Mời chào luyện thi IELTS từ mẫu giáo, tiểu học: Các cú lừa từ sự hào nhoáng
Đón đầu cơn sốt cho con học IELTS của các phụ huynh, nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra hàng loạt quảng cáo chào mời luyện thi IELTS, thậm chí từ mẫu giáo.
Sự “hào nhoáng” của chứng chỉ IELTS đã khiến không ít gia đình trở thành nạn nhân của kiểu lừa “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Một quảng cáo lớp IELTS online cho trẻ mầm non, cấp 1, cấp 2. Ảnh: H.N
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Luôn muốn con mình giỏi ngoại ngữ nên khi con bắt đầu lên 5 tuổi, chị Đặng Thị Toàn (36 tuổi, quê Nghi Lộc, Nghệ An) bắt đầu tìm kiếm các lớp dành cho trẻ nhỏ. Qua tìm hiểu trên mạng, chị Toàn bắt gặp một khóa học online của cô giáo L.N ở Đống Đa, Hà Nội. Theo quảng cáo, cô giáo này mở lớp cho trẻ ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, cấp 1, cấp 2.
“Đằng nào cũng phải học nên tôi tìm cho con học lớp nào luyện thi IELTS thì học luôn vì thấy được nhắc đến rất nhiều trong các kỳ thi, xét tuyển” – chị Toàn chia sẻ.
Quảng cáo là vậy nhưng khi phụ huynh cần được tư vấn kỹ hơn mới vỡ lẽ chỉ là chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó”. Phóng viên Lao Động trong vai một phụ huynh cần tìm lớp học cho con 5 tuổi theo địa chỉ trên, nhân viên tư vấn của lớp học này thừa nhận: “Học sinh mẫu giáo đôi khi tiếng Việt các con còn chưa sõi nên việc dạy tiếng Anh thì bao giờ cũng phải là song ngữ, giảng cho các con hiểu tiếng Việt trước rồi mới phát triển sang tiếng Anh, từ chủ đề đơn giản rồi mới phát triển sang các chủ đề khó hơn”.
Thế nhưng, người này vẫn khẳng định nếu các em đã biết đọc và viết thì chỉ cần học một khóa là được đào tạo 4 kỹ năng: Ngữ âm, ngữ pháp, nói và viết. Thời gian học với trẻ nào học nhanh là 4-5 tháng (1-2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 2 tiếng) đã có thể giao tiếp nguyên câu, phản biện được bằng tiếng Anh về nhiều chủ đề như trường công, trường tư, tại sao lương của giáo viên trường tư lại cao hơn… Nếu tính theo chuẩn khung Châu Âu tương đương bằng B1. Những bạn kém hơn chút mất khoảng 6 tháng và yếu hẳn thì được học đi học lại nhiều lần trong vòng 7-8 tháng.
Khi đề cập rõ hơn về học bao lâu có thể thi để lấy chứng chỉ IELTS như trong quảng cáo thì nhân viên này lý giải: “Bạn nhà mình mới học mẫu giáo mà chị đã định hướng thi IELTS thì cũng hơi bị sớm đó. Thông thường với những bạn này thì chị cứ cho các cháu học từ từ, khoảng 2-3 năm học giao tiếp thông thường trước đã rồi sau đó mới luyện IELTS cho con. Bên em có những bạn lớp 4, lớp 5 đã luyện IELTS” – nhân viên này chia sẻ.
Khi được vặn lại là nếu vậy thì có khác gì học tiếng Anh thông thường đâu, nhân viên này chống chế: “Nhưng mà khoá này của bên em bao giờ cũng định hướng cho các bạn chuyên sâu 4 kỹ năng để kết thúc khoá này là có thể chuyển lên IELTS luôn chứ không qua nhiều cấp độ nữa”.
Tương tự, tìm hiểu chung trên thị trường dạy tiếng Anh cho trẻ, do nhu cầu của phụ huynh “chuộng” IELTS nên nhiều quảng cáo đã được tung ra gắn với mắc IELTS nhưng thực chất là giúp trẻ làm quen và học tiếng Anh thông thường.
Theo quảng cáo một hệ thống trung tâm tiếng Anh C. với nhiều chi nhánh thì các khóa học IELTS chính được dàn trải từ khoảng 4-16 tuổi và chia làm các giai đoạn khác nhau. Phụ huynh có con ở lứa tuổi nào trung tâm cũng đáp ứng. Nhưng khi được hỏi sâu hơn về luyện thi IELTS cho trẻ 5 tuổi thì các nhân viên tư vấn đều thừa nhận rằng độ tuổi này chưa phù hợp để luyện ELTS và nhanh chóng giới thiệu các chương trình khác để cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, không ít trung tâm còn cũng mở các khóa học pre-IELTS (tiền IELTS)… cho trẻ nhỏ tuổi và khẳng định nội dung học sẽ xây dựng nền tảng học thuật cho trẻ có thể giải quyết mọi vấn đề cho bài thi IELTS và sau này muốn học IELTS lúc nào cũng được, sẽ rất dễ lấy điểm IELTS cao ngay lập tức.
Tùy danh tiếng của trung tâm, chất lượng giảng viên và tần suất học, học phí có thể dao động từ 4-6 triệu đồng/khoá hoặc 3-8 triệu đồng/tháng.
Mộng tưởng về IELTS
Hiện nay, không ít phụ huynh có con đang học tiểu học cũng đã cho con theo các lớp luyện IELTS với hy vọng sẽ có nền tảng để học tốt tiếng Anh sau này. Thậm chí có người mộng tưởng IELTS sẽ là “tấm bùa hộ mệnh” để vượt qua các kỳ thi, xét tuyển.
Chỉ cần vào google, tìm kiếm từ khóa “chứng chỉ IELTS” sẽ thấy hàng triệu kết quả. Trên facebook cũng ngập tràn các quảng cáo, trang hội nhóm học tiếng Anh, thi IELTS…
Ngoài mục đích mong muốn con có chứng chỉ IELTS để được tuyển thẳng vào một vài trường THCS, THPT, hay vào trường chuyên, cho con đi du học thì một số phụ huynh còn cho rằng đây là thước đo chuẩn mực cho quá trình học tiếng Anh.
Chị Nguyễn Mai (một giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội) chia sẻ đã có những phụ huynh liên lạc để xin cho con học IELTS từ sớm. Theo chị Mai, phụ huynh không nên ép trẻ học và thi IELTS quá sớm, có một số trung tâm quảng cáo nhận học trò từ lớp 6. Tuổi đó các con còn quá non nớt và chưa đủ kiến thức, hiểu biết xã hội để đương đầu với những đề tài có phần rộng lớn, phức tạp và mang tính học thuật trong IELTS.
Nữ giáo viên này bày tỏ đề thi IELTS là loại mang tính học thuật bao trùm cả về chính trị, toàn cầu hoá… Với nhiều học sinh, ngay trong Tiếng Việt còn chưa hiểu những khái niệm này mà giờ phải luyện đọc, nghe và viết bằng Tiếng Anh.
Khi nào thi IELTS là phù hợp?
Bày tỏ quan điểm về độ tuổi nào học IELTS là hợp lý, TS Trần Minh Hoàng – tác giả bộ sách về “Làm chủ tiếng Anh từ gốc” cho rằng nếu xét trong bối cảnh của hệ thống giáo dục Việt Nam thì thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu học IELTS là từ lớp 7-8, sớm hơn có thể là khi các em đang học lớp 6. Tuy nhiên, ông Hoàng nhấn mạnh đây là thời gian học chứ không phải luyện thần tốc, cấp tốc như nhiều phụ huynh lầm tưởng. Các em cần có khoảng 3-4 năm để rèn luyện tư duy bằng tiếng Anh, khả năng nói và viết sẽ được phát triển toàn diện.
Từ đó suy ra, thời điểm tốt nhất để thi IELTS quốc tế là năm lớp 11, lúc đó các học sinh sẽ không bị quá áp lực của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Ngoài ra, trong trường hợp kết quả chưa được như mong muốn thì còn có thời gian để ôn luyện, thi thêm lần nữa để kết quả cao hơn.
Thêm một thời điểm nữa có thể chọn lựa để thi IELTS là năm thứ 3 đại học bởi thời điểm này mang lại lợi ích cho sinh viên sắp ra trường. Chứng chỉ IELTS có giá trị 2 năm nên từ đó đến khi sinh viên ra trường hoàn toàn có thể bổ sung chứng chỉ IELTS vào hồ sơ xin việc.
Ông Hoàng khuyên rằng chỉ nên học IELTS khi cần chứng chỉ này để phục vụ cho một mục đích cụ thể nào đó như để được ưu tiên, tuyển thẳng xin học bổng hoặc xin việc, du học… chứ hoàn toàn không nên học IELTS chỉ để cho vui bởi IELTS là một chứng chỉ có thời hạn, dùng để đánh giá các năng lực tiếng Anh học thuật của người sử dụng.
IELTS là tên viết tắt của International English Testing System, tạm dịch là Hệ thống khảo thí Anh ngữ quốc tế. IELTS được triển khai đầu tiên vào năm 1980 bởi Tổ chức khảo thí Cambridge và Hội đồng Anh (BC); hiện tổ chức thi chính thức bởi BC, IDP, IELTS Australia và Cambridge Assessment. IELTS được hầu hết các trường đại học ở các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và nhiều quốc gia khác chấp nhận.
Luyện IELTS từ tiểu học, phụ huynh Việt đang bắt con 'chín ép'
"Luyện thi IELTS từ bậc tiểu học, khi trẻ còn chưa có đủ vốn sống lẫn khả năng tư duy về những vấn đề xã hội sẽ gây ra những ảnh hưởng như làm suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc, viết của trẻ".
Mới đây, một trường THCS ở Hà Nội đưa ra dự thảo tuyển sinh về việc sẽ cộng đến 20 điểm xét tuyển vào lớp 6 cho học sinh đạt IELTS từ 3.0. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao.
IELTS không phù hợp với trẻ tiểu học
Là giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Archimedes Academy, cô giáo Trần Thị Phương Chi bất ngờ trước lời đề nghị luyện thi IELTS cho một học sinh lớp 5 có mong muốn thi vào lớp 6 tại Hà Nội.
Trước sự tha thiết của phụ huynh, cô Chi đồng ý dạy thử. "Sau khi kiểm tra, mặc dù về mặt ngữ pháp con nắm khá ổn; nhưng ở phần đọc hiểu, vốn từ vựng của con khá yếu. Do đó, cần phải có một lộ trình học tập khác phù hợp với năng lực của con. Nếu vẫn cố tình nhồi nhét, tôi nghĩ con sẽ bị 'chín ép' do chưa có đủ tư duy về ngôn ngữ cũng như các vấn đề xã hội".
Theo cô Chi, việc luyện thi chứng chỉ IELTS chưa phù hợp với trẻ ở bậc tiểu học, bởi lẽ bài thi này không đơn giản chỉ kiểm tra khả năng nói tiếng Anh mà còn cần tới các khả năng phân tích, tư duy cùng lượng kiến thức liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội vượt xa tầm hiểu biết của trẻ.
"Việc luyện thi IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ phải chật vật tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm".
Cô Chi lấy ví dụ, ở phần thi nói và viết của bài thi IELTS, thí sinh sẽ thường gặp phải những câu hỏi liên quan đến các chủ đề khá rộng như kinh tế, giáo dục, công nghệ, luật pháp, môi trường, y tế... Hay ở phần bài đọc và nghe, khối lượng từ vựng cũng tương đối nhiều và khó đối với trẻ. Khi ấy, trẻ sẽ phải học nhồi nhét, học theo công thức chỉ để đạt điểm số mong muốn.
"Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ của trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh", cô giáo Trần Thị Phương Chi cho hay.
Luyện chứng chỉ IELTS từ cấp tiểu học là điều không cần thiết (Ảnh minh họa: Kỳ thi vào lớp 6 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM năm 2020)
Đồng quan điểm, thầy Ngô Huy Tâm (Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế Phenikaa School) cũng cho rằng, khi học cấp 1, chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và cũng không phù hợp với trẻ nhỏ.
"Mỗi một thang đo chỉ có thể đánh giá cho một số đối tượng nhất định. Mặc dù chúng có thể đối chiếu sang nhau, nhưng điều đó không có nghĩa có thể dùng thay thế các kỳ thi với nhau.
Thực tế, IELTS là thang đo ngôn ngữ phổ quát dành cho đối tượng di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp, có nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức trẻ nhỏ".
Do đó, theo thầy Tâm, việc luyện IELTS từ sớm sẽ làm hại cho con trẻ. "Tuổi nhỏ, trẻ cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đó là lý do trẻ được dạy viết sáng tạo, viết tự do trước khi được dạy viết hàn lâm.
Nhóm trẻ bị ép đọc, viết hàn lâm quá sớm sẽ làm suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc, viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài - vốn là những thứ không bền. Từ đó, trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực".
Mặt khác, các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hoá như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với khuôn mẫu sẵn có, cho nên, trẻ không có hoặc rất ít cảm xúc với những điều mình viết.
Cách học này chỉ phù hợp với việc luyện thi, còn với đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ, IELTS không phù hợp do việc học ngôn ngữ cần thấm dần quan thời gian và không thể "chín ép".
Học IELTS ở độ tuổi nào là phù hợp?
Thầy Ngô Huy Tâm cho rằng, độ tuổi học IELTS phù hợp là khoảng lớp 8, lớp 9. "Thật ra, độ tuổi này vẫn còn là hơi sớm, nhưng nếu buộc lòng phải học thì đây nên là độ tuổi tối thiểu, do có thể năng lực nhận thức của trẻ bây giờ đã già dặn hơn so với trước đây.
Nhưng hợp lý nhất vẫn là từ lớp 10, khi học sinh ở độ tuổi 15, 16. Lúc này, các em đã có độ chín chắn nhất định và khả năng tư duy, nhận thức cũng đã có phần trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, thầy Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc đạt điểm IELTS cao chưa chắc năng lực sử dụng tiếng Anh đã thực sự tốt.
"Rất nhiều bạn cày ngày, cày đêm và đạt đến 9.0 IELTS Writing, nhưng khi vào ĐH Harvard vẫn bị giáo sư đánh giá rằng viết dài dòng, không có bản sắc. Nhiều học sinh trong bài viết dùng từ ngữ to tát, nhưng ý nghĩa có phần nông cạn, đơn giản là vì IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ hẹp chứ không đo năng lực viết - vốn bao gồm nhiều mặt hơn ngôn ngữ đơn thuần".
"Do đó, luyện IELTS cũng là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế, không nên thần thánh hóa chức năng thực tế của thang đo này", thầy Ngô Huy Tâm nói.
Cô giáo Trần Thị Phương Chi cũng cho rằng, việc học IELTS có thể bắt đầu từ năm lớp 8, nhưng thích hợp nhất vẫn là từ lớp 10 vì lúc này, học sinh đã có tích lũy đủ về mặt nhận thức cũng như khả năng tiếp thu các vấn đề xã hội.
IELTS với học sinh ở đầu cấp THPT sẽ là điều kiện thuận lợi và cũng là yêu cầu cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của các trường học ở nước ngoài, giúp học sinh thuận lợi hơn khi bước vào ngưỡng cửa đi du học.
"Còn đối với bậc tiểu học, trẻ nên theo học những chương trình phù hợp hơn với lứa tuổi như Movers, Flyers, KET, PET,... Những chương trình này hoàn toàn có thể xây dựng cho trẻ đầy đủ kỹ năng, năng lực ngôn ngữ và khả phân tích, lập luận thay vì phải cố gắng gồng lên để học, thi IELTS khi chưa cần thiết".
Học IELTS từ tuổi nào? Ngày càng có nhiều phụ huynh đầu tư cho con cái đi học tiếng Anh từ rất sớm. Nhưng với việc học - thi IELTS, độ tuổi nào là phù hợp? Bài viết của tác giả cho thấy một góc nhìn đáng để tham khảo. Thời gian qua, nhiều phụ huynh sốt sắng việc chuẩn bị cho con học IELTS từ quá sớm....