tiếng Anh nhưng mỗi chương trình mỗi kiểu, thiếu sự liên thông giữa các chương trình, giữa các cấp học.
Giờ toán đầu tiên chương trình dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM). Bài học nhẹ nhàng về cách đọc các số dương, số âm, phép tính lũy thừa, căn bậc 2… bằng tiếng Anh. Lớp học sinh động với bảng thông minh, thầy trò giao tiếp bằng tiếng Anh. Không khí hào hứng hơn với phần làm bài toán đố vui bằng tiếng Anh.
Đây là bài học do giáo viên trường này tự soạn với mục tiêu nhẹ nhàng: trang bị thêm những khái niệm, từ ngữ bộ môn bằng tiếng Anh, giúp HS biết cách trình bày bài toán bằng tiếng Anh, qua đó các em sẽ yêu thích môn ngoại ngữ.
Đứt đoạn giữa chừng
Năm học 2012, TP.HCM có tám trường THPT có dạy Chương trình này. Chương trình đã triển khai từ năm học trước nhưng nói như hiệu trưởng một trường có dạy môn toán bằng tiếng Anh: “Khó khăn trong việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh là chưa có chương trình thống nhất giữa các trường. Cũng chưa có quy định chung về việc kiểm tra đánh giá sẽ thực hiện như thế nào, theo chuẩn nào, học xong sẽ được cấp bằng hay chứng nhận gì không…”.
Giờ học tăng cường tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sĩ, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Trong khi đó, chương trình tăng cường tiếng Anh đã thực hiện hơn mười năm qua từ tiểu học đến THPT tại TP.HCM lại vướng phải chuyện đứt đoạn giữa các cấp học.
Chị T.H., phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết con chị học tăng cường tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9. Khi trúng tuyển vào lớp 10, trường không dạy chương trình tiếng Anh tăng cường thành ra lãng phí. Đây là một trong những trường hợp phải đứt đoạn quá trình học tăng cường tiếng Anh. TP.HCM có gần 30 trường THPT có lớp tăng cường tiếng Anh nhưng với phương thức tuyển sinh lớp 10 hiện tại, nếu không trúng tuyển vào đúng trường có lớp tăng cường tiếng Anh, HS phải học chương trình tiếng Anh bình thường.
Đầu năm học 2012, ngoài chương trình dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu chương trình THPT Cambridge dự kiến mở tại trường này. Theo đó, phụ huynh sẽ được chọn lựa một trong hai chương trình: chương trình 6 tiết, HS sẽ học hai môn toán và tiếng Anh, học phí hơn 3,7 triệu đồng/tháng chương trình 8 tiết, học phí hơn 5 triệu đồng/tháng, ngoài hai môn toán và tiếng Anh, có thêm môn khoa học (gồm ba môn lý, hóa, sinh) hoặc môn kinh doanh. Cả hai chương trình đều dạy trong 24 tháng với đầu ra là bằng THPT Cambridge.
Video đang HOT
Mơ hồ lối ra
Trong khi những phụ huynh có con học tiểu học và THCS hào hứng với chương trình này, phụ huynh và HS THPT thận trọng hơn với tính liên thông của nó. Một phụ huynh băn khoăn: vì sao cùng là chương trình Cambridge nhưng một bên học hai môn, bên kia học ba môn, và bằng cấp sẽ như thế nào, liệu có liên thông với tất cả các trường ĐH quốc tế hay không… khi nhiều trường vẫn yêu cầu phải đủ điểm IELTS hoặc TOEFL mới được dự tuyển. Ngay cả trường ĐH quốc tế tại VN vẫn yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL. Chị băn khoăn: ngay tại trường ĐH trong nước còn chưa chắc liên thông được, nên phải cân nhắc thêm trước khi cho con theo học chương trình này.
Với quyết tâm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho HS, Sở GD-ĐT TP.HCM có kế hoạch tuyển khoảng 100 giáo viên nước ngoài đưa về các trường. Chính các trường nơi được hứa hẹn sẽ có một biên chế giáo viên nước ngoài băn khoăn chưa rõ chi phí lương cho giáo viên ngoại này bao nhiêu, kinh phí từ đâu. Nếu phải huy động phụ huynh chi lương cũng cần cân nhắc thêm.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con học tiếng Anh nhiều năm bày tỏ sự lo lắng khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình tiếng Anh bắt buộc (từ lớp 3). “Như thế con tôi sẽ phải học lại từ đầu, lãng phí thời gian, kinh phí” – một phụ huynh có con học Trường phổ thông Việt – Úc (Hà Nội) lo lắng. Nhiều phụ huynh khác phản ảnh “do học nhiều chương trình khác nhau, mỗi chương trình dạy phát âm một kiểu, giờ thêm chương trình của bộ nữa thì không biết theo cái nào”.
Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Sở đã hướng dẫn các trường tiểu học dạy tiếng Anh tăng cường linh hoạt trong việc biên soạn chương trình liên thông với chương trình của đề án do Bộ GD-ĐT chỉ đạo. Hiện các trường đang thí điểm dạy tiếng Anh theo đề án quốc gia về dạy học ngoại ngữ (lớp 3, 4, 5) tại Hà Nội vẫn đồng thời dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, nhưng chú trọng dạy nghe nói. Chương trình của Bộ GD-ĐT sẽ được các trường, giáo viên biên soạn phù hợp, có tính tiếp nối, không dạy lại kiến thức đã học. Giáo viên dạy “tăng cường” cũng đảm nhận dạy theo chương trình của đề án, thời lượng dạy thí điểm tiếng Anh theo đề án. Các trường này thống nhất triển khai dạy 4 tiết/tuần.
Theo ông Cao Huy Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt – Úc (TP.HCM): “Trong ngôn ngữ, cần chấp nhận một sự thật là có HS tiếp thu nhanh, tốt hơn người khác và ngược lại. Vì thế, không nên bắt buộc HS phải “xếp hàng ngang” theo học một chương trình nhất định. Theo tôi, cần có nhiều chương trình để HS chọn lựa phù hợp nhất với năng lực, hoàn cảnh gia đình… của mình”.
Tuy nhiên theo ông Thảo, trong bối cảnh như hiện nay, việc giải thích cho phụ huynh, HS hiểu về chuẩn chương trình, mục tiêu hướng tới của mỗi chương trình cũng như phương tiện học tập, mức học phí… là rất quan trọng và cần thiết. Không nên để phụ huynh mơ hồ về những vấn đề này.
Khi đã chấp nhận tồn tại cùng lúc nhiều chương trình thì cần có sự liên thông giữa các cấp học.
Đánh giá hiệu quả chương trình Cambridge: ít nhất 5 nămHiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM nói: Chúng ta đưa vào trường quá nhiều chương trình nhưng hiện tại chưa có chương trình chỉn chu nào cho mọi HS được hưởng thụ.Về lâu dài phải tính đến cơ hội học tập công bằng cho mọi HS. Những HS vừa có khả năng tiếng Anh, gia đình vừa có tiền có thể học chương trình Cambridge, nhưng còn những em có thể học tiếng Anh tốt nhưng gia đình không thể đáp ứng mức học phí cao của chương trình này thì sao? Hoặc như những em hội đủ điều kiện học CT Cambridge nhưng trường các em học THCS (theo phân tuyến) không tổ chức được cũng không có cơ hội tiếp cận chương trình.Trước khi mở một mô hình mới cho đại trà và phải huy động phụ huynh đóng góp thêm phải tính đến chế độ chính sách, miễn giảm học phí để những HS khó khăn cũng được học. Như vậy, để đảm bảo mọi HS khó khăn cũng được hưởng quyền lợi như nhau.Riêng với chương trình Cambridge, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng để đánh giá cần thời gian ít nhất 5 năm, trong khi hiện mới thí điểm được hai năm. Đây là chương trình đáp ứng nhu cầu của một bộ phận phụ huynh có điều kiện vì mức học phí khá cao. Tuy nhiên, nếu so với mức học phí của trường quốc tế thì vẫn thấp hơn.
Theo tuổi trẻ
Một trường 3-4 chương trình tiếng Anh
Hàng loạt chương trình tiếng Anh đang được giảng dạy tại các trường phổ thông. Thế nhưng, mục tiêu từng chương trình như thế nào, hiệu quả ra sao... lại là câu hỏi đang bị bỏ ngỏ
Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM đang giảng dạy cùng lúc bốn chương trình tiếng Anh. Thứ nhất là chương trình tiếng Anh tăng cường: học sinh học tám tiết/tuần (trong đó có bảy tiết học với giáo viên người VN, học phí 50.000 đồng/tháng/học sinh, một tiết học với giáo viên người nước ngoài với học phí 70.000 đồng/tháng/học sinh).
Thứ hai là chương trình tiếng Anh tự chọn: học hai tiết hoặc bốn tiết/tuần, học phí 50.000 đồng hoặc 130.000 đồng/tháng/học sinh (tùy thuộc vào việc nhà trường phối hợp với trung tâm ngoại ngữ nào để giảng dạy), có học với người nước ngoài.
Một buổi học tiếng Anh theo chương trình Cambridge của học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Thứ ba là chương trình tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT: học sinh học miễn phí với giáo viên người Việt, nếu học sinh nào có nhu cầu học với giáo viên người nước ngoài thì đóng thêm 70.000 đồng/tháng/học sinh.
Và thứ tư là chương trình Cambridge (học tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh): học sáu tiết/tuần, học phí đóng ba tháng/lần hơn 9 triệu đồng.
Từ trong nước đến nước ngoài
Về lâu dài, thành phố sẽ chỉ thực hiện giảng dạy một chương trình tiếng Anh. Tuy nhiên, trong điều kiện như hiện nay thì cần nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau để học sinh ở bất cứ điều kiện nào cũng có thể tiếp cận với tiếng Anh ngay từ lớp 1"Ông Nguyễn Hoài Chương (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Không riêng gì Trường tiểu học Kỳ Đồng, rất nhiều trường học khác tại TP.HCM đang triển khai cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh. Trong hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 bậc giáo dục tiểu học TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã chỉ đạo: "Tất cả các trường đều phải thực hiện ít nhất một chương trình tiếng Anh để học sinh được tiếp cận với tiếng Anh. Trường nào có điều kiện thì thực hiện nhiều chương trình cùng lúc".
Và trên thực tế, chỉ những trường ngoại thành hoặc trường ở vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn trong việc triển khai dạy tiếng Anh. Đa số các trường ở nội thành đều đã thực hiện từ 2-4 chương trình.
Ở bậc trung học, nhiều trường đã phát triển thêm các chương trình luyện nghe nói với người nước ngoài, phần mềm nước ngoài. Đơn cử như ở Trường THPT Lương Thế Vinh, với mục tiêu tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh, hiện nay học sinh trường này học 9-18 tiết tiếng Anh/tuần. Trong đó chương trình chính khóa sẽ được dạy trong sáu tiết, cộng thêm ba tiết học phòng lab với phần mềm luyện nghe nói của ĐH Michigan (do giáo viên của trường dạy). Học sinh lớp tiếng Anh tăng cường sẽ học thêm ba tiết giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài (tổng cộng 12 tiết).
Những học sinh THCS học chương trình Cambridge và học sinh lớp 10 học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh sẽ học thêm sáu tiết nữa (ngoài chín tiết chung), tổng cộng là 15 tiết. Như vậy, học sinh học tiếng Anh tăng cường sẽ học tối đa 18 tiết/tuần.
Chẳng những thế, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay 10 trường THPT sẽ tổ chức lớp dạy tiếng Anh các môn toán, lý, hóa, sinh. Không như những chương trình tiếng Anh khác chỉ cần giáo viên tiếng Anh, chương trình này đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải đúng chuyên môn và giỏi tiếng Anh.
Lớp Cambridge 28 học sinh, không Cambridge hơn 40
Giải thích về cách thức triển khai các chương trình, bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 - cho biết tất cả chương trình giảng dạy tiếng Anh trong trường đều do phụ huynh tự nguyện đăng ký học. Đặc thù là học sinh vào học ngay từ lớp 1 và không kiểm tra đầu vào nên không biết khả năng học ngoại ngữ như thế nào. Sau một thời gian học, nếu theo không kịp thì có thể chuyển qua lớp khác, học chương trình khác phù hợp với lực học của mình hơn. Bà Lê Thị Ngọc Điệp đưa ví dụ năm học này, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 12/400 học sinh chuyển từ lớp Cambridge ra lớp thường.
Tuy nhiên trên thực tế, các chương trình tiếng Anh còn gắn liền với nhiều ràng buộc khác. "Chỉ những lớp nào học sinh có học tiếng Anh tăng cường thì mới được bán trú. Vợ chồng tôi phải nhờ vả nhiều người mới xin được một suất học tiếng Anh tăng cường chứ không phải dễ. Mục đích chính để con mình được học bán trú thôi, chứ mỗi tuần hai buổi cháu vẫn phải đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ" - chị Nghĩa, một phụ huynh học sinh lớp 2 ở Q.Tân Bình, cho biết.
Chẳng những thế, một phụ huynh có con học chương trình Cambridge tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) thổ lộ: "Nhìn qua lớp thường (tức là không học chương trình Cambridge) tôi "dội" liền, bàn ghế cũ kỹ, phòng học chỉ có quạt mà con mình thì đã quen với máy lạnh. Điều quan trọng nhất là sĩ số học sinh quá đông sẽ khó đạt chất lượng. Lớp Cambridge chỉ có 28 học sinh, bàn ghế, trang thiết bị hiện đại, tiện lợi... trong khi các lớp thường sĩ số hơn 40 học sinh".
Cảm nhận của phụ huynh trên không phải không có cơ sở, bởi thực tế trường nào muốn thực hiện chương trình Cambridge phải đảm bảo cơ sở vật chất: phòng học máy lạnh, trang thiết bị dạy và học hiện đại, sĩ số dưới 30 học sinh/lớp...Với chương trình tiếng Anh tăng cường, Sở GD-ĐT quy định sĩ số không được quá 40 học sinh/lớp. Còn với chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh theo đề án 2020 thì sĩ số... tùy thuộc vào tình hình phòng ốc của trường. Tại nhiều trường có lớp tiếng Anh tự chọn, sĩ số lên đến 55 học sinh/lớp.
Hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM chia sẻ trong số các chương trình hiện tại, chương trình Cambridge đang được kỳ vọng nhiều nhất. Có phải vì vậy mà đang có sự ưu ái đặc biệt dành cho chương trình này? Và đây có phải là lựa chọn "thời thượng" dành cho phụ huynh?
Hà Nội: 300 trường tiểu học dạy tiếng AnhTheo ông Phạm Xuân Tiến - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 300 trường tiểu học đang triển khai nhiều chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức tự chọn cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Nhưng chỉ có 3-4 chương trình được Sở GD-ĐT Hà Nội thẩm định và kiểm soát được chất lượng dạy học.Dù với hình thức "tự chọn" nhưng ở những nơi tổ chức tiếng Anh tăng cường, đại đa số phụ huynh đăng ký cho con học. Một số nơi thu hút phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh bằng cách đưa chương trình này vào các lớp "chất lượng cao", nên phụ huynh muốn con học "chất lượng cao", muốn chọn thầy, cô giáo tốt thì phải đăng ký tiếng Anh. Một số trường dùng giáo trình được biên soạn trong nước nhưng đa số các trường sử dụng giáo trình do nước ngoài thiết kế, như giáo trình Magic time, Let's go, Super kids, Summer school, WaltDisney, Let's learn...Không chỉ trường tiểu học, hàng trăm trường mầm non trên địa bàn Hà Nội cũng đua nhau đưa tiếng Anh vào chương trình cho trẻ từ 3-5 tuổi. 100% trường treo biển "chất lượng cao" đều dạy tiếng Anh.V.Hà
Theo tuổi trẻ
Học sinh chán môn Sử, các thầy giáo nghĩ gì? Trong các bộ môn khoa học ở trường phổ thông, lịch sử là môn học do đặc thù của nó dễ gây hứng thú và khơi dậy niềm đam mê nhưng chúng ta đang đối mặt với một thực tế: học sinh bây giờ phần đông chán sử, không hứng thú học sử và sợ thi sử. Đó là một nghịch lý. Có...