Mở nhiều ngành mới đón đầu hội nhập
Nhiều trường đại học dự kiến sẽ mở thêm các ngành mới tuyển sinh năm 2016 để đón đầu xu hướng thương mại hóa và hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Hòa cùng sự phát triển thương mại, dịch vụ của thế giới, năm nay, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mở thêm các ngành trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH. Ảnh: Người Lao Động.
Thương mại, dịch vụ lên ngôi
Ngày 6/1, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết, năm 2016, ở hệ ĐH, trường dự kiến mở thêm ngành dinh dưỡng và ẩm thực, quản trị du lịch – lữ hành với mục tiêu cung cấp nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn để đón đầu xu hướng hội nhập ASEAN.
Ở hệ CĐ, trường mở ngành Anh văn thương mại nhằm hỗ trợ đào tạo các ngành khác của trường theo hướng ngành ghép. Sinh viên theo học ngành này có thể đăng ký học thêm một ngành ĐH, CĐ khác. Theo thạc sĩ Sơn, ngành Anh văn thương mại giúp sinh viên tăng cơ hội học tập và nghề nghiệp sau này.
Phương thức xét tuyển của các ngành mới cũng từ điểm thi và kết quả học bạ THPT như năm 2015. Đặc biệt, trong năm 2016, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM xây dựng và triển khai mô hình “tuyển dụng và đào tạo” cho các nghề ở hệ CĐ, như: Kiểm nghiệm thực phẩm, kỹ thuật nấu ăn, hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, điện tử công nghiệp, sửa chữa thiết bị cơ khí, công nghệ may.
Theo mô hình này, sinh viên nhập học sẽ được xem như đã được tuyển dụng, 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm theo hợp đồng tuyển dụng và đào tạo đã ký kết.
ĐH Kinh tế – Tài chính (UEF) cũng dự kiến mở các ngành: Quản trị khách sạn, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, thương mại điện tử. Trường xét tuyển các ngành này dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu) và học bạ THPT (30% chỉ tiêu).
Video đang HOT
Theo đại diện ĐH Kinh tế – Tài chính, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn đang phát triển mạnh mẽ và được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Với đà tăng trưởng cả về số lượng và quy mô của các công ty du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn hiện nay, có thể thấy nguồn nhân lực cho ngành này đang ngày càng được quan tâm, mở ra hàng ngàn cơ hội nghề nghiệp.
Ngoài ra, ngành thương mại điện tử mở ra còn để đáp ứng xu hướng lựa chọn internet làm kênh mua sắm và giao dịch ngày một lớn mạnh.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông, ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), cho biết, trường đang chờ Bộ GD&ĐT cấp phép mở 2 ngành mới là quan hệ công chúng và thương mại điện tử.
Theo thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 7.000 công ty quảng cáo với nhân lực ít nhất là 70.000 lao động. Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, quan hệ công chúng đang dần được xem là một lựa chọn hấp dẫn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhân lực tương đối cao như hiện nay.
Đón đầu nhu cầu nhân lực
TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Mở TP HCM, cho biết, năm 2016, trường dự kiến mở 4 ngành mới, gồm: luật, quản lý nhà nước, quản trị nhân sự, kinh doanh quốc tế. Theo TS Hà, sở dĩ trường chọn mở 4 ngành này là do nắm bắt được nhu cầu về nhân lực của xã hội qua nhiều khảo sát khác nhau.
Thống kê từ các kỳ thi ĐH, CĐ cho thấy, luật là một trong 10 ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất giai đoạn 2010-2014. Nắm bắt xu thế, ĐH Mở dự kiến tuyển sinh ngành luật học bên cạnh ngành luật kinh tế đã có từ nhiều năm nay. Riêng quản trị nhân sự và kinh doanh quốc tế – 2 chuyên ngành của quản trị kinh doanh trước đây, nay trường đã đủ nguồn lực về đội ngũ, tài chính nên nâng tầm lên thành ngành mới.
Dẫn đầu số ngành, nghề sắp mở trong năm học 2016 là ĐH Nguyễn Tất Thành với 12 ngành dự kiến. Đầu tiên là ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng. Đây là nhóm ngành được thí sinh lựa chọn cao nhất trong 5 năm qua, với 90 trường ĐH cả nước tuyển sinh một hoặc nhiều ngành thuộc nhóm.
Bên cạnh đó, trường còn tuyển sinh lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin – những ngành được đánh giá thu hút lượng thí sinh ổn định trong những năm gần đây.
Năm nay, ĐH Nguyễn Tất Thành còn mở các ngành mới ở lĩnh vực năng khiếu, nghệ thuật như: Thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thanh nhạc, piano, marketing, đạo diễn điện ảnh truyền hình, quay phim, diễn viên kịch điện ảnh. Như vậy, thí sinh có ý định dự thi ở ngành nghề năng khiếu, nghệ thuật sắp có thêm lựa chọn bên cạnh các trường ĐH đã tuyển sinh nhóm ngành này nhiều năm qua như: Kiến trúc, Mỹ thuật, Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng…
Việc làm triển vọng 10 năm tới
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong giai đoạn 2015-2020 đến năm 2025, tổng nhu cầu nhân lực, các nhóm nghề kỹ thuật công nghệ chiếm 35%, nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính chiếm 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 7%…
Cụ thể, trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP HCM 10 năm tới, điện tử – công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ ngành nghề cao nhất trong tổng số việc làm với 6%, xếp sau là chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – nhựa cao su và cơ khí.
Đáng chú ý, trong 9 nhóm ngành dịch vụ, ngành có tiềm lực phát triển cao nhất là du lịch – chiếm 8% tổng nhu cầu nhân lực, giáo dục xếp thứ 2 với 5%, tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm và y tế đều chiếm 4%; các ngành thương mại, dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đều chiếm 3% tổng nhu cầu nhân lực.
Đối với nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề khác, truyền thông – quảng cáo – marketing, dịch vụ – phục vụ, dệt may – giày da – thủ công mỹ nghệ dẫn đầu.
Theo Lê Thoa/Người Lao Động
Cả nước thừa 35.000 giáo viên THCS và THPT
Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các trường sư phạm trên cả nước chấm dứt tuyển sinh đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Đây được xem là động thái nhằm giảm bớt tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp gia tăng trong những năm qua do đào tạo không sát với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, về lâu dài cần quy hoạch lại việc đào tạo ngành này.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2014, cả nước thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn, thậm chí phải dừng hoặc bị cắt hợp đồng.
Việc các trường sư phạm đào tạo giáo viên theo năng lực của mình mà không căn cứ nhu cầu thực tế chính là nguyên nhân khiến số cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng tăng. Ảnh: Công An Nhân Dân.
Thực tế trên khiến trong thời gian qua, ngành sư phạm trở thành "điểm nóng" với hàng loạt vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng gây xôn xao dư luận, như: vụ 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay thềm năm học mới; 84 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. 29 giáo viên THCS ở Bá Thước (Thanh Hóa) bị điều chuyển xuống dạy mầm non...
Thừa giáo viên ở hầu hết cấp học chính là nguyên nhân khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong nhiều năm qua không xin được việc làm. Trong khi đó, lượng giáo viên phổ thông hiện nay hơn 800.000 người, giáo viên mầm non gần 200.000 người, gần như đã đủ so với quy mô học sinh hằng năm.
Nhu cầu tuyển mới để đáp ứng số lượng học sinh tăng hàng năm, bù đắp số lượng giáo viên về hưu gần như không đáng kể. Trong khi đó, cả nước hiện có 14 trường ĐH sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, 4 trường CĐ có khoa sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm.
Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hàng năm từ 22 500 - 23.000 sinh viên và cao đẳng từ 24.500 - 26.000 sinh viên. Chưa kể đến các trường trung cấp sư phạm trải đều ở một số tỉnh, thành trọng điểm và hệ đào tạo từ xa tại một số trường đa ngành thì riêng số lượng cử nhân sư phạm ra trường hằng năm cũng đã lên tới con số 50.000. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc làm ngày càng tăng mạnh.
Trước thực tế dư thừa nguồn cung do quy mô đào tạo không sát với nhu cầu thực tế, từ năm 2013, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ chính quy.
Tháng 8/2014, Bộ GD&ĐT có quyết định số 2833 về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong yêu cầu đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH 2015, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu ngành sư phạm chính quy năm 2015 so với năm 2014, đồng thời có kế hoạch tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo giáo viên trung học.
Trong đó, 2 trường ĐH sư phạm lớn giảm 5% chỉ tiêu, các trường khác giảm 10%. Kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường sư phạm trên cả nước chấm dứt hệ đào tạo từ xa đối với đào tạo giáo viên và giảm tiếp tối thiểu 10% chỉ tiêu tuyển sinh so với chỉ tiêu năm 2015.
Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, việc giảm chỉ tiêu từ 5 - 10% hàng năm như trên chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần tính tới việc sắp xếp lại mạng lưới đào tạo hệ thống các trường sư phạm trên cả nước.
PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường ĐH, CĐ Sư phạm đến thời điểm này gần như đã tiệm cận, bão hòa với nhu cầu. Như vậy, với mạng lưới lên tới hàng trăm trường ĐH, CĐ, Trung cấp sư phạm trên cả nước, nếu đào tạo theo năng lực của nhà trường để duy trì hoạt động thì sẽ dẫn đến việc càng gia tăng số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp
Theo Huyền Thanh/Công An Nhân Dân
Nâng chất dạy - học Tiếng Anh cho vùng khó Xây dựng mô hình học tiếng thông qua câu lạc bộ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh sẽ tạo môi trường tốt cho HS có cơ hội giao tiếp Thực tế cho thấy, việc dạy - học Tiếng Anh ở vùng khó đang gặp phải một số khó khăn nhất định bởi các yếu tố như: Kinh tế, tư duy, nhận thức,...