Miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao
Những ngày cuối năm, đặt chân lên vùng cao huyện Như Xuân (Thanh Hóa), chứng kiến tận mắt cảnh sống của những giáo viên miệt mài bám bản “gieo mầm” những ước mơ cho học sinh vùng cao mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ.
Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng đưa chúng tôi đến với xã Thanh Lâm, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này, toàn xã có 658 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó có tới 345 hộ thuộc diện nghèo. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, địa bàn rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn…
Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh (HS) nơi đây cũng khó khăn không kém. Nhưng bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày miệt mài dạy con chữ cho học trò.
Đường lên Trường THCS Thanh Lâm (huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Chúng tôi ghé thăm Trường THCS Thanh Lâm vào những ngày cuối năm, đón chúng tôi là thầy Trương Văn Thanh, hiệu trưởng nhà trường,người đã có hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục và cũng chừng ấy năm, thầy gắn bó với bà con vùng cao.
Thầy Thanh chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in ngày đặt chân lên với vùng đất sáu Thanh này (là 6 xã có cùng cùng vần Thanh – PV), tài sản không có gì đáng giá ngoài một chiếc xe đạp cà tàng, mấy bộ quần áo… Lúc đầu khi chưa đến đây thì hăm hở lắm, đến nơi rồi mới thấy sợ cuộc sống nơi đây”.
Giọng thầy Thanh trầm xuống khi nghĩ về những ngày đầu gian khổ gieo chữ nơi miền sơn cước này: “Khi đến đây, cơ sở vật chất chẳng có gì, những người như chúng tôi phải ở nhờ nhà dân quanh trường, trường lớp thì toàn bằng tranh tre, nứa lá, các em học sinh thì đói nghèo, vất vả. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính, do đường xá khó khăn, biệt lập với trung tâm huyện”.
“Có lên đây, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những cảnh khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao này. Nhiều thầy cô không chịu được cuộc sống khổ cực, dạy được một thời gian thì chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ cả nghề vì không sống được với vùng đất “cái gì cũng thiếu”, điện không, nước sinh hoạt không…, muốn có nước dùng phải đi vào tận trong núi cách trường 2 – 3km để gánh nước, tối đến muốn soạn giáo án phải dùng nến, dùng đèn dầu” – thầy Thanh cho biết thêm.
Video đang HOT
Thầy Thanh đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của trường.
Sau bao nhiêu năm cắm bản gieo chữ, giờ thầy Thanh như đã trở thành một người dân bản địa thực thụ, thầy đã thuộc làu từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng. Sự học ở vùng cao đã có nhiều đổi thay khi các chương trình 134, 135 của Chính phủ đến được với vùng cao, trường lớp đã được kiên cố hóa, đường xá đi lại thuận lợi hơn…
Tuy nhiên cuộc sống ở vùng cao vẫn còn đó những khó khăn, gian khổ. Đời sống GV vẫn “thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy”, nhiều GV còn hưởng mức lương thấp, đặc biệt là những GV hợp đồng với đồng lương chỉ 816.000đ/tháng. Với đồng lương đó lo cho bản thân đã khó chứ nói gì đến gia đình, con cái… Nhưng có lẽ tình yêu nghề, niềm vui được truyền con chữ cho những đứa trẻ nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho họ.
Thầy giáo Đỗ Trọng Tư, GV dạy môn Toán của trường, đón chúng tôi với đôi bàn tay lạnh cóng. Thầy Tư lên vùng cao đã 6 năm, còn vợ con ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Thường hàng tháng trời thầy mới về thăm gia đình một lần. Căn phòng tập thể nơi thầy Tư ở với bức tường vôi loang lổ, ố màu. Một cái bếp gas cá nhân cùng với vài cái nồi nhỏ nơi góc phòng, đối diện là chiếc giường đơn cũ, chiếc chăn bạc phếch gấp vuông vắn, gọn gàng bên cạnh mấy cuốn sách giáo khoa.
Cũng giống thầy Tư, thầy Trịnh Nam Giang, gia đình ở thành phố Thanh Hóa, thầy Hà Hữu Thu, gia đình ở huyện Nông Cống… và rất nhiều các thầy cô khác trong trường đang vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em HS.
Những luống rau được các giáo viên ở đây gieo trồng để phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn, khi chúng tôi hỏi về việc thưởng hay quà Tết cho các cán bộ GV ở đây thì thầy Thanh cho biết, công đoàn hỗ trợ số tiền 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng cho mỗi GV. Vậy mà các thầy cô nơi đây còn trích từ đồng lương của mình một số tiền nhỏ để mua quà tặng cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chia tay các thầy cô giáo Trường THCS Thanh Lâm – những người vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng mà chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét thấu xương nơi miền sơn cước. Những tháng ngày phía trước, các thầy cô nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài ươm mầm ước mơ cho những trẻ nghèo vùng cao…
Theo dân trí
Tiếng kẻng "gọi trò" ở Thào Xua Chải
Hơn 10 năm lặn lội cùng thầy cô "cắm bản", Sùng A Vàng chưa một ngày "tắt lửa" niềm đam mê mang con chữ về bản.
Khi sân trường vắng tiếng kẻng
Điểm trường Thào Xua Chải ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn lặng như tờ,mặc dù khai giảng đã lâu. Thầy Phùng Quang Sáng và vợ là cô giáo Ngụy Thanh Hương, lên đây dạy học từ ngày đầu tiên thành lập điểm trường vào năm 1998, chưa bao giờ thấy xót xa như thế khi chứng kiến cảnh tượng này. Ngày trước, trường còn ở dưới chân núi, tình trạng thiếu học sinh là chuyện thường tình, vì bà con dân tộc Mông ở Nậm Có chỉ sống trên cao. Giờ trường chuyển lên cao cho thuận lợi, học sinh lại còn ít hơn.
Nhớ ngày đầu điểm trường này thành lập, thầy đã nghĩ ra cách treo một chiếc kẻng làm từ mảnh vỡ của quả bom để gọi học sinh. Nhưng càng gọi càng thiếu bóng các em, vì ngay từ lúc nhỏ chúng đã phải theo cha mẹ lên nương.
Nhiều đêm, cô Hương gục vào vai chồng nức nở. Cô khóc vì thương hoàn cảnh các em nghèo quá, bố mẹ chúng không đủ gạo nuôi con tới trường. Cô cũng khóc vì làm giáo viên mà không có học sinh. Vậy là hai vợ chồng cứ ngày nọ, tháng kia nhìn chiếc kẻng treo trên cột lớp buồn tênh. Nhưng vẫn có 2 học sinh dân tộc Mông gần trường ngày ngày đến lớp. Chúng là con của Sùng A Vàng. Cả Thào Xua Chải chỉ có Sùng A Vàng nói sõi tiếng phổ thông.
Học sinh ở Thào Xua Chải.Sân trường Thào Xua Chải chỉ còn lại chiếc kẻng. Thi thoảng, vài đứa trẻ con sang đánh leng keng. Sùng A Vàng đã nhiều lần đứng trước chiếc kẻng đó. Anh biết điểm trường này chỉ có 2 đứa học sinh. Và anh quyết định cho con mình nghỉ học, vậy là sân trường chỉ còn lại chiếc kẻng sắt đìu hiu trong lặng ngắt.
"Để tao dạy tiếng Mông cho thầy cô"
Đã bao nhiêu lần thầy, cô lên các bản như Làng Giàng, Tà Ghênh để vận động học sinh tới lớp nhưng đều không có kết quả vì chưa quen địa bàn, không hiểu và nói được tiếng của người Mông. Có nhiều gia đình học sinh ở rất xa, đi bộ nửa ngày đường chưa tới nơi, thậm chí phải ngủ lại nếu gặp trời mưa. Sau này, nhiều thầy cô được tăng cường lên đây cũng không thể cải thiện được tình hình.
Một lần, khi đang làm nương, Sùng A Vàng thấy thầy Trịnh Văn Hoàng và những giáo viên khác đang trao đổi, vận động để ông Giàng Seo Vảng cho con tới lớp, nhưng họ nói câu gì ông Vảng cũng lắc đầu không hiểu. Sùng A Vàng vội chạy xuống bảo: "Thầy cô, để tao nói cho". Anh dùng tiếng của đồng bào để truyền đạt lại lời thầy Hoàng cho ông Giàng Seo Vảng hiểu và ông này gật đầu liên tục.
Mấy hôm sau, ông Vảng trực tiếp dẫn con mình tới lớp, theo sau còn có mấy cặp gia đình khác. Lớp học từ đó dần đông hơn. Thế là thầy cô đã hiểu, bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất không chỉ trong công tác tuyên truyền, vận động mà còn khiến họ "bất lực" khi lên lớp dạy chữ cho các em.
Sùng A Vàng xuống nói với thầy cô trong trường: "Muốn đông học sinh thì phải biết tiếng của nó đấy. Từ ngày mai, để tao dạy chữ cho thầy cô, dạy xong tao lại đưa thầy, cô xuống bản vận động. Khi nào bọn mày nói sõi tiếng Mông rồi thì tự mà đi". Sau lần ấy, mỗi khi xuống nương, đêm nào Sùng A Vàng cũng xuống điểm trường Thào Xua Chải để dạy tiếng Mông và học tiếng Kinh. Hôm sau, anh lại cùng mọi người trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động các em.
Đời sống của bà con ở đây rất nghèo. Phần lớn giáo viên phải quyên góp tiền lương mua sách vở, quần áo cho các em nhưng chúng vẫn nghỉ học ở nhà trông em hoặc lên nương kiếm cái ăn cùng bố mẹ. Đội ngũ giáo viên trong điểm trường đều là người miền xuôi nên không am hiểu hết phong tục, tập quán của bà con.
Suốt trong 3 năm, người ta vẫn thấy Sùng A Vàng đồng hành cùng thầy cô lặn lội đêm ngày đến các gia đình vận động các em tới học chữ. Nhiều người không nghĩ anh là một người Mông, mà tưởng rằng là một thầy giáo ở dưới xuôi lên nhận công tác. Do thông thạo địa hình, cùng là người Mông nên việc tuyên truyền của anh đem lại kết quả rất cao.
Nhớ ngày đầu, lớp học chỉ có 2 - 3 học sinh, thậm chí có lúc chỉ còn lại mỗi chiếc kẻng, vậy mà giờ đây học sinh đua nhau đến học. Nhiều gia đình ở xa, bố mẹ phải đưa con đi và giờ học họ cũng ngồi luôn trong lớp, thành ra người lớn cũng biết tiếng phổ thông nhiều hơn. Trưởng bản Giàng A Dê họp dân bản lại và thống nhất bầu Sùng A Vàng vào Ban bảo trợ giáo viên, vừa làm công tác tuyên truyền vận động, vừa cùng giáo viên đứng lớp để phiên dịch "song ngữ" cho cô và trò.
Sùng A Vàng và vợ bên chiếc kẻng.
Tình nguyện vì con chữ vùng cao
Mặc dù chưa nhận được một đồng lương nào, nhưng Sùng A Vàng vẫn miệt mài với công việc. Thương anh vất vả, một số thầy cô đã góp tiền, gạo, muối để ủng hộ anh chút ít nhưng anh không nhận. Anh bảo: "Tao nhận gạo này khác nào tao "cướp" cơm của dân bản tao. Vì không nhận, tao biết thầy cô cũng cho học sinh dân bản thôi".
Tôi lặng lẽ nhìn theo Sùng A Vàng lấy từng đoạn xích xe đạp cuốn chặt vào chiếc lốp "Con Uây Tàu". 2h sáng nay anh mới xuống núi, vậy mà giờ lại lên đó ngay. Có lẽ cái bụng rỗng tuếch kia đang sôi lên ùng ục vì đói và rét. Đường vùng cao là thế, chỉ mưa một tí đã trơn như đổ mỡ, nên phải cuốn xích xe đạp vào bánh xe máy để làm tăng ma sát. Từ ngày thành lập trường đến nay, đã 13 năm anh cùng thầy cô lặn lội tới trường. Vợ anh ở nhà một mình nuôi các con, để chồng giúp thầy cô đem cái chữ về cho bản làng.
Thế mới biết hành trình đến với cái chữ của người vùng cao vất vả như thế nào. Điểm trường Thào Xua Chải hiện nay đã khá đông học sinh và tất cả các em đều là dân tộc Mông. Hơn 10 năm lặn lội từ ngày còn là một chàng thanh niên, đến nay, Sùng A Vàng vẫn chưa một ngày "tắt lửa" niềm đam mê ấy. Hôm nay, anh và các thầy cô giáo nơi đây đã không còn vất vả lặn lội đêm ngày để gõ cửa từng nhà tìm học sinh, bởi chiếc kẻng treo nơi sân trường chỉ cần "thỉnh lên", học sinh đã bảo nhau cắp sách xuống núi.
Theo Hoàng Nghiệp/Báo TNVN
Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí Cách đây hai năm trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Chùa Lá, Quận Gò Vấp - TP.HCM ra đời. Đây là nơi đào tạo cho hàng trăm học sinh, sinh viên có mong muốn trau dồi vốn ngoại ngữ nhưng lại không có tiền. Điểm khác biệt ở trung tâm là đào tạo cả 5 thứ tiếng (Anh - Hoa - Nhật -...