Mô hình “Đại học thông minh nhất hiện nay”: Việt Nam có theo kịp?
Mô hình đại học thông minh hiện đại nhất hiện nay là mô hình đại học ứng dụng các hệ thống thực-ảo (Cyber Physical System – CPS) và IoT. Các hệ CPS là đặc trưng tiêu biểu của môi trường công nghiệp 4.0, là cơ sở để thiết kế và xây dựng các mô hình nhà máy thông minh.
Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, mô hình đại học thông minh hiện đại nhất hiện nay là mô hình đại học ứng dụng các hệ thống thực-ảo (Cyber Physical System – CPS) và IoT. Các hệ CPS là đặc trưng tiêu biểu của môi trường công nghiệp 4.0, là cơ sở để thiết kế và xây dựng các mô hình nhà máy thông minh.
CPS thường được thiết kế với cấu trúc 5C (Connection – kết nối thông tin, Conversion – chuyển đổi thông tin, Cyber – phân tích, Cognition – nhận diện và Configuration – cấu hình hóa).
Về hạ tầng và kết nối trong đào tạo đại học. Theo cách diễn đạt về công nghiệp 4.0: con người, vạn vật và máy móc được kết nối để tạo ra một nền sản xuất và dịch vụ cá thể hóa.
Nội dung và công nghệ được kết nối để thúc đẩy mục tiêu đào tạo cá thể hóa. Một hệ sinh thái như vậy sẽ biến đổi trường đại học truyền thống thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó mô hình quản trị chia sẻ (shared governance) sẽ được vận hành.
Đó là mô hình quản trị tiếp cận hệ thống, trong đó tất cả các bên liên quan từ thành viên hội đồng quản trị đến lãnh đạo, giảng viên và nhân viên hành chính đều tích cực chia sẻ trách nhiệm, cùng theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Đại học 4.0 là đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo
Phóng viên: Thưa GS, thời kỳ CMCN 4.0, mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo là phù hợp, vậy GS có thể phân tích cụ thể hơn?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Cơ bản là như vậy. Sự phát triển các trường đại học cũng có thể phân loại như các cuộc CMCN. Đại học 1.0 thường gắn với mô hình đại học định hướng ứng dụng. Đại học 2.0 là các đại học định hướng nghiên cứu.
Mặc dù sứ mệnh khác khác nhau, nhưng cả hai mô hình đại học này đều có một đặc điểm chung là chỉ hướng đến việc tạo ra các sản phẩm trung gian, chưa thực hiện được mục tiêu “vốn hóa tri thức” hoặc/và gia tăng giá trị cho chính trường đại học của mình.
Sinh viên mặc dù hoàn thành chương trình đào tạo, nhưng ra trường và tạo ra giá trị ở bên ngoài khuôn viên đại học. Các kết quả nghiên cứu cũng vậy, mặc dù có thể được các bài báo, nhưng tri thức đó lại được người khác, doanh nghiệp khác sử dụng để gia tăng giá trị cho họ chứ không phải trực tiếp cho nhà trường.
Sự phân loại theo mức độ và khả năng “vốn hóa tri thức” và gia tăng giá trị cho bản thân trường đại học dẫn đến mô hình đại học 3.0. Đó là đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Các đại học này không chỉ dừng lại ở ở việc đào tạo, nghiên cứu mà phải rất quan tâm đến vấn đề nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tức là rất coi trọng việc chuyển giao tri thức và công nghệ.
Trong thời đại CN 4.0, mô hình đại học 3.0 ấy lại được triển khai trên nền tảng của các công nghệ thông minh. Vì vậy có thể nói đại học 4.0 là đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo. Trong đó, yếu tố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là triết lý, mục tiêu và phương thức tạo ra giá trị gia tăng; còn yếu tố thông minh là nền tảng, phương thức và điều kiện tổ chức thực hiện dựa vào các tiến bộ của công nghệ 4.0.
Mô hình đại học 4.0 như vậy vừa để thích ứng, nhưng cũng vừa để các trường đại học cạnh tranh và dẫn dắt cuộc CMCN 4.0.
Phân loại các mô hình đại học theo mức độ và khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị
Video đang HOT
Như vậy, đào tạo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được triển khai thế nào, thưa GS?
Để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 và sứ mệnh mới, đào tạo theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cần được triển khai theo mô hình “5 trong 1″ (5 thành tố hướng đến 1 mục tiêu), trong đó: 1 chuẩn đầu ra với nhiều kỹ năng mới của công dân 4.0 và 5 thành tố bao gồm:
Có nhiều chương trình đào tạo (ngành nghề) mới có tính liên ngành và xuyên ngành cao và nhiều chương trình đào tạo gắn với công nghệ 4.0; Các chương trình đào tạo truyền thống có cấu trúc chương trình được đổi mới; Công nghệ đào tạo mới; Các dự án khởi nghiệp mới và liên kết với doanh nghiệp; Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp mới kết nối tất cả các bên liên quan: giảng viên, người học, giảng đường, phòng thí nghiệm và người sử dụng.
Mô hình “5 trong 1″ với 1 chuẩn đầu ra với nhiều kỹ năng mới của công dân 4.0 và 5 thành tố của quá trình đào tạo.
Thưa GS, tinh thần khởi nghiệp ở đây cần phải hiểu như thế nào?
Trước hết, về mục tiêu giáo dục, tinh thần khởi nghiệp được thể hiện trong các chuẩn đầu ra với các kỹ năng và chuẩn năng lực sáng tạo và khởi nghiệp của công dân 4.0, đào tạo được các nhà khởi nghiệp sáng tạo có các năng lực và phẩm chất như năng lực sáng tạo, sáng nghiệp, công dân kĩ thuật số, các năng lực sử dụng các thiết bị công nghệ thực ảo, làm viêc trong môi trường thưc ảo, công dân toàn cầu, năng lưc tư học và khả năng học tập suốt đời, hợp tac và xúc cảm xã hội.
Tuy nhiên cũng phải nói rõ thêm rằng tinh thần khởi nghiệp ở đây cần phải hiểu đầy đủ và đúng. Ở đây, sự phổ cập nên chỉ nên nói đến định hướng và tinh thần. Không phải khởi nghiệp là cứ lập doanh nghiệp và công ty.
Khởi nghiệp trước hết là tinh thần làm chủ và khả năng đổi mới sáng tạo tại vị trí của mình đảm nhiệm, đối với bộ phận mà mình phụ trách v.v… Sau đó mới khởi nghiệp với vị trí mới, công việc mới và doanh nghiệp mới.
Còn về chương trình đào tạo, ngành nghề mà nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi là những ngành gì, thưa GS?
Về các chương trình đào tạo ngành nghề mới cần quan tâm đến các ngành nghề mà nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi, đặc biệt về Công nghệ số; Công nghệ dữ liệu lớn; Trí tuệ nhân tạo; Người máy; Internet kết nối vạn vật; Công nghệ vật liệu mới và cảm biến; Công nghệ nano; Công nghệ in 3D; Công nghệ năng lượng và Công nghệ sinh học.
Trong đó, hệ thống thực – ảo được coi là nền tảng. Ví dụ, ở Malaysia, 5 nhóm lĩnh vực sau đây đã được xác định là: Trí tuệ nhân tạo, học máy, tự động hóa, an toàn mạng, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; Các lĩnh vực kỹ thuật tích hợp như Công nghệ sinh học, Khoa học và công nghệ y sinh, công nghệ thông tin, khoa học máy tính và chăm sóc sức khỏe; Khí hậu, năng lượng, tài nguyên và môi trường; Giáo dục khai phóng, công nghệ thiết kế và công nghiệp sáng tạo; Khoa học giáo dục và đào tạo kỹ năng.
Lưu ý rằng, trong thời đại 4.0, đổi mới sáng tạo không chỉ xảy ra trong lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật mà với khả năng sử dụng nền tảng công nghệ chung, đổi mới sáng tạo cũng hoàn toàn được triển khai trong cả các lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sáng tác…).
Tinh thần sáng nghiệp của đại học 4.0 không chỉ được thể hiện trong đặc điểm ngành nghề mới, mà cả trong cấu trúc của chương trình đào tạo. Theo đó, tiếp cận kiểu chương trình đào tạo linh hoạt (Fluid and Organic Curriculum) và kiểu chương trình đào tạo chuẩn bị cho tương lai (Future Readiness Curriculum) mà Bộ Giáo dục Đại học Malaysia đã đề xuất là một hướng đi rất lôgic và hợp lý.
Trước hết, sự linh hoạt thể hiện ở chỗ thay cho nền tảng kiến thức cơ bản là các môn học đại cương truyền thống (ví dụ như Toán cao cấp, Vật lý đại cương, Tin học cơ sở…), các trường đại học cần quan tâm bổ sung các môn học mới, ví dụ như về Công nghệ 4.0 đại cương, Kỹ năng số và khoa học dữ liệu, Giáo trình khởi nghiệp và Kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Các môn học như vậy phải là hành trang khởi nghiệp sáng tạo của công dân 4.0. Trong trường hợp này, các yếu tố thích hợp của giáo dục khai phóng cũng cần được tích hợp.
Việt Nam vẫn “loay hoay” giữa ĐH ứng dụng và ĐH nghiên cứu
Thưa GS, bài toán chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam luôn được đề cập, vậy làm thế nào để giải được bài toán này trong thời cuộc cấp bách hiện nay ?
Vấn đề chất lượng giáo dục đại học đang được đánh giá chưa đúng mức, trước hết, do cách hiểu khái niệm “chất lượng” đôi lúc còn mơ hồ và nhầm lẫn.
Nhiều người cứ nói rằng chất lượng đào tạo của trường A cao hơn trường B theo vị thế, uy tín của trường đó mà không hề quan tâm đến sứ mệnh của các trường.
Thực ra, theo quan điểm của kiểm định chất lượng thì khái niệm chất lượng được đo bằng mức độ đáp ứng (và tương thích) với mục tiêu đề ra. Trường nào có mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo như thế nào thì chất lượng phải được đánh giá theo mục tiêu và sứ mệnh đó.
Theo đó, các trường đại học định hướng ứng dụng thường gắn với chất lượng đào tạo đáp ứng nghề nghiệp; Đại học định hướng nghiên cứu gắn với đào tạo năng lực sáng tạo.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: “Nếu Việt Nam chỉ dừng lại ở các mô hình đại học truyền thống đang theo đuổi như hiện nay (kể cả khi chúng ta có một số đại học nghiên cứu tốt) thì sinh viên của chúng ta mới chỉ có khả năng tìm việc…”
Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đại học định hướng ứng dụng và đại học định hướng nghiên cứu (hay dừng lại ở đại học nghiên cứu, nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ ) thì có thể tạo được động lực cho sự phát triển của đất nước không? Có tạo được sự gia tăng giá trị cho quốc gia không?
Không, vì thực sự nếu chúng ta chỉ dừng lại ở các mô hình đại học truyền thống mà Việt Nam đang theo đuổi như hiện nay (kể cả khi chúng ta có một số đại học nghiên cứu tốt) thì sinh viên của chúng ta mới chỉ có khả năng tìm việc (làm công ăn lương) và cùng lắm là có khả năng sáng tạo – sáng tạo ra tri thức mới – những sản phẩm trung gian (chưa ra được thị trường) hoặc sản phẩm ở thì tương lai.
Trên thế giới, không thấy có một quốc gia nào thịnh vượng chỉ nhờ vào và dừng lại ở việc chỉ xây dựng đại học định hướng ứng dụng và đại học định hướng nghiên cứu. Thực tế, nền sản xuất của người ta phát triển, quốc gia người ta tạo ra được các yếu tố cạnh tranh là nhờ việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tại một cuộc thuyết trình tại ĐHQGHN gần đây, GS. Tan En Chye – Giám đốc ĐHQG Singapore có trao đổi với chúng tôi rằng trước những năm 1990, giáo dục đại học của Singapore chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế.
Tuy nhiên, sau đó họ nhận ra rằng, Singapore là một nước nhỏ và nghèo tài nguyên, nếu không có đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thì không những rất khó tồn tại, khó cạnh tranh mà còn không thể mơ đến sự thịnh vượng.
Hiện nay, giáo dục có chất lượng cao ở Singapore đạt được là nhờ chủ trương đào tạo theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Chính phủ và các trường đại học.
Từ năm 2000, sứ mệnh của ĐHQG Singapore luôn gắn với 3 nhiệm vụ ưu tiên: nghiên cứu sáng tạo trình độ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ tính riêng đại học này, mỗi năm họ công bố được số bài báo ISI, Scopus lớn hơn vài lần tổng số bài báo của cả nước ta. Không dừng lại đó, số bằng sáng chế của họ cũng đạt đến vài nghìn. Đặc biệt, hàng năm có khoảng 1.000 sinh viên có dự án khởi nghiệp và trong số đó khoảng 400 em khởi nghiệp thành công.
Mô hình đại học 4.0 đang còn rất mới ở Việt Nam, làm thế nào để có thể giúp các trường đại học tiếp cận nhanh và triển khai đúng hướng, thưa GS?
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tổ chức cho một số nhóm các nhà khoa học nghiên cứu kỹ các đặc trưng và nội hàm của mô hình đại học này. Đặc biệt, các nhóm nghiên cứu còn đang hướng tới việc xây dựng một bộ công cụ, gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá mức độ thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tức là mức độ thích ứng với mô hình đại học 4.0.
Với tình hình phát triển hiện nay, bộ tiêu chí này có thể được xây dựng cho hai nhóm trường đại học tương đương với top 200 và 500 các trường đại học châu Á. Kèm theo bộ tiêu chí này sẽ có phần mềm.
Trên cơ sở đó, các trường đại học có thể tự lựa chọn nhóm trường và tự đối sánh hiện trạng của mình và đưa ra các chính sách đầu tư phù hợp.
Trân trọng cám ơn Giáo sư!
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Ngành học "hot" của năm 2019 và tiêu chuẩn tuyển sinh mới
Nhiều trường mở những ngành học "hot" phù hợp với nhu cầu nhân lực trong thời kỳ mới đồng thời thu hút thí sinh.
Trường ĐH Kinh tế TP HCM tư vấn định hướng ngành nghề cho thí sinh trúng tuyển.
Năm 2019, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến mở 3 ngành mới, gồm: ngành Khoa học thủy sản, Du lịch và Kinh doanh quốc tế. Mỗi ngành dự kiến 70 chỉ tiêu.
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết nhu cầu nhân lực của 3 ngành mới nêu trên là rất lớn và có nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng.
Chẳng hạn ngành du lịch thì có nhiều doanh nghiệp như Vinpearl đang đặt hàng; Ngành kinh doanh quốc tế đào tạo theo hướng quản trị logistics nên nhu cầu doanh nghiệp là khá lớn; Ngành Khoa học thủy sản là ngành kết hợp giữa chế biến và nuôi trồng. Các ngành mới đều được đánh giá từ phía doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Chỉ tiêu cho khóa đầu tiên được xác định dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ông Sơn cũng cho biết thêm: Điểm mới của các chương trình đào tạo đại học năm 2019 của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM là đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào trong chương trình dành cho sinh viên hệ đại học chính quy.
Tại Trường ĐH Nha Trang, năm 2019 trường dự kiến mở thêm 4 ngành mới, gồm: ngành Luật, Kỹ thuật cơ khí động lực, Khoa học thủy sản, Quản trị khách sạn. TS Tô Văn Phương, phụ trách phòng đạo tạo đại học, Trường ĐH Nha Trang cho biết sau khi khảo sát và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực khu vực Trung bộ và Tây nguyên thấy rằng các ngành dự kiến mở mới có nhiều cơ hội về việc làm.
Ngành Khoa học Thuỷ sản là ngành mới chưa trường nào đào tạo. Là ngành tích hợp nhiều chuyên ngành hẹp, sâu, tập trung vào 3 trụ cột là kinh tế, sinh học và quản lý nghề cá. Đáp ứng nhu cầu nhân lực của Kinh tế biển, cho các địa phương ven biển có phát triển mạnh về thuỷ sản.
Với ngành Quản trị khách sạn, đây là ngành đang thực sự khát nhân lực, đặc biệt nhân lực trình độ cao như ĐH và CĐ, tập trung phát triển du lịch ở Nha trang và các vùng phụ cận như Phú Yên, Bình Định, Đà Lạt, Tây nguyên,.., là các địa phương có phát triển du lịch. Mỗi năm khu vực này cần 4.000 nhân lực quản trị khách sạn. Trong khi rất ít trường đủ điều kiện và mở ngành này
Đối với ngành Kỹ thuật cơ khi động lực là ngành đào tạo nền tảng kỹ thuật máy móc cho lĩnh vực sản xuất ô tô và tàu thuỷ. ĐH Nha Trang tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực tàu thuyền khai thác thuỷ sản với khoảng 120 ngàn tàu thuyền trên cả nước đang hoạt động khai thác...
Nâng cao chất lượng nguồn tuyển
Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mở thêm 4 ngành, gồm: ngành robot và trí tuệ nhân tạo, quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng, vật liệu dệt may, kinh doanh quốc tế thì ngành robot và trí tuệ nhân tạo có tiêu chuẩn sinh cao. Đối tượng tuyển sinh là những học sinh giỏi, thi THPT quốc gia đạt từ 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và ưu tiên học sinh trường chuyên. Sinh viên sẽ được miễn học phí, được đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết đây là ngành học xuyên ngành vì có sự phối hợp của ba khoa là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Đó là ngành chủ lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện tại và trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn.
Nhiều trường đưa ra những phương thức xét tuyển có kèm điều kiện tiếng Anh như Trường ĐH Y dược TP HCM xét tuyển kết hợp đối với ngành Y khoa và Dược học đối với những thí sinh đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, trường này tuyển học sinh giỏi 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12) của tất cả các trường THPT trên toàn quốc (không phân biệt trường chuyên, năng khiếu) với điều kiện điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 từ 8.0 trở lên. Tuyển Học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên (hoặc tương đương) và Điểm trung bình học lực 3 năm THPT lớp 10, 11, 12 từ loại Khá trở lên... Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường cũng đưa kết quả thi môn tiếng Anh làm tiêu chí phụ. PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế, giáo viên và sinh viên làm việc trên giáo trình gốc nên việc tuyển sinh đầu vào trường cũng muốn chọn lựa những thí sinh có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu. Sâu xa hơn, trường đang hướng đến quốc tế hóa các hoạt động của trường.
Huy Lân
Theo Người Lao Động
Nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi hàng loạt nghề mới Các ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật dự báo sẽ sự bùng nổ trong thời công nghiệp 4.0. Trong nghiên cứu "Tiếp cận giáo dục đại học 4.0 - Các đặc trưng và tiêu chí đánh giá" của nhóm nghiên cứu GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong nền công nghiệp 4.0, cac môi quan hê tương tac cơ...