Mộc mạc bánh ít sắn xứ Quảng
Với người dân phố Hội, sắn hấp dừa, khoai lang nướng… là những món quà quê yêu thích. Riêng tôi, chỉ cần thoáng nghe hương vị ấy một khoảng trời thương nhớ lại ùa về với món bánh ít sắn mộc mạc, chân chất.
Thơm, dẻo đĩa bánh ít sắn
Mới đầu tháng mười mưa đã dầm dề xứ Quảng. Lẩn khuất trong màn mưa lạnh lẽo nơi góc phố, dễ dàng nhận ra hương thơm của những chiếc xe sắn hấp dừa, của những bếp than khoai nướng.
Với riêng tôi, bánh ít sắn là món ăn đầy thương nhớ của những ngày mưa giăng kín núi, những ngày mẹ còng lưng cùng bầy con nhỏ trong chái bếp.
Ngày ấy quê tôi – một vùng miền núi phía Tây xứ Quảng – còn nghèo lắm. Nhà ai cũng cố gắng trích trữ nhiều lúa, khoai và đặc biệt là bột sắn để lúc mùa đông tới, trong những ngày lạnh lẽo có cái để ăn thêm.
Thực đơn bột sắn của má cũng chỉ quanh quẩn hai món, bánh bột lọc rồi lại bánh ít sắn, ấy vậy mà mỗi khi làm bánh cả nhà quây quần, vui đáo để.
Cây sắn được trồng phổ biến ở xứ Quảng, là nguyên liệu để dùng làm bánh – Ảnh: Thanh Ly
Bột sắn được xay từ những miếng sắn lát đã qua sơ chế với những công đoạn ngâm nước vài ba ngày, vớt ra để ráo, phơi khô dưới nắng gắt.
Video đang HOT
Lúc làm bánh, mẹ lấy một ít bột nhào với nước. Trong khi chờ cho bột nở ra lại tranh thủ làm nhưn.
Thành phần chính của nhưn là đậu đỏ. Bỏ những hạt đậu bị sâu rồi nhóm lửa luộc thật chín, mang đi giã nhỏ, trộn đều đậu với vài muỗng đường và một ít muối.
Ở quê sẵn có dừa và gừng đủ cho hương vị mẻ bánh thêm thơm nồng, ngon ngọt.
Dừa chọn loại già mới hái xuống, nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo trước khi trộn cùng nhưn bánh. Riêng gừng dùng làm bánh là thứ gừng cụ, được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày mang ra làm bánh.
Gừng giã nhuyễn lấy nước cốt nhỏ vào nhưn bánh. Đôi khi đổi khẩu vị má lại thay nhưn đậu đỏ bằng hạt mít luộc giã nhỏ hòa với gia vị.
Rổ bánh sắn vừa mới hấp còn nóng hổi – Ảnh: Thanh Ly
Khâu tạo hình và gói bánh cũng khá quan trọng. Lá chuối lau rửa sạch sẽ, xé thành mỗi miếng khoảng 2 tấc, múc từng khối nhỏ bột sắn đặt vào giữa lá, dùng tay dàn mỏng, trải dài bột sắn trên lá, đặt nhưn bánh vào giữa.
Tiếp tục đắp một lớp sắn trên nhưn và gói lại, buộc hai dây chuối để giữ lá khỏi bung. Nhẹ nhàng xếp những chiếc bánh xinh xinh vào nồi hấp cách thủy, chừng hai mươi phút là bánh chín.
Bánh thành phẩm đạt chuẩn phải mềm dai và có màu đen đục, đôi ba chỗ nổi nhân đỏ lên trên mặt bánh, mới nhìn qua đã thấy hấp dẫn…
Cầm chiếc bánh dẻo bùi, ngon ngọt nóng hổi, vừa thổi vừa xuýt xoa, vừa nghe cha kể chuyện cùng tiếng bếp củi cháy xì xèo, với chị em tôi ngày ấy, đó là niềm vui đến lạ kỳ dù ngoài kia gió từng đợt thổi thốc thốc qua mái nhà.
Thơm, dẻo đĩa bánh ít sắn – Ảnh: Thanh Ly
Mùa mưa bão đã về qua phố. Giữa thị thành biết tìm đâu được chiếc bánh sắn quê mùa, giản dị và những chiều chống cằm ngồi hóng mẹ bên bếp lửa.
Vội vã vài lời qua điện thoại hỏi thăm cha mẹ trong buổi chiều thiếu vắng để vơi bớt nổi nhớ, nhưng sao lại càng thấy thương, thấy nhớ nhiều hơn.
Chè sắn - món ngon nhà nghèo
Cái ngon của chè sắn là phải ăn khi còn nóng ấm. Miếng sắn dẻo quẹo, vị gừng cay cay, thơm lừng. Mùi lá dứa thanh mát.
Hồi xưa, mỗi khi biết ngoại chuẩn bị nấu chè sắn, là chị em tôi chộn rộn đứng ngồi không yên. Chỉ mong sao mau đến buổi chiều, sau giấc ngủ trưa là được ngoại chia cho mỗi đứa một chén chè thơm nức mũi. Cái hồi gian khó ấy, được ăn chén chè sắn nóng hổi của ngoại, thật xa xỉ biết bao.
Chè sắn
Mỗi lần nhớ ngoại, tôi lại hay nhớ về những ngày mưa dài lê thê không dứt ở quê nhà. Khi mọi người chỉ biết quanh quẩn ngồi yên, mẹ tôi, ngoại tôi thường bày biện nấu ăn, chỉ mong lấp đầy cái bụng rỗng trong những ngày mưa gió buồn tênh.
Hồi ấy, bên hông vườn nhà tôi có khoảnh đất nhỏ, quanh năm mẹ tôi đều trồng sắn, loại sắn ba trăng bở khô, thơm bùi. Những chiều mưa ngút ngàn ấy, những món ăn từ củ sắn luôn được ưu tiên hàng đầu. Mà kỳ thực, ngoài sắn, hồi ấy cũng chẳng có gì nhiều để chế biến.
Ngoại tôi hay bảo: "Có sắn ăn là ngon rồi. Nhà ông A, ông B đầu thôn còn chẳng có để ăn kia kìa", nếu không may đứa nào trong chị em tôi than thở. Ông ngoại tôi hay kể, hồi ông còn nhỏ, ngày ba bữa cơm bà cố tôi đều nạo sắn để hấp đầy nồi. Ngán mùi sắn đến nỗi, cứ hễ thấy bà cố mở vung nồi cơm, ông tôi lại co giò bỏ chạy. Thế nên so với thời ông, chị em tôi vẫn còn sướng lắm.
Nhiều nơi gọi củ sắn là khoai mì. Ảnh: Internet
Từ củ sắn trong vườn nhà, mẹ tôi có thể biến hóa đủ món ăn, bánh tằm, bánh sắn nướng, bánh sắn hấp đủ cả. Còn ngoại tôi chỉ chuyên trị mỗi món chè sắn. Món chè sắn của ngoại nấu cực kỳ đơn giản. Chỉ có sắn, đường bánh và một miếng gừng. Nhưng đó là món chè mà chị em tôi luôn trông đợi nhiều nhất.
Hồi ấy, để kiếm được bánh đường nấu chè cũng chăng dê. Nên lâu lâu ngoại mới nấu một lần để cả nhà... tẩm bổ. Chè đậu các loại thì đừng mong mơ đến. Bởi mấy thứ đậu xanh đậu đỏ ít ỏi trong nhà, còn phải đem bán lấy tiền mua gạo.
Sắn nấu chè, ngoại hay ngâm qua nước vo gạo, để cho hết vị hăng, sau đó hấp chín cùng lá dứa. Miếng sắn khi chín, được hương dứa ướp nên mùi thơm dìu dịu, mát lành. Đường nấu chè là đường bánh được nấu thủ công, miếng đường vàng ươm màu mật. Ngoại đem đập giập, rồi nấu lên với nước giếng.
Chỉ cần một miếng gừng nhỏ là đủ cho một nồi chè năm bảy chén. Gừng cắt sợi, cho vào nồi nấu cùng. Đường tan, ngoại cho sắn đã cắt miếng vào nấu trên lửa liu riu. Khi miếng sắn đã đượm vị ngọt thanh của đường, ngoại tôi sẽ cho ít bột lọc đã pha sẵn trong chén nước, đổ từ từ vào nồi chè rồi khuấy đều, để nồi chè thêm sóng sánh.
Sự vừa đủ luôn khiến chén chè ngoại nấu ngon vô cùng. Vị ngọt vừa tới, không nhạt, không đậm, không gắt, không ngán. Độ sền sệt vừa tầm, không quá lỏng mà chẳng quá đặc. Những buổi chiều mưa lành lạnh, vừa ngồi co ro bên bếp, nghe tiếng củi lửa kêu tí tách, vừa chậm rãi thưởng thức chén chè sắn, thiệt chẳng còn gì thích thú bằng.
Cái ngon của chè sắn là phải ăn khi còn nóng ấm. Miếng sắn dẻo quẹo, vị gừng cay cay, thơm lừng. Mùi lá dứa thanh mát. Hôm nào sang, ngoại cho thêm ít đậu phộng đập giập vào, ăn bùi bùi mà thơm nức mũi, ngon không nỡ nuốt.
Sau này cuộc sống khá hơn, món chè sắn của ngoại lâu lâu mới hiện diện một lần trong những buổi chiều mưa lạnh. Rồi ngoại không còn, món chè sắn cũng không ai nấu. Để chiều nay, có người bạn về quê lên, tặng cho mấy củ sắn vườn. Tôi lại nhớ đến cái vị chè sắn của ngoại năm xưa đến quay quắt cả lòng.
Hội An và những món ăn vặt "khó cưỡng" Ai cũng biết đến Hội An với những con phố cổ, những mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi, nhưng ít ai biết đến một Hội An với hàng ngàn món ăn đường phố độc đáo, dân dã như chính con người Hội An mà hiếm nơi nào có được. Đi dọc các con phố cổ, du khách có thể bắt gặp...