Mô hình trường học bán trú giúp học sinh vùng cao yên tâm đến lớp
Sau 4 năm thực hiện mô hình trường học bán trú tại 12/29 trường học, hàng trăm học sinh của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, được hỗ trợ ăn, ở tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kỹ năng giao tiếp, vốn từ tiếng Việt của học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Giờ ăn của các em học sinh trường Tiểu học Huồi Tụ 2.
Đúng 17 giờ hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học trên lớp, thể dục, thể thao trong trường, học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2, huyện Kỳ Sơn, tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm tối. Mỗi bữa ăn tươm tất đều có sự hỗ trợ theo chính sách của tỉnh Nghệ An và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, phụ huynh.
Các thầy, cô giáo thay phiên nhau đi chợ làm bếp, lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn, cũng như quản lý học sinh. Giáo viên của trường còn tổ chức tăng gia, trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.
Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 35 km, nhà trường phụ trách 7 điểm bản với 100% là học sinh người H Mông. Tỷ lệ gia đình hộ nghèo chiếm hơn 2/3 số học sinh toàn trường. Khi chưa có mô hình trường bán trú, học sinh của trường phải học ở 5 điểm trường lẻ ở các bản xa trung tâm, trong các ngôi nhà tạm làm bằng vật liệu thô sơ. Việc đi lại của giáo viên cũng rất khó khăn vì giao thông không thuận lợi.
Từ năm học 2016-2017 đến nay, khi mô hình trường học bán trú được triển khai, nhà trường đã đưa học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trung tâm. Thầy Nguyễn Thế Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 cho biết, từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. 100% phòng học mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các em được ăn, ở với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo nên phụ huynh yên tâm gửi con em tại trường.
Phòng nội trú của các em học sinh trường Tiểu học Huồi Tụ 2.
Đối với trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tà Cạ, học sinh chủ yếu là người Khơ Mú và Thái, giao thông khó khăn nên nhà trường vận động các em ở lại bán trú. Do chưa có nhà bán trú nên học sinh vẫn phải ở trong các nhà tạm do giáo viên và phụ huynh dựng lên.
Video đang HOT
Để đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện bán trú, nhà trường đã vận động phụ huynh, nhà hảo tâm đóng góp, tuy nhiên vẫn còn thiếu rất nhiều giường, chăn và một số vật dụng sinh hoạt khác, nhà vệ sinh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện 71 học sinh của cấp 1 vẫn đang ở ghép với học sinh cấp 2, cô giáo Cụt Thị Thủy – Hiệu phó trường Phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tà Cạ cho biết.
Không có điện lưới quốc gia để sử dụng, không có nguồn nước, không nhà ở và nhà vệ sinh cho học sinh vẫn là khó khăn chung của mô hình bán trú hiện nay ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Thế nhưng không thể phủ nhận việc triển khai học bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc ở vùng cao yên tâm học tập.
Cô giáo Vừ Y Dở – giáo viên Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 bày tỏ: Học sinh khi về điểm chính còn quá nhiều bỡ ngỡ do khả năng sử dụng tiếng Việt, kĩ năng sống còn hạn chế, lại chịu những ảnh hưởng về phong tục tập quán nên việc tổ chức ăn, ở, sinh hoạt tập thể cũng nhiều bất cập.
Vượt qua khó khăn, các thầy cô luôn cố gắng sắp xếp công việc khoa học, dành tình cảm, sức khỏe, thời gian để tận tâm, tận lực nuôi dạy các em và đưa chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh trường Tiểu học Huồi Tụ 2.
Qua 4 năm thực hiện, mô hình bán trú ở huyện Kỳ Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực và mở ra triển vọng nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Không những thế, mô hình bán trú tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, khắc phục tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp”, vừa chăm lo sức khỏe, tâm lý, phát triển toàn diện của học sinh. Điều đặc biệt, ngoài những giờ học chính khóa, học sinh được giải trí bằng nhiều hình thức như thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất…
Ngoài những kiến thức tiếp thu qua bài học trên lớp, qua các hoạt động này, học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Chính những hoạt động giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa ở trường bán trú không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, lối nghĩ, nếp sống cho học sinh, mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh. Đây là nền tảng căn bản để các nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững.
Giờ vui chơi của các em học sinh trường Tiểu học Huồi Tụ 2.
Ông Phan Văn Thiết, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Phòng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt nền nếp đối với học sinh bán trú, phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được. Cùng với nguồn lực xã hội hóa, chính quyền địa phương cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường có học sinh bán trú, phát huy phong trào lao động sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Trước mắt, trong tháng 9 này, nhiều trường đã vận động học sinh ở các điểm lẻ về điểm trường chính để học. Trong đó có 5 trường đã huy động học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học bán trú tại trường. 5 trường này chuẩn bị được công nhận là trường Tiểu học bán trú, đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên cũng như học sinh.
Với huyện miền núi cao nhiều khó khăn như Kỳ Sơn, thực hiện được mô hình trường học bán trú không dễ dàng. Đến thời điểm này, Kỳ Sơn là địa phương miền núi duy nhất của tỉnh Nghệ An thực hiện được mô hình trường học bán trú.
“Tổ chức mô hình trường học bán trú là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dạy Tin học và tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4, 5 trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành chỉ đạo các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình này”, ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Bích Huệ
Theo TTXVN
Hà Nội lưu ý quan tâm đến học sinh 4 xã khó khăn nhất thành phố
Trẻ em tại 4 xã khó khăn nhất của Hà Nội gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Yên Bài (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức) sẽ được thành phố đặc biệt quan tâm.
Học sinh trường tiểu học Yên Bài (huyện Ba Vì) trong lễ khai giảng năm học mới
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND chỉ đạo triển khai Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mục tiêu của đề án nhằm vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, để các em được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và có cơ hội phát triển tốt nhất. Giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống và phát triển giữa trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi với trẻ em nói chung của thành phố Hà Nội.
Phấn đấu thực hiện các mục tiêu: hỗ trợ cho 100% trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học được cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng thông qua tư vấn, khám chữa bệnh và hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ đồ ấm khi có nhu cầu.
Đảm bảo 100% trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; được truyền thông, tập huấn các nội dung về kỹ năng sống; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua gia đình, nhà trường và cộng đồng; được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.
UBND TP giao Sở GD&ĐT chủ trì hướng dẫn các trường thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho HS. Tăng cường công tác vận động xã hội hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, cấp học bổng, áo ấm cho học sinh.
Phối hợp triển khai bữa ăn dinh dưỡng, hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em tại các lớp học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập huấn kĩ năng sống, phòng chống xâm hại, chống tai nạn thương tích cho học sinh tại các trường.
Đối tượng hưởng lợi của Đề án là trẻ em sống tại 14 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội gồm: Ba Trại, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì), Trần Phú (huyện Chương Mỹ), An Phú (huyện Mỹ Đức), Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất). Trong đó, TP đặc biệt lưu ý quan tâm đến 4 xã khó khăn nhất thuộc khu vực II gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Yên Bài (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức)
Vân Anh
Theo GDTĐ
Tuyên dương thầy cô tiêu biểu "gieo chữ" cho sinh dân tộc Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019 sẽ tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là...