Mồ côi cha, mẹ bỏ đi, hai chị em vẫn gắng học giỏi
Cha mất từ khi hai chị em Thùy Dương còn chưa biết gì, đến năm lớp 8 thì mẹ đi bước nữa. Từ đó đến nay, hai chị em chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Hai chị em làm đủ nghề để kiếm sống và trang trải học phí, mua sách vở…
Khi thì đi bắt ốc, đi phơi lúa mướn, khi thì đi dạy thêm, vậy mà trong suốt các năm học qua, hai chị em Cao Thị Thùy Dương và Cao Thị Diễm Xuân đều là học sinh giỏi. Hiện Dương học lớp 11B3 Trường THPT Thạnh An, còn Xuân học lớp 7D Trường THCS Thạnh An 1 thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Hai chị em côi cút tự nuôi nhau
Theo chân ông Thạch Thành Thâu – phó chủ tịch Hội khuyến học thành phố Cần Thơ, chúng tôi đến thăm nhà của hai chị em Thùy Dương và Diễm Xuân.
Trên đường đi, ông Thâu cho biết: “Bây giờ các chú đến thì tốt hơn rồi, chứ lần đầu tiên tui đến nhà hai cháu ở, tôi không biết đường đi vô nhà luôn”. Ngừng một chút, ông Thâu giải thích: “Một cái chòi lá được dựng lên không biết từ hồi nào mà khi tôi đến thì đã mục nát hết rồi, cửa không ra cửa, vách không ra vách. Còn dưới nền thì hai chị em nó lụm được đâu mấy tấm gạch bể của người ta rồi đem về lót được 4-5m2 gì đó để làm nơi nấu ăn và ngồi học bài. Thấy hoàn cảnh của hai cháu nó như vậy, lại không cha, không mẹ nên tôi đã vận động anh em giúp ngay cho một số tiền để sửa lại thành cái nhà lành lặn để ở”.
Qua một đường hẻm nhỏ (chỉ vừa một người đi) đi ra phía sau, qua mấy cái nhà (khoảng 20m), chúng tôi dừng lại trước một cái nhà (đúng hơn là một cái phòng) xung quanh được đóng bằng tôn thiết. Đó chính là nhà của hai chị em Thùy Dương.
Ông Thạch Thành Thâu – phó chủ tịch Hội Khuyến học Cần Thơ đến thăm hai chị em Thùy Dương và trao tặng 1 cái mùng và 2 cái tấm chân cho hai em vào ngày 15/7 vừa qua.
Qua trò chuyện, Thùy Dương cho hay: “Cũng vì nhà cháu quá nghèo nên cha cháu suốt ngày đi làm thuê làm mướn. Cháu nghe nội kể lại, sau nhiều lần cha con làm việc quá sức nên đã phát bệnh tâm thần luôn! Những lúc cha cháu lên cơn thường hay đánh đập mẹ và chị em cháu, nhưng khi tỉnh lại thì cha lại hối hận và khóc đòi tự tử. Sau nhiều lần như vậy, đến năm cháu học lớp 2, nhân lúc mẹ đi làm, không ai ở nhà, cha cháu đã nhảy xuống ao rồi chết đuối luôn!”.
Bà Hoàng Thị Luyến, 60 tuổi là bà nội của Thùy Dương, góp lời: “Tội nghiệp hai chị em nó lắm, nhất là cháu Thùy Dương. Từ khi mẹ nó đi bước nữa, 3 năm nay cháu Dương nhận lấy trách nhiệm của cha và mẹ để lo cho nó và cho em. Nhìn cảnh hai chị em tụi nó côi cút tự chăm sóc lẫn nhau mà tui cũng nhói cả lòng”.
Video đang HOT
Bà Luyến kể thêm: “Mẹ của tụi nó lấy chồng cũng nghèo nên mỗi lần về thăm cũng cho con chừng ba, bốn chục ngàn rồi đi. Chủ yếu là tui và mấy bác của nó ở đây, tuy không giúp được nhiều nhưng gạo ăn thì chúng tôi cũng lo được cho hai chị em nó. Còn những thứ khác thì tui và mấy bác của nó cũng đành chịu vì ai cũng nghèo hết mấy chú ơi”.
Nơi ở của hai chị em Thùy Dương là căn phòng được đóng bằng tôn thiết.
Trong ảnh: Hai chị em Thùy Dương ( ngoài cùng bên phải), Diễm Xuân ( ngoài cùng bên trái) và ông Đặng Phúc Minh – phó chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Gắng học giỏi để thoát nghèo
Để có tiền đóng học phí và mua sách vở, hai chị em Thùy Dương đã kinh qua nhiều việc như bắt ốc, rải rơm, phơi lúa, dạy thêm…
“Mỗi buổi của hai chị em cháu đi làm như vậy người ta chỉ trả từ 20 đến 30 ngàn đồng là cao lắm rồi, vì tụi cháu chưa đủ tuổi lao động” – Dương cho biết.
Cũng vì quá khó khăn nên mới học lớp 7, 8 là Dương bắt đầu đi dạy thêm, nhưng đến năm lớp 9, 10 do thời gian học quá nhiều nên Dương phải nghỉ. Đến năm lớp 11 vừa rồi, Dương trở lại với nghề dạy thêm (Dương dạy môn Toán, từ lớp 6-10). Hiện tại trong tháng hè này, Thùy Dương đang nhận dạy 5 em tại nhà, mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng.
Nói về cuộc sống hiện tại và bí quyết học tập của mình, Dương tâm sự: “Qua thầy cô dạy bảo, cháu ý thức được rằng chỉ có con đường học hành mới giúp cháu thoát nghèo. Nên từ ngày mẹ bỏ đi, cháu và bé Xuân phải tự chăm sóc cho nhau. Còn bí quyết học tập thì khi ở lớp cháu cố gắng tập trung nghe thầy cô giảng bài, sau đó về nhà làm bài tập liền. Hôm nào có môn cần học thuộc lòng thì 4 giờ sáng hai chị em thức dậy cùng học bài tới 6 giờ 30 thì đến lớp”.
Trong căn nhà tạm của hai chị em Dương, ông Thạch Thành Thâu cho biết: “Hoàn cảnh của cháu Thùy Dương và cháu Diễm Xuân là hết sức khó khăn nhưng điều làm tôi quan tâm nhất là thành tích học tập của hai cháu. Đối với cháu Thùy Dương, trong 11 năm học thì chỉ có một năm là học sinh khá, còn 10 năm còn lại đều là học sinh giỏi. Còn cháu Diễm Xuân thì liên tục học giỏi trong 7 năm liền. Tinh thần vượt khó của hai chị em Thùy Dương và cháu Diễm Xuân đáng là tấm gương cho nhiều em học sinh khác noi theo.
Trước khi ra về, chúng tôi trò chuyện với em Diễm Xuân và em nhỏ nhẹ thổ lộ về ước mơ của mình: “Thấy chị Hai vất vả, em không giúp được gì nên em chỉ biết nghe lời chị dạy bảo và em cố gắng học thật giỏi như chị, để sau này em trở thành cô giáo dạy môn Văn ngay tại ngôi trường mà chị Dương đang học!”.
Theo dân trí
Tốt nghiệp cao đẳng, đi... bán vé số mưu sinh
Tốt nghiệp loại khá hệ chính quy ngành Sư phạm giáo dục Công nghệ Trường đại học Tiền Giang năm 2008, cô cử nhân Nguyễn Thị Kim Thoa ngậm ngùi "gác" tấm bằng tốt nghiệp đi bán vé số kiếm sống đã 2 năm qua...
Vừa đi học vừa đi bán vé số
Chúng tôi được anh Trần Anh K. (hàng xóm với Thoa) cho biết về hoàn cảnh của Thoa: "Hồi còn học cấp 2, tôi học chung với Thoa, lúc đó gia đình Thoa rất khó khăn nên Thoa vừa đi học vừa phải đi bán vé số. Mẹ Thoa lại bệnh nặng rồi mất nhưng Thoa vẫn học xong 12, rồi học lên cao đẳng luôn. Không ngờ Thoa ra trường rồi mà vẫn đi bán vé số kiếm sống".
Kim Thoa kể: "Vì gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp 12 em không thể học tiếp mà ở nhà vừa đi bán vé số, vừa giúp cha làm ruộng. Sau 2 năm đi bán vé số, em cũng dành dụm được một số tiền đủ để trang trải học phí nên em quyết định nộp hồ sơ dự thi vào ngành Sư phạm giáo dục Công nghệ (hệ cao đẳng) của Trường ĐH Tiền Giang và em đậu khóa học 2005-2008. Sau 3 năm học đến tháng 8/2008 em tốt nghiệp ra trường".
Ra trường với tấm bằng loại khá, Thoa vẫn không xin được việc làm. Trong khi đó cả nhà (5 người) chỉ trông chờ vào 2 công ruộng nên thiếu trước hụt sau. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thoa lại trở về với công việc bán vé số.
Suốt 2 năm nay sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Kim Thoa đi bán vé số kiếm sống vì không xin được việc. Trong ảnh: Thoa (giữa) đang bán vé số ở một quán café ven sông Chợ Gạo, Tiền Giang.
Được biết, hiện giờ mỗi ngày Thoa lấy 100 tờ vé số đi bán, chủ yếu bán ở các quán café cặp bờ kè sông Chợ Gạo. Mỗi buổi bán như vậy, Thoa chỉ bán được hơn phân nửa số vé, lời từ 50-60 ngàn đồng là cùng, còn lại bao nhiêu thì Thoa đem trả lại cho đại lí, nhưng phải trước 1 giờ 30.
Đến thăm nhà Thoa, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Văn Tám (52 tuổi) - cha của Thoa bùi ngùi kể chuyện: "Trong suốt 12 năm đi học, cứ một buổi đến đường còn một buổi thì con Thoa đi bán vé số kiếm tiền đóng học phí và mua sách vở. Khó khăn vất vả như vậy mà năm nào nó cũng lên lớp, có năm còn có cả giấy khen nữa chứ. Đến năm 2000 thì mẹ nó mất, tui thấy gia đình nợ nần túng thiếu nên tôi bảo nó nghỉ học ở nhà làm ruộng với tôi. Nó không chịu, một hai năn nỉ tui cho nó đi học, còn tiền đóng học phí nó nói với tui sẽ tiếp tục đi bán vé số để trang trải. Tui thấy nó kiên quyết như vậy nên tui cũng chiều theo ý của nó luôn".
Ông Tám chia sẻ thêm: "Ngày nó nhận bằng tốt nghiệp tui rất tự hào và rất vui mừng, vì tui cứ nghĩ rằng con Thoa sẽ trở thành cô giáo, chấm dứt nghề bán vé số đã đeo đuổi nó trong suốt 14 năm qua. Có ai ngờ đâu cái Thoa lãnh bằng tốt nghiệp xong rồi lại tiếp tục đi bán vé số như thế này. Phận làm cha mà tôi không làm được gì cho con nó, tôi thấy đau lắm chứ".
Mong được làm cô giáo từng ngày
Nói về chặng đường học hành gian nan của mình, Kim Thoa bộc bạch: "Có lẽ, cũng chính vì ước mơ được trở thành cô giáo đã giúp em vượt qua tất cả khó khăn để có được tấm bằng Cao đẳng Sư phạm như mong muốn. Chỉ tiếc một điều là em chưa thực hiện được ước mơ đi dạy có tiền rồi lo cho hai em đi học tiếp".
Thoa cho chúng tôi xem tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm giáo dục Công nghệ loại khá cùng các chứng chỉ phụ khác như: Chứng chỉ tin học A, chứng chỉ giáo dục quốc phòng và 1 chứng chỉ nghề.
Kim Thoa lặng lẽ sắp xếp mấy tấm bằng và chứng chỉ của mình vào cặp để đi bán tiếp sấp vé số còn lại.
Thoa ngậm ngùi nói: "Em rất nôn nóng để được đi dạy nên vừa khi tốt nghiệp xong em đã làm hồ sơ đi nộp ở Sở Giáo dục. Đợi một thời gian em lên hỏi thăm thì được Sở trả lời "Mang hồ sơ về phòng giáo dục của huyện nộp". Em tiếp tục về nộp hồ sơ ở phòng giáo dục huyện Chợ Gạo. Cứ 2, 3 tháng thì em lên hỏi thăm 1 lần, những lần lên hỏi thăm thì được các thầy ở đây cho biết: "Chưa có yêu cầu nhận giáo viên Công nghệ của các trường. Rồi em về và đi bán vé số cho tới nay luôn".
Chúng tôi hỏi vui "Bây giờ Kim Thoa đi bán vé số có thấy ngại không?", cô cho biết: "Công việc này em đã làm suốt 14 năm nay nên chẳng thấy ngại gì. Nhưng chỉ có điều hôm nào gặp bạn bè, thấy tụi nó là thầy cô giáo, còn mình vẫn còn đi bán vé số thế này, em cũng tủi thân lắm!".
Trao đổi với thầy Huỳnh Văn Thanh - phó phòng giáo dục huyện Chợ Gạo về hoàn cảnh của Kim Thoa, thầy Thanh cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi không chỉ có nhận được hồ sơ của em Thoa. Nhưng từ năm 2008 đến bây giờ chúng tôi không nhận được yêu cầu xin giáo viên Công nghệ của các trường nên cũng đành chịu. Riêng trường hợp của em Thoa, chúng tôi sẽ xem xét lại để bố trí cho em Thoa (có thể là không đúng ngành) một công việc gì đó để giúp em và gia đình bớt đi khó khăn".
Theo dân trí
Chàng sinh viên nghèo bán vé số học 2 trường ĐH Phong hiện là sinh viên năm cuối ngành Quản lý văn hóa, ĐH Văn hóa TPHCM. Làm đủ nghề để kiếm sống Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 5 người con (xã Diên Sơn 1, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), Phong đã trải qua những tháng ngày gập ghềnh. Từ mới sinh ra đến năm lên chín,...