Mơ ước đến trường của cô nữ sinh tuổi 18
Cô gái trẻ hiền lành đang đứng ở ngã rẽ cuộc đời, có thể Thanh sẽ phải bỏ lỡ ước mơ học hành để phụ mẹ gánh gia đình trên vai.
Hay tin con gái thi đậu cao đẳng, người mẹ mù chữ tươi cười nhưng ruột gan héo hắt: mấy bữa nay nghĩ hoài không biết kiếm đâu ra tiền đóng học phí cho con, khi mà cha và em nó đều là bệnh nhân phải chăm sóc trường kỳ.
Nghe con gái khoe đã thi đậu ngành Kế toán, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức với điểm cao (17,5đ), cô Lê Thị Phòng (53 tuổi, ở quận 9, TP.HCM) mừng rỡ khoe với bà con lối xóm. Nhưng khi ngắm nhìn đứa con gái 18 tuổi đang tất bật phụ mẹ tắm rửa cho mấy đứa trẻ nhận giữ trong nhà, cô Phòng nén tiếng thở dài.
Nguyễn Viết Thanh là con gái lớn trong gia đình. Mẹ Thanh chủ yếu ở nhà nội trợ và chăm sóc em trai của Thanh (16 tuổi) bị bệnh kinh phong bại não bẩm sinh, ngồi xe lăn từ nhỏ. Cha của Thanh từ năm 2006 bị tai nạn té từ trên cao xuống rồi bệnh nặng chuyển sang tai biến, không làm việc được, lại còn không thể kiểm soát vệ sinh nên phải mặc tã thường xuyên. Số tiền mua tã lót cũng là gánh nặng bởi cả nhà đang sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà nước.
Hi vọng bước chân vào giảng đường của Thanh có thể bị dập tắt vì hoàn cảnh gia đình
Từ ngày chồng ngã bệnh, cô Lê Thị Phòng nhận giữ trẻ ở nhà với mức phí 30 ngàn đồng/1 bé/ngày. Tuy nhiên, phần đông cha mẹ các bé cũng thuộc diện nghèo nên thường xuyên thiếu nợ tiền gửi con, có người túng đến mức đành phải “xù” nợ nên thu nhập của gia đình Viết Thanh cũng rất bấp bênh.
Từ nhỏ, Viết Thanh đã có ý thức phải chăm ngoan, học tốt để mong sau này đỡ đần cha mẹ. Cô giáo Cao Thị Minh Huyền, 2 năm liền dạy môn Hóa cho Thanh ở trường THPT Long Trường nhận xét: “Viết Thanh rất hiền, ngoan. Thanh biết khả năng tiếp thu của Thanh không nhanh như các bạn nên rất là chịu khó, nỗ lực gấp đôi so với các bạn. Giao việc gì em cũng cố gắng làm thật tốt”.
Nhờ thành tích học tập của Thanh nên từ khi cha ngã bệnh, hằng năm cô bạn được hỗ trợ học bổng cho đến năm học lớp 12. Hễ rời sách vở là Thanh quay sang phụ mẹ chăm sóc, tắm rửa cho mấy đứa trẻ, cả cha và em trai, quán xuyến nhà cửa đỡ đần cho mẹ.
Video đang HOT
Nghĩ đến cha bệnh và em trai bại liệt, Thanh không đành theo đuổi ước mơ riêng
Nhưng cái nghèo cứ buộc chặt hoài bão của cô gái trẻ. Năm ngoái giữ hơn 10 trẻ nên có tiền chắt chiu mua được chiếc xe cho Thanh đi học. Nhưng mấy tháng nay, cha mẹ mấy đứa nhỏ cũng lần lượt ngưng gửi con, giờ chỉ còn 3 đứa trẻ, cộng với số tiền 480.000đ UBND phường hỗ trợ 2 người bệnh mỗi tháng, dù giật gấu vá vai cũng không đủ tiền sinh hoạt, ăn uống, nói chi đến học phí cho Thanh nhập học cao đẳng.
Sau những phút bẽn lẽn, Viết Thanh mới thổ lộ nỗi trăn trở của mình: “Mình biết điều kiện của mình không thể học đại học nên cố gắng ôn luyện để đậu cao đẳng. Nhưng đậu rồi không biết có đi học được nữa không. Mấy hôm nay mình định đi tìm việc làm”. Cô gái trẻ hiền lành đang đứng ở ngã rẽ cuộc đời, có thể Thanh sẽ phải bỏ lỡ ước mơ học hành để phụ mẹ gánh gia đình trên vai.
Theo dân trí
Chàng trai chăn bò đỗ thủ khoa đại học
Gần chục năm chăn bò, không tiền học thêm, Lê Thanh Hoàng ở khối phố Long Xuyên 2, Duy Xuyên, Quảng Nam vẫn đỗ 2 trường ĐH, đạt thủ khoa ngành Công nghệ hóa phẩm (khối A, ĐH Bách khoa TPHCM) và đạt điểm cao khối B (ĐH Y dược TPHCM).
Nhà Hoàng nằm sâu trên con đường làng chạy ngoằn ngoèo giữa quãng ruộng đang mùa thu hoạch. Căn nhà cấp 4 ba gian, nền đất, dựng bức vách, lợp mái ngói cũ kỹ, nhiều chỗ nứt dột, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc xe máy cũ và chiếc xe đạp cà tàng ngày hai buổi Hoàng đạp đến trường.
18 tuổi, Hoàng trông chẳng khác cậu học trò cấp 2, nhỏ thó, lộ đường gân xanh trên đôi tay khô rộc.
"Thế còn đỡ hơn mấy năm trước rồi đấy chú ạ, nhà chẳng có gì ăn, cháu Hoàng bị suy dinh dưỡng từ nhỏ. Bây giờ mới gọi là có chút da chút thịt", bà Lê Thị Lựu (40 tuổi), mẹ Hoàng, nói.
Hoàng chẳng nhớ từ bao giờ đã gắn với nghiệp chăn bò gia truyền, chỉ biết vừa lên cấp 2, cậu được bố mẹ giao cho 2 con bò, mỗi ngày rong ruổi dọc các cánh đồng làng. Có lúc, Hoàng dậy từ 4 giờ sáng cho kịp giờ bò ăn và cày ruộng.
Không ít lần, vì mải chăn bò, Hoàng đi lạc vài cây số chịu rét đói. Vào mùa thu hoạch, Hoàng tranh thủ chăn thả bò thật sớm rồi cùng mẹ đi gặt thuê.
Nhớ nhất với cậu học trò là kỳ nghỉ hè năm cuối cấp lớp 9, đúng vào vụ mùa gặt. Hoàng miệt mài cùng mẹ gặt thuê ngay đến ngày thi.
Lúc nghe tin đỗ cấp 3 vào Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên), cậu mừng rơn vì được chủ nhà trả công 300.000 đồng cho những ngày phụ gặt, có tiền mua sách vở cho năm học mới.
Bí quyết học giỏi của Hoàng là tự học, thậm chí tự học ngay khi chăn bò. Ảnh: Nguyễn Huy.
Khó khăn, vất vả nhưng bù lại, sức học của Hoàng ít ai đua kịp. Ngoài giờ học chính khóa, Hoàng phải dành thời gian chăn bò, làm thêm, nên việc học riêng chỉ bắt đầu từ 9 giờ tối.
Ông Lê Nhung, bố Hoàng, bảo: "Nhiều lúc thấy cháu thức 1-2 giờ đêm để ôn bài. Mọi người lo cho sức khỏe của Hoàng nhưng cháu tỏ ra rắn rỏi với việc học của mình".
12 năm học, Hoàng liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, bằng khen xuất sắc môn Anh văn các năm học cấp 2, giải Ba môn Hóa học sinh giỏi cấp tỉnh (năm lớp 12).
Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, Hoàng không có điều kiện học ôn như các bạn cùng lớp, nhưng đỗ thủ khoa ngành khối A ĐH Bách khoa TPHCM) với tổng điểm 27 và đạt 29 điểm vào Khoa Dược ĐH Y dược TPHCM.
Hoàng là người có số điểm cao nhất trong số thí sinh tỉnh Quảng Nam kỳ thi ĐH này. "Bí quyết của em là ở các môn học mình phải tập trung nắm vững lý thuyết ngay trên lớp, làm nhiều bài tập, tự học trên các sách tham khảo, trao đổi với thầy cô, bạn bè", Hoàng chia sẻ.
Gần ngày nhập học, nỗi lo chi phí ăn học xa nhà của Hoàng như bao trùm gia đình nghèo nhất nhì khối phố Long Xuyên 2.
Mẹ Hoàng nói: "Còn hai con bò, gia đình bán đi cũng được hơn chục triệu đồng lo cho cháu nhập trường".
Nhìn chặng đường dài 5-7 năm học của mình, tân thủ khoa không khỏi ái ngại: Chỉ sợ gia đình không kham nổi. Ngày Hoàng vào Quy Nhơn dự thi ĐH vừa rồi, mọi người bán thóc gạo, giờ bán bò sẽ càng khó làm thêm, khó tăng gia sản xuất.
Gia đình Hoàng chỉ có 3 sào ruộng cho 4 miệng ăn. Những ngày dầm dề mưa nắng cày cấy lúa thuê khiến mẹ Hoàng bị đau đầu kinh niên. Bố Hoàng ngoài việc đồng ruộng, đi phụ ép dầu tăng thu nhập.
"Tính ra thu nhập cả nhà được trên dưới 150.000 đồng/ngày, cháu Hoàng lại học ở thành phố xa hoa, không biết số tiền này có đủ", bố Hoàng nói.
Hoàng dự định vay tiền quỹ hỗ trợ học sinh nghèo huyện Duy Xuyên, tìm việc làm thêm khi nhập học để phụ giúp gia đình trang trải kinh phí trước mắt.
"Em chọn ngành Dược để theo học, thời gian học dài và vất vả hơn, nhưng em mong học ngành này xong có thể giúp ích cho những bệnh nhân nghèo không tiền chạy chữa bệnh tật", Hoàng tâm sự.
Theo tiền phong
"Níu" chân thí sinh điểm cao Để giữ lại thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, hàng loạt trường ĐH top trên đã tự chuyển ngành cho thí sinh. Các trường tốp dưới thì thi nhau xé rào để hút thí sinh. Trường lớn "níu" chân thí sinh Hàng loạt trường đại học (ĐH) lớn dùng nhiều cách để giữ chân thí sinh (TS)...