Mô hình trường học mới: Thiếu tự tin thí điểm
Nhiều trường hiện vẫn còn mơ hồ với mô hình trường học mới nên chỉ dừng lại ở việc lên một vài tiết mẫu để rút kinh nghiệm. Nhiều địa phương vẫn chưa biết được hướng đi lâu dài của mô hình này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các trường đánh giá thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học trong cả nước. Theo đó, các trường phải nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, giải pháp, kết quả đạt được và tồn tại của mô hình này để rút ra bài học kinh nghiệm. Theo ghi nhận, nhiều trường chưa tự tin thí điểm mô hình này.
Thực tế không như lý thuyết
Sáng 27/11, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM) triển khai tiết học đầu tiên theo mô hình VNEN. Chúng tôi có mặt và ghi nhận lớp gồm 40 học sinh (HS) chia thành 6 nhóm. Mỗi nhóm có 1 đội trưởng và 1 đội phó, phụ trách hướng dẫn thảo luận và kiểm tra luân phiên giữa các nhóm khác nhau.
Một tiết học thí điểm theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Trong bài tập luyện từ ra câu, sau khi kể câu chuyện heo con hỏi heo mẹ thế nào là hạnh phúc, giáo viên để cho các nhóm tự định nghĩa thế nào là hạnh phúc dựa trên một số đáp án có sẵn. Các nhóm thảo luận để tìm ra đáp án chính xác. Sau khi các nhóm thảo luận xong, giáo viên để nhóm trưởng báocáo và đưa ra kết luận, hướng dẫn cuối cùng.
Dù lớp chỉ 40 HS nhưng khi xếp bàn ghế lại thành nhóm thì không còn chỗ trống để các em được tự do chạy nhảy như lý thuyết của VNEN. HS chỉ ngồi tại chỗ phát biểu. Hoạt động tương tác giữa các HS cũng ít, chỉ những em mạnh dạn mới hay giơ tay phát biểu, một số HS không tham gia thảo luận.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Chúng tôi chỉ lên một tiết dạy mẫu để học tập, đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, tiết học mẫu thực hiện ở lớp 5, khi mà các em khá dạn dĩ và cũng sắp hết cấp nên rất khó đánh giá hiệu quả”.
Theo bà Hà, Phòng GD-ĐT quận 4 vẫn chưa quyết định chọn trường nào để thí điểm chính thức. Hiện trường vẫn băn khoăn rằng nếu thí điểm thì sẽ áp dụng từ lớp mấy, sử dụng bộ sách giáo khoa nào? Triển khai mô hình này phải có lộ trình cụ thể để giải thích cho phụ huynh hiểu, cũng như có thời gian cho HS làm quen, tiếp nhận.
Giáo viên thiếu kinh nghiệm
Video đang HOT
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, sở đã cho phép các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, sĩ số lớp không quá đông tham gia thực hiện thí điểm mô hình VNEN. Năm học này, Hà Nội có 50 trường tiểu học đăng ký tham gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các trường tại Hà Nội, có nhiều thách thức khi triển khai mô hình. Theo quy chuẩn, để có thể sắp xếp lớp theo ý tưởng của mô hình trường học mới, cần phòng học rộng 100 m2 nhưng hiện hầu hết các lớp chỉ rộng khoảng 50 m2. Bàn ghế sẵn có được thiết kế liền nhau phục vụ việc học bán trú nên không thích hợp sắp xếp từng nhóm. Sĩ số thích hợp để áp dụng được mô hình này chỉ khoảng 25-35 HS/lớp, trong khi ở Hà Nội, hầu hết mỗi lớp đều có 50-60 HS.
Bà Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, một trong những trường đầu tiên thí điểm mô hình VNEN tại Hà Nội – cho biết: “Trình độ giáo viên hiện nay tuy 100% đạt chuẩn và trên chuẩn song lớp quá đông, họ sẽ không chuyển tải được kiến thức, ý tưởng như mô hình”.
Một giáo viên Trường Tiểu học Tả Thanh Oai cho rằng thầy cô ít nhiều cũng lo lắng khi chuyển sang dạy phương pháp này, một phần vì chưa có kinh nghiệm, phần khác vì sách vở, đồ dùng chưa có nên giáo viên phải tự làm đồ dùng học tập cho HS.
Phải đặt quyền lợi hoc sinh lên hàng đầu
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT tại TP HCM, hiện các trường vẫn còn rất mơ hồ về mô hình VNEN nên hầu hết chỉ mới lên một tiết mẫu để học tập, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 1 cho hay phải qua học kỳ II mới có thể tổ chức chọn trường, chọn lớp để thí điểm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho biết khi tham gia thí điểm, nhà trường chỉ được tài trợ sách giáo khoa, còn những chi phí như trang trí lớp học, góc học tập… thì nhà trường phải tự lo. Ngoài ra, bộ sách theo mô hình VNEN bộc lộ nhiều hạn chế nên rất ít trường đủ tự tin tham giá thí điểm.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, năm nay, sở tổ chức thí điểm mỗi quận – huyện một trường áp dụng tinh thần VNEN. Năm học 2014-2015 sẽ nhân rộng mô hình này (dạy 2 buổi/ngày) đến các trường ở 5 huyện ngoại thành; năm 2015-2016 nhân rộng mô hình đến một số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày ở các quận/huyện còn lại. Trường nào áp dụng phải đăng ký từ học kỳ I, thông báo để phụ huynh nắm rõ.
Ông Chương cho rằng dù là mô hình trường học nào cũng phải đặt quyền lợi của HS lên hàng đầu, chú trọng việc phát triển năng khiếu và phẩm chất của từng em. Chỉ khi làm được như thế, mô hình trường học, dù mới hay cũ, mới phát huy hết tác dụng.
Các trường phải tự lo kinh phí
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận sĩ số lớp đông gây khó khăn khi áp dụng mô hình VNEN vào thực tế. Ông Hiển cho rằng những lớp học quá đông (50-60 HS/lớp) thì nên có cơ chế tuyển thêm giáo viên hỗ trợ để bảo đảm việc dạy và học tốt nhất. Trước mắt, Bộ GD-ĐT khuyến khích việc này, còn cơ chế tuyển dụng thêm giáo viên thì có thể tính sau.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết kinh phí dự án chỉ bảo đảm hỗ trợ cho 1.447 trường tiểu học tham gia thí điểm. Trường nào muốn làm thêm thì phải tự lo kinh phí, dự án chỉ hỗ trợ trong công tác tập huấn giáo viên. Nếu trường nào không đủ điều kiện thực hiện ngay thì có thể thực hiện từng phần, như tổ chức lớp học hoặc sử dụng bộ sách của dự án.
Theo TNO
Loay hoay mô hình trường học mới
Năm học 2013-2014, TP HCM sẽ tổ chức thí điểm ở mỗi quận, huyện một trường tiểu học dạy theo mô hình trường học mới. Việc áp dụng mô hình này tại TP HCM cho thấy nhiều điều bất ổn.
Mô hình trường học mới (VNEN) khởi nguồn từ Colombia vào những năm 1995-2000 để dạy học sinh (HS)trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn. Dù được đánh giá là mô hình có thể góp phần đổi mới dạy và học nhưng thực tế khi áp dụng mô hình này, nhiều tiêu chí được đánh giá là không phù hợp.
Học sinh tiểu học "tự bơi"
Tại TP HCM, Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) là trường đầu tiên áp dụng mô hình VNEN từ năm học 2012-2013 ở khối lớp 2 và 3. Năm học 2013-2014, trường tiếp tục thực hiện ở khối lớp 4. Qua năm đầu tiên triển khai, bà Phan Thị Mỵ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, đánh giá điểm nổi bật của mô hình chủ yếu ở cách tổ chức lớp học, quản lý lớp học là do hội đồng tự quản HS và các nhóm trưởng trong lớp thực hiện. Đây là biện pháp giúp HS tự học, tự quản, tự làm chủ quá trình học tập. Giáo viên gần như thoát ly khỏi bảng đen, phấn trắng, chủ động tổ chức các hoạt động cho HS theo nhóm.
Một giờ học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường Tiểu học Tân Thông,huyện Củ Chi, TP HCM
Theo ông Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, thay đổi lớn của mô hình này là sắp xếp bàn ghế theo nhóm (5-8 em/nhóm). Nội dung làm việc của từng nhóm không giống nhau, giáo viên không hướng dẫn chung mà làm việc với từng HS hoặc từng nhóm một. Việc đánh giá HS cũng đổi mới theo tiêu chuẩn VNEN, đó là bằng nhận xét, đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích HS.
Tuy là năm thứ hai thực hiện nhưng khó khăn mà Trường Tiểu học Tân Thông gặp phải không ít. Bà Phan Thị Mỵ cho biết một số HS lớp 2 còn hạn chế về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, vì vậy còn khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu trong bài. Theo một số chuyên gia giáo dục, mô hình này đề cao vai trò tự học của HS nhưng ở bậc tiểu học, việc để HS "tự bơi" mà thiếu vai trò của giáo viên chưa hẳn đã tốt.
Áp lực sĩ số
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, bắt đầu từ năm học này, mỗi quận - huyện sẽ chọn một trường tiểu học để thí điểm giảng dạy theo VNEN. Việc thí điểm trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả, không gây khó khăn cho cha mẹ HS và bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, xuất thân của mô hình là giảng dạy trong điều kiện sĩ số ít, trong khi do áp lực về sĩ số, tại TP HCM rất ít trường có thể đáp ứng các tiêu chí của mô hình.
Bà Mỵ cũng cho biết thực trạng tại Trường Tiểu học Tân Thông, sĩ số bình quân ở mỗi lớp khá cao nên gây khó khăn cho giáo viên trong việc theo dõi, uốn nắn các hoạt động của từng nhóm, từng HS. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cũng nhận định nếu áp dụng theo mô hình VNEN, nhà trường phải mời gần nửa số HS trong mỗi lớp ra ngoài mới có khoảng trống để xoay bàn ghế và sắp xếp cho HS học tập theo nhóm. "Trong điều kiện các trường gặp áp lực về sĩ số như hiện nay thì việc áp dụng mô hình VNEN rất khó khả thi" - vị hiệu trưởng này cho biết.
Một chuyên gia giáo dục phân tích: Mô hình xuất phát để giảng dạy tại các địa phương miền núi nhưng khi triển khai ở một đô thị lớn như TP HCM thì chỉ các trường chuẩn quốc gia mới tự tin tham gia, còn những trường khác thì không khả thi là bởi chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là sĩ số HS đông. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết tại quận này, nhìn đi nhìn lại chỉ có Trường Tiểu học Hàm Tử có thể áp dụng được bởi hiện mỗi lớp chỉ 30-35 HS, trường mới được cải tạo, xây mới nên cơ sở vật chất có khả năng đáp ứng.
Tại quận 7, mô hình VNEN sẽ được tổ chức thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng. Trường này được chọn để thí điểm vì là trường chuẩn quốc gia, chuẩn về sĩ số; các phòng thư viện, tài liệu học tập cũng bảo đảm. Phòng GD-ĐT quận 7 sẽ chọn một vài khối lớp để học tập theo mô hình VNEN và chọn lọc một số tiêu chí trong mô hình này để học tập chứ không bắt chước nguyên xi.
Không ổn!
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi sẽ là trường đầu tiên ở quận 4 tổ chức thí điểm theo mô hình này. Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng, phân tích mô hình này bộc lộ nhiều hạn chế bởi giáo viên giảng dạy và tổ chức lớp học theo khuôn mẫu, tài liệu dạy học cũng được hướng dẫn tỉ mỉ, giáo viên cứ thế mà làm theo. Phương pháp này tuy tránh quá tải nhưng không phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên. Chẳng hạn, ở môn toán lớp 4, có bài "biểu thức có chứa hai chữ", "tính chất giao hoán của phép cộng"... Tuy nhiên, những hoạt động ứng dụng cho HS rất rập khuôn như yêu cầu giáo viên hướng dẫn HS làm bài tập về nhà bằng phép toán: "Em nghĩ ra biểu thức chứa hai chữ rồi cùng bố, mẹ tính giá trị biểu thức khi thay hai chữ bằng các số khác nhau". Theo bà Hà, đáng lẽ những hoạt động ứng dụng này nên để giáo viên sáng tạo, không nên cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, thời đại công nghệ thông tin phát triển nhưng mô hình VNEN hầu như không nhắc tới việc sử dụng các thiết bị.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định đúng là việc dạy học theo hướng dẫn trong sách quá rập khuôn. Giáo viên rập khuôn từ việc ghi bảng, trình bày đến tổ chức các hoạt động trong lớp, HS thì có thao tác giống nhau. Như thế là không ổn.
Thi điêm trên diên rông
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015 sau khi triển khai thí điểm tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Năm học 2012-2013 là năm học thứ hai mô hình VNEN được Bộ GD-ĐT triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo TNO
TP.HCM mở rộng thí điểm mô hình VNEN Sở GD-ĐT TP.HCM vưa có văn bản hướng dẫn việc triển khai mô hình trường học mới VNEN ở bậc tiểu học. Mô hình trường học mới VNEN (viết tắt của chữ "trường học mới Việt Nam" theo tiếng Tây Ban Nha) được triển khai trong ba năm (2012-2015). Đặc trưng của mô hình này là chuyển đổi hình thức dạy học từ...