Mini-LED – xu hướng mới của ngành sản xuất TV
Với khả năng đem lại độ sáng cao, tái tạo màu sắc tốt và giá thành sản xuất không quá cao, mini-LED đang được nhiều hãng sản xuất TV quan tâm.
Một trong những thay đổi lớn nhất trong thiết kế TV tại triển lãm CES năm nay là sự phổ biến của mini-LED. Tại sự kiện, công nghệ đèn nền siêu nhỏ này đã được ứng dụng trong hàng loạt mẫu TV thông minh mới nhất của nhiều nhà sản xuất toàn cầu. Chính vì lý do đó, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm định hình của công nghệ mini-LED với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn, như Samsung, LG và TCL.
Mini-LED là gì?
Hầu hết TV, máy tính và màn hình ngày nay sử dụng hai loại công nghệ màn hình: OLED và LCD. Màn hình OLED sử dụng Diode phát sáng hữu cơ, cho phép từng pixel được bật hoặc tắt độc lập với nhau. Trong khi đó, màn hình LCD phải có một lớp đèn nền phía sau để giúp các pixel sáng lên và tạo ra màu sắc nhờ một lớp filter đỏ, xanh dương, xanh lá.
Trên các TV LCD phổ biến, lớp đèn nền này thường nằm ở rìa màn hình nhằm giảm số lượng bóng LED cần dùng nhưng chất lượng hình ảnh không đẹp. Một cách lắp đặt lớp đèn nền khác là chuyển đèn LED ra đằng sau tấm LCD. Phương pháp này làm tăng số lượng bóng LED cần dùng, do đó, màn hình có độ sáng và độ tương phản cao hơn. Ở TV LCD cao cấp, nhiều nhà sản xuất sử dụng tính năng “local dimming” (làm tối cục bộ), cho phép bật tắt theo từng vùng – hay còn gọi là Dimming Zone. Tính năng làm tối cục bộ này là một trong những yếu tố đằng sau sự ra đời của công nghệ HDR khi khả năng kiểm soát vùng tối giúp hình ảnh thực tế hơn, có chiều sâu hơn.
Đèn LED thông thường (trái) và mini-LED. Ảnh: TCL
Công nghệ mini-LED sẽ cải thiện hơn nữa khả năng hiển thị vùng tối, cho phép số lượng vùng rời rạc cao hơn rất nhiều. Với kích thước khoảng 200 micron, hoặc 0,008 inch, mỗi mini-LED chỉ nhỏ bằng 1/5 kích cỡ của đèn LED chuẩn trên tấm nền LCD. Việc thu nhỏ kích thước đèn nền giúp số lượng bóng LED trên một tấm LCD tăng hơn nhiều lần, lên tới hàng nghìn bóng mini LED, thay vì chỉ vài trăm như đèn LED truyền thống.
Nhưng đó không phải là lợi ích duy nhất mà các màn hình mini-LED mang lại. Kích thước lớp đèn nền nhỏ sẽ cho phép TV LCD mỏng hơn, ngoài ra, cũng hạ giá thành các TV loại này. TV Roku 6-Series của TCL sử dụng công nghệ mini-LED hiện được bán với giá dưới 1.000 USD cho các mẫu, trừ phiên bản 75 inch. Chiến lược giá tương tự cũng áp dụng cho các mẫu TV mini-LED mới nhất của Samsung và LG.
Các hãng đặt cược lớn vào mini-LED
Samsung có kế hoạch mang công nghệ mini-LED lên TV 4K và 8K cao cấp trong năm nay với dòng Samsung Neo QLED. Công nghệ đèn mini-LED của Samsung bao gồm các bộ khuếch tán cực nhỏ, được tích hợp bên trong mỗi đèn LED. Việc này giúp loại bỏ không gian dành cho tấm khuếch tán riêng biệt giữa đèn nền và màn hình LCD.
Samsung thậm chí đang kết hợp mini-LED với công nghệ chấm lượng tử QLED và đặt một cái tên mới là Neo QLED. Công nghệ lai này đang chiếm vị trí trung tâm trong tất cả TV 4K và 8K cao cấp của Samsung năm nay.
Video đang HOT
LG cũng đã tham gia vào cuộc đua mini-LED với dòng TV tầm trung LG QNED. Hãng này được cho là sẽ chỉnh sửa công nghệ mini-LED bằng cách bổ sung đèn nền, kết hợp chất lọc màu Nanocell và màu chấm lượng tử. Bộ ba nâng cấp đáng giá trên có thể giúp TV QNED mới của LG trở thành TV LCD tốt nhất trên thị trường năm nay.
Mẫu TV 6-Series 8K sử dụng mini-LED của TCL. Ảnh: TCL
Hiện nay TCL là công ty duy nhất đã bán ra thị trường TV mini-LED. Sau khi giới thiệu công nghệ mini-LED cho TV 8-Series và TV 6-Series vào năm 2019, TCL đã giới thiệu dòng OD-Zero mới. OD Zero là bước tiến mới về công nghệ hiển thị khi thu hẹp khoảng cách quang học giữa lớp đèn nền mini-LED và tấm khuyếch tán xuống 0 mm.
TV mini-LED có đáng mua không?
Theo chuyên trang đánh giá Tomsguide , câu trả lời hoàn toàn là có.
Mẫu TV Mini-LED 6-Series của TCL đã được trang Tomsguide bình chọn là TV thông minh tầm trung đáng mua nhất 2020 nhờ vào khả năng kiểm soát ánh sáng xuất sắc.
Nếu không có hứng thú với thương hiệu TCL, người tiêu dùng có thể chờ tới tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay với các sản phẩm Mini-LED đến từ Samsung và LG. Các bài đánh giá của Tomsguide đều chỉ ra sự cải thiện rõ rệt về chất lượng hình ảnh giữa Mini-LED và LCD thông thường và cho rằng giá TV Samsung và LG sẽ không cao hơn TCL quá nhiều.
Tương lai của OLED trong năm 2021
LG và Sony mang đến những bước phát triển mới cho TV OLED trong bối cảnh lĩnh vực này chịu nhiều áp lực lớn từ công nghệ LED.
LG hé lộ TV Mini-LED QNED đời mới tại CES 2021, nhưng dường như hãng không dự đoán được sự kiện này sẽ giúp nhiều đối thủ cạnh tranh tận dụng cơ hội công kích công nghệ OLED - "con cưng" của LG.
Aaron Dew, Giám đốc thương mại của TCL, đăng blog nói rằng ông không bất ngờ khi nhiều thương hiệu đang chuyển sang công nghệ Mini-LED mà TCL ra mắt thị trường TV tiêu dùng hồi năm 2019. Ông cho rằng công nghệ OLED không có thay đổi nào đáng kể từ khi được ứng dụng trên TV hồi đầu thập niên 2010 và "chỉ chiếm chưa đầy 3% doanh số bán TV toàn cầu".
TV OLED của Sony. Ảnh: T3.
Bình luận này dường như rất bất công. TV OLED đã làm được những điều mà ít người nghĩ tới, như cung cấp các thiết kế siêu mỏng thu hút sự chú ý, cũng như được giới game thủ săn đón nhờ khả năng hỗ trợ game trước các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, giờ đây TV LCD cũng rất mỏng. TCL vừa ra mắt dòng Mini-LED XL theo chính ý tưởng này. OLED cũng không thể hiện ưu thế rõ rệt trong những tính năng dành cho game, như 4K 120 Hz, khả năng tự động chuyển sang chế độ độ trễ thấp và tần số làm tươi màn hình có thể thay đổi được. Điểm khác biệt chỉ là các kỹ sư của LG đã làm được điều này với OLED trước đối thủ.
Dù OLED đã tiến xa hơn những chỉ trích của Dew, nó vẫn không thực sự mang tới những tính năng thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là ở phân cấp phổ thông những năm qua. Các cải tiến chủ yếu nằm trong điều chỉnh khả năng xử lý, thay vì tiến bộ đáng kể về công nghệ.
Điều đó không có nghĩa là năng lực xử lý dữ liệu không quan trọng. Chỉ cần nhìn vào khác biệt hiệu năng giữa nhiều thương hiệu OLED dùng chung tấm nền của LG Display để hiểu điều này. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện của OLED qua từng năm đã chững lại.
Một số người cho rằng OLED tốt đến nỗi không còn nhiều khoảng trống để cải thiện, nhưng hàng loạt mẫu màn hình không dùng công nghệ OLED với độ sáng, độ phân giải và độ phủ màu cao cho thấy điều ngược lại.
Thời thế đang thay đổi
Năm 2021 có thể không phải thời điểm thích hợp để công kích sự đình trệ của công nghệ OLED. Cả LG và Sony đều thông báo sẽ ra mắt TV OLED độ sáng cao đời mới trong năm nay, dựa trên những phần cứng hoàn toàn mới, thay vì chỉ dựa vào tinh chỉnh cấu trúc pixel như trước kia.
Thiết kế tấm nền OLED mới có thể tăng độ sáng tối đa thêm 25%, lên khoảng 1.000 nits. LG mô tả đây là "thành phần phát sáng mới", trong khi Sony mô tả đó là "tấm nhôm cán để phát xạ nhiệt". Điều này đặt sản phẩm của LG và Sony ngang hàng mẫu HZ2000 và JZ2000 của Panasonic, vốn dùng giải pháp phần cứng riêng từ năm 2019.
TV LG G1 - model sử dụng tấm nền OLED mới có độ sáng cao - được giới thiệu tại CES 2021.
Độ sáng cao gây lo ngại về khả năng màn hình OLED mới dễ bị lưu ảnh màn hình hơn. Tuy nhiên, phần cứng mới trong những màn hình OLED hiện đại đều có khả năng phát tán nhiệt, yếu tố ảnh hưởng nhiều tới lưu ảnh màn hình. Panasonic liên tục khẳng định màn hình OLED độ sáng cao của hãng có nguy cơ bị lưu ảnh màn hình tương đương, thậm chí là thấp hơn những dòng OLED thông thường.
Chạm mốc 1.000 nit cũng mang lại lợi ích cả về marketing lẫn hiệu năng, khi nó đặt những loại OLED mới ngang hàng những dòng màn hình OLED cao cấp trong các studio chuyên nghiệp.
Dù vậy, con số 1.000 nit vẫn có thể thua kém độ sáng đã xuất hiện hoặc được hứa hẹn trên những dòng màn hình LCD hay LED sắp tới. Chúng cũng gần như miễn nhiễm hoàn toàn với nguy cơ lưu ảnh màn hình.
Công nghệ tự phát sáng của OLED, trong đó mỗi pixel tự tạo ra nguồn sáng riêng, cho phép hiển thị gam màu tối nhất bên cạnh gam màu sáng nhất mà không ảnh hưởng chất lượng hình ảnh và hiển thị độ tương phản cao với độ sáng 700 - 800 nit. Tuy nhiên, MicroLED cũng có khả năng mang tới độ tương phản tương tự bên cạnh độ sáng lên tới 4.000 hoặc 10.000 nit.
Vấn đề là công nghệ MicroLED có thể vẫn cần thêm nhiều năm trước khi hạ giá đến mức đủ để người tiêu dùng lựa chọn.
Mối đe dọa hiển hiện và rõ ràng
Samsung từng nhiều lần ám chỉ rằng họ có thể tung ra thị trường màn hình QD-OLED kết hợp tính năng tự phát sáng của OLED với công nghệ Quantum Dot. Câu hỏi vẫn là khả năng đến tay người tiêu dùng và nguy cơ lưu ảnh màn hình. Các thông tin cho thấy tính đến cuối năm 2020, Samsung vẫn chưa hài lòng với độ sáng của QD-OLED và nó cũng không xuất hiện trong những tài liệu tại CES của tập đoàn này.
Công nghệ Mini-LED là thử thách rõ ràng hơn nhiều với OLED. Các mẫu màn hình của TCL cho thấy khả năng kiểm soát ánh sáng từng pixel của Mini-LED vẫn chưa thể so sánh với OLED, nhưng nó có độ sáng cao hơn.
Một lý do khác khiến OLED khó bị đánh bại là giá cả. Nhờ quy trình sản xuất hiệu quả và những khoản đầu tư lớn của LG Display vào cơ sở hạ tầng, giá TV OLED đã bắt đầu giảm nhanh. Mẫu LG OLED55BX 55 inch hiện có giá khoảng 1.400 USD, con số gần như không thể tưởng tượng cách đây 3 - 4 năm và ngang hàng với TV LCD tầm trung - cao.
Bên cạnh đó là dòng A1 được LG ra mắt tại CES. Chúng được thiết kế để trở thành dòng cắt giảm tính năng so với những dòng OLED thông thường, nhưng điều này không đồng nghĩa với chất lượng kém. Yếu tố chính bị cắt giảm trên A1 là tấm nền 60 Hz thay vì 120 Hz, cũng như bỏ loạt cổng HDMI 2.1 bằng cổng 2.0 rẻ hơn.
Dòng A1 sẽ tập trung vào người mê phim và truyền hình, bỏ qua những game thủ có thể dùng các mẫu OLED khác của LG. Đây là cách tiếp cận hiệu quả nếu mức giá hợp lý. Dòng A1 có thể đánh dấu lần đầu TV OLED có giá dưới 1.400 USD và tấn công thẳng vào phân khúc tầm trung của LCD.
Công nghệ LCD/LED thế hệ tiếp theo có thể thúc đẩy cuộc chạy đua độ sáng tốn kém và bỏ xa OLED trong nhiều năm nữa. Nhưng khi đó, các dòng OLED đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường TV tầm trung. Nói cách khác, những thông tin cho rằng OLED sắp bị khai tử dường như chỉ là phóng đại.
Nhu cầu tăng cao, ngành công nghiệp bán dẫn 'hốt bạc' Giá của chất bán dẫn dự kiến sẽ tăng do năng lực sản xuất thiếu hụt so với nhu cầu dành cho chúng, buộc các công ty phải thông báo cho khách hàng của họ về việc tăng giá. Ngành công nghiệp bán dẫn "hốt bạc" do nhu cầu tăng cao Báo cáo từ The Elec cho thấy nhà sản xuất chip theo...