Minh bạch dạy thêm học thêm
Bộ GDĐT vừa có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề xuất về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều băn khoăn đang được đặt ra, liệu “luật” hóa việc dạy thêm học thêm có giảm được tình trạng học sinh bị “ép” học thêm tự nguyện như hiện nay? Nếu phát hiện có sai phạm thì chế tài xử lý có đủ mạnh để răn đe hay không? Từ số này, Báo Đại Đoàn kết đăng loạt bài với mong muốn minh bạch dạy thêm học thêm.
Bài 1: Để học thêm không thành bắt buộc
Với những HS tiểu học, học bán trú cả ngày trên lớp cũng đã là quá tải.
Trong văn bản vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT cho rằng: Việc dạy thêm học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Bộ GDĐT đánh giá, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Khó xử lý?
Theo Bộ GDĐT, quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Video đang HOT
Với mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này, Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, sau khi được bổ sung hoạt động về dạy thêm, học thêm vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư.
Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.
Trước đó, năm 2019 Bộ GDĐT đã ban hành văn bản về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm học thêm. Theo đó, chiều theo quy định thì cho đến thời điểm này nhiều địa phương vẫn ngưng việc cấp phép dạy thêm học thêm.
Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, năm 2019, theo thống kê của Sở GDĐT trên cổng thông tin điện tử, thành phố có 282 đơn vị được cấp giấy phép dạy thêm, học thêm tại 338 địa chỉ. Và địa phương này cũng đã ngưng tiếp nhận cấp phép dạy thêm, học thêm với những trường hợp mới do một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã hết hiệu lực.
Trước đề xuất “luật” hóa việc dạy thêm, học thêm mới đây của Bộ GDĐT, nhiều người có chung câu hỏi: Liệu việc quản lý hoạt động này có thực sự tốt lên như kỳ vọng hay không?
Những băn khoăn ấy không phải không có cơ sở, bởi thực trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã tồn tại nhiều năm qua. Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường thì được ràng buộc bằng “đơn tự nguyện” học thêm. Và gần như đại đa số phụ huynh viết đơn “tự nguyện” với mong muốn con mình được thầy/cô quan tâm hơn.
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, hiện việc nhiều giáo viên mở lớp dạy “chui” tại nhà gần như là phổ biến, từ bậc tiểu học tới bậc THCS. Ở một số khu vực tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều các KĐT mới như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… do trường lớp quá tải, học sinh phải nghỉ học luân phiên, nên cung- cầu học thêm đã trở thành đương nhiên. Đa phần phụ huynh mang tâm lý thời gian học tập ở trường bị rút ngắn, cần cho con đến học thêm ở nhà cô để được bổ sung kiến thức. Trong khi đó, thường niên Sở GDĐT đều có những văn bản “siết” quản lý dạy thêm học thêm trong dịp hè…
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Cũng trong năm 2019, nhân câu chuyện ngưng cấp giấy phép về dạy thêm học thêm thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên tiếp tục ngưng cấp vĩnh viễn giấy phép dạy thêm, học thêm này không?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Dục Quang- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, Chương trình, sách giáo khoa (SGK) được viết cho giáo dục phổ thông (GDPT), dành cho số đông học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Còn những em có khả năng hơn thì gia đình cần đầu tư thêm bằng các cách khác nhau như tăng cường các tiết học nâng cao, học thêm…
Trường chuyên lớp chọn chỉ dành cho một số ít học sinh nên không thể yêu cầu giáo dục đại trà ôm đồm cả các kiến thức hàn lâm, vì số đông học sinh sẽ khó tiếp thu được cũng như tính ứng dụng trong thực tế không nhiều.
Còn GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc kỹ thuật Dự án Chương trình và SGK mới (Bộ GDĐT), cho biết: Phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau. Mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên ở trên lớp, giáo viên cần cố gắng truyền đạt hết các kiến thức mà chương trình và sách giáo khoa yêu cầu. Đảm bảo nhận thức chung tất cả các em đều cần phải đạt được về kiến thức, kỹ năng.
Tuy nhiên, thời gian học tập trên lớp có hạn với số lượng học sinh khá đông nên không thể yêu cầu vừa kèm cặp cho học sinh yếu khá hơn, vừa dạy kiến thức nâng cao cho học sinh khá giỏi. Cũng tương tự như việc giao bài tập về nhà cần phù hợp với lứa tuổi nhận thức và trình độ của học sinh. Nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến con cái mỗi ngày đều ngập trong núi bài tập, sách vở đến mức… sợ học.
Xung quanh đề xuất về “luật” hóa dạy thêm học thêm, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Bộ GDĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch – Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình GDPT vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường quản lý hoạt động này.
Học thêm là nhu cầu chính đáng của một bộ phận phụ huynh và học sinh. Song để việc dạy thêm không trở thành gánh nặng hay nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh, của xã hội thì việc đi học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của chính người học chứ không phải từ người dạy. Trách nhiệm của các cấp quản lý là phải kiểm tra được chất lượng dạy học của giáo viên đứng lớp đối với học sinh? Liệu có tình trạng cố tình bớt giờ dạy hay không? Cố tình không giảng hết cho học sinh để buộc học sinh phải đi học thêm không? Bao giờ thì chấm dứt nạn phải làm đơn tự nguyện xin học thêm? Câu hỏi này cần ngành giáo dục sớm trả lời.
(Còn nữa)
Đừng biến giáo viên thành 'thợ dạy'
Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giáo dục, ThS.Nguyễn Quốc Vương cho rằng, thay vì đề nghị dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện để rồi bắt thầy cô dạy thêm đăng ký thì việc cần làm là tách dạy thêm, học thêm ra khỏi nhà trường.
ThS. Nguyễn Quốc Vương
Theo ông Vương, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả hai bên và rất bình thường nếu như giáo viên không đóng vai song trùng: vừa dạy học sinh ở trường phổ thông, vừa dạy ở trung tâm hay ở nhà.
Khi song trùng, giáo viên có thể mải dạy thêm thay vì dạy ở trường, đối xử không công bằng giữa học sinh học thêm và không học thêm. Theo ThS. Nguyễn Quốc Vương, có ý kiến cho rằng, cần phải công bằng, bác sĩ đương chức còn mở được phòng khám, làm tại phòng khám thì sao giáo viên không được dạy thêm. Khi bác sĩ đóng vai song trùng, y tế nước nhà sẽ lẹt đẹt và bệnh viện sẽ có rất nhiều tiêu cực. Hình ảnh y bác sĩ cũng sẽ méo mó.
Ở Việt Nam, giáo viên, bác sĩ trong biên chế, hợp đồng dài hạn ở các trường công, bệnh viện công còn là viên chức. Khi là viên chức mà lại có thể làm thêm và có thu nhập bên ngoài là điều vô cùng kì quặc vì nó vi phạm tính chất "công" của nghề nghiệp họ phụng sự. Tuy nhiên, ông Vương nói mâu thuẫn ở đây là "làm sao sống được bằng lương".
Cả nghề y và nghề giáo có lương rất thấp. Tuy nhiên, không thể lấy cái sai, cái phản tiến bộ để biện minh vì cuối cùng chính người muốn biện minh sẽ trở thành nạn nhân trong một "chuỗi thức ăn" không đầu không cuối. Điều cần đấu tranh và phấn đấu cho bác sĩ, giáo viên và các viên chức, công chức có thể sống được bằng lương và làm việc hết bổn phận để phụng sự dân. Nếu giáo viên, bác sĩ còn đóng vai song trùng và cơ quan quản lý duy trì kẽ hở họ có thể bù đắp phần thiếu hụt trong sinh hoạt chi tiêu bằng dạy thêm, khám thêm thì tình trạng nhốn nháo, phập phù sẽ còn tồn tại.
Theo ông Vương, nếu không tách được vấn đề dạy thêm ra khỏi các trường học, thì dù bất cứ với quy định, luật lệ nào thì các trường vẫn biến tướng thành trung tâm luyện thi trá hình. "Nên nhớ những giáo viên dạy thêm được là các giáo viên có vị thế ở trường, có thâm niên và dạy các môn chính hoặc là giáo viên chủ nhiệm tiểu học. Tức là những vị trí có khả năng ép, đẩy phụ huynh vào thế khó", ông nói.
Trong khi đó, giáo viên ở trường phổ thông là người làm giáo dục, giáo viên ở trung tâm là bồi dưỡng kiến thức-luyện thi, hai yêu cầu khác nhau. Làm giáo dục cần toàn tâm toàn ý và nghĩ đến cái xa là triết lý, mục tiêu giáo dục, còn luyện thi nó thiên về kĩ năng, kiến thức. "Chính vì lẫn lộn hai yêu cầu này mà giáo viên Việt Nam thành thợ dạy không tầm nhìn, không triết lý, làm việc như cái máy kiếm tiền và hiểu lầm ai dạy thêm tốt, nhiều học sinh là giáo viên giỏi", ThS. Vương nói.
Đưa dạy thêm vào luật để làm gì? Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của...