Mình là ‘đôi chân, cánh tay’ của bạn
Mấy năm nay, thầy cô, bạn bè quen thuộc với hình ảnh Hoàng Gia Huy đẩy xe lăn đưa bạn Hà Phước Hậu (cả hai học lớp 5A Trường tiểu học Thái Phiên, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ra vào lớp, đưa đi vệ sinh, rồi giúp bạn trong học tập.
Mỗi ngày trên lớp, Huy luôn đẩy xe lăn giúp bạn trong học tập, đi vệ sinh – Ảnh: LÊ TRUNG
Hậu (14 tuổi) là cậu học trò bị tật nguyền bẩm sinh, cuộc sống gắn với chiếc xe lăn nhưng đời em không bất hạnh bởi bên cạnh lúc nào cũng có Huy (11 tuổi), cậu bạn cùng lớp nguyện làm đôi chân, cánh tay cho mình.
Nguyện làm “chân tay” cho bạn
Giờ ra chơi, đám trẻ trong các lớp ùa ra như đàn chim vỡ tổ. Huy nhẹ nhàng đẩy chiếc xe lăn đưa Hậu vào nhà vệ sinh, rồi đưa bạn ra sân trường chơi cùng đám bạn. Cơn bão Chanchu năm 2006 đã cướp lấy người cha khi mẹ Hậu mang thai em tròn hai tháng. Hậu sinh ra với hình hài không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Em bị khuyết tật bẩm sinh, chân tay co quắp. Trải qua nhiều lần phẫu thuật chỉnh hình, Hậu vẫn chẳng thể nào đứng được bằng đôi chân của mình, phải gắn cuộc đời trên chiếc xe lăn.
Rồi Hậu học lớp 1 dù hơn những người bạn cùng lớp đến ba tuổi. Lúc đầu đến trường, mẹ phải chở xe và bồng em vào lớp. “Nhìn Hậu bị tật nguyền như vậy, em thương bạn lắm nên muốn giúp đỡ bạn” – Huy tâm sự.
Thương bạn, Huy xin ngồi cùng bàn rồi giúp đỡ Hậu trong việc học. Suốt những năm qua, lúc nào bên Hậu cũng có Huy giúp những việc mà bạn không tự làm được. “Những lúc lên bảng làm bài tập, em phải ngồi xe lăn rồi đọc những cách giải bài của mình để bạn Huy viết lên bảng giúp” – Hậu bộc bạch.
Cứ đầu năm học, lúc thầy chia vị trí ngồi thì Huy đều có nguyện vọng xin ngồi cạnh để giúp Hậu. Hậu học yếu hơn, Huy là học sinh xuất sắc nên lúc nào cũng kề bên kèm bạn học, chỉ bảo tận tình những bài vở, kiến thức bạn chưa hiểu. Nhiều thầy cô, bạn bè bảo vui rằng ở trên lớp Huy cứ như đôi chân, cánh tay của Hậu.
Video đang HOT
Tan học, Huy thu dọn sách vở, dụng cụ học tập giúp bạn – Ảnh: LÊ TRUNG
Như đôi chim sẻ
Huy tâm sự rằng chẳng biết vì lý do gì, thấy Hậu bị tật nguyền như vậy nên em thương và quý mến bạn. Trong cuộc sống Huy luôn chia sẻ, trò chuyện, an ủi lúc bạn buồn. Nhiều buổi tan học, mẹ chưa kịp đến chở Hậu do bận việc, Huy ngồi cùng bạn ở sân trường trò chuyện, chờ mẹ đến đón bạn xong rồi mình mới đạp xe về nhà. “Huy tốt bụng lắm, em rất vui vì có người bạn ấy bên cạnh mình” – Hậu nói.
Tan học, bà Nguyễn Thị Lài (41 tuổi, mẹ Hậu) chạy xe máy vào sân trường đón con. Bà nhẹ nhàng bồng con đặt lên xe, còn Huy chạy vào lớp lấy cặp, mũ đem ra cho bạn. Chờ mẹ Hậu chở bạn về, Huy mới lấy xe đạp về nhà. “Không biết vì duyên cơ nào mà gắn hai đứa nó lại với nhau nhiều năm nay như đôi chim sẻ vậy.
Có Huy bên cạnh giúp đỡ Hậu, tui yên tâm lắm” – bà Lài bộc bạch.
Bà kể Hậu sinh ra bị tật nguyền, lại thiếu vắng tình thương của cha, bà thương con lắm. Dù đi đứng không được nhưng Hậu vẫn muốn đến trường, được học cùng bạn.
Nhiều lúc hỏi con ước gì, Hậu nói muốn đứng lên và đi lại được như các bạn. Những lúc đó, người mẹ nước mắt chực trào. “Lúc đầu sợ con bị tật nguyền như vậy việc học khó khăn, nhưng thấy có Huy và thầy cô luôn tận tình giúp đỡ con mình, tui mới đỡ lo phần nào” – bà Lài nói.
Huy nói rằng muốn lên cấp II vẫn được học chung lớp với Hậu để giúp đỡ bạn trong việc học. “Được giúp và thấy bạn tiến bộ trong học tập, em vui lắm” – Huy bộc bạch.
Điểm sáng
Thầy Hoàng Văn Cư, hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Phiên, cho biết những năm qua, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho Hậu học hành, thường hay dành những suất học bổng, kêu gọi quyên góp hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, áo quần cho Hậu. “Còn riêng Huy năm nào tổng kết năm học nhà trường đều tuyên dương, trao giấy khen, phần thưởng cho em vì đã giúp đỡ bạn trong học tập, em là điểm sáng của phong trào giúp bạn đến trường” – thầy Cư nói.
Tình bạn tuổi học trò
Thầy Đỗ Minh Ninh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, kể rằng Hậu bị khuyết tật ngồi xe lăn, chân tay co quắp nên việc học của em rất khó khăn. Ai cũng xúc động khi chứng kiến mỗi ngày Huy luôn kề bên giúp bạn trong học tập, chia sẻ buồn vui với bạn. “Tình bạn của hai em làm những người lớn như chúng tôi cũng phải học hỏi. Thấy bạn như vậy không những không xa lánh mà Huy còn bên cạnh động viên, giúp đỡ. Đó là điểm sáng của tình bạn đẹp tuổi học trò, cần được nhân rộng” – thầy Ninh chia sẻ.
"Học sinh không được lưu ban quá 1 lần trong một lớp học"
Đây là một trong 5 nội dung quy định về tuổi học sinh trong trường trung học tại dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý.
Ảnh minh họa
Theo đó, tuổi của học sinh trường trung học trong Dự thảo được quy định như sau:
1. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.
2. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.
3. Học sinh không được lưu ban quá 01 lần trong một lớp học.
4. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn gồm thành phần: đại diện của Lãnh đạo trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định.
5. Học sinh trong độ tuổi THCS, THPT ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường THCS hoặc trường THPT tại nơi cư trú hoặc trường THCS và THPT ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.
Dự thảo cũng quy định quyền của học sinh gồm các quyền, được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể thao của nhà trường theo quy định.
Đồng thời, được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình, được quyền học chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành, được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định.
Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện, được giáo dục kỹ năng sống. Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Các quy định về nhiệm vụ và quyền của học sinh trong Dự thảo cũng quy định về nhiệm vụ của học sinh, hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của học sinh, các hành vi học sinh không được làm, khen thưởng và kỷ luật.
Dự thảo đăng tải lấy ý kiến góp ý đến ngày 21/7/2020.
Học sinh có thể vào học lớp 6, lớp 10 trước tuổi Theo dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bộ GD-ĐT mới công bố, học sinh có thể vào học lớp 6 và lớp 10 trước tuổi cũng như được học vượt lớp ở cấp học. Học sinh có thể được vào học lớp 6 và lớp 10 trước tuổi - ẢNH T.N Bộ GD-ĐT mới công...