Mitsubishi Electric điền khống số liệu trong hơn 30 năm
Công ty sản xuất thiết bị điện tử của Nhật Bản thừa nhận đã làm giả dữ liệu kiểm tra của các thiết bị đường sắt từ những năm 1980.
“Một loạt các hành vi sai phạm, một số liên quan đến độ an toàn của sản phẩm, đã bị phát hiện. Đây được xem là một vấn đề hết sức nghiêm trọng”, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato trả lời phỏng vấn hôm 1/7. Bình luận của ông được đưa ra hai ngày sau tin tức về dữ liệu kiểm tra giả mạo được tiết lộ bởi Mitsubishi Electric, đầu tiên là đối với thiết bị điều hòa không khí và sau đó là máy nén khí được sử dụng trong hệ thống phanh tàu.
Mitsubishi Electric sử dụng dữ liệu giả mạo là vụ việc mới nhất trong một loạt bê bối liên quan đến chất lượng của công ty.
Theo đúng quy trình, Mitsubishi Electric được yêu cầu thu thập dữ liệu nguồn thông qua các phương pháp được cơ quan quản lý xác định trước. Tuy nhiên, công ty đã sử dụng chương trình máy tính để tự động điền các báo cáo kiểm tra do khách hàng chỉ định đối với các sản phẩm như máy điều hòa không khí. Đối với máy nén khí, Mitsubishi Electric sử dụng lại dữ liệu cũ thay vì tiến hành các thử nghiệm mới trên từng bộ phận sau khi thay đổi thiết kế như yêu cầu thông thường.
Video đang HOT
Đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi đã xác nhận rằng không có tác động nào đến sự an toàn, tính năng hoặc hiệu suất của các sản phẩm. Công ty đang điều tra những sản phẩm nào bị ảnh hưởng”.
Theo báo cáo của Mitsubishi Electric, công ty là đối thủ cạnh tranh với Hitachi và Toshiba, chiếm khoảng 60% thị phần trong nước về điều hòa không khí, biển báo và các thiết bị khác cho tàu điện.
Vụ bê bối lần này được cho là có sự tham gia của cả một hệ thống và là kết quả của một cuộc thanh tra chất lượng kéo dài ba năm, tập trung vào các sản phẩm từ cao su đến chất bán dẫn của Mitsubishi.
Năm ngoái, Mitsubishi Electric cũng bị Liên minh châu Âu phát hiện xuất khẩu hệ thống âm thanh ôtô không đạt tiêu chuẩn vào thị trường này. Các hình phạt trong vụ việc chỉ nhắm tới các giám đốc điều hành trong bộ phận thiết bị ôtô với yêu cầu trả lại 5% tiền bồi thường trong một tháng, mà không bao gồm Chủ tịch Takeshi Sugiyama và không được công bố công khai.
Phản ứng thiếu cứng rắn như vậy đã giúp duy trì một văn hóa doanh nghiệp, nơi người lao động ưu tiên các bộ phận của họ hơn là toàn bộ công ty và khách hàng.
Khi Mitsubishi Electric tuyển dụng kỹ sư, công ty thường quyết định cơ sở họ sẽ làm việc trước dựa trên lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhân viên hiếm khi đặt chân ra ngoài khu vực được giao, điều này thúc đẩy tư duy phiến diện và khiến mọi người đặt lợi ích của bộ phận mình lên hàng đầu.
Cơ cấu lương thưởng cho giám đốc điều hành của công ty cũng giải thích vấn đề này. Chủ tịch Sugiyama được trả 200 triệu yên (1,8 triệu USD) vào năm tài chính 2020, trong khi các giám đốc điều hành khác nhận được khoảng 100 triệu yên (900.000 USD). Mức lương cao đều này giúp ngăn các bộ phận cạnh tranh với nhau, nhưng cũng không khuyến khích các giám đốc lên tiếng về các lĩnh vực nằm ngoài mục tiêu của họ, một cựu nhân viên cho biết.
Thông thường khi các công ty xử lý sai các vụ bê bối về chất lượng sản phẩm, đội ngũ quản lý sẽ bị thay đổi từ lõi trở đi. Năm 2015, sau khi Volkswagen bị phát hiện cài đặt phần mềm vào xe để gian lận trong các bài kiểm tra khí thải, CEO Martin Winterkorn đã buộc phải từ chức.
Mitsubishi Electric mới đây đã thành lập một ủy ban được giám sát bởi một cơ quan độc lập để xem xét lại các vấn đề kiểm soát chất lượng. “Nếu không tận dụng cơ hội này để công khai tất cả mọi thứ, chúng tôi sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình”, một giám đốc điều hành của Mitsubishi Electric cho biết.
Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Electric từ chức sau bê bối sai lệch dữ liệu
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric của Nhật Bản - ông Takeshi Sugiyama ngày 2/7 đã thông báo từ chức, sau khi tập đoàn này thừa nhận làm sai lệch một số dữ liệu giám định trong hơn 30 năm qua.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric Takeshi Sugiyama cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 2/7/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hồi đầu tuần này, Mitsubishi Electric cho biết tập đoàn này đã kiểm tra không đúng quy cách đối với một số máy điều hòa không khí dùng trong toa tàu và máy nén phanh. Tài liệu thanh tra đầu tiên được lập từ năm 1985.
Phát biểu với báo giới, ông Takeshi Sugiyama cho biết: "Tôi vô cùng xin lỗi mọi người. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng tôi không nên tiếp tục giữ cương vị chủ tịch tập đoàn và với ban quản lý mới, chúng tôi cần làm việc hết mình hơn nữa để lấy lại niềm tin".
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric Takeshi Sugiyama tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 2/7/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Mitsubishi Electric là một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất Nhật Bản, sản xuất nhiều loại sản phẩm từ đồ gia dụng đến máy móc hạng nặng và thiết bị quốc phòng.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama, cho biết vụ bê bối trên có thể "gây tổn hại đáng kể niềm tin đối với ngành sản xuất của Nhật Bản".
Theo Mitsubishi Electric, tập đoàn này sẽ tiến hành các cuộc điều tra kỹ càng hơn trong tất cả các bộ phận, đồng thời cam kết sẽ công bố báo cáo về vấn đề này vào tháng 9 tới, kèm theo những biện pháp phòng ngừa trường hợp tương tự xảy ra. Mitsubishi Electric cũng khẳng định các sản phẩm liên quan bê bối sai lệch dữ liệu nêu trên không gây ra bất kỳ nguy cơ mất an toàn nào đối với người sử dụng.
Giải mã cách hoạt động của máy phát hiện nói dối Máy phát hiện nói dối có nhiệm vụ ghi lại các phản ứng sinh lý của người bị kiểm tra. Thông qua số liệu này, các chuyên gia sẽ xác định lời khai là thật hay giả.