Mở rộng chương trình đào tạo song bằng trong các trường phổ thông
Kết quả sau ba năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội cho thấy, đây là hướng đi đúng, cần được tiếp tục mở rộng, nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen tặng các trường phổ thông của Hà Nội có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.
Nhìn lại quá trình triển khai thí điểm Đề án, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Đề án được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khởi xướng và chỉ đạo tổ chức thực hiện từ năm học 2017-2018. Các trường học thành lập hội đồng biên soạn chương trình giảng dạy tích hợp giữa chương trình học của Việt Nam và chương trình học của Cambridge; hướng dẫn biên soạn chương trình, thành lập các hội đồng thẩm định chương trình. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ các trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên và các nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án.
Công tác tuyển sinh vào các trường có tổ chức thực hiện Đề án được thực hiện nghiêm túc; học sinh có nguyện vọng tham gia học chương trình song bằng phải tham dự qua nhiều vòng thi chung do Sở GD và ĐT Hà Nội chủ trì tổ chức. Tính đến nay, toàn thành phố có hai trường THPT và bảy trường THCS tham gia thí điểm với tổng số hơn 900 học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh, đại diện cho bảy trường THCS triển khai đề án khẳng định, đề án đào tạo song bằng là cơ hội tạo ra sự đổi mới giáo dục, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay. Hiện tại, các trường vẫn luôn rà soát, tìm biện pháp cân bằng về thời lượng giữa chương trình đào tạo của Việt Nam và chương trình quốc tế nhằm tạo môi trường học tập phù hợp cho học sinh theo hệ song bằng. Được biết, kỳ thi lấy chứng chỉ IGCSE đầu tiên của Đề án đào tạo chương trình song bằng cấp THCS được thực hiện cho khối 9 vào năm học 2021-2022, dự kiến tổ chức vào tháng 6-2022.
Cô giáo Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết, nhà trường xác định việc triển khai chương trình song bằng là nhiệm vụ quan trọng, đặt nền móng và tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục. Là trường đầu tiên của Hà Nội tổ chức thí điểm, tập thể giáo viên nhà trường nhận thức rõ cần khắc phục khó khăn ban đầu để hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Cô giáo Lê Mai Anh cho biết thêm, khóa học sinh đầu tiên của trường dự thi AS tháng 6-2019 vừa qua đã đạt kết quả rất đáng khích lệ với số học sinh đạt điểm B trở lên đạt 83%, trong khi tỷ lệ này trên hệ thống toàn cầu chỉ đạt 41,6%. Hiện nay, học sinh hệ song bằng khóa 1 đang rất tích cực ôn tập với quyết tâm cao chuẩn bị kỳ thi A level vào tháng 11-2019.
Em Nguyễn Thị Mỹ Trân, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: Hệ song bằng là một bước đột phá trong cách giảng dạy, học tập, giúp học sinh được tiếp cận với chương trình học tập tiên tiến và cơ sở vật chất hiện đại. Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của giáo viên, nỗ lực của bản thân, em đã dần thích nghi được với môi trường. Với em cũng như nhiều bạn học, đây chính là bệ phóng rất hoàn hảo trong việc tiếp cận với các chương trình giáo dục quốc tế sau phổ thông.
Video đang HOT
Đánh giá về chương trình song bằng của Hà Nội, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là hình thức du học tại chỗ, chủ động hơn trong việc tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trong điều kiện tốt nhất của trường công lập. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu ý kiến, khi triển khai chương trình cần chú ý làm thế nào để học sinh tăng thêm kiến thức nhưng không quá tải, tạo cho học sinh hứng thú học tập. Chương trình cần bảo đảm mục tiêu giáo dục Việt Nam song song với việc đáp ứng yêu cầu của chương trình nước ngoài. Các trường cần tiếp tục rà soát kỹ, làm gọn nhất về nội dung kiến thức, không để trùng lặp kiến thức, giúp học sinh giảm áp lực tối đa. Đặc biệt, Hà Nội cần bảo đảm liên thông giữa các cấp học. Hiện có vấn đề là có bảy trường THCS của Hà Nội tham gia Đề án, nhưng chỉ có hai trường THPT thực hiện chương trình này.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng, tiệm cận mô hình của các trường chuẩn quốc tế; giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời tạo hành trang cho học sinh tự tin bước vào các trường đại học quốc tế trong tương lai. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở GD và ĐT Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện, báo cáo UBND thành phố để xem xét mở rộng việc thực hiện chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021.
THẾ HẢI
Theo nhandan
Đào tạo song bằng: Mong muốn nhân rộng
Sau 2 năm triển khai chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại một số trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện sơ kết đánh giá hiệu quả Đề án.
Hiện toàn TP đã có 10 trường ngoài công lập triển khai chương trình Cambridge với khoảng 3.000 học sinh và 7 trường công lập với khoảng 1.000 học sinh.
Ảnh minh họa.
Tin vui là Trường THPT Chu Văn An đã được CAIE phê duyệt là Trường thành viên Cambridge với mã số VN 283 vào ngày 5/9 vừa qua. Các trường đang tích cực quá trình hoàn thiện các hạng mục theo yêu cầu để được công nhận trường thành viên Cambridge.
Kết quả khả quan
Năm học 2017 - 2018, TP Hà Nội triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An và Tiểu học Sài Đồng. Sau thời gian triển khai tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và 7 trường THCS trong năm học 2018 - 2019, học sinh cấp THPT tham gia học song bằng được học 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật. Theo học chương trình song bằng, học sinh phải học trên 40 tiết/tuần với nhiều nội dung mới và phương pháp mới.
Sau 2 năm triển khai, Sở GDĐT Hà Nội thông tin, hiện Đề án thí điểm đào tạo song bằng đã đi vào ổn định tại các trường THPT và THCS. Ban Giám hiệu các trường đã cập nhật những yêu cầu trong công tác quản lý đối với chương trình quốc tế, tạo điều kiện tối ưu về cơ sở vật chất, nhân sự, giáo viên cho Đề án.
Về đội ngũ giáo viên Cambridge người nước ngoài được tuyển chọn đều là những giáo viên có bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy quốc tế nói chung và dạy chương trình Cambridge nói riêng. Chương trình song bằng về cơ bản được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Trên cơ sở chương trình quy định, các giáo viên đã nghiên cứu và có phương pháp giảng dạy phù hợp, giảm tải những nội dung trùng lặp trong chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam và chương trình IGCSE, A-level; tăng cường các tiết bài tập, luyện tập khắc sâu kiến thức cho học sinh.
Cụ thể, theo bà Lê Mai Anh- Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, trường được chọn để thí điểm thực hiện chương trình song bằng của TP Hà Nội từ năm học 2017-2018. Học sinh sẽ tốt nghiệp với 2 tấm bằng: Bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia Việt Nam và và bằng tốt nghiệp THPT quốc tế. Sau 2 năm thí điểm, kết quả có nhiều khả quan đáng ghi nhận. Số học sinh lớp 12 của trường đã tham gia thi AS vào tháng 6/2019 và đạt được những thành công ban đầu.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít. Là một trong 7 thành viên nòng cốt của Ban Đề án song bằng ISV/CVA, bà Mai Bích Thủy- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Quốc tế Việt Nam cho biết, Đề án được triển khai tại Trường THPT Chu Văn An trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn học sinh, giáo viên, chương trình mới... Khó khăn nhất là học sinh phải học hai hệ, rất nặng. Một bằng Việt Nam đã rất nặng rồi, thêm một bằng nước ngoài nữa thì chắc chắn là khó khăn.
Chia sẻ thêm, bà Thủy cho biết, các trường chỉ được phép giảng dạy nếu có đầy đủ cơ sở vật chất và chương trình được Cambridge phê duyệt. Khi trở thành thành viên chính thức, chúng ta được phép giảng dạy chương trình đó và sau đó tổ chức thi, được quyền rút đề thi. Khi thi xong, họ là người chấm bài. Điểm số sẽ được đăng tải trên mạng, không phải do nhà trường chấm điểm. Trường chỉ tổ chức thi bằng tú tài quốc tế A-level. Cấp bằng là tổ chức Cambridge cấp cho những người đạt chứ không phải Việt Nam cấp bằng nên để được tổ chức tú tài quốc tế công nhận, phải trải qua kỳ sát hạch rất nghiêm ngặt. Vì vậy, học sinh tốt nghiệp văn bằng này có cơ hội đăng ký và theo học ở hầu hết các trường ĐH trên thế giới. Đặc biệt, với tấm bằng này các em có thể tìm trường theo học mà không phải học lại một năm nữa, gọi là học hệ dự bị.
Mở rộng đào tạo song bằng
Đánh giá sơ kết Đề án thí điểm này, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nhờ sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ, tư vấn của các đơn vị đối tác, cho đến nay chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Số lượng học sinh đăng ký tại các trường ngày càng nhiều hơn, các trường khác cũng đăng ký tham gia thí điểm chương trình này. Khi các trường công lập triển khai như vậy, các trường ngoài công lập trên địa bàn TP cũng tích cực triển khai. Tính đến nay, toàn TP đã có 10 trường ngoài công lập triển khai chương trình Cambridge với khoảng 3.000 học sinh và 7 trường công lập với khoảng 1000 học sinh.
"Học sinh của Hà Nội tham gia rất tích cực. Chương trình đã đem lại bầu không khí học tập trong các nhà trường, tạo ra môi trường, phương pháp dạy học mới cho giáo viên, sự năng động cho học sinh"- ông Dũng nói.
Sắp tới, Sở GDĐT sẽ xem xét về việc đề xuất mở thêm các trường giảng dạy chương trình song bằng ở cấp tiểu học tạo cơ hội học tập cho học sinh đồng thời tạo nguồn cho cấp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng xem xét việc mở rộng trường THPT để đón học sinh của các trường THCS đang học chương trình song bằng; Rà soát lại toàn bộ chương trình tích hợp. Sau khi kết thúc thí điểm 3 năm ở Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Chu Văn An sẽ chuẩn bị cho việc đánh giá, đề xuất để triển khai đại trà chương trình này.
Mới đây nhất, TP Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội đồng khảo thí Giáo dục Quốc tế ĐH Cambridge, Hội đồng khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge và Nhà xuất bản ĐH Cambridge. Tại buổi tiếp, làm việc với Tổng Giám đốc Hội đồng khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge (Anh) Francesca Woodward, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc cải cách chương trình dạy học là rất cần thiết và đánh giá cao chương trình song bằng của Cambridge tại Trường THPT Chu Văn An và mong muốn nhân rộng mô hình ra nhiều trường và cho cả học sinh cấp 2. Đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực: Tiếp tục mở rộng mô hình song bằng; cải cách công tác khảo thí; mong muốn đưa mô hình khảo thí của Cambridge vào các trường học ở Hà Nội.
Thu Hương
Theo daidoanket
10 điểm khác biệt giữa phương pháp Montessori và giáo dục truyền thống So với cách giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori có 10 sự khác biệt rõ rệt, tạo nên hiệu quả giáo dục toàn diện. Montessori là phương pháp giáo dục được sáng lập bởi Tiến sĩ, nhà Giáo dục học người Ý Maria Montessori. Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông...