Mở rộng nội dung chương trình ‘Phòng giúp phòng, trường giúp trường’ với các huyện miền núi Nghệ An
Đây là chương trình được triển khai nhằm thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.
Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” giai đoạn 2019 – 2022.
Qua 1 năm thực hiện, hiện có 9 đơn vị đăng ký hỗ trợ các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THPT thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu với nhiều nội dung, phần việc.
Trong đó, đặt trọng tâm vào việc giúp đỡ về kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp để từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Các đơn vị “trường giúp trường” còn chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý, nâng cao năng lực và vai trò của người Hiệu trưởng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Bên cạnh đó, bằng nội lực của các đơn vị và nguồn lực xã hội hóa, các đơn vị nhận giúp đỡ đã huy động được gần 800 triệu đồng để hỗ trợ các phòng và trường học mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng giáo viên, học sinh và trao tặng hàng chục suất học bổng dành cho học sinh nghèo, khó khăn.
Sự giúp đỡ được thực hiện thường xuyên đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cán bộ nhà giáo, người lao động trong toàn ngành. Đồng thời, chương trình đã tạo được sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện; khơi dậy, phát huy được nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, tạo động lực thúc đẩy, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trường THPT Lê Viết Thuật trao quà hỗ trợ cho Trường THPT Tương Dương 1. Ảnh: PV
Video đang HOT
Để nâng cao hiệu quả của chương trình, tại hội nghị các đại biểu cũng đã chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nhiều đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về công tác chuyên môn, bởi hiện nay khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng miền núi và đồng bằng còn chênh lệch rất nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị sau 1 năm triển khai. “Hiệu quả rõ rệt nhất được thể hiện qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (có nhiều học sinh miền núi đạt điểm cao) và qua Kỳ thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh” – Giám đốc Sở cho biết.
Từ hiệu quả của chương trình, thời gian tới lãnh đạo sở phát động thêm “Tổ bộ môn giúp bộ môn” và xem đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn vậy, các trường vùng thuận lợi phải sẵn sàng cử giáo viên cốt cán trực tiếp xuống các đơn vị để hướng dẫn về công tác giảng dạy, truyền đạt các kinh nghiệm.
Ở nhiều huyện miền núi cao, chất lượng giáo dục đang còn nhiều bất cập và cần có sự hỗ trợ của các trường thuận lợi. Ảnh: MH
Ngoài ra, các đơn vị nhận giúp đỡ cần tiếp tục hỗ trợ về việc đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng các chương trình tăng cường kỹ năng sống, giáo dục Stem, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục trong việc giúp đỡ về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hỗ trợ dạy học và sinh hoạt của học sinh và giáo viên vùng cao.
Xây dựng mô hình trường học bán trú bài bản, đồng bộ
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An sáng ngày 3/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất về hướng kêu gọi tài trợ xã hội hóa, đầu tư quy mô, bài bản mô hình trường học bán trú tại vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn.
Học sinh ở bán trú tại Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được thầy cô phụ đạo kiến thức buổi tối.
Tổ chức bán trú để giảm điểm trường lẻ
Nghệ An là tỉnh rộng và có đường biên giới trên bộ dài nhất cả nước, với 419km. Trong đó, có 5 huyện miền núi cao phía tây: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển giáo dục, nhất là trong đầu tư phát triển quy mô mạng lưới trường lớp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về vấn đề xây dựng trường học bán trú
Nhiều năm qua, mô hình trường học nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số được xây dựng như một giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh tại Nghệ An.
Tuy nhiên, các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú chủ yếu ở bậc THPT và THCS. Còn đối với tiểu học, mầm non, thì các điểm trường được đưa về tận bản để thuận tiện cho học sinh và trẻ đến lớp.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 1.500 trường học, nhưng có hơn 1.000 điểm trường lẻ. Trong đó, mầm non có 605 điểm, tiểu học có 442 điểm và THCS có 35 điểm.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT nhiều huyện miền núi cao, dù được tỉnh ưu tiên phân bổ đủ tỷ lệ giáo viên/lớp, nhưng việc sắp xếp bố trí giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi đặc thù trường học có nhiều điểm nhỏ lẻ, manh mún, phân bổ rải rác ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, sỹ số học sinh/lớp ít, tình trạng lớp ghép vẫn còn.
Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi cao
Ngành giáo dục Nghệ An đã và đang rà soát sắp xếp thực hiện dồn dịch điểm lẻ, dự kiến năm học 2020 -2021 sẽ giảm thêm 40 điểm trường. Song việc dồn dịch này cũng sắp đến "giới hạn" do đã cơ bản nhập các điểm lẻ dưới 3km về trường chính.
Trước thực tế đó, nhiều địa phương ở Nghệ An đã thí điểm mô hình bán trú cho bậc tiểu học. Cụ thể đưa học sinh các lớp 3 - 5 được đưa từ điểm lẻ về trường chính, cho các em ăn ở, sinh hoạt tại trường liên tục từ đầu tuần đến cuối tuần. Mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhận rộng ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.
Huy động tài trợ giáo dục xây dựng trường bán trú "mẫu"
Làm việc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và ngành giáo dục tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình trường học bán trú tại Nghệ An. Đồng thời đề xuất tỉnh nên xây dựng mô hình này một cách bài bản, đồng bộ. Có khảo sát và thiết kế "mẫu" chi tiết mô hình trường học bán trú, phòng ở bán trú, tương ứng quy mô bao nhiêu học sinh và kinh phí xây dựng. Sau đó, đưa vào hệ thống công khai mô hình này để kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, tài trợ. Đồng thời có quản lý minh bạch, hiệu quả nguồn tài trợ.
"Nếu Nghệ An quyết tâm, Bộ sẽ hỗ trợ để xây dựng dự án thí điểm đầu tư tập trung mô hình trường học bán trú cho tỉnh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Đồng thời, giao cho văn phòng Bộ GD&ĐT làm đầu mối để trao đổi, làm việc với tỉnh Nghệ An. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh có sơ kết, đánh giá mô hình và nhân rộng để các địa phương khác.
Ông Thái Thanh Quý - Bí thư tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tỉnh đã triển khai mô hình trường học bán trú nhiều năm, nhưng còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, bài bản.
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An - ông Thái Thanh Quý - cho biết, tỉnh đã triển khai mô trường học bán trú nhiều năm, nhưng chưa bài bản, đồng bộ. Mỗi trường học, mỗi địa phương tùy điều kiện thực tế, mà tổ chức với hình thức phù hợp. Trong đó, nhiều trường tiểu học cũng đã đưa học sinh từ điểm lẻ về trường chính. Còn việc triển khai với quy mô lớn vẫn chưa làm được, liên quan đến khó khăn ngân sách đầu tư lớn. Nguồn lực tài trợ chưa trở thành kinh phí chủ thể.
Bữa ăn trưa của các em học sinh bán trú Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng, việc tổ chức bán trú, kêu gọi xã hội hóa sẽ bớt gánh nặng ngân sách, đầu tư khấu hao cho điểm trường lẻ cũng giảm xuống, số lớp giảm, kéo theo số lượng giáo viên cũng giảm.
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng xin phép Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho phép xây dựng trường bán trú "mẫu" là mô hình của Bộ và thí điểm tại tỉnh Nghệ An. Nếu thành công, sẽ lan tỏa và dẫn dắt các địa phương.
"Nghệ An sẽ chuẩn bị khảo sát, rà soát, xây dựng đề án trường học bán trú cụ thể, chi tiết và báo cáo với Bộ GD&ĐT. Tỉnh cũng quyết tâm kêu gọi xã hội hóa để triển khai đề án. Đảm bảo quản lý minh bạch, sử dụng đúng lúc đúng chỗ, đưa về đúng chủ thể thụ hưởng là học sinh 5 huyện miền núi cao Nghệ An", Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định.
Lũ lụt miền Trung: Hàng chục nghìn học sinh 'khát' sách giáo khoa Lũ chồng lũ, bão chồng bão, hàng chục nghìn học sinh vùng lũ miền Trung đang "khát" sách giáo khoa, đồ dùng học tập để có thể quay trở lại trường sau khi nước rút. Lực lượng quân đội phối hợp cùng các giáo viên trường Tiểu học số 1 thị trấn Kiến Giang tổng vệ sinh môi trường sau khi lũ rút....