Minh bạch và dân chủ trong lựa chọn SGK
Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK có quy định rõ thành phần lựa chọn SGK. Trong đó đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GD phổ thông là thành viên có vai trò quyết định.
Ảnh minh họa/INT
Điều này cho thấy tính minh bạch, dân chủ và đòi hỏi phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành phần trong việc chọn ra một bộ SGK phù hợp nhất cho HS.
Cha mẹ sẽ biết con học gì?
Bà Nguyễn Thanh Hà – Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8A7 Trường THCS Đống Đa – Hà Nội cho rằng: Việc đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của cơ sở GD phổ thông được tham gia vào thành phần lựa chọn SGK của lớp vô cùng quan trọng và thể hiện tính công bằng, minh bạch. Mặt khác, người tham gia nhất định phải có sự tìm hiểu, hiểu biết, phát huy trách nhiệm cao bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình dạy học của GV mà quyết định con em mình nhận được kiến thức, kĩ năng gì trong học tập.
Trước khi tham gia, người đại diện cần dành thời gian để tìm hiểu những thông tin về SGK mới, cùng trao đổi lắng nghe và tham khảo ý kiến của những phụ huynh khác. Quá trình tham gia lựa chọn, không những cần lắng nghe cảm nhận mà còn dám đưa ra ý kiến phản biện riêng. Không nên chỉ xuất hiện cho đủ thành phần hoặc quyết định theo sự nể nang, chỉ đạo ngầm… Phát huy được vai trò trách nhiệm của đại diện Ban đại diện CMHS là việc cần thiết để lựa chọn ra bộ sách tốt nhất cho HS.
Cũng tán thành với việc tham gia của đại diện Ban đại diện cha mẹ HS trong hội đồng lựa chọn SGK, anh Nguyễn Xuân Thanh có con học lớp 1 và lớp 6 Trường Tiểu học Quỳnh Mai và THCS Quỳnh Mai – Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ: Trước nay, con bước vào năm học mới chỉ biết đi mua SGK mà ít khi để ý con sẽ học kiến thức gì, đạt được những kĩ năng nào qua SGK. Chính vì vậy, đôi khi việc theo dõi những kết quả học tập của con còn rất hạn chế và thậm chí “dựa” vào các thầy cô giáo tại trường.
Video đang HOT
Phát huy được vai trò trách nhiệm của đại diện Ban đại diện CMHS là việc cần thiết để lựa chọn ra bộ sách tốt nhất cho HS. Ảnh minh họa/ INT
Khi việc chọn SGK đòi hỏi có trách nhiệm nghĩa vụ của phụ huynh HS trong đó, chắc chắn dù ít thời gian cũng sẽ quan tâm SGK đó của NXB nào? Có ưu điểm gì so với các SKG khác? Từ việc phân tích tìm hiểu nhất định cũng biết được SGK nào phù hợp với năng lực, mong muốn học tập của con em mình.
Thể hiện tính dân chủ, minh bạch
Nói về vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS trong thành phần lựa chọn SGK mới từ năm học 2020 – 2021, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: SGK mới trong Chương trình GD phổ thông 2018 mang xu hướng chương trình mở, SGK mở. Thể hiện ở chỗ các nội dung được thiết kế trong SGK sử dụng các nguồn học liệu mở. Vì vậy SGK viết ra vừa cho GV, HS và các lực lượng xã hội trong đó có phụ huynh HS cùng đồng hành với các con trong học tập.
Mặt khác, xét về vấn đề chuyên môn, cha mẹ cần phải có một phần quyền lợi và trách nhiệm để biết rằng con em mình học gì, các thầy cô đang dạy con em mình học cái gì?
Đặc biệt, sự xuất hiện của Ban đại diện cha mẹ HS trong thành phần lựa chọn SGK thể hiện sự minh bạch và công bằng dân chủ khi SGK là sản phẩm được lựa chọn bởi hội đồng nhà trường, lưu hành với tư cách hàng hóa mà người mua là cha mẹ HS được quyền lựa chọn chính mặt hàng mong muốn. Ban đại diện CMHS trong thành phần lựa chọn SGK thể hiện tính dân chủ, minh bạch cao trong quá trình thực hiện chọn lựa SGK mới.
Đức Trí
Theo giaoducthoidai
Đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK
Hiện nay, các trường học tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đang tích cực triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo chọn được bộ sách phù hợp, kịp thời khi bắt đầu năm học 2020-2021.
Ảnh minh họa/internet
Hỗ trợ, tư vấn, giám sát việc chọn sách giáo khoa
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò quyết định trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Vậy để lưạ chọn được sách giáo khoa phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 3 của thông tư này, bà Nguyễn Thị Phong Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), mỗi cơ sở giáo dục phổ thông cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Thông tư 01/2020/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT và những quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.
Đồng thời, thành lập hội đồng lựa chọn sách theo như hướng dẫn tại Điều 4,5,6 của thông tư. Hội đồng làm việc theo đúng nguyên tắc được quy định. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải theo đúng quy trình được Bộ GD&ĐT hướng dẫn.
Sau khi đã lựa chọn được danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông thì cần công bố công khai và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa với Phòng GD&ĐT.
"Cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn sách của mình" - bà Nguyễn Thị Phong Lan nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn, đại diện phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy nhấn mạnh đến việc xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo lộ trình và phù hợp với nhu cầu và điều kiện, phong tục tập quán của địa phương, đơn vị theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu kĩ chương trình các môn học, danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giao dục phổ thông ban hành theo văn bản số 4507/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/11/2019 của Bộ GD&ĐT. Yêu cầu các cơ sở giáo dục đăng ký mua đủ các bộ sách giáo khoa Bộ GD&ĐT đã phê duyệt để cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu từ đó tiếp cận các nội dung sách giáo khoa và biết được ý tưởng của tác giả khi thể hiện chương trình trong sách giáo khoa. Làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền đến phụ huynh yên tâm cho con em học bộ sách giáo khoa mà hội đồng lựa chọn.
Phòng GD&ĐT cũng sẽ thành lập các tổ tư vấn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục để các cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực thực tế của địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục báo cáo UBND huyện và Sở GD&ĐT.
Các đơn vị cùng vào cuộc, không chỉ cơ sở giáo dục
Nhận định, Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã có những định hướng khá cụ thể trong việc thành lập Hội đồng, tổ chức và lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Minh Tường - Bí thư huyện ủy huyện Thanh Thủy cho biết:
UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT trong việc tham mưu chọn SGK đảm bảo phù hợp theo yêu cầu cầu của địa phương; đồng thời đề xuất kinh phí để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới một cách hiệu quả nhất, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ và thiết bị tối thiểu theo quy định. Trong đó phải đảm bảo yêu cầu về lựa chọn và tập huấn đội ngũ giáo viên một cách đầy đủ nhất.
Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch hoạt động, ban hành văn bản hướng dẫn các phòng, ngành, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện tham gia nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn lựa chọn sách giáo khoa phụ hợp.
"Triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa mới, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chức năng niệm vụ của mình. Theo đó, phòng GD&ĐT hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa quy định của Bộ GD&ĐT.
Phòng Kế hoạch- Tài chính: Cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện: Thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp nhân dân và phụ huynh hiểu đúng chủ trương của nhà nước về đổi mới giáo dục phổ thông, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, từ đó yên tâm cho con em học theo bộ sách giáo khoa đã được hội đồng của các cơ sở giáo dục lựa chọn" - ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
Hiệu trưởng quyết định danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong trường học Thông tư cũng nêu rõ, Hiệu trưởng công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong trường và niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học SGK mới Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa...