Mô hình đại học “lạ” chỉ có ở Việt Nam (!?)
Tranh luận về mô hình tổ chức hệ thống giáo dục đại học khi góp ý cho dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sáng nay, 6/11, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, Việt Nam có những mô hình “lạ”, không có ở đâu trên thế giới, như đại học vùng…
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An)
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nhận xét, chính sách xuyên suốt của luật trong lần sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc cho việc tự chủ đại học nhưng nhìn vào những điều khoản quy định thì vẫn thấy nhiều mâu thuẫn đang tồn tại trong bộ máy đại học vẫn chưa giải quyết, chưa gỡ được so với luật 2012.
Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, vướng mắc, bất cập hiện tại trong tổ chức bộ máy đại học không nằm ở sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà nằm ở chính trong bộ máy tổ chức của các trường đó. Yêu cầu đề ra suốt 24 năm vừa qua là giảm đầu mối quản lý và biên chế trong các tổ chức đó thì đã không làm được.
“Quy định hiện tại khiến bộ máy trùng bộ máy vì đại học “mẹ” có phòng, ban chức năng nào thì đại học thành viên cũng có phòng chức năng tương tự. Từ khoá trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhận định, hoạt động của 3 đại học vùng còn nhiều bất cập khiến các đại học thành viên không phát huy được hoạt động mà thậm chí còn “tiêu diệt” vai trò lẫn nhau. Đại học vùng, theo đó, lại trở thành cấp trung gian quản lý, kìm kẹp, cản trở hoạt động của các trường thành viên” – đại biểu phân tích.
Ông Tuấn Anh cũng viện dẫn, mô hình đại học vùng được bạn bè quốc tế cho là “lạ”, chỉ có ở Việt Nam, không có ở đâu trên thế giới.
Đại biểu đề nghị sửa quy định về tổ chức bộ máy trường đại học theo hướng tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp trong khối đại học. Làm được như vậy, mỗi đơn vị sẽ tiết kiệm được 120 tỷ đồng/năm. Theo đó, việc cần thiết là cải tiến tổ chức các trường theo mô hình đại học đa lĩnh vực chứ không phải tổ chức thêm cấp quản lý với các trường.
Đại biểu cảnh báo, với dự luật hiện tại, các đại học thành viên trong đại học sẽ vẫn cần 2 bộ máy quản lý và sẽ không gỡ được chân khỏi những vướng mắc hiện hữu cho các đại học thành viên mà còn bị ràng buộc, làm khó hơn. Đại biểu đề xuất UB Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy phiếu xin ý kiến về 2 phương án: tổ chức lại bộ máy đại học theo mô hình một cấp hoặc giữ mô hình tổ chức như hiện hành.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM.
Video đang HOT
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM lại bày tỏ tâm đắc với quy định về tổ chức của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phân theo hai cấp độ: đại học và trường đại học thể hiện trong dự thảo luật. Theo ông Đạt, mô hình tổ chức như vậy thể hiện xu thế phát triển của thế giới, phân định mạch lạc mô hình các cơ sở giáo dục đại học, giữa các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học thành viên với đại học “mẹ”.
“Quy định này cũng định hướng cho việc hình thành các đại học mới trong tương lai. Tôi tâm đắc với việc mỗi trường đại học đều có cơ hội, có thể trở thành các đại học. Các trường đại học độc lập cũng có thể chủ động liên kết với nhau để hình thành đại học lớn, đa ngành. Xu thế này đã bộc lộ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả lớn cho các trường ở Mỹ, Châu Âu” – ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Đối chiếu với tình hình ở Việt Nam, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM quả quyết, 30 năm qua, việc hình thành 2 ĐH Quốc gia thể hiện rõ chủ trương về mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực này.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng cho rằng, dự thảo luật đã tháo được cơ bản những nút thắt hiện tại của hệ thống giáo dục Việt Nam, để Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền, để hướng tới đổi mới cơ chế tài chính, cho phép sự linh hoạt chuyển đổi mô hình từng loại hình trường, khắc phục được những hạn chế trong đầu tư công, buộc các trường phải tự nâng chất lượng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển dòng lao động hiện nay.
Dẫn chứng cụ thể với mô hình trường đại học tư thục, ông Hùng nhận định, các quy định để ra giúp khắc phục tình trạng những lùm xùm xảy ra thời gian gần đây, đảm bảo mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Về mô hình tổ chức, đại biểu lập luận, trên thế giới, ở mỗi nước, tên gọi, mô hình các trường đại học đều rất phong phú và đa dạng, không phân biệt rạch ròi. Vậy nên hướng quy định hệ thống các cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học và trường đại học như đề xuất vừa đảm bảo được yêu cầu giữ ổn định hệ thống nhưng cũng mở ra khả năng cho các trường phát triển.
Theo đó, các trường đại học (gồm các trường đại học độc lập hoặc trường thành viên trong một đại học) được xác định là hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học. Ông Hùng đánh giá, quy định 2 cấp độ tổ chức trong hệ thống đại học là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục đại học đóng, khép kín, tĩnh sang một mô hình động, linh hoạt hơn, đảm bảo cho việc phát triển đại học thành những trường đa lĩnh vực, quy mô lớn, mạnh…
P.Thảo
Theo Dân trí
Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Nên chuyển sang mô hình đại học tổ hợp
Đại học Quốc gia, Đại học vùng là các Đại học mang tính tổ hợp, bao gồm các Trường Đại học thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Mô hình Đại học như vậy phù hợp với các nước phát triển, phù hợp với Việt Nam vì gọn nhẹ và tường minh.
GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã góp ý như vậy về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
GS Bùi Văn Ga
Chỉ nên có đại học 2 cấp
Theo GS Bùi Văn Ga, để hệ thống giáo dục đại học nước ta tường minh, phù hợp với hệ thống giáo dục đại học thế giới thì chỉ nên bao gồm: Đại học (University/Université) và Trường Đại học(College/Ecole Supérieure).
Trường đại học do Thủ tướng quyết định thành lập, gồm các khoa (Faculty/Faculté) và viện nghiên cứu (Institute/Institut).
Đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, gồm các trường chuyên ngành (School/Ecole), khoa, các viện nghiên cứu; Đại học Quốc gia, Đại học vùng do Chính phủ quyết định thành lập, gồm các Trường Đại học thành viên.
Trường chuyên ngành do Đại học quyết định thành lập, gồm các Bộ môn và Trung tâm nghiên cứu.
Hệ thống gọn nhẹ, tường minh
Phân tích về ưu điểm của hệ thống giáo dục Đại học trên, GS Ga cho rằng, hệ thống đại học chỉ còn các Đại học và các Trường đại học. Tất cả các viện nghiên cứu có đào tạo sẽ trở thành đơn vị thành viên của Đại học hay Trường Đại học. Chỉ có Đại học và Trường Đại học mới có tư cách pháp nhân cấp bằng trình độ đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Về lâu dài hệ thống giáo dục Đại học nước ta gồm các Đại học lớn là chính. Các trường Đại học còn lại chỉ đào tạo những chuyên ngành chuyên biệt, đặc thù. Trong các Đại học cần có sự phân biệt Đại học mang tính tổng hợp và Đại học mang tính tổ hợp. Các Đại học này khi dịch sang tiếng nước ngoài đều là University/Université nhưng khác nhau về nội hàm sẽ được làm rõ trong các văn bản dưới luật.
Đại học (mang tính tổng hợp) có các Trường chuyên ngành. Các trường chuyên ngành này không có tư cách pháp nhân như trường Đại học. Các Trường Đại học có thể sáp nhập vào Đại học và được cấu trúc lại thành các trường chuyên ngành/khoa/viện của Đại học. Sau khi Luật sửa đổi ra đời chúng ta có thể thành lập được ngay một số Đại học (mang tính tổng hợp). Ví dụ Đại học Cần Thơ có Trường Công nghệ thông tin, Trường Nông nghiệp, Viện Lúa, Viện Môi trường...hoặc Đại học Bách Khoa Hà Nội có Trường Điện, Trường Luyện kim, Trường Cơ khí...
Đại học Quốc gia, Đại học vùng là các Đại học mang tính tổ hợp, bao gồm các Trường Đại học thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Hiện nay 2 Đại học quốc gia và 3 Đại học vùng đã theo mô hình này. Sau khi Luật sửa đổi ra đời có thể thành lập thêm các Đại học mới ví dụ như Đại học Vinh là tổ hợp các trường Đại học trên địa bàn Nghệ An hay Đại học Đồng Nai bao gồm các trường Đại học thành viên trên địa bàn khu vực...
Mô hình Đại học như vậy phù hợp với các nước phát triển. Cộng hòa Pháp hiện nay cũng đổi mới hệ thống giáo dục đại học theo mô hình tổ chức các đại học vùng trên cơ sở tổ hợp các trường đại học trên cùng địa bàn.
Tiếp tục phát huy những thành quả 25 năm thực hiện của Đại học Quốc gia, Đại học vùng
Theo GS Ga, trong giai đoạn quản lý giáo dục đại học tập trung, nhờ cơ chế tự chủ cao, các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng đã sử dụng hiệu quả nguồn lực dùng chung để nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế.
Bước đầu các Đại học này đã tham gia kiểm định, xếp hạng trong hệ thống giáo dục đại học thế giới và đã đạt được những kết quả nhất định. Những kinh nghiệm của Đại học quốc gia, Đại học vùng đã được đúc kết đưa vào các Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục đại học.
Đồng thời những kinh nghiệm đó cũng góp phần tạo nên cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các cơ chế, chính sách của Chính phủ về phát triển giáo dục Đại học trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là vấn đề đẩy mạnh tự chủ đại học.
"Trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học nhỏ lẻ, manh mún không còn mang lại hiệu quả đầu tư, không đủ sức cạnh tranh, xếp hạng. Vì thế việc tổ chức lại hệ thống đại học, hình thành nên những đại học có qui mô lớn, đầu tư tập trung, đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở kinh nghiệm của các Đại học Quốc gia, Đại học vùng là cần thiết". - GS Ga nhấn mạnh.
Giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc Bộ
GS Ga cho rằng, trên thực tế, các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng hiện nay có nhiều trường Đại học thành viên có đầy đủ tư cách pháp nhân. Nếu không có các đại học Quốc gia, Đại học vùng thì số đầu mối trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ tăng thêm ít nhất 30 cơ quan so với hiện nay. Khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi ra đời, sự hình thành các Đại học mới sẽ tiếp tục rút giảm các đầu mối cơ sở giáo dục đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Điều này phù hợp với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo GS Ga, nhờ cơ cấu hệ thống tường minh nên các Đại học, các Trường Đại học dễ dàng kết nối với hệ thống giáo dục đại học quốc tế để trao đổi sinh viên, giáo viên, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ lẫn nhau và đồng cấp bằng. Việc dịch sang tiếng nước ngoài cũng thuận lợi, nhất quán, không gây nhầm lẫn như hệ thống giáo dục đại học hiện nay.
Việc tổ chức, sắp xếp lại các Đại học theo mô hình mới một mặt đảm bảo được tính hiệu quả nhưng mặt khác cũng hạn chế được tối đa những xáo trộn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn đến hoạt động chung của hệ thống giáo dục đại học của chúng ta.
Hồng Hạnh ( ghi)
Theo Dân trí
Mô hình đại học quốc gia và đại học vùng gặp nhiều gay cấn? Mô hình hiện tại của các đại học quốc gia và đại học vùng, một sản phẩm có tính "biện pháp tình thế" trong quá trình đổi mới giáo dục đại học (GD ĐH), gặp nhiều vấn đề gay cấn, làm cho các cơ sở đó không phát triển mạnh mẽ như mong muốn. Nên chăng thay đổi mô hình đại học quốc...