Mô hình tự chủ tài chính tại trường THPT: Áp lực đòi hỏi nhà trường nỗ lực
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng và đề xuất phương án nâng mức tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục theo hướng phát triển trường chất lượng cao…
Phòng học Tin học hiện đại của Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội).
Liệu mô hình này có phát huy được chất lượng và mục tiêu như mong muốn?
Gỡ khó để nâng chất lượng GD-ĐT
Với mức thu học phí khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với học phí của trường công lập đại trà, nhưng năm học nào, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) cũng có hơn 1.000 HS theo học. Không những thế, trường còn thuộc tốp những trường có điểm chuẩn đầu vào cao trong khu vực.
Từ một trường bán công chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn từ năm 2008 đến nay, trường vững vàng phát triển, được công nhận là trường THPT chất lượng cao. Tất cả là nhờ việc khẳng định chất lượng đào tạo.
Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: Chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn, mọi chi tiêu của trường đều phụ thuộc vào khoản thu duy nhất là học phí. Do đó, nhà trường xác định, phải thu hút HS bằng việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhà trường đã tuyển chọn và phát triển đội ngũ GV đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình dạy học, các GV luôn có sự đánh giá, theo dõi của Hội đồng nhà trường, toàn thể GV, HS và phụ huynh. Mỗi năm hai lần, nhà trường tổ chức lấy ý kiến đóng góp của HS, phụ huynh về GV, giúp các thầy, cô giáo điều chỉnh, hoàn thiện hơn.
Đáng lưu ý, mức lương GV nhận được dựa theo năng lực và kết quả đánh giá này đã khuyến khích được đội ngũ tâm huyết, đào sâu chuyên môn và chịu khó đổi mới phương pháp dạy. Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, trường được phép chi lương tối đa gấp 2 lần lương cơ bản. Ngoài ra, dựa theo đề án vị trí việc làm của nhà trường, cán bộ, GV có thể kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ, làm khoán theo định mức để tăng thu nhập.
Bên cạnh việc bảo đảm các chương trình, kế hoạch của ngành, trường còn chủ động, sáng tạo phát triển các chương trình liên kết, ngoại khóa, hội thảo; thực hiện tích hợp liên môn, đổi mới phương thức dạy và học, bổ sung thêm nhiều môn học như văn hóa đọc, tin học văn phòng MOS, kỹ năng sống, các môn thể thao… giúp HS phát triển toàn diện.
Trường THPT Hoàng Cầu – Đống Đa (Hà Nội) cũng hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính toàn phần, tuy nhiên chưa phải là chất lượng cao. Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn nên chưa thể xây dựng mô hình chất lượng cao. Do đó, học phí của trường mới chỉ ở mức hơn 1 triệu đồng/tháng, vừa chi các hoạt động chuyên môn, hoạt động khác cũng như sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất. Vì vậy, trường gặp khá nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động dạy – học…
Video đang HOT
Tuy nhiên, để thu hút HS và để các em được thụ hưởng chương trình giáo dục đào tạo chất lượng, nhiều năm nay, nhà trường không ngừng đổi mới, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp… Bắt đầu từ thay đổi nhận thức, tập thể cán bộ, GV, nhân viên nhà trường đã hành động để bảo đảm chất lượng đầu ra, coi đây là “chìa khóa” để hút đầu vào.
Cô Lập chia sẻ: Trường tạo điều kiện để HS muốn học, thích học từ những giờ học hạnh phúc, ứng dụng CNTT vào dạy học, những câu lạc bộ yêu thích như: Truyền thông, nhiếp ảnh, nghệ thuật, Humans of Hoang Cau… Tổ chức cho HS học và khi tốt nghiệp có chứng chỉ Tin học quốc tế MOS. Xây dựng riêng bộ tài liệu dạy kỹ năng sống cho HS Hoàng Cầu.
Chất lượng giáo dục ngày càng được khẳng định, tuy nhiên theo cô Lập, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như nâng chuẩn ngoại ngữ cho HS đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế hướng dẫn hoạt động, công tác thu – chi cho trường học thuộc mô hình công lập tự chủ tài chính toàn phần… để trường có cơ sở tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Từng bước chuyển đổi mô hình
Mới đây, dư luận băn khoăn trước thông tin một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội sẽ chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính với mức học phí cao hơn nhiều so với hiện nay.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị đang trình UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết theo hướng không làm chất lượng cao toàn bộ mà chỉ thực hiện chất lượng cao một phần. Có nghĩa, khi thực hiện, năm đầu tiên tuyển sinh, HS lớp 10 sẽ thực hiện mô hình chất lượng cao, thu học phí theo mô hình này. Những lớp trên như lớp 11, 12 đang học theo chương trình đại trà, nếu phụ huynh không đồng tình vẫn tiếp tục học theo chương trình này và thu học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ (217.000 đồng/tháng).
Lãnh đạo Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, năm học 2020 – 2021, trường vẫn hoạt động theo mô hình trường công lập với mức thu học phí theo quy định. Trong những năm tiếp theo, nếu được phê duyệt, nhà trường sẽ thực hiện lộ trình bắt đầu từ lớp 10. Nhà trường sẽ công khai thông tin về mô hình, học phí… trong thông báo tuyển sinh để cha mẹ HS, HS biết để lựa chọn đăng ký vào trường. Các lớp 11, 12 vẫn tiếp tục thực hiện theo mô hình đại trà với mức học phí theo quy định.
Đến thời điểm này, Hà Nội chưa thực hiện tổng kết mô hình tự chủ này nhưng theo chủ trương, đây sẽ là một trong những mô hình xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời giảm biên chế và nguồn ngân sách của Thủ đô. Ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội cho biết: Giải pháp chuyển trường công lập sang tự chủ tài chính được thực hiện theo quy định, nghị định của Chính phủ. Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang thí điểm thực hiện mô hình này.
“Thực hiện mô hình chất lượng cao tự chủ tài chính nhà trường chịu nhiều áp lực. Trong đó, việc chênh lệch học phí giữa trường công lập được cấp ngân sách và trường tự chủ là rất lớn. Phụ huynh HS khi chọn mô hình học này cho con thường nghiên cứu kỹ từ chương trình đến chất lượng giáo dục của trường qua nhiều năm. Áp lực này đòi hỏi mỗi nhà trường tự chủ phải nỗ lực gấp nhiều lần để khẳng định uy tín, cam kết được chất lượng đầu ra với xã hội, với nhân dân”. – Thầy Hà Xuân Nhâm
Chương trình GD thông minh - những hiệu quả kỳ diệu!
Để có thể dạy tốt - học tốt, đặc biệt là bắt nhịp với chuyển động số, thầy và trò không thể thờ ơ hoặc ngại khó với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động dạy và học.
Ứng dụng công nghệ và công cụ kỹ thuật vào đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Ảnh: CT
CNTT giờ đây không chỉ là công cụ, mà còn là giải pháp tạo bước tiến mới cho GD-ĐT.
Nền tảng cho phát triển
Theo thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), "Gốc kiến thức - Sức công nghệ" là quan điểm về vai trò của CNTT của lãnh đạo, đội ngũ GV nhà trường. Ứng dụng CNTT đã tạo sức mạnh cho những bước tiến mạnh mẽ trong quản lý và dạy học. CNTT không thể thay thế hoàn toàn việc tích lũy kiến thức; chỉ hỗ trợ chứ không thể thay con người khả năng phân tích các vấn đề chính họ gặp phải. Và nhất là CNTT không thể thay tâm huyết và tấm lòng của người làm thầy với học trò giữa thời mà dạy người cần như dạy chữ.
Nhưng CNTT đã và đang không ngừng tiếp sức cho dạy chữ - dạy người thực sự thành công và hiệu quả trong từng giây, từng phút. "Vì vậy, nếu đánh giá về tâm huyết và sáng tạo của một người thầy, đặc biệt là GV ở thành phố, việc ứng dụng CNTT hợp lý và hiệu quả là một trong những tiêu chí quan trọng nhất" - thầy Nhâm nhận định.
Năm 2008, khi vai trò của CNTT với dạy học và các mặt trong đời sống chưa được quan tâm thỏa đáng, Trường THPT Phan Huy Chú đã vận hành một cách mạnh mẽ, tự chọn con đường khó nhọc để đi trước, chấp nhận cả những vấp váp ban đầu. Trường đã trang bị tài khoản bản quyền Office 365 của Microsoft cho toàn thể cán bộ, GV, NV, HS cùng cha mẹ học sinh. Nhờ đó, việc cập nhật những tiến bộ của công nghệ đã góp phần "nâng bậc" cho GV, HS và lan tỏa đến đông đảo phụ huynh học sinh.
Thầy Nhâm chia sẻ: Điều chúng tôi rút ra, CNTT không chỉ là phương tiện mà là giải pháp. Giải pháp vượt khó khăn dịch bệnh, giải quyết mọi khúc mắc, nguồn kiến thức không ngừng cập nhật và kết nối sâu về chuyên môn.
GV chủ động ứng dụng CNTT vào dạy học trực tuyến.
Hình thành trường học thông minh
Cô Lê Quỳnh Nga - Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm nhận xét: CNTT đã đạt đến công nghệ 4.0 và việc ứng dụng công nghệ này là một trong những giải pháp hữu hiệu với con người hiện đại. Muốn ứng dụng công nghệ thông minh, để đào tạo con người thông minh cần phải có một môi trường thông minh, đó chính là trường học.
"Trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội" - cô Nga chia sẻ.
Trường học thông minh sẽ là môi trường đào tạo mang tính mở, nơi phát triển và định hướng cho HS theo năng lực cá nhân. HS tự giác và chủ động trong việc tìm tòi khám phá kiến thức một cách nhanh nhất, phát triển trí tưởng tượng phong phú, hình thành nhân cách con người hội tụ các phẩm chất đức - trí - thể - mĩ - lao động.
Theo cô Nga, xây dựng hệ thống giáo dục thông minh là giải pháp đồng bộ cho sự phát triển tổng thể chương trình giáo dục liên thông từ mầm non đến trung học.
Trong đó, lớp học thông minh học tăng cường tính tương tác hai chiều giữa GV và HS, giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất; khuyến khích khả năng sáng tạo, phát triển tư duy logic, tạo hứng thú hăng say học tập.
Theo cô Nga, nếu như lớp học truyền thống, GV cần phấn và bảng để viết, HS cần giấy bút thì với sự giúp sức của CNTT sẽ mang lại mô hình hiện đại và đơn giản. GV tương tác trên màn hình lớn và mọi thứ sẽ được truyền về màn hình bé của HS sử dụng. Với giải pháp này, quá trình học trở nên đơn giản và trực quan hơn nhiều, tiết kiệm thời gian cho cả người dạy và người học, giúp việc học có thể diễn ra dễ dàng hơn, mọi lúc mọi nơi.
Tiếp đến là chương trình giáo dục thông minh với hệ thống các bài giảng trực tuyến sử dụng các phần mềm có tính năng tương thích với máy tính bảng, bảng tương tác. Chương trình giáo dục này mang lại nhiều tiện ích với GV trong tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn và lấy tư liệu hỗ trợ soạn giảng; Sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng để tạo bài giảng điện tử; bài giảng trực tuyến và các phần mềm dựng phim, nhạc...
Trong chương trình giáo dục thông minh, GV có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm đề thi/kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của HS; sử dụng diễn đàn, email như một phương tiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với GV các trường bạn trong cả nước.
Cô Nga cho rằng: Chương trình giáo dục thông minh mang lại nhiều hiệu quả đối với HS. Trước đây, HS thường tiếp thu bài một cách thụ động, thu nhận kiến thức theo hướng 1 chiều, có những kiến thức hiểu chưa kĩ, chưa sâu HS cũng không dám hỏi GV, hoặc nếu có hỏi GV thì việc trả lời cho từng HS sẽ mất nhiều thời gian của cả tiết học; trong khi đó với việc sử dụng các bài giảng trực tuyến, HS hoàn toàn chủ động được việc tìm hiểu kiến thức và có thể tự kiểm tra khả năng học tập của mình ngay lập tức thông qua cách tính điểm trực tuyến.
Theo cô Nga, chương trình giáo dục thông minh còn mang lại điều kì diệu đối với HS khuyết tật. Chúng ta có thể tích hợp trong chương trình giáo dục thông minh phần bài giảng dành riêng cho HS khuyết tật thông qua nhận dạng bằng hình ảnh hoặc giọng nói...
Việc ứng dụng CNTT ở nhà trường đã thực sự tiếp lửa sáng tạo. Bởi mỗi thầy cô giáo trong nhà trường đều thấu hiểu, sáng tạo của người thầy sẽ "tạo sáng" cho học trò. Vì vậy, vai trò của ứng dụng CNTT trong dạy học phát triển năng lực học sinh có một vị trí không thể phủ nhận. - Thầy Hà Xuân Nhâm
Trường THPT tốp đầu Hà Nội sẽ tự chủ tài chính, thu học phí cao? Nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng về thông tin các trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) sắp tới sẽ chuyển sang mô hình chất lượng cao tự chủ tài chính, kèm theo mức thu học phí tăng cao. Chia sẻ với VietNamNet , lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, thông tin này...