Mô hình giáo dục VNEN sẽ thay thế phương pháp dạy học cũ kỹ
Các học sinh đang học thử nghiệm mô hình trường học mới VNEN
Với dự án mô hình trường học mới VNEN, sách được thiết kế giảm nhẹ rất nhiều kiến thức trùng lặp, hàn lâm cho học sinh, các học sinh sẽ được dạy cụ thể hơn về nếp sống và đạo đức.
Trong phần trả lời chất vấn với các đại biểu quốc hội tại phiên điều trần về hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho rằng: Mô hình trường học mới (VNEN) và công nghệ Tiếng Việt của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã và đang làm thay đổi cả thầy cô và học trò.
Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Video đang HOT
Để làm rõ vấn đề này, ngay trong thềm năm mới 2016, giáo sư Đào Trọng Thi đã chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới rằng mô hình trường học mới là một mô hình thử nghiệm dành cho đa số các học sinh miền núi không thạo tiếng việt, bởi lẽ ở đó học sinh được tự do phát triển ngữ âm, ghép chữ chứ chưa chú trọng đến nghĩa của từ.
Với mô hình này, sách được thiết kế giảm nhẹ rất nhiều kiến thức trùng lặp, hàn lâm cho học sinh, các học sinh sẽ được dạy cụ thể hơn về nếp sống và đạo đức. Về hình thức của mô hình này chính là phát triển cách học theo nhóm và yêu cầu giáo viên phải có một năng lực tổng quát tất cả các bài học, các môn khó như Toán thì giáo viên sẽ phải đến từng nhóm và giảng giải cho từng nhóm này cách hiểu.
Như vậy, điều quan trọng khi thực hiện mô hình trường học mới là giáo viên phải nhận thức rõ được những điểm khác biệt với mô hình trường học truyền thống, phải có đầy đủ năng lực và phương pháp giảng dạy hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục còn nhiều khó khăn, có không ít giáo viên chưa hiểu, chưa cảm thông. Thực tiễn dạy học hiện nay ở mô hình trường học mới còn có những yếu tố gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên và việc tự học của học sinh như: sĩ số quá đông nên rất khó tổ chức hoạt động nhóm, giáo viên rất khó kiểm soát được hoạt động của tất cả nhóm để giúp đỡ các em một cách kịp thời.
Việc dạy học sinh theo mô hình trường học mới và công nghệ tiếng Việt chính là dạy tiếng Việt theo phương pháp nói chứ chưa thực sự đi sâu.
“Bản thân tôi là một chuyên gia giáo dục, tôi rất muốn lắng nghe các ý kiến của các nhà chuyên gia. Nhưng vì Bộ GD&ĐT vẫn chưa có một cuộc hội thảo nào về vấn đề này nên tôi chưa đưa được ý kiến, chưa có đánh giá nhiều về mô hình, nhưng tôi luôn tôn trọng những ý kiến của các đại biểu quốc hội và chia sẻ câu chuyện nếu bộ trưởng muốn nhân rộng mô hình tới các trường học trên cả nước.” – giáo sư Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Việc nhân rộng mô hình trường học mới VNEN, theo đánh giá của bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ thúc đẩy cho các học sinh đi từ quá trình học thụ động sang chủ động, tạo kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, tiếp thu, trao đổi, phản biện, sau này mới có khả năng hợp tác và nghe người khác. Trong VNEN việc các cháu trao đổi, đọc đúng câu, đúng chính tả, không ngọng, có thể trao đổi để có nhận thức đúng, tự tìm hiểu, tự khám phá, cho nên trong lớp học có chuyện ồn ào, trao đổi là bình thường. Mô hình trường học này ở Việt Nam được cho là mới, nhưng đối với các nước khác thì họ đã thực hiện được 50 năm rồi” – bộ trưởng cho hay.
Triển khai mô hình trường học mới cho các học sinh miền núi cần có sự cố gắng không chỉ thầy và trò mà còn là cả phụ huynh
Tại Việt Nam, về công nghệ Tiếng Việt của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã triển khai được 30 năm và nhận được sự đánh giá tốt của các nhà chuyên gia. Trước đây nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của GS Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy” – ông Luận cho biết.
Về việc trang thiết bị lắp đặt khi dự án sắp kết thúc, bộ trưởng cho biết đây là một số thiết bị có tính chất khen thưởng cho các trường thực hiện tốt dự án. Hiện nay, với điều kiện thực tiễn hiện tại, dự án tập trung vào đổi mới cách dạy, đổi mới cách học, đổi mới cách đánh giá, đổi mới cách thức tổ chức lớp học (dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh hoạt động, sinh hoạt theo nguyên tắc tự quản), đổi mới sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ vào giáo dục. Nghĩa là dự án chỉ thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm đạt mục tiêu chương trình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất; chưa phải là đưa ra một chương trình mới.
Chính vì vậy, hiện nay nhiều trường dù chưa dạy học theo phương pháp dự án, không có sách giáo khoa dự án, đã triển khai áp dụng được mô hình tự quản của học sinh, cách thức mà cộng đồng và gia đình áp dụng để tham gia giáo dục có hiệu quả cùng nhà trường.
Khi có Chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến là bắt đầu triển khai từ năm 2018) thì các kinh nghiệm của dự án sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, một trong những tác dụng đó là viết 1 bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác để các trường lựa chọn theo chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Như vậy có nghĩa là mô hình có tính bền vững, không dừng lại khi dự án kết thúc.
Có thể nói, mô hình trường học mới VNEN thật sự là một cơ hội để chúng ta biến lý luận thành thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và kết quả giáo dục như hiện nay. Với xu thế phát triển của mình, Bộ GD&ĐT sẽ dần thay thế phương pháp học và phương pháp dạy cũ kỹ thay thế vào đó là một phương pháp có trao đổi giữa các giáo viên.
Ngay cả sách giáo khoa để đáp ứng cho sự thay đổi này cũng đã được Bộ GD&ĐT lên kế hoạch chuẩn bị.
Theo motthegioi.vn